CUỘC VƯỢT BIÊN ĐẦY CAM GO CỦA GIA ĐÌNH TÔI.

Hồi nhỏ, tôi gia nhập Hướng Đạo tại trường Nguyễn Bá Tòng. Lúc đó, đoàn Sông Hồng do anh Quân làm đoàn trưởng đông quá nên đoàn chia làm 2: Thiếu Đoàn Sông Hồng và Thiếu Đoàn Bạch Đằng. Tôi thuộc Thiếu Đoàn Bạch Đằng do anh Đoàn Hải Đằng làm đoàn trưởng và anh Đoàn Đông Đằng làm đoàn phó. Tôi được cử làm đội trưởng đội Ngưu trong đó có Khải làm đội phó, Chương, Đại v.v. Sống và sinh hoạt trong một đội như vậy nên tôi và Chương rất thân thiết có khi còn hơn anh em ruột. Đoàn Sông Hồng luôn luôn nổi bật về chuyên môn nhất là về morse. Tôi, Khải và Chương rất tức nên chúng tôi ở nhà luyện morse rất nhiều để thi đấu cùng thiếu đoàn Sông Hồng.

Tôi còn nhớ hôm đó là đám cưới của anh Lộ kế bên nhà tôi nhưng tôi phải đi thi morse rồi mới về ăn đám cưới được. Kết quả cuộc thi morse, em Chương chỉ mang bảng nhận của em lên và cùng sai 3 chữ

với đoàn Sông Hồng nhưng đoàn Sông Hồng mang lên trước nên được hạng nhất. Nếu em Chương mang bảng của tôi chỉ sai một chữ thì kết quả lại khác. Tuy chúng tôi không được nhất nhưng từ đó thiếu đoàn Sông Hồng cũng nể thiếu đoàn Bạch Đằng chúng tôi.

Thế rồi, tôi trở thành đoàn trưởng thiếu đoàn Bạch Đằng. Em Chương trở thành đoàn phó còn Khải đậu tú tài phần hai đã đi du học ở Tây Đức.

Hôm đó, sau khi các phụ tá thi tú tài phần 1 và tú tài phần 2 xong nên dẫn đoàn đi cắm trại ở đình An Phú gần Thủ Đức. Tôi vì bận thi thời sinh viên nên không tham dự được. Chiều hôm đó, tôi vừa đi thi về em Chương hốt hoảng gặp tôi nói:

- Anh Thắng ơi! Thằng Sinh và thằng Quang chết rồi.

Tôi đứng chết trân và thật sự kinh hoàng sao lại như thế được. Em Chương kể cho tôi nghe: Hai em đi qua một chiếc cầu nhỏ, nhường đường cho một người đi đối diện bất ngờ em Quang là đội viên to con rớt xuống và không biết bơi. Em Sinh là đội

trưởng biết bơi nhảy xuống cứu nhưng vì nhỏ con không cứu nổi em Quang nên cuối cùng cả hai em cùng chết đuối thật bi thảm. Tôi vội vàng cất xe chạy lên nhà Bác Đạo ở hẻm trên. Vào nhà chúng tôi thấy bác Đạo khóc bù lu bù loa;

- Hết rồi cháu ơi! Hết rồi cháu ơi!

Tôi và Chương rơm rớm nước mắt biết nói gì đây trước sự cố như thế. Quang và Sinh là hai người con được bố mẹ rất thương yêu vì rất ngoan và hiền.

Đám ma hai em làm rúng động cả một khu phố. Đoàn chúng tôi phải tạm sinh hoạt một thời gian và không dám mặc đồ Hướng Đạo lại nhà Bác Đạo nữa vì khi thấy ai mặc quần áo Hướng Đạo bác Đạo gái lại khóc và kêu lên:

- Con ơi con mới về à.

Thế là chúng tôi không ai dám mặc đồng phục Hướng Đạo lại nhà Bác Đạo một thời gian. Chính vì sự kiện này mà Bác Đạo lại thương Chương nhiều hơn và coi như con ruột. Bẵng đi một thời gian tôi bận rộn vì sinh nhai trong cuộc sống nên ít sinh hoạt Hướng Đạo. Tôi và Bác Đạo nghe tin

Chương bị bắt. Muốn chuộc Chương ra phải tốn 4 cây vàng lúc đó. Tôi và Bác Đạo rất thương Chương nên cuối cùng Bác Đạo bỏ ra 2 cây và vợ tôi bỏ ra 2 cây để chuộc Chương ra. Mục đích tôi chuộc Chương ra là muốn Chương trở về miền Tây chụp gôn cho một đội nào đó để có một cuộc sống bình thường vì Chương chụp gôn rất hay. Không ngờ khi ra khỏi trại giam Chương lại nghĩ đến đóng ghe tìm đường vượt biên. Vợ tôi cũng giúp Chương rất nhiều trong vấn đề này.

Trước khi đi vượt biên, anh Lộ có gặp tôi và nói:

- Thắng! Em đi với anh đến gặp người này xem sao?

Tôi cũng ngạc nhiên đi theo anh Lộ xem sao? Người em này giỏi về tướng số và là em của người bạn anh Lộ. Nể tình anh Lộ dẫn mình vô làm nên người anh giới thiệu anh Lộ lại người em của mình rất giỏi về tướng số. Tôi và anh Lộ gặp người em. Anh Lộ hỏi:

- Em coi xem vấn đề đi đứng của anh như thế nào?

Em này bấm độn một hồi rồi nói:

- Anh chưa đi được đâu. Nhưng anh đi

về đi, người ta đã hủy chuyến đi rồi. Tôi và anh Lộ ngạc nhiên vì em Chương mới nói tối nay ra ghe mà. Khi chúng tôi đi về thì quả thật em Chương hủy chuyến đi thật. Lần thứ hai tôi và anh Lộ đến. Anh Lộ cũng hỏi:

- Em coi lại coi vấn đề đi đứng ra làm sao?

Sau khi bấm độn một hồi em này trả lời: - Anh mới đi an toàn trên sông thôi chớ

không an toàn trên biển. Nhưng anh đi

về đi người ta lại hủy chuyến đi rồi. Tôi và anh Lộ cũng ngạc nhiên vì em Chương mới nói chiều nay đi mà. Nhưng khi tụi tôi đi về thì em Chương lại hủy chuyến đi thật. Đến lần thứ ba thì em này sau khi bấm độn và nói với anh Lộ:

- Anh đi được rồi đó. Anh đi nhớ viết thơ về. Khi cực khổ anh là người cực khổ nhất nhưng khi huy hoàng anh lại là người huy hoàng nhất.

Đúng ngày đi xuống ghe lại là ngày tôi phải đi đá banh cho đội bóng tròn Ký Giả.

Tháng trước đội Ký Giả đi xuống đá giao hữu với đội lão tướng Bến Tre không có tôi vì tôi bận đi đá cho báo Tin Sáng. Đội bóng Ký Giả thua 0/3 nên lần này đội bóng Ký Giả tin tưởng vào tôi để rửa hận cho trận thua tháng trước. Thật sự, trong đội bóng Ký Giả chỉ có tôi là đá trung phong tương đối. Đa số các anh em ký giả đều đá banh ít chuyên nghiệp như tôi. Dù phải đi xuống ghe vượt biên chiều hôm nay nhưng tôi phải đi xuống Bến Tre đá cho đội bóng Ký Giả nếu không sẽ lộ chuyện tôi đi vượt biên. Kết quả đội Ký Giả thắng đội lão tướng Bến Tre 3/0. Mình tôi đá lọt 3 trái phục thù cho đội Ký Giả. Các anh em ký giả hoan nghênh tôi nhiệt liệt nhưng tâm trạng tôi lo lắng vì nghĩ đến cuộc vượt biên tối nay.Thật sự từ Bến Tre về Sài Gòn cũng không xa nên tôi cũng an tâm. Khi xe đi qua phà, thấy sóng gió đánh dữ quá, anh Cường thủ quân có nói:

- Sóng gió như vầy mà em nào đi vượt biên là tới số.

Sau câu nói của anh Cường làm tôi lo lắng không yên vì tối nay tôi xuống ghe đi vượt

biên.Vừa về đến nhà, tôi vội vã đi xuống ghe theo dự định.

Theo kế hoạch, chúng tôi là những thanh niên xung phong được lệnh đi trồng đước ở Huyện Duyên Hải. Chúng tôi hát cười vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Thế là ghe chúng tôi di chuyển ra cửa biển. Theo dự kiến, chúng tôi vượt biên bằng hai ghe, ghe đầu tiên gồm toàn thanh niên có súng ống, la bàn đầy đủ. Ghe thứ hai gồm nhiều gia đình và trẻ nhỏ. Ghe đầu tiên sẽ dẫn đầu và bảo vệ chiếc ghe thứ hai. Ghe thứ hai sẽ đón nhận các bà mẹ và con trẻ từ những taxi đưa ra. Đang lúc ngồi để chờ taxi đưa ra ghe lớn, bỗng nhiên thằng Nhân con anh Lộ hỏi thằng Tuấn con tôi:

- Tuấn mày có biết đi đâu không? Thằng Tuấn con tôi tỉnh bơ trả lời:

- Đi về Long An chớ đi đâu.

Sở dĩ thằng Tuấn trả lời như thế vì vợ tôi đã bảo với thằng Tuấn đi về quê ngoại ở dưới Long An. Tuy nhiên, thằng Nhân trả lời:

- Không phải đâu đi Mỹ đó mày.

Bác Đạo gái giật mình bịt miệng thằng Nhân lại và nói:

- Giê Su Maria lạy Chúa tôi, ai nói cho nó biết vậy?

Chuyện em Nhân con anh Lộ không biết mang đi hay để lại. Anh Lộ liền hỏi bác Hải mang cháu đi hay để lại. Bác Hải khoái thác nói:

- Chuyện đưa thằng Nhân đi là chuyện của tụi bay sao lại hỏi tao.

Anh chị Lộ cũng chẳng biết làm sao nên cuối cùng kêu cháu Nhân ra và nói thật:

- Nhân, con quỳ xuống đây và cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho con. Một là con đi Mỹ với Bố hai là con ở nhà với mẹ. Đi Mỹ với bố có thể là con sẽ sống sung sướng hay con có thể chết trong biển cả. Nếu không đi, con ở nhà với mẹ sẽ an toàn hơn. Con cầu nguyện đi để xin Chúa soi sáng cho con. Sau khi cầu nguyện xong, thằng Nhân trả lời:

- Con đi Mỹ với Bố.

Vì thế nên mới có câu chuyện thằng Nhân biết rằng nó sẽ đi Mỹ.

Em Chương rất thương các anh em Hướng Đạo. Trước khi đi có đến hỏi Ty là phụ tá đoàn Bạch Đằng ngày xưa có muốn đi không? Em Chương có đến rủ anh Thoại, đàn anh Hướng Đạo chúng tôi hiện là trung úy hải quân có muốn đi không. Thế là anh Thoại xách cái túi nhỏ xíu đi vượt biên luôn. Cũng nhờ có anh Thoại nên ghe chúng tôi mới biết đường đi ra cửa biển. Sang ngày thứ hai chúng tôi vẫn song hành trên biển cả. Trước khi đi vượt biên, chúng tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần ra tới hải phận quốc tế, các tàu của các nước tự do sẽ đón chúng tôi như những anh hùng. Thực tế không phải như vậy, chúng tôi đã gặp 27 chiếc tàu nhưng không có chiếc nào vớt cả. Đến đêm thứ hai, bộ điện đàm của hai ghe mất liên lại. Sáng ngày thứ ba chúng tôi mất liên lạc. Tinh thần anh chị em trên ghe rất lo lắng và hoang mang. Biết làm sao bây giờ. Đi về thì không được. Buộc lòng chúng tôi phải đi theo hướng vô định vì la bàn và hải đồ không có. Ghe chúng tôi có 5 tài công nhưng chỉ lái sông chớ chưa đi biển làm tôi cũng lo sợ.

CUỘC VƯỢT BIÊN (tiếp theo)

Sóng gió bắt đầu nổi lên vì chúng tôi đi vào tháng bảy. Thế rồi em Sơn mang một cái thau thật to để ở giữa ghe để ai ói thi ói ra đó. Cái thau chứa đầy thức ăn cộng với giun sán trông thật ghê tởm. Nước uống bắt đầu cạn dần, mỗi khi thấy có đám mây là ghe chúng tôi đi vào để lấy nước uống. Tôi đứng trên ghe dùng cái nắp can hứng nước rồi đưa cho cháu Nhân uống trước rồi tới cháu Tuấn con tôi, rồi tới vợ tôi và anh Lộ. Cháu Nhân con anh Lộ, khát nước quá nên trong lúc mê sảng nói với anh Lộ:

- Bố ơi bố khi nào tới Mỹ bố nhớ mua cô ca rồi bố đập đá nhỏ cho vào ly để con uống nghe bố.

Nghe cháu Nhân nói chúng tôi thật đau lòng. Ghe chúng tôi tiếp tục đi vô định như thế cho đến ngày thứ ba. Đêm hôm đó em Công bực mình chuyện gì đó nên không thèm lái ghe, chuyền tay lái cho anh Ba Giàu. Anh ba Giàu lớn tuổi nên lái ghe

chẩm chậm và ghe chúng tôi gặp rặng đá ngầm. May mà anh ba Giàu lái ghe chậm chớ nếu để em Công lái nhanh là ghe đã mắc vào rặng đá ngầm rồi. Anh ba Giàu lái ghe một lúc thật lâu để tránh rặng đá ngầm. Chúng tôi thoát nạn một cách tài tình. Nếu để em Công lái ghe nhanh chắc sẽ mắc cạn trong rặng đá ngầm không biết bây giờ chúng tôi sẽ ra sao? Sóng gió tiếp tục nổi lên, tôi bế cháu Thao con tôi mới được hơn 6 tháng nên cháu đi tướt trên người tôi mỗi ngày mấy chục lần. Đến đêm thứ tư chúng tôi thấy một chiếc tàu lớn càng ngày càng to dần. Anh Kiệt mừng quá la lên:

- Anh Thắng ơi gặp tàu quốc tế rước mình rồi.

Tôi nghe như thế vội vàng đứng lên không ngờ bị phỏng ở lưng vì đụng phải cái bô của máy. Tôi ngó ra thấy chiếc tàu càng ngày càng to dần. Chúng tôi rượt theo chiếc tàu đó từ 2 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Khi đến gần chúng tôi vô cùng thất vọng vì đó là chiếc tàu của Liên Sô. Chúng tôi muốn kêu họ giúp nhưng họ từ chối. Hai

người Liên Sô cứ dùng con dao và sợi chỉ cắt đôi ra nhiều lần ngụ ý rằng: Họ không còn liên lạc với chúng tôi. Anh Kiệt thấy thế hỏi tôi:

- Họ không vớt mình tính sao anh Thắng?

Tôi buồn bã trả lời:

- Họ không vớt mình coi như mình chưa

gặp họ đi anh Kiệt.

Thế rồi ghe chúng tôi tiếp tục di chuyển trong cơn bão tố. Bác Đạo, cô Sâm và tôi tiếp tục lần hạt vì chúng tôi đạo Công Giáo. Còn em Hiếu theo đạo Phật thì than thở rằng:

- Lạy Trời lạy Phật cho con tới đảo nào con chết cũng được chớ con chết ở dưới biển lạnh lẽo lắm Trời Phật ơi.

Trước khi đi vượt biên tôi đi làm thủy lợi có nghe anh em nói;

- Anh em nào đi vượt biên tới đảo nào mà sáng ra nghe tiếng rao: Ai bánh mì nóng giòn đây hay ai bánh tiêu dầu cháo quẩy đây là tiêu đời liền.

Ý nói là đến đảo thuộc về Việt Nam. Vài đêm sau đó tôi có nằm mơ ghe chúng tôi

lạc vào đảo nhưng không phải đảo Việt Nam. Hóa ra chúng tôi lạc vào một hòn đảo nhỏ Nansa của Đài Loan thuộc về quần đảo Trường Sa. Đó là đêm ngày thứ bảy tức ngày thứ năm khi chúng tôi vượt biên. Chúng tôi neo ghe ở gần đảo, không dám tiến vào đảo vì sợ họ tưởng mình tấn công đảo. Tôi vội vàng dùng đèn pin đánh tín hiệu SOS cấp cứu vào đảo. Đây là tín hiệu tôi học được khi đi Hướng Đạo. Đến buổi sáng chúng tôi thấy họ đưa một chiếc ghe ra xem ghe chúng tôi làm sao. Sóng gió to quá nên chiếc ghe đó đến gần ghe chúng tôi lại đụng chiếc ghe của chúng tôi bể một miếng. Đúng lúc đó anh Lộ nhảy xuống bơi vào đảo. Bơi được nửa đường anh Lộ mệt quá cầu cứu trên ghe:

- Anh mệt quá, có ai xuống tiếp anh đi. Em Công còn trẻ và bơi giỏi nhảy xuống giúp anh Lộ bơi vào đảo. Khi vào tới đảo, cũng may ngày xưa anh Lộ là Đại Úy công binh nên có nhiều người lính Tàu trong đại đội nên anh biết nói vài câu tiếng Tàu để vị Trung Tá hiểu. Sau đó, vị trung tá kêu người lính gọi vị trung úy bác sĩ biết nói

tiếng Anh ra nói chuyện với anh Lộ. Anh Lô trình bày với vị trung úy bác sĩ người Đài Loan:

- Chúng tôi là những người tị nạn Việt Nam, xin các ông giúp đỡ chúng tôi.

Vị trung úy trả lời:

- Chúng tôi hiểu hoàn cảnh của các ông

nhưng đảo chúng tôi rất nhỏ không thể

chứa chấp các ông được.

Anh Lộ trả lời tiếp:

- Với tư cách là sĩ quan VNCH chúng

tôi hứa với quí vị khi nào quí vị sửa

xong ghe, chúng tôi sẽ đi.

Đúng lúc đó, sóng gió nổi lên to quá. Vị trung tá chỉ huy trưởng dùng tay vẫy cho chúng tôi mang chiếc ghe vô đảo. Thế là anh em thanh niên nhảy xuống kéo chiếc ghe vào đảo. Đoàn người trên ghe chúng tôi mừng quá, ít nhất mình cũng được cứu sống trong một thời gian. Chúng tôi bước xuống ghe trông thật thê thảm, ai cũng say sóng, ốm o gầy yếu không thể tưởng tượng được. Các binh sĩ Đài Loan vội vàng dựng lên một chiếc lều thật to để chúng tôi tạm che mưa che nắng. Sau đó, họ dùng nồi

nấu phở với thịt hộp cho chúng tôi ăn. Chúng tôi ăn thật ngon lành, riêng tôi ăn tới 10 chén. Ăn xong, họ cho chúng tôi vào chiếc lều họ mới dựng xong để ngủ. Họ thật chu đáo, phát mền cho chúng tôi. Đến đêm vô tình tôi mở mắt, tôi thấy binh sĩ Đài Loan nhìn thấy ai bị mền tung ra ngoài, vị binh sĩ chạy lại đắp lên mình chúng tôi. Nhìn cảnh tượng đó tôi thật cảm động và biết ơn họ đã chăm sóc chu đáo cho đoàn người chúng tôi.

Sáng hôm sau, vị bác sĩ đến khám bệnh và cho thuốc đối với đoàn người chúng tôi. Phải công nhận họ thật chu đáo. Sau khi khám bệnh, họ bắt đầu mang thức ăn hộp đến cho chúng tôi. Họ cho nhiều quá, chất đầy cả bàn bi da. Anh em thanh niên chúng tôi, ai cũng bị cả trăm cái gai nhỏ dưới bàn chân thật đau. Ai cũng ngồi khều gai ra. Thằng Tuấn con tôi bị say đất liền một ngày té cả trăm lần. Ai cũng buồn cười. Tuy một đảo nhỏ nhưng ghe chúng tôi cần những gì họ đều có đủ để cung cấp cho chúng tôi. Chúng tôi sửa lại chiếc ghe thật hoàn hảo. Đóng thêm mui để che nắng

mưa nữa. Sau khi sửa ghe cho chúng tôi vài ngày. Chúng tôi phải lên đường như lời hứa của anh Lộ. Ngày chia tay thật ngậm ngùi và buồn tẻ. Chúng tôi ghi ơn sự giúp đỡ tận tình của họ. Còn những binh sĩ Đài Loan cũng thương hại cho số phận ngậm ngùi của chúng tôi rồi không biết tương lai sẽ ra sao? Trước khi đi, vị trung tá dặn chúng tôi nhiều lần phải đi hướng 220 độ trong vòng nửa ngày để tránh đảo của VN gần đó, sau đó mới đi hướng 90 độ để đi tới Nam Dương hay Palawan tùy ý chúng tôi. Vị trung tá khuyên chúng tôi nên đi tới Nam Dương vì ở Palawan không có người. Thế rồi chúng tôi chia tay với các binh sĩ Đài Loan ở đảo Nan Sa. Chúng tôi buồn vô tả vì phải đi tiếp và không biết tương lai mình sẽ ra sao! Còn các binh sĩ Đài Loan cũng thế, họ rơm rớm nước mắt vì không biết ghe chúng tôi sẽ đi đâu rồi sẽ như thế nào? Cuối cùng chúng tôi phải rời đảo. Chúng tôi quyết định đi đến Palawan cho gần vì chúng tôi cũng sợ đi biển rồi. Bây giờ chúng tôi đi ghe rất vui vẻ vì không phải trốn chui trốn nhủi như trước. Chúng

tôi như đi du lịch vì sóng biển khá êm và thức ăn đầy đủ. Chúng tôi ngắm dẫy Palawan thật hùng vĩ nằm trên biển cả. Hàng đàn cá phóng lên trên biển thật đẹp. Chúng tôi ăn uống nói chuyện vui vẻ như đang du ngoạn trên biển cả êm đềm. Sau hai ngày chúng tôi ăn uống quá độ nên thiếu nước uống. Ghe chúng tôi thấy cần phải vào khe suối lấy thêm nước. Nhìn ở xa, chúng tôi nghĩ chỉ cần tới gần lấy sô ghé vào lấy nước là được, nhưng khi đến gần mới thấy dòng nước như cái thác thật lớn. Chúng tôi nghĩ sẽ phải cắt máu thử xem nước có độc không? Nhưng khi đến gần thác các em nhỏ đã bơi vào uống nước thật ngon và ngọt. Thế là chúng tôi thay toàn bộ nước trên ghe vì nước này không bằng nước trên thác rất trong và ngọt. Thay nước xong, ghe chúng tôi tiếp tục đi dọc theo dẫy Palawan thật đẹp. Có lẽ trong cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy được cảnh đẹp của biển cả như thế. Đi thêm một ngày nữa, đến đêm thấy một vùng sáng trên đảo anh Giàu đề nghị chúng tôi cứ đâm ghe

vào đảo chắc họ sẽ đến cứu chúng ta. Tôi vội ngăn anh Giàu lại và nói:

- Mình cứ neo ở đây chờ hết đêm xem sao anh Giàu. Mình đâu có gì gấp gáp đâu.

Thế là anh Giàu nghe lời tôi neo ghe lại một đêm. Quả thật sáng hôm sau chúng tôi không thấy ai cả. Thế rồi chúng tôi tiếp tục đi thêm hai ngày nữa. Đến đêm, chúng tôi gặp chiếc tàu Panama của Hòa Lan có lẽ họ đang tìm dầu ở đây. Một vị trên tàu Hòa Lan biết chúng tôi đi vượt biên nên đã cho chúng tôi thực phẩm như gà tây, bia, thuốc lá....Đồng thời, chỉ hướng chúng tôi đi vào đảo Liminangcong gần đó. Thế là chúng tôi luộc gà tây và khui bia ăn mừng vì sắp đến đảo của Philippines. Chưa bao giờ chúng tôi uống bia và ăn gà tây ngon đến như thế. Sau khi ăn xong, ghe chúng tôi đi tiếp theo hướng chỉ của vị trên tàu Hòa Lan. Ghe đi qua một cái vịnh nước thật trong và thật êm với rất nhiều cá mập. Có lẽ trong cuộc đời tôi không bao giờ được gặp một vịnh êm đềm nhiều cá mập và đẹp như thế. Đi qua vịnh này ghe chúng

tôi gặp một chiếc ghe của Philippines. Sau khi nói chuyện, anh Lộ bảo với chúng tôi:

- Mấy người lính Phi này họ muốn chúng ta cho họ ít vàng họ sẽ dẫn chúng ta vào cái đảo gần đây.

Thế là chúng tôi gom góp một số vàng cho họ để họ dẫn chúng tôi vào đảo Liminangcong. Chúng tôi đến đảo Liminangcong ngày 14 tháng 7 năm 1979. Cảm tạ hồng ân Chúa ban cho ghe chúng tôi đi vượt biên đến nơi an toàn, tôi đã sáng tác bản nhạc “Chúa Thật Kỳ Diệu” Cuộc đời con Chúa đã làm nên bao việc lạ lùng. Giữa lúc thuyền con trôi dạt biết đi về đâu. Trong giây phút bão bùng đêm tối âm u tối đen mịt mờ. Chúa đã dẫn đưa thuyền con qua khỏi cơn giông tố. Cuộc đời con Chúa đã làm nên bao việc diệu kỳ. Giữa lúc đời con phiêu dạt biết đi về đâu. Trong cơn lốc cuộc đời tương lai tối đen mịt mờ. Chúa nâng đỡ ủi an con thoát qua cơn hiểm nghèo. Chúa ơi! Tình Chúa thương con vô bờ vô bến. Biết bao khó khăn trong cuộc đời con. Chúa đã thương tình giúp con vượt qua. Chúa ơi! Tình

Chúa thương con con nào có biết. Biết bao khổ đau trong cuộc đời con. Chúa đã ủi an giúp con an bình.

Đặng Thắng

Previous
Previous

CHÚC THƯ CHO CHỒNG