DUYÊN NỢ VỚI CA ĐOÀN

Thật khó có thể tưởng tượng được sau này tôi lại có khả năng và đánh nhịp cho một ca đoàn Công Giáo. Tôi thật sự chẳng tốt nghiệp một khóa sol fe hay ca trưởng gì cả. Chỉ vì niềm đam mê, biết đánh đàn chút đỉnh, am hiểu chút nhạc lý và giữ đúng nhịp nên tôi có thể tập hát và đánh nhịp cho ca đoàn.

Nhớ lại khi còn ở ca đoàn Lêgiô xứ Bắc Hà vào năm 1969, mỗi lần nghe tôi cầm micro hát rước Đức Mẹ vòng quanh Giáo Sứ Bắc Hà, ba tôi phê bình:

- Giọng thằng Thắng hát nặng chình chịch như gì đó.

Thật sự, lúc đó tôi chẳng hiểu hát nặng chình chịch nghĩa là gì? Chỉ đoán rằng chắc tôi hát tệ lắm, giống như vịt đực kêu hay bò rống nên ba tôi mới nói như vậy. Tuy tôi hát không hay nhưng tôi vẫn tham gia sinh hoạt trong ca đoàn Lêgiô chịu trách nhiệm hát lễ ngày thường cho Giáo Sứ Bắc Hà. Chị Lợi coi ca đoàn Lêgiô, chị rất nhiệt tình sinh hoạt trong ca đoàn. Chị thường mua cho mỗi em một gói xôi để khuyến khích các em tham dự lễ buổi sáng.

Chuyện bất ngờ xảy ra cho ca đoàn Lêgiô khi anh Chiến phụ trách nhiệm vụ đánh nhịp, đánh đàn và tập hát cho ca đoàn Lêgiô ghi tên tham gia sĩ quan Thiết Giáp sau khi thi đậu tú tài phần nhất vào năm 1971. Ca đoàn Lêgiô chúng tôi chới với và hụt hẫng vì không biết phải giải quyết như thế nào? Không biết tìm đâu ra người đánh đàn và tập hát cho ca đoàn đây? Đúng lúc đó! Thầy Huynh xuất hiện như vị cứu tinh cho ca đoàn Lêgiô. Thầy bảo với tôi rằng:

- Thầy xuất thân từ dòng khổ tu Phước Sơn Thủ Đức. Thầy có khả năng tập hát, đánh nhịp, đánh đàn, đánh trống.v.v..

Chúng tôi như buồn ngủ gặp chiếu manh, đón nhận thầy như vị cứu tinh của ca đoàn Lêgiô. Tôi luôn luôn hãnh diện đi bên cạnh thầy như gần vị tu hành mình sẽ được nhiều ơn phước.

Sau khi tập hát cho ca đoàn một thời gian. Chiều hôm đó, sau khi ca đoàn hát bài Hiệp Lễ, tôi thấy thầy sáu Uông Đình Đạm hầm hầm bước lên gác đàn kêu thầy ra sạc cho một trận. Tôi vội vàng hỏi thầy:

- Thầy Đạm nói gì vậy? Thầy sạo sự với tôi:

- Thầy Đạm khen mình hát hay quá.

Tôi không tin vì nhìn nét mặt thầy Đạm rất giận dữ. Sau này tôi tìm hiểu mới

biết thầy tập hát sai bét nên thầy Đạm mới bực mình la thầy như vậy.

Vào ngày lễ Giáng Sinh, mỗi ca đoàn thường phụ trách một vài mục văn nghệ để giúp vui cho Giáo Xứ trong ngày lễ. Tôi thấy thầy văn võ song toàn nên nhờ thầy tập vũ cho các em gái trong ca đoàn Lêgiô. Thầy vui vẻ nhận lời ngay. Sau khi thầy tập vũ vài lần, chẳng còn em nữ Lêgiô nào đi tập vũ hết. Tôi bực mình la các em nữ Lêgiô:

- Thầy Huynh tập vũ cho các em sao chẳng em nào chịu đi tập?

Các em nữ Lêgiô lấm lét ngó tôi nhưng không dám trả lời trả vốn gì cả. Tôi thật sự ngây ngô không biết gì cho đến khi em Trinh là em của Trường trong ca đoàn nữ Lêgiô nói với anh Trường rằng:

- Thầy tập kỳ lắm, nắm tay nắm chân lung tung. Lúc tập thế này mai tập thế khác.

Tôi giật mình bàng hoàng nghĩ lại. Như vậy mình đã giao trứng cho ác rồi. Cũng may ác này chưa ăn hết trứng của tôi.

Một lần, thầy đưa cho tôi tập sách dậy đánh đàn Organ với các gam chằng chịt để hù tôi. Thầy dùng hai tai đan chéo qua đánh đàn làm tôi phục sát đất cứ tưởng thầy đàn chuyên nghiệp lắm. Mỗi buổi sáng, tôi phụ trách đánh đàn cho ca đoàn Lêgiô hát lễ sáng. Hôm đó, tôi đi muộn nên thầy đánh đàn bài “Con Bước Lên Bàn Thờ” không biết thầy đàn sao cao quá, các em hát lên

không nổi. Tôi vội vàng chạy lên xem sao, thay vì đàn nốt sol thầy đánh nốt rế lên cao mấy tông sao các em hát được.

Một chuyện nực cười ra nước mắt giữa thầy Huynh và Cha Cao. Bữa đó, cha Cao kể với tôi rằng:

- Cha nhờ một em lễ sinh ra ngoài đầu nhà thờ mua cho cha gói thuốc lá. Em lễ sinh đem về thuốc lá cho cha Cao và nói:

- Cha ơi! Bà bán thuốc lá bảo rằng Cha còn thiếu bà ấy 10 gói thuốc chưa trả tiền.

Cha Cao tá hỏa tam tinh như bị ai đấm vào đầu một cú knock out, chạy xuống hỏi bà bán thuốc lá:

- Bà nói sao! Tôi thiếu bà 10 gói thuốc lá chưa trả tiền? Bà bán thuốc lá trả lời:

- Dạ! Thầy Huynh mua cho cha.

Lúc này cha Cao mới vỡ lẽ ra, móc tiền trả cho bà bán thuốc lá và dặn dò

rằng:

- Từ nay bất cứ tôi nhờ ai mua thuốc lá, tôi đều đưa tiền cho họ, thành ra bà đừng bán thiếu cho ai qua danh nghĩa của tôi.

Cha Cao nói thêm:

- Hèn chi mỗi lần gặp cha, bà này chào hỏi với ánh mắt thiếu thiện cảm như ngầm bảo rằng: Cha gì kỳ quá! Thiếu con 10 gói thuốc mà không chịu trả tiền. Con bán hàng lẻ nên đâu có nhiều vốn đâu?

Qua kinh nghiệm của thầy Huynh tôi phải ôn lại nhạc lý tôi đã học từ năm đệ ngũ trường Nguyễn Bá Tòng. Lúc đó, tôi học dốt các môn chỉ trừ có môn nhạc lý đứng hạng nhất. Hôm ấy, thầy dậy Nhạc Lý kêu tên tôi: Đặng Thắng nhất về môn Nhạc Lý. Tôi đứng dậy làm thầy ngạc nhiên lắm, vì tôi phá phách dữ quá sao lại được nhất về môn Nhạc Lý.

Lúc đó, tôi nghĩ rằng mình nên biết chút Nhạc Lý, ôm cây đàn Tây Ban Nha ngâm nga vài bài hát lãng mạn như bản “Mảnh Tình Xưa” của Nhạc Sĩ Mạnh Giác trong xóm tôi, chắc sẽ làm nhiều trái tim thiếu nữ rung động mà thương yêu tôi chăng!

Tôi ôn lại nhạc lý và cố gắng giữ đúng nhịp để tập hát cho ca đoàn Lêgiô xứ Bắc Hà. Tôi cũng là huynh trưởng của Hướng Đạo và Thiếu Nhi Thánh Thể nên khả năng hát của tôi cũng tiến bộ hơn.

Năm 1975, lúc tôi đang học Cao Học Quản Trị tại Đại Học Kinh Thương Minh Đức, tôi có phụ Lê Hải Vũ để tập văn nghệ cho Đại Học Kinh Thương lúc bấy giờ. Tôi cũng sinh hoạt một thời gian rất vui vẻ, sau đó tôi giao lại cho Minh khóa 3 Kinh Thương Minh Đức phụ trách văn nghệ Kinh Thương Minh Đức.

Sau đó, tôi trở về phụ trách văn nghệ Khóm 1, Phường 9, Quân 10.

Trong kỳ thi đua văn nghệ quận 10 năm đó, ban hợp ca Khóm 1 quận 10 chúng tôi đoạt giải nhất thi đua hợp ca khi chúng tôi hát hai bài “Nam Bộ Kháng Chiến” và “Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo”.

Ông Tú trưởng khóm 1 hết lời khen ngợi ban hợp ca chúng tôi.

Tiếp đó, tôi vào làm và đá banh cho báo Tin Sáng. Tôi có tham gia ban văn nghệ báo Tin Sáng do anh Cao Thanh Tùng làm trưởng ban văn nghệ.

Có lần ca sĩ Đình Văn dùng đàn tập hát cho tôi. Chừng 15 phút tôi có thể hát được làm ca sĩ Đình Văn ngạc nhiên bảo tôi:

- Sao kỳ thế anh Thắng! Em tập cho thằng Tuấn bảo vệ cả tiếng mầy mà nó chưa hát được. Em tập cho anh có 15 phút anh hát được.

Đình Văn đâu có biết tôi cũng rành về Nhạc Lý và cũng từng tập hát cho ca đoàn nên dễ tiếp thu.

Có một bữa Đình Văn đi xem tôi thi đấu đá banh ở Sân Vận Động Hoa Lư. Sáng hôm sau, Đình Văn mời tôi uống một ly cà phê đen. Sau đó, Đình Văn nói:

- Em mời anh ly cà phê này để nói với anh rằng. Từ nay em không nhìn ai qua bề ngoài.

Ý Đình Văn nói, tôi trông tướng cu ly nhưng tôi đã học xong Đại Học Nông Lâm Súc, làm ký giả, tôi đánh bóng bàn thắng Đình Văn, tôi ca văn nghệ cũng được và nhất là khi tôi đá banh. Đình Văn rất khâm phục.

Năm 1979, gia đình tôi vượt biên đến đảo Palawan thuộc Philippines. Tôi cũng tham gia tập hát cùng với thầy Tiến và sinh hoạt Hướng Đạo trên đảo Palawan.

Năm 1981, tôi định cư tại Sydney. Tôi gặp lại Thế Mai, một người bạn ca rất hay và làm chung trong báo Tin Sáng tại nhà thờ Chester Hill. Tôi cũng là một thành viên trong ca đoàn Chester Hill thời bấy giờ.

Sau này tôi làm lò bánh mì ở St Mary và đi lễ ở giáo đoàn Plumpton. Lễ có mời tôi về tập hát cho giáo đoàn Plumpton. Lễ nói:

- Anh về tập hát cho giáo đoàn Plumpton chúng em đi. Anh tập chắc không ai ý kiến gì đâu vì anh rành về nhạc lý.

Tôi nhận lời sinh hoạt với giáo đoàn Plumpton chừng 1 năm. Sau đó vì quá bận rộn nên tôi không thể tập hát cho ca đoàn Plumpton được. Cũng may, lúc đó ca đoàn được thầy Giuse Nguyễn Ngọc Sơn phụ giúp tập hát.

Đến năm 1993, tôi có thời gian và trở lại tập hát đúng lúc thầy Sơn phải trở về nhà dòng tại Melbourne.

Ca đoàn Plumpton được vinh dự hát lễ Tết cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney vào đầu năm 1993. Buổi hát lễ khá thành công nhờ sự hợp tác rất nhiệt tình của tất cả anh chị em trong giáo đoàn Plumpton. Sau buổi hát lễ Tết. Cha Hiệp rất giỏi và thích đánh bóng bàn gặp tôi nói:

- Anh Thắng đánh nhịp như đánh bóng bàn. Rất chính xác. Tôi cười cười trả lời:

- Con chỉ cố gắng hết sức thôi cha.

Năm 2000 khi tôi du lịch về Việt Nam, tôi may mắn có thói quen sáng nào cũng đi lễ nhà thờ Bắc Hà. Sau thánh lễ, tôi ra ngoài quán cóc uống cà phê với các anh em trong ca đoàn ngày xưa. Em Cường nói với tôi:

- Anh Thắng ơi! Đây là ca đoàn anh lập ra 25 năm trước kia, bây giờ anh vào phụ giúp tập hát cho ca đoàn đi.

Tôi cười cười lưỡng lự:

- Thế còn ca trưởng của các em đâu? Ca trưởng tưởng anh dành đánh nhịp thì chết.

Em Cường trả lời:

- Anh Hùng ca trưởng biết anh mà, không có gì đâu. Anh vào phụ tụi em đi.

Tôi nhận lời tập cho ca đoàn Giuse được hơn 2 tháng. Em Mai một nữ ca viên gặp tôi nói:

- Anh biết không? Hồi đầu anh tập hát, em ghét anh vô cùng. Anh khó chịu quá. Nhưng bây giờ em Xuân của em nói rằng:

- Ca đoàn chị bây giờ hát hay lắm chị biết không? Em Mai còn nói thêm:

- Thế anh không còn ở đây tập hát nữa sao? Tôi trả lời:

- Anh phải về Úc chớ.

Có lẽ hồi đầu tôi tập hát các em hơi khó chịu nhưng sau đó thấy tôi tập có kết

quả nên muốn tôi ở lại lâu hơn để tập hát.

Vào năm 2008, tôi trở lại Sydney và có thời gian lên mạng tìm và soạn bài hát cho ca đoàn Plumpton vào mỗi chúa nhật sao cho đúng đáp ca và phụng vụ. Chị Trâm trong giáo đoàn Plumpton bảo tôi:

- Chị cám ơn nghe. Từ hồi em về, ca đoàn hát đâu ra đó, đúng phụng vụ.

Còn Trọng Quyến cũng nói với tôi:

- Em cám ơn anh Thắng nghe. Anh soạn sẵn như thế tụi em đỡ mất nhiều thời giờ lắm

Vào năm 2009, tôi có qua dự Đại Hội Lòng Chúa Thương Xót tại Long Beach. Tôi có gặp vài người bạn trong ca đoàn và nói chuyện với họ tôi đang chịu trách nhiệm tìm kiếm bài hát cho ca đoàn đúng theo phụng vụ. Ai cũng nhắn tôi:

- Anh gửi cho em một bản photocopy nghe vì em không có giờ.

Thế mới biết cuộc sống nơi xứ người quay chúng ta như cơn lốc, không thể

dứt ra được.

Nhiều người thắc mắc hỏi tôi:

- Tại sao anh không đi lễ ở Bankstown, Granville, Fairfield, Cabramatta...có gần hơn không?

Tôi chỉ cười cười trả lời:

- Tại đi lễ ở Plumpton quen rồi.

Thật ra họ không thể hiểu rằng: Tôi đi lễ ở Giáo Đoàn Plumpton được gặp lại các anh chị em trong ca đoàn thân thương bao nhiêu năm rồi! Sau lễ, những cái bắt tay chân tình, những lời chào hỏi thân thương đượm tình gia đình thân mật mà tôi không thể tìm được khi đi lễ trong các Giáo Đoàn khác.

Đặng Thắng (Plumpton)

Next
Next

TRẠI TỊ NẠN PALAWAN 1979-1980