TRẠI TỊ NẠN PALAWAN 1979-1980

Ngày 14 tháng 7 ghe chúng tôi cặp vào đảo Liminangcong thuộc một đảo nhỏ của Palawan. Đảo này chỉ có hơn 2 ngàn người Phi sống ở đây. Những người tị nạn đến trước đây kể cho chúng tôi nghe: Có một cô đến đây bán 1 chỉ vàng rồi mua một thùng bánh ăn no đến nỗi sau đó bị chết. Có lẽ vì trên đường đi vượt biên bị đói và khát quá nên mới ăn no và không nghĩ hậu quả như vậy.

Đầu tháng 8 một chiếc tàu Hải Quân của Phi Luật Tân chở đoàn người trên ghe chúng tôi từ đảo Liminangcong đến đảo Palawan. Xe cam nhông chở chúng tôi đến trại tị nạn giống như một vùng kinh tế mới. Các nhà cửa được dựng nên tùy sở thích của mỗi gia đình. Chúng tôi được thu xếp thành nhóm 42 người. Đời sống chúng tôi giống như những người đi kinh tế mới nhưng may mắn hơn vì thực phẩm đã được Cao Ủy cung cấp đầy đủ gồm gạo, cá, thịt, rau và trứng. Sau này tôi mới biết thực phẩm của Cao Ủy cung cấp cho người tị nạn ở Phi tương đối tốt hơn những nước khác như Mã Lai, Thái Lan và Nam Dương…

Lên được hai ngày, một hôm tôi ra giếng hứng nước uống. Tôi nghe hai người con gái nói chuyện với nhau nhưng tôi không hiểu gì cả.  Tôi ngạc nhiên nghĩ trong bụng không lẽ mình sống chung với người Phi. Sau này mới khám phá ra họ là những người sống ở đảo Phú Quí. Tiếng nói của họ líu lo như chim, phải nghe quen mới hiểu. Từ đảo Phú Quí đến đảo Palawan khá gần nên rất nhiều người trên đảo này đi từ đảo Phú Quí. Ở Sài Gòn đến đảo Palawan chỉ có vài ghe đi lạc thôi, trong đó có ghe chúng tôi. Vợ tôi bán 1 chỉ vàng được hơn 70 peso, tôi đã dùng 25 peso để mua đôi giầy ba ta đá banh. Đây là niềm đam mê duy nhất của tôi. Buổi chiều, chúng tôi có giờ rảnh rỗi nên thường tụ họp đá banh rất vui. Có hôm nước xuống, chúng tôi kéo nhau ra cồn gần đó đá banh thật vui vẻ.

Lên được trại vài ngày, tôi gặp em Sơn to con nhìn tôi và hỏi:

- Phải trước đây anh là cầu thủ đá banh không?

Tôi thật sự ngạc nhiên sao em này lại biết tôi đá banh.

Em Sơn hỏi tiếp:

- Trước đây anh có đá cho đội banh Xe Khách Thành không?

Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa và suy nghĩ. Tôi có bạn thân là Hùng tay cong hay Thi tay quẹo đá cho đội banh Xe Khách Thành nên thường rủ tôi đá chầu dùm cho đội banh Xe Khách Thành. Tôi biết hầu hết các anh em cầu thủ trong đội banh này như anh Đằng chụp gôn, Đức lăng quăng đá góc trái sao tôi không biết em Sơn nhỏ này. Sau này em Sơn mới nói:

- Em đá trung phong cho đội Xe Khách Thành nhưng khi đội này mướn anh về đá trung phong nên em phải ngồi ngoài thành ra em biết anh mà anh không biết em.

Thì ra là như thế. Được biết em Sơn này là một trong 8 người còn sống sót khi bơi qua đảo Phi cách ghe bị chìm 8 cây số trong chiếc ghe 96 người thật thê thảm. Tám người này lên đảo được phái đoàn Úc vì nhân đạo nhận lời cho đi Úc liền. 

Trong trại có nhiều ban, anh Lộ tôi là một sĩ quan, có năng lực và tư cách nên được bầu làm Trưởng Ban Lương Thực tức là chia phát lương thực cho đồng bào trong trại. Đây là ban quan trọng nhất trong trại cần người có khả năng và liêm khiết. Từ khi làm Trưởng Ban Lương Thực anh Lộ ra điều kiện: Mỗi người trong ban Lương Thực được lãnh thêm một cục thịt cho công việc của mình rõ ràng thành ra mọi việc được công minh không ai than phiền gì hết. Sống đối diện với gia đình tôi là 3 gia đình sống ở đảo Phú Quí. Họ quen và thích ăn cá hơn ăn thịt. Nhận được thịt bò, họ đều cho gia đình tôi vì nói thịt bò ăn phong lắm. Ba gia đình họ hùn tiền mua lưới bắt cá nên khi bắt được cá, ba gia đình đều cho gia đình tôi ít cá thành ra cũng bằng một phần như họ nên cuộc sống chúng tôi rất an tâm không lo lắng về thức ăn. Nhóm chúng tôi sống quây quần gần nhau gồm có tôi, anh Lộ, Tám Dũng, anh Hội. Mỗi lần chúng tôi nhận được thơ có cheque từ nước ngoài là chúng tôi mua bia và rượu họp nhau lại nhậu thật vui vẻ. Chúng tôi thường pha 2 chai bia Samigel của Phi với một chai rượu thuốc uống thật ngon và đậm đà. Mồi để nhậu đã có Tám Dũng một dân miền Tây làm và chế biến đồ nhậu thật tuyệt vời như canh chua cá, lươn, trình…Thỉnh thoảng chúng tôi đi bắt ốc nhảy, ốc gai, ốc leng…. làm đồ nhậu thật vui. Cuộc sống thật vui vẻ êm đềm nếu chúng tôi không lo lắng về vấn đề

định cư ở nước thứ ba.

Buổi chiều, chúng tôi thường tụ họp xem thi đấu bóng chuyền độ mỗi bên hai người. Một bên là anh Giấy và Đỗ Còn Em, còn bên kia là em Hùng tóc dài và một em nữa mà tôi quên tên. Trận đấu rất sôi nổi và hào hứng với những màn bỏ banh thật hiểm hóc của hai bên làm sôi động cả trại.

Nếu không coi bóng chuyền, chúng tôi tụ họp chia làm hai phe đá banh thật sôi nổi. Sau vài lần đá banh, các anh em trong trại đã bầu tôi là Trưởng Ban Thể Thao và Thủ Quân đội Túc Cầu trong trại.

Lúc tôi mới tới trại, một em đá banh trong trại có nói với em Dũng:

- Có một thằng cha mới lên trong trại đá banh hay lắm.

Dũng nói với em đó:

- Thằng cha nào đá hay, tao mà đá trung vệ làm sao qua được tao.

Đến lúc tôi lừa qua em Dũng hai lần em Dũng vội nói với người bạn:

- Mày vô đá thế cho tao để tao ra ngoài này coi thằng cha này đá làm sao?

Tôi cười cười hỏi Dũng:

- Ở VN em đá cho đội nào?

Dũng trả lời:

- Em đá cho đội phường thôi.

Đội phường thì cũng chưa ăn nhằm gì với tôi.

Về bộ môn đá banh khu 4 chúng tôi gồm nhiều cầu thủ đá hay nên thường vô địch. Bỗng một hôm trưởng khu 3 đến gặp tôi rủ đá độ 3 cây thuốc. 3 cây thuốc lúc đó rất có giá trị ở trại tị nạn nên tôi do dự nói với anh Lộ:

- Anh Lộ ơi, tụi khu 3 nó rủ đá 3 cây thuốc anh tính sao?

Anh Lộ cũng nóng máu trả lời:

- Cứ đá đi, có gì anh chịu cho.

Thế là khu 4 chúng tôi đá độ với khu 3 ba cây thuốc lá. Kết quả chúng tôi thắng dễ dàng khu 3 ba cây thuốc. Sau trận đấu, tôi có hỏi trưởng khu 3:

- Sao ông gan thế dám rủ khu tôi đá 3 cây thuốc?

Trưởng khu 3 hầm hầm trả lời:

- Tại có 2 em mới lên nói đá cho đội Hóa Chất nên tôi nghĩ có 2 em đó sẽ đá ăn mấy ông?

Tôi có gặp 2 em đó và hỏi:

- Hai em đá cho Hóa Chất hở?

Hai em đó trả lởi:

- Dạ em đá rờ dẹc cho đội Trẻ Hóa Chất.

Tôi trả lời:

- Em đá cho rờ dẹc cho Trẻ Hóa Chất nên anh không biết các em chớ nếu em đá cho đội Hóa Chất chúng ta đã biết nhau.

Sở dĩ tôi nói thế vì tuần nào đội đá banh Tin Sáng chúng tôi cũng dợt với đội Hóa Chất ở sân Hoa Lư. Thành phần đội Hóa Chất tôi đều biết rõ như Tư Béo, Thành Gù….

Kế bên trại tị nạn Palawan là một phi đạo. Bình thường cũng ít khi máy bay lên xuống tại phi đạo này. Khi trại tị nạn đông quá không thể đá banh được, nên các anh em cầu thủ phải dùng sân phi đạo này đá banh. Khi thấy các anh em đá banh, ban trật tự thường lên loa cấm các cầu thủ đá banh. Có lần tôi thấy Thiếu Úy Pagadoan trưởng trại đang coi các cầu thủ say mê đá banh. Khi anh Long trong ban Trật Tự cấm các cầu thủ đá banh tôi có nói:

- Anh Long à, Thiếu Úy Pagadoan trưởng trại còn coi anh em đá say đắm như thế thì anh cấm các cầu thủ làm chi.

Anh Long nghe tôi nói cũng có lý nên không cấm cầu thủ đá banh nữa. Mỗi lần đá trên sân phi đạo cầu thủ chúng tôi thường vừa chạy vừa cầm cái áo để lỡ nếu bị té sẽ chống cái áo xuống không bị trầy tay.



ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM THẮNG ĐỘI TUYỂN PHILIPPINES 5/0

Chiều nay cả trại tị nạn Palawan tưng bừng nhộn nhịp hẳn lên, lần đầu tiên thiếu úy Pagadoan ra lệnh cho xả trại, tức người dân tị nạn Việt Nam được đi phép tự do không cần phải có giấy phép. Bình thường người dân muốn đi mua sắm ở ngoài phố cần phải có giấy phép của Trưởng Khu, mỗi khu cũng chỉ được cấp một số giấy phép giới hạn cho đồng bào ra phố mua sắm khi cần thiết. Sở dĩ chiều nay có lệnh xả trại vì có trận túc cầu giao hữu giữa đội tuyển trại tị nạn Việt Nam và đội tuyển trường trung học Philippines Puerto Princesa City. Tin tức xả trại loan truyền thật nhanh làm hầu hết đồng bào tị nạn kéo nhau đi phố luôn tiện xem thi đấu túc cầu. Đã lâu lắm mới thấy bầu không khí vui vẻ, tưng bừng, nhộn nhịp như thế trong trại tị nạn.

Trại tị nạn Palwan đời sống tương đối thoải mái nếu so với nhiều trại tị nạn ở những nơi khác như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương…Thật sự lúc đầu chúng tôi tưởng mình khổ quá nhưng sau này theo những tin tức thu nhập được, chúng tôi mới biết mình đang ở sướng hơn những trại tị nạn khác. Mỗi ngày nhiệm vụ chúng tôi chỉ đi lãnh lương thực, xách nước để vợ ở nhà nấu cơm rồi buổi chiều đi đá banh hay tắm biển. Nhớ lại lúc đó, có người em trong trại tị nạn nhận được thơ người chị bên Mỹ nói rằng:

- Em hãy sống những ngày hạnh phúc và sung sướng ở trại tị nạn đi.

Lúc bấy giờ tôi và đứa em rất bất mãn vì câu nói đó của người chị, cứ nghĩ rằng chị ấy đến Mỹ sung sướng quá lại viết thơ về chọc quê mình như thế. Nhưng bây giờ ra nước ngoài sống rồi tôi mới nhớ lại câu nói của chị ấy thật chí lý. Đời sống tị nạn chẳng lo nghĩ gì cả, lương thực đã có Cao Ủy Tị Nạn lo cho, chỉ lo nấu cơm và chiều chiều đi tắm biển hay đá banh hoặc đánh bóng chuyền, đầu óc thật vô tư không suy nghĩ hay lo lắng gì cả. Bây giờ sống ở nước ngoài mỗi tháng đều lo lắng những bills tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền gaz, tiền điện thoại đến nhức cả đầu.

Hôm nay cả trại thật vui mừng vì tin tức của Thiếu Úy Pagadoan cho biết sẽ có cuộc thi đấu giữa Trại Tị Nạn VN và trường trung học Puerto Princesa City với các bộ môn: Bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ và bóng đá.

Chưa bao giờ thấy không khí của trại vui vẻ, náo nhiệt và ồn ào đến thế. Đã thế, thiếu úy Pagadoan cho xả trại hôm nay, tức là đồng bào có thể ra chợ mà không xin phép nên hầu như cả trại ra ngoài ủng hộ thể thao cho trại tị nạn Việt Nam. Không khí trong trại thật nôn nao, náo nhiệt và vui mừng khôn tả.

Đúng 3 giờ chiều, xe cam nhông của quân đội Phi vào chở đội túc cầu Việt Nam ra thi đấu ở trường trung học thành phố Puerto Princesa City thuộc Palawan. Tôi nhớ mang máng thành phần đội tuyển Việt Nam lúc đó, hậu vệ trái là Hải quắn, hậu vệ phải là Hùng tóc dài, trung vệ là Dụng và anh Khả cũng lớn tuổi, tôi đá tiền vệ với anh Giấy, góc mặt là Hải (Bọn), trung phong giữa là Út, Tuấn, góc trái Đỗ Còn Em. Xin lỗi còn nhiều cầu thủ nữa tôi không nhớ hết nổi. Tinh thần thi đấu đội banh chúng tôi thật mãnh liệt, không những vì mầu cờ sắc áo mà còn tự ái dân tộc nữa.

Tôi dẫn đội banh ra chào sân, tiếng vỗ tay thật to làm tôi ngước nhìn lên khán đài, tất cả cầu thủ chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và cảm động khi thấy trên khán đài chật ních người Việt Nam. Tiếng vỗ tay và la hét cổ vũ của đồng bào Việt Nam như nhắn nhủ chúng tôi: Phải cố gắng hết sức vì mầu cờ sắc áo và tự ái dân tộc, phải làm sao mang vinh dự về cho người tị nạn Việt Nam. Dẫu bây giờ chúng ta đang tạm thời ăn nhờ ở đậu người Phi nhưng cũng cố gắng làm gì đó để họ kính nể và khâm phục chúng ta.

Trọng tài Phi vừa thổi tiếng còi khai mạc trận đấu. Đội Phi mặc áo đỏ thật đẹp giao bóng trước, chuyền qua trung phong rồi thọc banh sâu xuống. Trung vệ Khả đánh đầu chuyền cho tiền vệ Giấy, anh Giấy tạt ngang cho Thắng, Thắng thẩy lỗ (chọc khe) cho góc mặt Hải (Bọn), góc mặt Hải chạy thật nhanh  tạt banh trở về cho trung phong Út, Út đưa ngang banh cho Tuấn, Tuấn chuyền xéo cho Thắng từ dưới băng lên, Thắng gạt qua trung vệ Phi, đẩy banh xuống thật nhanh, thủ môn Phi lúng túng chạy ra, Thắng sửa banh vào góc khung thành mở tỷ số 1/0 cho đội tuyển túc cầu tỵ nạn Việt Nam. Cả cầu trường đứng bật dậy và la to lên vui mừng khôn tả, tiếng vỗ tay thật to cổ vũ cho chúng tôi, các anh em cầu thủ ôm Thắng mừng rỡ vô cùng vì đã mang vinh dự về cho đội túc cầu tỵ nạn Việt Nam.

Đội túc cầu Phi mang banh lên pass sê. Sau khi giao banh đã cố gắng vùng lên mong san bằng tỷ số nhưng hậu vệ của đội tỵ nạn Việt Nam truy cản thật dũng mãnh. Ở phút thứ 20 của trận đấu, sau một đợt truy cản, trung vệ Dụng chuyền cho hậu vệ Hải Quắn, Hải chuyền vào giữa cho Thắng, Thắng tạt ngang cho Giấy, Giấy thọc sâu cho Đỗ Còn Em bên cánh trái tuôn xuống thật lẹ, Em tạt bóng lên cho Tuấn, Tuấn kéo qua một trung vệ Philippines, chuyền cho Út từ trên băng xuống đá cú mập thật mạnh tung lưới thủ môn Philippines.

Một lần nữa cầu trường như muốn nổ tung ra, tiếng vỗ tay và la hét của đồng bào tị nạn vang lên ầm ĩ trong sân vận động. Anh em cầu thủ ôm Út sung sướng, còn niềm vui nào trong cuộc đời cầu thủ hơn lúc này phải không các bạn? Đội túc cầu Philippines bị thua 0/2 cố gắng vùng lên để rút ngắn cách biệt. Tuy nhiên, hàng thủ đội túc cầu tị nạn Việt Nam nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật nên đội túc cầu Philippines không làm gì được.

Vào phút thứ 35, nhận được banh từ thủ môn, tiền vệ Giấy giao banh cho Thắng, Thắng chuyền lên cho Tuấn, Tuấn tạt ngang cho Út, Út thọc sâu cho Đỗ Còn Em từ góc trái tuôn xuống thật nhanh. Em mang banh lên sát biên thật nhanh rồi tạt lên cho Tuấn. Tuấn lướt qua một trung vệ Phi tạt ngược lên cho Thắng từ dưới băng lên, Thắng thoát qua trung vệ phi, một tràng tiếng Phi bên tai:

- Pô tăng ti na mô (tiếng chửi thề của Phi)

Thắng lướt xuống, thủ môn Phi vội vàng nhào ra, Thắng sửa cái má mu bàn chân, banh đi xà vào góc lưới thủ môn Phi ghi thêm một bàn thắng nữa cho đội tuyển tỵ nạn Việt Nam 3/0. Cả cầu trường đứng bật dậy la hét vui mừng khôn tả. Ai cũng không ngờ được như thế. Tiếng vỗ tay không ngớt, các cầu thủ ôm nhau sung sướng vô cùng. Hết hiệp một, biết bao nhiêu đồng bào tỵ nạn lại chúc mừng vui vẻ hỏi thăm anh em cầu thủ ti nạn Việt Nam.

Vào hiệp 2, đội túc cầu Phi cố gắng vùng lên mong rút ngắn tỷ số nhưng không thành công vì đội tuyển tị nạn Việt Nam nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật hơn. Phút 70, trong một đợt phản công của đội túc cầu Việt Nam. Trung vệ Dụng chuyền banh cho Giấy, Giấy chặn banh xoay người giao cho Thắng. Thắng, Thắng thẩy lỗ cho Hải từ cánh mặt chạy nhanh xuống cuối sân, bất ngờ tạt ngược banh lên khung thành đội Phi, trung vệ Khả từ dưới lướt lên thật nhanh đánh đầu banh đi thật đẹp vào góc khung thành, thủ môn Phi phóng lên đẩy banh ra nhưng không kịp, banh đã vào góc lưới đội Phi nâng tỷ số 4/0. Một lần nữa cả cầu trường đứng bật dậy, tiếng vỗ tay la hét vang dội cả sân vận động, nhiều người ôm nhau vui mừng trên khán đài. Anh em ôm anh Khả chạy về sân nhà sung sướng trong khi đội tuyển trường trung học Philippines mệt mỏi và buồn thiu. 

Đội tuyển trường trung học Philippines cố gắng tấn công để gỡ trái banh danh dự nên dốc toàn lực tấn công, cũng vì mải mê tấn công nên quên phòng thủ nên vào phút 85 hiệp hai, trong một đợt phản công, nhận được banh từ trung vệ Khả, Thắng gạt qua tiền vệ Phi từ giữa sân, mang banh xuống nữa, trung vệ Phi nhào ra truy cản, Thắng kéo banh qua khỏi trung vệ Phi, đẩy dài banh xuống, thủ môn Phi hốt hoảng chạy ra, Thắng gặt qua luôn thủ môn Phi đưa banh vài khung thành trống rỗng nâng tỷ số 5/0 cho đội túc cầu tỵ nạn Việt Nam. Cả cầu trường như nổ tung ra, tất cả đồng bào la hét vang trời. Các anh em cầu thủ ôm Thắng sung sướng, vui mừng khôn tả. 

Đội túc cầu trung học Phi mang banh lên pass sê. Đúng lúc đó, tiếng còi trọng tài ré lên kết thúc trận đấu. Kết quả đội túc cầu tị nạn Việt Nam thắng đội tuyển trung học Philippines Puertor Princesa City thuộc Palawan với tỷ số 5/0 đoạt chiếc cúp cho đội tị nạn Việt Nam. Tiếng vỗ tay vang rền khi ông Hiệu Trưởng trường trung học Philippines ở Puerto Princesa City trao chiếc cup cho Thủ Quân Thắng của đội túc cầu tị nạn Việt Nam. Có thể nói từ khi thành lập trại tị nạn Palawan đến bây giờ, đây là lần đầu tiên tất cả đồng bào tị nạn và các anh em cầu thủ vui mừng sung sướng không tả được. Chưa bao giờ đồng bào tị nạn Việt nam được tươi cười hả hê đến thế.

Vừa phát chiếc cup xong, trời đổ mưa tầm tã. Tuy nhiên, các anh em cầu thủ không ngại trời mưa, vừa ôm cup vừa chạy bộ từ sân vận động về trại tị nạn. Trời mưa lạnh lẽo nhưng không làm nản lòng các anh em cầu thủ đang dâng lên niềm sung sướng vô biên vì đã hoàn thành sứ mạng cao cả của tất cả đồng bào tị nạn, mang vinh dự về cho đồng bào tị nạn Việt Nam tại Palawan.

Trong 4 bộ môn thi đấu thì đội tị nạn VN mình thắng 2 bộ môn là bóng đá và bóng bàn còn mình thua hai bộ môn bóng chuyền và bóng rổ. Bộ môn bóng rổ nghe bạn bè kể có Lộc lé chơi hay lắm vì đội Phi nhìn Lộc không biết Lộc thẩy hướng nào vì anh bị lé. Nhìn bên này nhưng thẩy bên kia. Sau trận đá banh, các anh em cầu thủ ôm cúp chạy về trại giữa cơn mưa tầm tã với niềm sung sướng khôn tả. Tối hôm đó cả đội banh uống bia ăn mừng chiến thắng. Chưa bao giờ trại tị nạn Palawan lại hả hê vui mừng đến thế. Đây là lần đầu tiên trại tị nạn Việt Nam ở Palawan vui mừng như vậy.

Đặng Thắng

Previous
Previous

DUYÊN NỢ VỚI CA ĐOÀN

Next
Next

MẸ TÔI