VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 6)

PHẦN 6

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC PHẦN 6 (tiếp theo và hết)

Một hôm cả trại xôn xao vì có tin sẽ có phái đoàn đóng phim của Mỹ đến trại đóng phim. Hôm đó, người đạo diễn tuyển lựa các tài tử đóng phim thật tài tình: Ông ta nhìn ai giao cho nhiệm vụ gì đúng y chang như đạp xích lô, người bán rau....Tôi thầm phục tài nghệ của ông đạo diễn. Hầu hết đồng bào trong trại đều nhận được lá thơ của nhóm đóng phim có đoạn như sau:

- Cái lũ chúng tôi gồm có người Mỹ, người Đại Hàn, người Phi.... Tôi có gặp ông Joe người Mỹ rất giỏi tiếng Việt soạn thảo bản văn đó và

nói rằng:

- Ông phải sửa chữ lũ thành chữ nhóm vì chữ lũ chúng tôi chỉ dùng dành cho những người làm việc không tốt như lũ ăn cắp, giựt đồ....

Hình như đó là phim Don’t Cry! It Is Only Thunderstom.

Hai hôm sau, có người mời tôi lên hội trường đóng phim. Tôi giật mình nghĩ rằng mình có tài gì đâu mà đóng phim. Thật ra lúc đó phim cần người đọc vài kinh kính mừng cầu nguyện cho đứa trẻ mới mất. Người đạo diễn hỏi tôi:

- Anh thử đọc Kinh Kính Mừng cho tôi nghe. Tôi đọc:

- Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng bà...

Vừa đọc xong, ông đạo diễn kêu tôi ngày mai ra đóng phim vì tôi đọc kinh này nhuần nhuyễn. Tôi đọc kinh Kính Mừng biết bao lần khi tôi đi rước Đức Mẹ hay đọc kinh đám ma. Do đó, ông đạo diễn nhận tôi đóng phim ngay lập tức.

Trong phim có đoạn cháu Liên bị chết. Ông Joe kêu mọi người: - Đừng có nhín vào cái hóm.

Tôi thắc mắc ngạc nhiên. Hóa ra ông ta muốn nói: - Đừng có nhìn vào cái hòm.

Nhưng ông dùng dấu sắc hỏi chưa chuẩn.

Gần trại có Linh Mục Elizade Thành, người Tây Ban Nha rất giỏi tiếng Việt nói dấu sắc, dấu hỏi rõ ràng. Cha Thành giảng bằng tiếng Việt rằng:

- Cha ở gần đây nhưng không có ai kêu cha về trại tị nạn cử hành thánh lễ còn những người Việt ở xa bên Nhật lại mời Cha về làm lễ. Như vậy là bụt nhà không thiêng rồi.

Tôi thầm phục cho sự ví von rất hay của Cha. Cha thường hay nói đùa:

- Tổ tiên của anh Thắng là con bò vì tôi thấy sân cỏ là tôi rất thích được đá banh.

Sau này tôi có dịp qua Mỹ gặp được Cha Thành giảng tĩnh tâm ở Houston.

Tôi làm Trưởng Ban Trật Tự được một thời gian, Bác Sĩ Các Trưởng Trại được đi định cư, cuối cùng đồng bào kêu tôi lên coi trại vì nếu không trại sẽ mất trật tự. Cha Phát thương tình nhắn nhủ tôi:

- Nếu họ kêu cậu làm Trưởng Trại, cậu đừng bao giờ làm nhé vì cậu không có khả năng đâu.

Tôi nghe lời Cha nhưng đồng bào mong mỏi tôi làm Trại Trưởng nếu không, cảnh sát Phi sẽ đàn áp, đánh đập dân mình. Có lần tôi thấy cảnh sát Phi đánh mấy đứa trẻ thật tàn nhẫn. Cuối cùng, tôi cũng làm Trại Trưởng trại tị nạn Jose Fabella Centre một thời gian. Tôi có làm được vài việc có lợi cho cộng đồng như sau:

Việc đầu tiên về vấn đề thư tín: Hôm đó, đồng bào nhận được thơ từ bưu điện Phi về. Có nhiều thơ có dấu bị xé ra rồi dán vào và đồng bào mất nhiều cheques, money order, tiền mặt....Tôi, chị Huê thông dịch viên và Sussan Đại Diện Cao Ủy cùng lên thẳng bưu điện Manila. Cũng may, hôm đó, chúng tôi gặp đúng nhân viên thanh tra (inspector) nên ông ta hỏi han rất kỹ lưỡng và ghi chép đầy đủ. Chừng vài bữa sau, tôi thấy ông thanh tra dẫn Trưởng Bưu Điện phụ trách khu vực chúng tôi đến trại tỵ nạn. Nhìn nét mặt ông Trưởng Bưu Điện tái xanh, sợ sệt, lo lắng tôi biết có chuyện quan trọng. Ông thanh tra nói rằng:

- Đúng là ông đưa thơ đã lấy cheque và money order của quí vị. Nhưng ông ta có 5 người con. Nếu quí vị tiếp tục thưa kiện thì chắc chắn ông ta sẽ ngồi tù, tội nghiệp gia đình ông ta. Quí vị nghĩ sao?

Tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nếu mình làm lớn chuyện quá cũng không ích lợi gì. Bỏ tù ông đưa thơ mình cũng chẳng sung sướng gì. Tôi nói:

- Vấn đề thưa kiện ông đưa thơ chúng tôi tạm hoãn lại. Khi nào cần thiết chúng tôi sẽ tiến hành. Vấn đề chính bây giờ mỗi lần giao thơ cho chúng tôi ông phải giao 2 bản danh sách thơ cho hẳn hoi. Thơ bảo đảm đồng bào chúng tôi sẽ ra bưu điện lãnh nhận. Đồng thời, những đồng bào nào đi định cư nhưng ủy quyền cho ai có dấu của Ban Đại Diện Trại, quí vị phải giao thơ cho người được ủy quyền.

Sau một tháng, tất cả những thư từ không người nhận, tôi họp toàn ban Đại Diện các ban ngành, bà Scruz Đại Diện bộ xã hội Phi và Cha Phát. Tôi xé tất cả thư đó ra. Nếu thư nào có cheque hay money order tôi gạch chéo và mua tem gửi về cho người gửi. Return to sender! Tôi làm rất minh bạch nên không ai oán trách tôi cả.

Vấn đề thứ hai trong trại là ông bác sĩ người Đức khám bệnh cho đồng bào đi Úc bị bệnh đồng tình luyến ái nhưng không ai dám thưa kiện vì sợ ông ta trù dập hồ sơ. Tôi cũng lo sợ nhưng cuối cùng chúng tôi phải gặp ông Keith Owen Đại Diện Tòa Đại Sứ Úc để trình bày sự việc. Thế là bao nhiêu người bị ông bác sĩ người Đức xâm phạm tình dục đều được kêu lên phỏng vấn. Trong đó có em Thái, đàn em đá banh của tôi và chú Đá. Chú Đá nói rằng:

- Tôi đã già 60 tuổi mà ông bác sĩ đâu có tha cho tôi đâu.

Coi như phái đoàn đi khám bệnh tổng quát đi Úc, đàn bà phụ nữ thật dễ dàng, chỉ cần coi sơ sơ là xong rồi. Còn con trai và đàn ông, bác sĩ này khám rất kỹ. Đến lúc này, ông Keith Owen khiển trách chúng tôi:

- Sao quí vị không báo cho chúng tôi biết sự kiện này và để cho đến bây giờ?

Tôi trả lời:

- Vì đồng bào chúng tôi rất sợ vị bác sĩ này trù dập hồ sơ nên không ai dám tố cáo. Mong ông thông cảm.

Ngày hôm sau, ông bác sĩ Đức bị sa thải ngay lập tức.

Trong trại cũng có nhiều người Phi hồi hương, tức những người đàn ông Phi có vợ Việt Nam. Trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, có chiếc tàu Phi sang chở những người vợ có chồng Phi và con cái trở về Phi. Những người này cũng ở chung trong trại tỵ nạn Jose Fabella Centre như người tỵ nạn. Tuy nhiên, họ chưa được ưu tiên như người tỵ nạn được đi định cư nước thứ ba dễ dàng. Trong số những người hồi hương đó, có Châu Danny, người bị em Đính chém gần rụng cánh tay, cầm đầu một băng du đãng trong trại. Tôi có nói với Châu Danny:

- Trường hợp của ông, ông cứ ngồi yên đó. Đừng phá phách gì cả! Tôi sẽ cố gắng giúp ông.

Châu Danny gật đầu nhưng cũng không có vẻ gì tin tưởng lắm.

Với tư cách Trại Trưởng tôi cũng dễ dàng gặp vị Đại Diện Cao Ủy, ông Paffgen người Đức. Một hôm tôi hỏi ông về trường hợp Châu Danny. Ông Paffgen bảo tôi:

- Ông về nói với Châu Danny làm một bảng tường trình đầy đủ trường hợp của Châu Danny.

Châu Danny viết bằng tiếng Việt, tôi nhờ anh Trí thông dịch viên dịch ra tiếng Anh và trình bày cho ông Paffgen. Sau khi xem xong lá thơ, tôi thấy ông Paffgen rút bút ra ghi chữ “Refugee” rồi gạch đít và ký tên. Lúc đó, tôi mới hiểu quyền hạn to lớn của vị Đại Diện Cao Ủy. Từ lúc đó, Châu Danny trở thành người tỵ nạn và có thể xin định cư ở nước thứ ba dễ dàng. Khi được định cư tại Úc, Châu Danny có nói với tôi:

- Tôi ở đây biết bao nhiêu đời trại trưởng rồi. Hầu hết họ lợi dụng tôi hăm dọa người này, đánh đập người khác để bảo vệ quyền lợi của họ chớ không giúp tôi gì hết. Chỉ có ông, chẳng nhờ tôi làm gì cả mà giúp tôi đi định cư được. Cám ơn ông rất nhiều.

Tôi trả lời:

- Nhiệm vụ của tôi là giúp ông đi định cư. Cầu mong mọi sự tốt đẹp đến với ông.

Trong trại, cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt và nguy hiểm như sau:

Có ông Cần rất siêng học Anh Văn nhưng ông học thuộc lòng một cách máy móc nên xảy ra chuyện nực cười khi phỏng vấn. Ông học thuộc lòng trong máy cassette hỏi ông là:

- What is your name? - My name is Cần.
- How are you?
- I am fine. Thank you.

Không ngờ khi vào người phỏng vấn hỏi ông: - How are you?

Ông vẫn trả lời thuộc lòng trong máy: - My name is Cần.

Làm mọi người trong lúc ông phỏng vấn đều phì cười cho sự hiếu học của ông. Tôi có người em họ tên Lành, mới nhận được thơ bảo đảm có cheque 50 đô Mỹ. Em mang cheque lên phố Quiapo đổi tiền. Khi đi xuống đường hầm, lúc trở lên bị lạc không biết đi về đâu. Gọi tắc xi đi về trại nhưng không biết trại ở đâu. Không biết nói tiếng Anh nên tắc xi chạy vòng vòng cho đến đêm về được trại thì mất tiêu 50 đô Mỹ. Cũng có người đi lạc mấy ngày không về được trại, may nhờ gặp cảnh sát biết là người Việt Nam nên chở về trại.

Một hôm, Hải trưởng toán 2 trật tự nhưng cũng là một tay anh chị trong trại có xích mích gì với toán 3 đang trực. Trật tự viên Sơn toán 3 đang trực đâm Hải một nhát. Bạn bè và đàn em Hải vội vàng đi kiếm Sơn để trả thù. Thật sự, hôm đó tôi lo lắng vô cùng vì trại có thể náo loạn do hai băng đảng thanh toán nhau. Tôi vội vàng điều hành toán 3 trật tự qua bên nhà Half Way Home có lính Phi canh gác cẩn thận. Mặt khác, tôi năn nỉ và trấn an bạn bè và đàn em của Hải để mọi chuyện được êm thắm. Đêm hôm đó, một mình tôi vác cây gậy tầm vông đi tuần quanh trại với tâm trạng thật buồn. Sao các thanh niên của mình lại hay đánh nhau, đâm chém nhau như thế nhỉ! Thanh niên trong trại tự ái cao không đúng chỗ. Hơi một chút có thể đánh hay chém nhau dễ dàng. Biết bao nhiêu việc phải làm để chuẩn bị cho tương lai trước khi định cư ở nước thứ ba.

Ngày hôm sau tôi phải gửi Sơn lên văn phòng Cha Phát vài bữa để dàn xếp công việc trong trại. Cũng nhờ Cha Phát giúp nên tôi cũng dàn xếp được chuyện đâm chém đó để trại được yên ổn trở lại.

Ở trong trại có chị Thanh người Việt có chồng Mỹ rất tốt với người tỵ nạn. Một hôm chị mời Ban Đại Diện Trại ra tham dự sinh nhật con chị Thanh. Chúng tôi đang ăn uống vui vẻ và bàn về vấn đề ăn thịt chó. Cũng gần cả năm rồi chúng tôi chưa được ăn thịt chó. Đang bàn luận như thế, bỗng một người Mỹ có vợ người Phi cầm ly bia đến và nói với chúng tôi:

- Tôi lại đây uống chút chút chơi nghe.
Chúng tôi thật ngạc nhiên khi nghe ông Mỹ nói như thế. Còn đang bàng

hoàng thì ông ta nói thêm:
- Ăn thịt cầy phải uống nước mắt quê hương.

Anh em chúng tôi há miệng sửng sốt vô cùng, ngay cả người Việt nếu không phải dân nhậu cũng đâu hiểu nước mắt quê hương là rượu đế đâu.

Sao ông này lại rành như thế! Ý ông ấy nói: Ăn thịt chó phải uống rượu đế. Tôi ngạc nhiên nhìn ông và nói:

- Ông Mỹ này chịu chơi quá ta. Ông Mỹ bồi thêm một câu:

- Tôi chịu chơi chớ không chơi chịu.

Anh em chúng tôi không ngờ ông ta lại hiểu cả tiếng lóng tiếng Việt đến như thế. Sau này, chúng tôi mới biết ông ta là Giám Đốc cơ quan nhận người tỵ nạn của Mỹ. Thành ra khi phỏng vấn đồng bào ông ta không nói ra nhưng ông ta hiểu hết người Việt muốn nói gì.

Ở trong trại được một thời gian, tôi nhận được thơ các em tôi ở đảo Tara quyết định đi Mỹ và đã có tên trong danh sách chuyển trại đi Bataan học Anh Văn chuẩn bị việc định cư tại Mỹ. Tôi viết thơ lên phái đoàn Canada xin họ tử chối trường hợp của tôi để tôi có thể xin định cư tại Mỹ cùng với những người em ruột của tôi. Lúc đó, có lẽ giữa các phái đoàn Mỹ và Cao Ủy Tỵ Nạn xung khắc nhau như có một số thanh niên phái đoàn Mỹ đã nhận nhưng thấy hạnh kiểm không tốt nên muốn trả lại Cao Ủy. Cao Ủy không đồng ý. Trường hợp của tôi, Cao Ủy muốn phái đoàn Mỹ nhận chúng tôi nhưng phái đoàn Mỹ không chịu và nói chúng tôi phải đi Canada.

Lúc đó, người có quyền cho người tị nạn Việt Nam được đi định cư tại Mỹ là trung tá Joe Langlois, nghe nói một cựu nhân viên tình báo CIA có vợ người Việt Nam. Không biết trường hợp tôi như thế nào? Bà vợ Joe Langlois thường kêu tôi gặp riêng và nói:

- Trường hợp của anh bây giờ anh tính làm sao?

Thật sư, lúc đó tôi chưa hiểu được hết ý của bà ta. Sau này, tôi mới hiểu bà ta muốn ăn hối lộ và cho tôi đi Mỹ nhưng tôi không hiểu. Giả như tôi có hiểu cũng đâu có tiền để đút lót cho bà ta. Mãi về sau, khi định cư tại Úc và có dịp gặp Phạm Cao Tùng làm Phó Trại Palawan khi tôi ra đi, đã kể cho tôi nghe: Vợ của Joe Langlois ăn hối lộ như thế nào? Một gia đình tị nạn Việt Nam có 4 người con theo dự kiến phải đi Nhật vì tàu Nhật vớt. Bà vợ Joe Langlois nói: Nếu chi cho bà 20,000 (hai chục ngàn) đô Mỹ sẽ cho gia đình định cư tại Mỹ. Gia đình này đồng ý nên mời vợ Joe Langlois đến nhà bàn công chuyện. Trong khi thảo luận, gia đình này đã thâu băng cassette,

sao làm nhiều bản gửi đi các nơi nhất là Tòa Đại Sứ Mỹ tại Phi. Vài bữa sau, trung tá Joe Langlois bị ngưng chức ngay lập tức dù chưa có người thay thế

Qua sự việc đó, tôi mới hiểu vào năm 1984, sau khi định cư tại Úc tôi đi Mỹ lần đầu tiên. Tôi ghé Manila và thăm trại tị nạn Jose Fabella Centre. Có dịp gặp bà Scruz Đại Diện Bộ Xã Hội Phi, tôi nói:

- Tôi muốn gặp ông Joe Langlois. Bà Scruz trả lời:

- Để làm gì? Tôi trả lời:

- Để cám ơn ông ấy đã từ chối tôi đi Mỹ để tôi đi Úc có cuộc sống thảnh thơi hơn nhiều.

Bà Scruz ngạc nhiên và nói với tôi:
- Ông Joe Langlois hết làm việc rồi.

Hoàn cảnh của tôi thật hoang mang! Tôi đã từ chối phái đoàn Canada để mong phái đoàn Mỹ nhận nhưng phái đoàn Mỹ không muốn nhận có thể vì tôi không có tiền để chi cho bà vợ ông Joe Langlois. Cuối cùng, vì thương hoàn cảnh của tôi nên bà Cao Ủy hỏi:

- Anh chịu đi Úc không? Tôi gật đầu nói:

- Bất cứ nước nào có tự do, tôi sẽ cố gắng dùng hết sức lực của mình để làm việc. Tôi có đầu óc và hai tay để làm việc.

Thật sự trong trại lúc đó đồng bào không hiểu hết về nước Úc như thế nào? Chỉ biết nước Úc mang máng đất rộng người thưa. Chắc cần nhiều người làm về Nông Nghiệp. Lúc đó, ít người muốn đi Úc. Hầu hết, đồng bào muốn đi Mỹ là ưu tiên một, sau đó đến Canada. Trong trại tôi lúc đó, bác sĩ Tô Đình Hiền được tàu Mỹ vớt nên chắc chắn đi Mỹ nhưng lại có chị ruột ở Úc làm giấy bảo lãnh cho bác sĩ Hiền đi Úc. Khi nhận được giấy bảo lãnh, bác sĩ Hiền đã thốt lên:

- Chị gì ngu như bò! Sao lại làm giấy bảo lãnh mình qua Úc. Để yên mình được đi Mỹ rồi.

Tôi có an ủi bác sĩ Hiền:
- Ông à! Nước nào cũng được thôi. Ông giỏi như thế mà.

Bây giờ bác sĩ Hiền đang làm việc ở Úc rất thoải mái.

Trong thời gian ở trại, chúng tôi có nhận được vài lá thơ than phiền từ Mỹ như spongsor lủng, ở Canada thì lạnh quá nhưng chúng tôi chưa nhận được lá thơ nào than phiền từ về cuộc sống Úc.

Chừng một tuần sau, tôi nhận được lá thơ mời đi phỏng vấn của phái đoàn Úc. Lúc đó, bác sĩ Hiền là thông dịch viên cho tôi. Sau khi hỏi những câu thông thường, ông Keith Owen hỏi tôi:

- Nghe nói quá khứ của anh xấu lắm. Tôi giật mình nói:

- Tôi tốt nghiệp kỹ sư Nông Lâm Súc của Đại Học Minh Đức năm 1974. Sau đó, học thêm một năm Cao Học Quản Trị Kinh Thương. Cuối cùng tôi trở thành cầu thủ đá banh.

Sau khi bác sĩ Hiền dịch cho tôi như thế. Ông Keith Owen cũng ngạc nhiên sao có người tố cáo quá khứ (back round) của tôi xấu lắm. Trong trại cũng có một số người thích tố cáo, nói xấu về người khác với các phái đoàn để lấy điểm cho mình. Đây cũng là tật xấu của người tị nạn Việt Nam. Sau khi phỏng vấn tôi, tuần sau ông Keith Owen bất ngờ đến trại tị nạn thăm quan trại và đưa cho tôi cái form và nói:

- For you!
Tôi cầm cái form rưng rưng nước mắt và nói:

- Thank you very much!

Đó là form tôi điền vào để định cư tại Úc.

Đúng lúc tôi có form định cư tại Úc, ông Joe Langlois phái đoàn Mỹ đến gặp tôi. Trước đây, ông này không bao giờ nói chuyện với tôi. Có lẽ nghĩ rằng mình có quyền sinh sát trong tay nên không thèm thân thiện với ai. Tôi không cần thiết đi Mỹ nên cũng chẳng quị lụy gì. Nhưng tôi hơi ngạc

nhiên sao ông ta lại tỏ vẻ dễ chịu như thế. Sau này, tôi mới hiểu ông ta chẳng tốt lành gì! Vì người em ruột tôi ở Hawaii làm việc cho một ông chủ. Ông này làm chức vụ lớn và quen biết nhiều. Khi nghe em tôi trình bày về hoàn cảnh của tôi, ông ta vội vàng viết một lá thơ thật hay đến Tòa Đại Sứ Mỹ tại Philippines và các tòa báo tại Mỹ. Trong thơ có đoạn như sau:

- Trong khi Ủy Hội Quốc Tế đang gom góp những người tị nạn cùng máu mủ lại với nhau thì hành động chia rẽ của ông thật tàn nhẫn vô nhân đạo.

Cuối lá thơ còn bồi thêm một câu:

- Bất cứ hành động nào của ông có ảnh hưởng đến đường lối và chính sách của Tổng Thống Reagen. Ông hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Chính vì lá thơ trên nên ông Joe Langlois mới lại thân thiện hỏi thăm về trường hợp của tôi. Ông Joe Langlois hỏi tôi:

- Trường hợp định cư của ông bây giờ sao rồi? Tôi trả lời:

- Cám ơn ông! Có lẽ tôi đi Úc vì phái đoàn Úc nhận gia đình tôi rồi. Chắc ông Joe Langlois cũng mừng vì trường hợp của tôi đã giải quyết

xong. Ông sẽ dễ dàng trả lời cấp trên về trường hợp của tôi.

Vài tuần sau, gia đình tôi được đi khám sức khỏe và chuẩn bị định cư tại Úc. Cha Phát có gặp tôi và nói:

- Tớ không ngờ cậu làm việc được. Cậu làm việc được hơn những người khác.

Tôi cười cười nói với Cha;

- Cám ơn Cha. Con chỉ cố gắng hết sức thôi. Con cũng nhờ Cha giúp trại chúng con nhiều nên mới được như thế.

Nghĩ lại trong lúc thời gian chờ đợi ở trại tị nạn ở Palawan tôi rất buồn và trách thẩm Thiên Chúa sao để đời tôi khổ sở và hoang mang như thế. Tôi có làm nên tội tình gì đâu sao để đời tôi lạc lõng bơ vơ. Không được đi Canada và bị Mỹ từ chối. Tôi đâu có biết Chúa đã dành cho tôi một chỗ định cư là nước Úc tốt hơn cả Mỹ và Canada nữa.

Tôi còn nhớ chú của tôi là Đặng Đĩnh ở Houston đã viết thơ cho tôi khi ở trại tị nạn là: Bằng mọi cách cháu phải đi Mỹ vì đời sống công nhân ở Mỹ là ước mơ của giới trung lưu Âu Châu. Năm 1986 tôi có dịp qua Mỹ thăm chú Đặng Đĩnh. Chú tôi hỏi: Thế cháu đi vacation được bao lâu”

Tôi trả lời;
- Dạ cháu đi được có 5 tuần thôi.

Chú Đĩnh há mồm nhìn tôi:

- 5 tuần. Chú làm ở đây hơn 10 năm mà mỗi chỉ được có 2 tuần vacation mà thôi.

Tôi nói nếu cháu để năm tới mới đi cháu được 10 tuần. Còn cháu lam 10 năm sẽ có long service được 3 tháng holiday.

Chú Đĩnh rất ngạc nhiên sao ở Úc lại có được điều kiện tốt như thế với công nhân. Cũng nhờ định cư tại Úc, tôi đã may mắn giúp được sáu đứa em và một đứa cháu qua Úc. Cám ơn Chúa đã thương giúp gia đình con.

Tạ ơn Chúa đã thương tình giúp cho con được định cư tại Úc.

Đặng Thắng.

Previous
Previous

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 5)

Next
Next

CHỒNG LÀ GÌ NHỈ?