VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 5)

Vừa đến trại tị nạn Jose Fabella Centre được chừng một tiếng. Bỗng tôi nghe trên loa kêu tôi lên văn phòng trại:

- Xin mời anh nào có tên là Đặng Thắng lên văn phòng trại có việc cần.

Tôi lo lắng hoang mang bởi vì trong trại tị nạn rất nhiều ân oán giang hồ xảy ra. Người bị ban trật tự nhốt ở trại vì vi phạm lỗi lầm sẽ đem lòng thù oán nên khi đến trại chuyển tiếp sẽ qui tụ anh em du đãng trả thù, thanh toán nhau. Có người bị đánh lầm đến nỗi bị liệt. Ở trại tị nạn Palawan cũng có anh Nguyễn Văn Thắng làm trưởng toán trật tự. Tôi cũng lo sợ không biết họ có trả thù hay đánh lầm mình chăng? Tôi lên văn phòng đại diện với tâm trạng hoang mang. Không ngờ, khi bước vào tôi gặp anh Trương Thế Cường (Mười Râu) người cùng chung tổ chức vượt biên của chúng tôi. Tôi mừng quá gặp lại bạn cũ. Nghe mấy người em của tôi nói:

- Anh Cường là người Hoa rất giỏi tiếng Anh. Anh dậy tiếng Anh cho các anh em và bạn bè cùng đồng bào trong trại. Anh nói tiếng Anh rất chuẩn đến nỗi Mục Sư Froud còn nói anh Cường nói tiếng Anh mà không thấy mặt anh không biết anh là người Việt Nam. Anh ấy nói tiếng Anh còn hay hơn tôi.

Tối hôm đó, chúng tôi ăn uống thật vui vẻ vì gặp lại bạn cũ.

Ở trại Jose Fabella Centre chúng tôi còn được ăn uống sang hơn ở Palawan nữa. Mỗi ngày mỗi người được một cục thịt heo, gà hay bò rồi rau, gạo đầy đủ. Chúng tôi được đi phố tự nhiên, không cần xin phép gì cả. Thỉnh thoảng, chúng tôi nhận được cheque hay money order, chúng tôi đi phố đổi lấy tiền rồi đi coi xi nê phim tàu tại Quiapo thật vui vẻ. Khi về ăn hột vịt lộn chiên của người Phi làm rất ngon. Đời sống thật thú vị nếu chúng tôi không lo lắng về vấn đề định cư.

Trại chuyển tiếp Jose Fabella Centre thật phức tạp. Tôi mới lên được mấy ngày đã thấy ban đêm mài dao như để thọc huyết heo. Băng đảng nhiều quá và phức tạp nên dễ dàng đâm chém nhau gây nên xáo trộn trong trại. Có băng Châu Danny, băng Điền Ốc Tiêu, băng 11 ông trời con....Tôi rất lo sợ vì dễ dàng bị đánh lầm này nọ. Cũng may cho tôi, em Mỹ là em ruột

tôi đá banh rất hay ở đảo Tara nên chơi thân với băng 11 ông trời con. Em Mỹ kể rằng:

  • -  Băng này cũng hiền lắm nhưng nếu đụng vào một trong nhóm, cả nhóm sẽ sống chết ăn thua. Em Mỹ giới thiệu:

  • -  Đây là Anh Hai, anh của Mỹ.
    Các anh em trong nhóm 11 ông trời con cũng nể Mỹ nên trọng tôi. Hơn

    nữa, tôi đá banh rất hay nên các em càng nể phục.

    Chương Còm, người em kết nghĩa Hướng Đạo của tôi bao nhiêu năm. Chúng tôi rất thương nhau như anh em ruột thịt. Lúc trước, chính tôi và Bác Đạo đã chạy cho Chương ra khỏi tù nên Chương rất quí mến gia đình tôi. Trước đây, Chương cũng là dân chơi nên quen biết Điền Ỗc Tiêu ở chuồng bò. Nghe Chương nói:

  • -  Điền Ốc Tiêu này cũng ghê lắm. Nó nhỏ xíu à nên nó lụi người ta rồi nó lủi đi đâu lẹ lắm không ai biết. Chương giới thiệu tôi với Điền:

  • -  Giới thiệu với Điền đây là anh Hai.

    Tôi cười cười bắt tay Điền. Chắc Điền tưởng tôi là dân chơi thứ thiệt nên Chương Còm mới giới thiệu trịnh trọng như thế. Thật ra, tôi có biết gì đâu! Chúng tôi ăn nhậu một buổi chiều vui vẻ.

    Sống ở Jose Fabella Centre được hơn một tháng, một buổi sáng tình cờ Cha Phát xuống trại tỵ nạn. Cha gặp tôi hỏi:

- Con đọc cho Cha đoạn sách thánh này.

Sách thánh tôi đã đọc biết bao nhiêu lần ở Việt Nam trong xứ đạo. Giọng tôi rất to nên nhiều khi không có micro vì cúp điện tôi đọc cả nhà thờ cũng nghe được. Tôi đọc được một đoạn Cha Phát nói:

- Ngày mai con lên đài làm với Cha.

Tôi chẳng biết đài gì và Cha cần tôi làm gì? Sau này tôi mới biết cha đang làm trên Đài Radio Veritas (Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu). Đài này do cha Tài quản lý, có Cha Phát, Cha Thục và các soer làm việc. Tôi phải học cách đi xe Jeepny của Phi 3 chặng mới tới nổi nơi làm việc. Nhiệm vụ Cha Tài giao cho tôi là: Sáng tôi nhận những bản tin từ Rome fax tới rồi thêm dấu vào cho hợp lý. Sau khi thêm dấu vào phải đưa cho Cha Tài sửa xem có gì sai không? Sau đó, đọc tin tức trong ngày. Có những bài của các Cha

khác viết nếu không có nhập đề hay kết luận tôi phải soạn cho đúng với chủ đề. Công việc cũng hợp với tôi trong trại tị nạn và kiếm thêm được ít tiền phụ giúp gia đình.

Cùng sống với tôi trong trại tị nạn Jose Babella Centre có em Dũng quê ở Kiên Giang. Một hôm tôi nhận được thơ từ gia đình nói rằng em Thuận (người em thứ sáu của tôi) đi vượt biên đang bị nhốt ở Rạch Giá. Tôi đang hoang mang chưa biết làm sao thì em Dũng nói:

- Để em viết thơ về cho má em ở Rạch Giá.
Không biết em Dũng viết thơ về kể sao mà em Thuận tôi sau này nói:

- Bà Năm Xà mẹ em Dũng rất tốt. Giúp cho em đủ thứ. Gửi tiền và đồ ăn cho chúng em. Hôm ra khỏi tù. Bà ta cho em và mấy đứa bạn tiền bạc đầy đủ. Chúng em đói quá mua đồ ăn nhiều quá nên ăn xong thở không nổi suýt chết.

Nghe nói em định cư tại Pháp vì có chị ruột ở Pháp.

Tôi làm việc trong đài Radio Veritas được vài tháng. Ở Việt Nam viết thơ qua nói: Mẹ đi nhà thờ gặp nhiều người nghe Đài Radio Veritas nói: Con bà nói trên đài Caritas v.v...Có lẽ họ nghe giọng nói của tôi quen thuộc ở nhà thờ nên họ nói như thế.

Một hôm, tôi xin Cha Tài gặp phái đoàn Canada nói cho tôi được đi định cư Canada vì tôi lên đây cũng lâu rồi. Cha Tài có gặp Đại Diện Phái Đoàn Canada hỏi về trường hợp của tôi:

- Phái đoàn Canada trả lời: Tôi bị bệnh phổi nên chưa thể đi được

Tôi như tá hỏa tam tinh vì không ngờ mình khỏe như thế sao lại bị bệnh phổi. Tôi vẫn đá banh đều đều và đánh bóng chuyền mỗi ngày sao bị TB được. Tôi nhờ bác sĩ Thành ở trại tị nạn viết cho tôi giấy phép đi chụp hình phổi. Chụp hình xong vị bác sĩ người Phi đưa cho tôi 4 viên thuốc màu trắng và nói:

- You take this one and one year come back here.

Một lần nữa tôi như bị đấm cú knock out của võ dĩ Mike Tyson! Ở trại tỵ nạn có mấy tháng đã xanh xao như thế này bây giờ chờ thêm một năm nữa chắc là qua đời quá. Tôi trình bày với vị bác sĩ người Phi:

- I am Vietnamese refugee. Would you give me some more medicine or injection for treatment. (Tôi là người tỵ nạn Việt Nam. Bác sĩ có thể cho tôi chích thêm thuốc hay uống thêm thuốc để chúng tôi có thể hết bệnh mau và đi định cư ở nước thứ ba).

Vị bác sĩ nhìn tôi ngạc nhiên thông cảm và ghi cho tôi một loại thuốc chích streptomicine và một loại thuốc uống nữa. Tôi buồn bã ra về với tâm trạng chán nản ê chề. Bệnh tật như thế này biết đến bao giờ tôi mới được đi định cư!

Sáng nào, tôi cũng mang thuốc lên nhờ phòng y tế chích dùm. Lúc đó, bác sĩ Các làm trưởng trại nên hằng ngày bác sĩ đều chích cho tôi.

Chuyện băng đảng thanh toán và chém nhau ở trại tỵ nạn cũng xảy ra bình thường. Tối hôm đó, hai băng đang nhậu nhẹt say sưa. Bỗng nhiên tôi nghe thấy chạy lục đục rồi nghe tiếng la hốt hoảng của Châu Danny ôm cánh tay đau đớn rên la thảm thiết. Hóa ra Châu Danny đã bị em Đính chém một mã tấu và Châu Danny giơ tay lên đỡ, nhát mã tấu quá nặng chém sâu xuống cánh tay, cũng may có đồng hồ đeo tay nếu không cánh tay đã lìa rồi. Đồng bào vội vàng kêu xe ta xi chở Châu Danny lên bệnh viện Lourdes Hospital. Cả trại xôn xao hoang mang! Cao Ủy Tỵ Nạn rất bực tức với thanh niên trong trại qua hành vi trên. Cả trại nhốn nháo với các tin tức bất lợi.

Như thường lệ, tôi mang thuốc lên nhờ bác sĩ Các chích. Tự nhiên bác sĩ bảo tôi:

- Anh vô đây chút rồi tôi chích cho anh.
Tôi ngơ ngác đi theo bác sĩ vì đang mặc quần đùi để bác sĩ chích cho dễ.

Dẫn tôi vào phòng đông đảo đại diện các ban ngành, bỗng bác sĩ nói:

- Bây giờ tất cả đồng bào ở đây có đồng ý bầu anh Thắng làm trưởng ban Trật Tự không?

Cả hội trường vỗ tay bốp bốp bốp. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự bắt cóc bỏ đĩa của bác sĩ Các. Tôi vội vàng từ chối:

- Bác sĩ! Em đâu có thể làm được chức vụ quan trọng đó.

Chức vụ này phải là người trong quân đội hay trùm băng đảng gì để nói người ta mới nghe, còn tôi nói sao họ nghe. Nhưng bác sĩ Các nói:

- Anh thấy chưa! Tất cả đồng bào đều tín nhiệm bầu anh làm Trưởng Ban Trật Tự mà. Anh cố gắng giúp đồng bào đi.

Tự nhiên tôi giữ chức vụ rất quan trọng và quá nguy hiểm trong trại tị nạn Jose Fabella Centre. Tôi giao cho Điền Ốc Tiêu là phó ban trật tự trong trại. Dù sao, Điền Ốc Tiêu cũng còn nhiều đàn em trong trại dễ dàng cho tôi khi đụng phải băng của Điền Ốc Tiêu.

Bác sĩ Các rất giỏi tiếng Pháp nhưng lại ít biết tiếng Anh. Tôi nhớ có lần người Phi hỏi bác sĩ:

- What is your name? Bác sĩ trả lời:

- Doctor Các.
Còn bác sĩ muốn hỏi người ta: What is your name? nhưng bác sĩ không nói

được và cứ chỉ:
- You! You! You!

Tôi nhớ có lần bà Smith là nhân viên Cao Ủy trở thành thông dịch viên vì bà Smith biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Bà Silva người Phi đại diện Cao Ủy về vấn đề an ninh của trại. Bà Silva nói tiếng Anh. Bà Smith dịch sang tiếng Pháp với Bác Sĩ Các. Bác Sĩ Các nói tiếng Pháp với bà Smith. Bà Smith lại dịch ra tiếng Anh cho bà Silva.

Previous
Previous

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 4)

Next
Next

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 6)