ĐẠI HỘI KINH THƯƠNG ÚC CHÂU 2007 TẠI SYDNEY

Vừa bước chân vào tiệm phở Việt ở Cabramatta, tôi giật mình khi thấy anh chị em Kinh Thương Minh Đức ngồi chật hai hàng ghế. Mọi người đang ăn uống vui vẻ, có lẽ đang đói bụng vừa từ Melbourne và Canbera lên. Tôi ngượng ngùng chào mọi người vì mình ở đây mà đến trễ. Bắt tay Quang Hải và Quyển xong. Quang Hải nhường chỗ cho tôi ngồi. Chưa ngồi vào ghế đã nghe Kim Ánh nói:

- Lát nữa ông chủ cứ tính tiền cái anh đến trễ đó. Tôi cười cười trả lời:

- Đâu có sao đâu em! Chuyện nhỏ mà.
Đang ngó ngang dọc chào mọi người, bỗng tôi nghe tiếng oán trách đằng sau:

- Nãy giờ chào anh có thấy anh ấy trả lời đâu?
Tôi giật mình khi thấy Trịnh Đình Hanh ngồi ở phía sau nhìn tôi như trách

móc:

- Tôi vội vàng xin lỗi vì lu bu quá nên quên mất Hanh ngồi ở đó. Tôi đã gặp Hanh nhiều lần ở Melbourne. Hanh có lối nói đùa mặt mày tỉnh bơ nhưng nói các câu đùa thật hay, dí dỏm và bất ngờ. Bữa tiệc nào có Hanh các bạn sẽ tha hồ cười muốn bể bụng vì cách nói đùa thật hay và tỉnh khô của Hanh.

Chúng tôi ăn uống vui vẻ một chút thì anh Sáng chở tới hai người bạn ở Adelaide là Thắng Ruộng và Phương từ phi trường về.

Câu chuyện trở nên sống động hơn khi hai người bạn Thắng Ruộng và Hanh gặp nhau vì hai người ngày xưa học cùng một lớp và rất thân thuộc nên nói chơi với nhau cũng cạn tào ráo máng. Anh Sáng có gặp tôi đính chính vì anh email cho tôi là tiệm phở Hiền nhưng chúng ta lại gặp nhau ở tiệm phở Việt. Anh Diệp Hồng Câu là chủ tiệm phở Việt cũng thân với tôi vì cháu anh ta lấy em ruột tôi nên chúng tôi đã từng biết nhau.

Anh Sáng, Trung, Thắng Ruộng và Phương kêu thêm các món ăn. Chúng tôi tha hồ nói chuyện vui vẻ, làm ồn ào cả quán ăn.

Trong dịp này, Quang Hải cho tôi biết mắt đã bớt giật đến 80%. Trước đây, mắt của Quang Hải bị giật liên hồi giống như hai giây thần kinh bị dính vào nhau. Khi bà xã tôi rất giỏi về thuốc Bắc đi Melbourne chơi, đã chuẩn bệnh cho Hải và đến tiệm thuốc bắc hốt thuốc vào tháng 1 năm 2007. Tuy nhiên, đến tháng 7 năm 2007 Hải mới uống thuốc vì Hải rất sợ uống thuốc bắc. Nhưng Hải sợ rằng nếu không uống thuốc bắc khi bà xã tôi qua hỏi, Hải biết trả lời sao! Nên Hải phải cố gắng uống. Hải cho rằng uống thuốc bắc giống như Phan Thanh Giản uống thuốc độc vậy. Thành ra mỗi lần uống thuốc bắc Hải phải nhắm mắt dù mắt đang bị giật giật và phải ngâm bài thơ:

  • -  Cũng đành nhắm mắt đưa chân

  • -  Mặc cho con tạo xoay vần ra sao?

    Không ngờ con tạo này xoay cũng có kết quả. Hải bảo là uống được 5 thang mắt đã bớt giật 50% và đến10 thang thì mắt bớt giật 80%. Tôi cũng mừng vì bà xã mình đã giúp được người bạn như thế.

    Nhân dịp này anh Diệp Hồng Câu chủ tiệm phở Việt có kể chuyện vui, anh kể rằng:

    - Bây giờ tuy thành phố Sài Gòn có tên là thành phố Hồ Chí Minh nhưng tất cả ai về Sài Gòn lấy vợ đều được nói là lấy vợ Sài Gòn chớ ai nói lấy vợ Hồ Chí Minh là tới số.

    Tất cả chúng tôi đều cười thật vui cho câu chuyện nói đùa của anh.

    Ăn uống vui vẻ xong, chúng tôi quyết định đi Cabravale Club để uống bia và nhảy đầm. Tôi có nhiệm vụ dẫn vợ chồng anh Thế đi tới Club vì anh Thế ở dưới Canbera nên không rành đường trên Sydney.

    Xin nhắc lại, tôi có gặp anh Thế trước đây một lần ở Sydney khi tôi và anh cùng đón hai bà mẹ từ Việt Nam qua du lịch vào năm 2000. Trong khi chờ đón mẹ, tôi thấy anh Thế trạc tuổi mình nên nói:

- Xin lỗi ở Việt Nam anh làm về gì?

Anh Thế trả lời:
- Tôi làm phụ khảo cho Kinh Thương Minh Đức.

Khi nghe như vậy, tôi giật mình vì nghĩ đến những người khóa 1 Kinh Thương Minh Đức sau khi ra trường được giữ lại làm Phụ Khảo, chắc anh cùng khóa với Lâm Quang Thanh Ngân, Tạ Thanh Duy Hiếu....Hơn nữa, khi tôi có dịp gặp Thầy Khánh ở Brisbane, có nghe Thầy Khánh kể về Thế nên tôi nghĩ đây là con rể Thầy Khánh. Tôi thầm phục anh Thế qua đây còn tiếp tục học hành và làm về chuyên môn của mình. Tôi và anh Thế biết nhau từ lần đó và đây là lần thứ hai tôi gặp lại anh.

Sáng hôm sau, Tuấn Linh đã tới nhà tôi thật sớm khoảng 8 giờ sáng, sau khi lấy thịt rau và trái cây ở nhà anh Lãng. Vừa gặp tôi, Tuấn Linh cười toe toét kể lại chuyện vui khi lấy thịt. Tuấn Linh kể là:

  • -  Ê Thắng! Hồi nãy khi đi lấy thịt mình đang đứng chờ bà kia bà ấy bỏ thịt cho mình, tự nhiên nghe bà ấy kêu lên:

  • -  Anh! Kéo dùm tôi cái phẹc ma tuy lên coi. Tôi tự nhiên ứng khẩu trả lời:

- Tôi chỉ kéo phẹc ma tuy xuống không à chớ không có kéo lên.
Vừa nghe câu nói đó, mấy người đàn ông trong tiệm thịt cười quá trời luôn.

Có người còn phụ họa:
- Thấy chưa, anh ấy chỉ kéo phẹc ma tuy xuống chớ không kéo lên được.

Mấy người đàn ông trong tiệm thịt được dịp cười như nắc nẻ trong khi bà cho thịt vào túi chắc cũng thẹn đỏ cả mặt.

Tôi và Tuấn Linh liên lạc được với nhóm Kinh Thương đang ở nhà Dũng. Chúng tôi kéo lại nhà Dũng uống cà phê, ăn sáng trước khi đi tới Blue Mountain, địa điểm họp mặt.

Vừa vào nhà Dũng chúng tôi đã thấy Kim Ánh đang cầm micro hát karaoke nhảy nhót hấp dẫn lắm. Còn các bạn Kinh Thương ở Canbera, Melbourne đang ăn bánh cuốn, bánh giò điểm tâm và uống cà phê. Chúng tôi ghé vào ăn sáng uống cà phê cùng hàn huyên tâm sự.

Tôi thấy xe van của Tuấn Linh chở quá nhiều ẩm thực nhưng nghe Dũng bảo còn phải chở thêm gà quay, vịt quay và nước cùng rượu nữa. Thấy xe chở thức ăn đầy nhóc nên Hanh nói đùa:

- Chúng ta phải thanh toán hết thức ăn này rồi mới được về.

Chúng tôi ai cũng nhìn vào xe thực phẩm, cười cười lắc đầu. Chúng tôi định lên đường sớm những Dũng báo là 13 giờ trưa mới được check in nên chúng tôi đợi đến 12 giờ trưa mới khởi hành. Cảm giác này làm tôi nhớ lại tinh thần hăng say, nôn nao mỗi khi đi cắm trại Hướng Đạo. Ngày xưa, khi đi cắm trại chúng tôi phải đi xe đạp, chở cây gậy, ba lô, nồi niêu xoong, chảo v.v...và phải đạp còng lưng còn bây giờ tôi ngồi trên xe hơi thoải mái ngắm phong cảnh thiên nhiên. Đoạn đường này đối với tôi quá ư quen thuộc vì tôi có lò bánh mì ở Bathurst hơn 20 năm nên tôi đi qua đoạn đường này không biết bao nhiêu lần. Nhớ lại có những buổi tối trời mưa, sương mù đi qua đoạn đường Katoomba này rất nguy hiểm.

Khi đến địa điểm, trời khá lạnh. Chúng tôi hì hụch di chuyển thực phẩm và dụng cụ cá nhân lên phòng đã được ban tổ chức phân chia. Mỗi gia đình ở một phòng, các bạn nữ độc thân một phòng và các bạn nam độc thân một phòng. Chúng tôi có một nhà bếp và có một phòng khách ăn uống thật rộng rãi và thoải mái.

Sau khi ổn định vị trí từng phòng, chúng tôi xuống khu vực babeque dưới nhà. Tất cả chúng tôi nướng thịt ăn babeque thật vui vẻ. Trong khi mọi người đang ăn thì tôi và Tuấn Linh phải đi lấy bánh mì do em Vân (em của tôi) mang từ Bathurst về cách Katoomba gần 100 cây số. Tuấn Linh nói đùa rằng:

- Bánh mì này được trực thăng chở từ Bathurst lên.

Đúng là bánh mì từ Bathurst lên nhưng không đi bằng trực thăng mà do em Vân (em ruột tôi) đi xe lửa mang xuống. Chúng tôi lấy bánh mì từ ga xe lửa Katoomba về.

Chúng tôi ăn uống nói chuyện thật vui vẻ sảng khoái, sống lại cuộc đời thân mật sinh viên xa xưa. Anh Thế luôn luôn kể chuyện tiếu lâm cho anh em nghe. Trịnh Đình Hanh cũng vậy, với vẻ mặt tỉnh bơ đã kể như sau:

- Tôi phải cám ơn vợ tôi rất nhiều vì đã dàn xếp để chúng tôi tham dự Đại Hội Kinh Thương Úc Châu tại Sydney. Điều quan trọng hơn nữa, nếu vợ tôi không đi tôi phải ngủ với Thắng Ruộng.

Cả bọn chúng tôi đều cười ồ lên sau câu nói pha trò của Hanh.

Anh chị Lãng bận công chuyện nên buổi chiều mới đến tham dự với chúng tôi. Anh Lãng ngày xưa học khóa 1 Kinh Thương Minh Đức cùng với Lâm Quang Thanh Ngân và Tạ Thanh Duy Hiếu....Nhưng vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 anh bị động viên vì đôn quân trong thời gian đó.

Buổi tối hôm thứ bảy chúng tôi ăn uống thật no say đầy đủ. Mỗi người tự động đứng lên giới thiệu về mình cũng là những tiết mục thật tếu và vui đùa. Đặc biệt, năm nay có thêm vợ chồng Thông & Chi ở bên khoa Canh Nông Minh Đức nhưng chúng tôi mời tham gia vì Thông & Chi rất thân với tôi và Tuấn Linh. Những bài hát sinh hoạt quen thuộc được Quang Tín bắt lên làm chúng tôi nhớ lại thời sinh viên hơn 30 năm về trước. Đặc biệt bài hát “Khúc Thụy Du” vẫn là bài hát bất hủ của Quang Tín đối với chúng tôi. Ai cũng công nhận Quang Tín hát hay quá! Chúng tôi hát hò sinh hoạt thật vui vẻ cho đến hơn nửa đêm mới đi ngủ.

Sáng hôm sau, tôi vừa thức dậy đã thấy chị Yến vợ anh Lãng đang kêu mọi người tập thể dục theo phương pháp của chị ấy để cơ thể khỏe mạnh và điều hòa. Tuấn Linh cũng muốn tập cho các anh chị em khác theo phương pháp Tiên Thiên Khí Công. Mục đích giúp cho mọi người có sức khỏe tốt hơn. Tôi cũng ao ước nếu có vợ tôi ở đây để bắt mạch kiểm tra sức khỏe cho các bạn bè thì tốt biết mấy.

Sau đó, chúng tôi ăn sáng uống cà phê và chuẩn bị đi thăm “Động” Jenolva Cave. Nói đến chữ “Động” cánh đàn ông chúng tôi đều cười ồ lên vì hiểu theo nghĩa bóng của chữ “Động”. Thế rồi, Thắng ruộng còn nói:

- Ai đi động mau thì đứng bên này, còn ai đi động lâu thì đứng đàng kia.

Tất cả chúng tôi chẳng ai nói gì cả nhưng đều cười thật to và hiểu nghĩa bóng của chữ “Động”. Phải công nhận động Jenolva Cave rất rộng và rất đẹp. Tùy theo chúng ta có thời giờ nhiều hay ít và muốn đi xa hay gần. Chúng tôi chia thành 2 nhóm: Một nhóm đi khoảng nửa tiếng và một nhóm đi khoảng một

tiếng. Đi xong, ai cũng công nhận “Động” rất đẹp và ai cũng hân hoan thoải mái.

Trên đường về, chúng tôi gặp trở ngại vì có tai nạn đụng xe trong tuyến đường xuống dốc ở Lithgow nên cảnh sát cấm đường không cho chúng tôi về đường cũ. Bị tắc đường gần mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng tôi phải tìm đường khác về vì không biết đến bao giờ đường mới được lưu thông. Cũng may, có một chiếc xe chở Phương thoát khỏi vụ đụng xe đó nên Phương mới về tới phi trường Sydney cho kịp chuyến bay về Adelaide. Sau vài tiếng đồng hồ, chúng tôi mới về được Katoomba. Anh chị em tiếp tục bàn về vụ đụng xe đó chắc nặng lắm nên mới kẹt xe lâu quá như vậy. Đây là đoạn dốc nguy hiểm, trước kia tôi đã nhiều lần đi ngang qua đây trong những trạng thái mơ mơ màng màng. Cũng may, Chúa thương tôi cách riêng nên tôi không bị tai nạn. Nhớ lại, có lần tôi buồn ngủ nhưng vẫn phải lái xe ban đêm cho kịp thời gian đến shop nên rất nguy hiểm. Khi đi qua đoạn dốc này, tôi lái xe lạng quạng đến nỗi người lái xe sau tôi pha đèn và bắt tôi vào lề. Tôi vội vàng tắp xe vào lề, hóa ra ông ta là cảnh sát và biết tôi quá mệt mỏi nên ông ta bảo tôi phải ngủ một lát rồi mới lái xe vì rất nguy hiểm.

Một lần khác, tôi lái xe mơ ngủ thế nào để tài xế xe Truck bấm còi inh ỏi làm tôi giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát ra như tắm vì sợ hãi. Nghĩ lại thật rùng mình!Chính bây giờ tôi cũng không hiểu nổi tại sao ngày xưa tôi lại có thể làm được những chuyện như thế.

Buổi tối chủ nhật, chúng tôi tiếp tục ăn uống hàn huyên thật vui vẻ. Những bài hát sinh hoạt cộng đồng trước kia được chúng tôi hát sinh hoạt như: Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Nối Vòng Tay Lớn.v.v... được chúng tôi hát thật to như thời còn sinh viên dù bây giờ ai cũng qua 50 tuổi. Chúng tôi hát to đến nỗi nhân viên trong chỗ chúng tôi thuê phòng phải đến nhắc nhở chúng tôi hát nhỏ lại để cho những người kế bên chúng tôi nghỉ ngơi. Nhân dịp này anh Sáng cũng sáng tác một bài nhạc: “Về Nơi Đây” để kỷ niệm gặp gỡ của chúng tôi. Tôi không ngờ anh Sáng lại có tài về âm nhạc như thế. Phải nói, chúng tôi có một buổi tối ăn uống thật no nê, nói chuyện thật vui vẻ, ca hát thật hăng say quên đi những ngày tháng làm việc mệt nhọc trong cả năm trời. Đến hơn 1 giờ đêm, anh chị nào mệt vào nghỉ trước, còn ai có thể tiếp tục hàn huyên vào nghỉ sau.

Sáng thứ hai, chúng tôi dậy khá sớm dù đêm ngủ khuya, cà phê, thức ăn sáng đã được các chị dâu Kinh Thương chuẩn bị chu đáo. Các chị dâu Kinh Thương ai cũng siêng năng và giỏi giang. Không biết sao các anh Kinh Thương lại khéo chọn như thế. Chúng tôi tiếp tục hàn huyên tâm sự và ai cũng buồn rầu vì sắp đến giờ chia tay. Thức ăn và nước uống chúng tôi mang theo tưởng ăn cả tuần mới hết, không ngờ chúng tôi cũng thanh toán gần hết. Các cô dâu Kinh Thương thu dọn gọn gàng và chuẩn bị chia tay.

Cuộc vui nào cũng tàn, cuộc hội ngộ nào cũng tan. Chúng tôi thật sự ngậm ngùi khi hát bài chia tay: Gặp nhau đây rồi chia tay, ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây. Niềm hăng say còn chưa phai. Đường trường sông núi hẹn mai ta xum vầy. Tín còn hát thêm bài chia tay của Hướng Đạo: Lúc thú vui này lòng càng quyến luyến anh em chúng mình. Lúc thú vui này lòng càng những muốn anh em thấu tình. Rời tay nhau chớ lâu nhé. Tình anh em chớ quên nhé. Lòng anh em nhớ nhau tuy xa mà hóa ra gần.

Tất cả chúng tôi đều bùi ngùi thương tiếc bắt tay từ giã. Sao thời gian trôi qua nhanh quá! Mỗi năm anh chị em Kinh Thương Minh Đức Úc Châu có dịp gặp nhau một lần vào đầu tháng 10.

Hẹn gặp các anh chị em vào dịp năm tới tại Nam Úc. Thân Chào

Đặng Thắng

Previous
Previous

CHUYẾN ÂU DU CỦA TÔI (PHẦN 1-3)

Next
Next

BA TÔI