CHÚA ĐÃ CỨU TÔI BAO NHIÊU LẦN

Không biết các bạn thì sao? Ngẫm nghĩ lại Chúa đã cứu tôi rất nhiều lần trong cuộc đời.

Năm tôi 12 tuổi, cùng trang lứa tuổi trong xóm chúng tôi đi tắm ở hồ tắm An Đông. Tôi đang đứng lóng ngóng ở chỗ nước sâu 3,7 mét, bất ngờ có thằng tưởng tôi chung nhóm với nó, xô tôi xuống hồ. Tôi thất kinh bát đảo vì chưa biết bơi. Tôi bị chìm xuống đáy hồ nhưng nhờ tôi nín thở nên thân hình tôi từ từ nổi lên, tôi vội vàng bám vào thành hồ leo lên. Thật kinh hoàng! Tôi tưởng tôi chết đuối rồi chớ. Leo lên bờ mặt mày tôi tái xanh không còn chút máu. Từ đó, tôi không còn dám đi tắm ở hồ tắm An Đông nữa.

Năm tôi 18 tuổi học đệ nhị tức lớp 11 trường Nguyễn Bá Tòng, sáng sớm tôi thường chở mẹ tôi đi chợ An Đông để mua trái cây về bán trong xóm. Lúc đó, tình hình an ninh không tốt nên có lệnh giới nghiêm từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Mẹ tôi muốn đi trước giờ giới nghiêm khoảng 4 giờ sáng để có thể mua trái cây ngon và tốt hơn về bán. Thành ra lúc tôi đi vẫn còn trong giờ giới nghiêm. Lúc về, cảnh sát thổi còi chặn tôi lại xét giấy tờ, có lẽ tôi còn mơ ngủ nên không nghe thấy. Đến lần thứ ba tôi giật mình dừng xe lại. Viên cảnh sát với vẻ hằn học lại hỏi tôi:

- Sao tôi thổi còi mấy lần mà anh không ngừng xe lại? Tôi ấp úng trả lời:

- Có lẽ em buồn ngủ quá nên không nghe thấy. Viên cảnh sát nói tiếp:

- Đưa giấy tờ coi coi. Sao đi trong giờ giới nghiêm? Tôi vội vàng móc giấy tờ hoãn dịch vì lý do học vấn và nói:

- DạemchởmẹemđichợAnĐôngmuatráicâyvềbán.

Viên cảnh sát coi giấy tờ thấy tôi hoãn dịch vì lý do học vấn nên thông cảm và nói nhỏ nhẹ:

- Anh không nên đi trong giờ giới nghiêm. Hồi nãy chút xíu tôi bắn anh rồi đó. Tôi đã quì xuống định bóp cò rồi đó.

Mồ hôi tôi toát ra như tắm vì sợ hãi! Chỉ một tích tắc thôi tôi đã tiêu đời rồi.

Tôi về nhà kể cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi cũng sợ và không dám đi trước giờ giới nghiêm nữa. Tạ ơn Chúa đã cứu con.

Năm 1988 tôi thật sai lầm khi quyết định mở thêm hai lò bánh mì ở Bathurst và Dubbo. Lúc đó, tôi đã có 3 lò bánh mì: một ở St Mary, một ở Penrith và một ở South Penrith. Đã có 3 lò bánh mì tôi tưởng mình an phận rồi. Không ngờ chị Cư, chị họ tôi từ bên Mỹ qua chơi sau khi người chồng Mỹ gốc Hawaii qua đời. Chị Cư lúc đó đang cô đơn và thiếu thốn tình cảm nên đã cặp với anh Tường, công nhân bánh mì của tôi.

Dĩ nhiên, chuyện tình cảm của họ tôi không chen vào nhưng hai người đi du lịch xuống Dubbo. Đi ngang qua Bathurst, thấy có shop trống và địa điểm rất tốt nên đã đề nghị với tôi cùng mở shop bánh mì trên Bathurst. Tôi thấy anh Tường là thợ chính bánh mì nên tạo một cơ sở bánh mì nữa ở đây cũng tốt vì chưa có lò bánh mì Việt Nam. Hiện tại ở Bathurst chỉ có một lò bánh mì Bernard của Úc bán rất đông khách. Khi đó, tôi đã mượn tiền ngân hàng mua máy móc làm 3 lò bánh mì nên tôi vay thêm không khó khăn lắm. Tôi cũng nghĩ mở thêm một lò bánh mì nữa để chị Cư cai quản, mình trả tiền quản lý cho chị ấy và anh Tường. Phần còn lại tiền lời mình sẽ chia đôi. Như vậy hai bên đều có lợi. Trên lý thuyết thật đẹp và có lợi đôi bên nhưng thực tế vấn đề rất phức tạp.

Shop bánh mì khá thành công, bán rất đắt và đông khách nhưng tôi không thấy có tiền lời gì vì chị Cư và anh Tường rất mê kéo máy. Khi hỏi về tiền bạc, chị Cư cứ ỡm ờ nói shop mới bán nên chưa có lời. Sau này, tôi bắt gặp cả chủ lẫn thợ vào RSL Club kéo máy. Tôi tưởng chỉ kéo cho vui mấy người thợ cho tôi biết hai ông bà chủ hôm nào cũng vô chơi từ trưa cho đến tối. Thua hết về shop lấy tiền chơi tiếp. Chơi đến nỗi không có tiền trả cho ông giao sữa mỗi ngày. Khi ông giao sữa đến, anh Tường giả bộ đi dạo đâu đó chừng 20 phút. Ông giao sữa có hỏi thì thằng Nhường (thợ bánh mì) trả lời:

- The boss is not here. (ông chủ không có ở đây)

Ông giao sữa để bill (hóa đơn) đó cộng lại tính sau.

Khi nghe em Nhường kể như thế tôi cứ tưởng chuyện chơi vì shop bán rất được sao lại thiếu tiền như thế.

Tôi cũng quá tham! Sau khi mở shop Bathurst thành công. Shopping mới mở trên Dubbo, cách Bathurst hơn 200 cây số, gọi điện thoại cho tôi với nhiều ưu đãi nếu tôi chịu mở shop bánh mì trên Dubbo. Họ đề nghị cho tôi 20 ngàn đô để phụ sửa shop và không lấy tiền shop trong 3 tháng. Tôi say mê trên chiến thắng tưởng mình quá giỏi nên chọn thằng Dennis thợ chính bánh mì hùn với tôi như chị Cư lên Dubbo làm việc. Tôi nghĩ rằng khi sắp xếp như thế cứ vài tuần tôi lên Bathurst và Dubbo tiếp tế lương thực rồi tính toán sổ sách mang tiền lời về.

Thằng Dennis chỉ là thợ thôi khi đưa lên quản trị shop không được. Bán được tiền bao nhiêu bỏ vào túi đi vào Club uống bia khoe khoang lung tung mình là chủ shop. Nhậu vào tiền bạc rớt bừa bãi trong Club. Tôi phải lên Dubbo làm việc như người thợ chính kiêm tính toán tiền bạc và giao hàng. Mỗi ngày tôi làm việc từ 16 đến 20 tiếng và ăn uống thất thường. Thật là kinh hoàng!

Tôi phải trả giá cho sự ngu xuẩn của mình. Shop bán cũng không được như shop ở Bathurst. Sau khi loay hoay để ổn định shop ở Dubbo, tôi quay lại để tính toán shop ở Bathurst. Tôi giật mình kinh hoàng khi thấy chị Cư thiếu nợ nhiều quá. Tiền thịt làm meat pie và sausage roll cũng thiếu hơn 2,000 đô. Tiền máy móc thiếu đến mấy tháng chưa trả gần 10, 000 đô. Tiền bột thiếu cũng mười mấy ngàn. Tiền phẩm để làm bánh ngọt cũng thiếu cả chục ngàn. Tôi thật sự choáng váng khi nghe chị Cư nói rằng:

- Tao coi shop một năm rồi bây giờ giao lại cho mày coi.

Shop bánh mì ở Bathurst bán rất được và một năm sau tôi không có một đồng lời nào lại ôm một đống nợ to như thế. Tôi thất vọng và suy sụp hoàn toàn. Không ngờ mình quá tin người nên bị như vậy. Đã thế, trước khi bà Cư và ông Tường giao shop bày mưu mua một cái xe mới lấy tên shop và bắt tôi phải trả nợ hàng tháng. Tinh thần tôi chán nản vô cùng không muốn làm việc gì nữa. Cuối cùng tôi phải năn nỉ từng hãng bột, phẩm, thịt, sữa, nước ngọt...cho tôi trả từ từ số tiền thiếu nợ của shop. Tôi phải ra luật sư làm giấy

cam đoan họ mới chịu cho tôi trả dần dần như thế. Tôi thật sự u mê khi không khám phá ra bà Cư và ông Tường kéo máy. Có lần tôi ghé flat thăm thấy giấy toilet chứa đầy nhà và sữa đặc có đường chất đầy tủ. Tôi hỏi chị Cư:

- Sao chị mua nhiều giấy toilet và sữa đặc thế? Chị Cư tỉnh bơ trả lời:

- Tại nó sale (bán hạ giá) nên tao mua.

Thật ra đây là những món quà bán tại Club bà Cư kéo máy và mua bằng tem phiếu của Club. Khi bạn chơi thua nhiều tiền quá, Club an ủi cho bạn những tem phiếu để mua những vật dụng trong Club mà thôi và không dùng ở ngoài Club được. Vì không chơi kéo máy nên tôi không hiểu cho đến sau này mấy người thợ bảo cho tôi biết như thế. Những tem phiếu đó nếu không mua những thứ đó cũng không biết làm gì.

Vào giữa năm 1990, tôi sau khi làm bánh mì ở Dubbo, có công chuyện phải đi về Sydney. Khi đi qua khỏi Lithgow gần tới Katoomba, tôi buồn ngủ quá vì kiệt sức nên lái xe như con rắn lạng qua lạng lại giữa đêm khuya. Một chiếc xe tải thấy thế bấm còi inh ỏi ò e í e. Tôi giật mình thức giấc, mồ hôi toát ra như tắm giữa trời âm u lạnh lẽo. Tôi sợ hãi và lo lắng quá độ. Chỉ một giây sơ sẩy chắc giờ đây tôi không còn ngồi đây viết bài này nữa. Tôi phải ngủ trong xe một giấc mới có thể đi về được.

Tạ ơn Chúa đã cứu con một lần nữa.

Vì coi cả hai shop bánh mì Bathurst và Dubbo quá mệt nên tôi định cho một người thợ chính tên Thành coi Shop Bathurst dùm tôi. Mỗi tuần đưa cho tôi 1,000 đô. Thành chỉ lo lắng làm để kiếm tiền mà chẳng lo dọn dẹp shop gì cả. Khi Council tới check shop và đưa ra tòa. Shop đứng tên tôi nên tôi phải lái xe từ Dubbo về Bathurst ra tòa. Bữa đó, sau khi làm việc suốt đêm ở Dubbo tôi lái xe về Bathurst để hầu tòa suýt bị đụng xe 30 lần vì tôi kiệt sức quá. Thật là kinh hoàng! Nhớ lại lúc đó, tôi làm một ngày gần 20 tiếng. Từ 12 giờ 30 nửa đêm cho đến 3 giờ chiều về caravel ngủ chừng một tiếng rồi ra làm đến 7 giờ tối. Người tôi chỉ có 50 kg thật là gầy thê thảm. Ai nhìn tôi cũng thương hại cho tôi. Tôi nghĩ lại mình thật ngu xuẩn, không lượng sức mình, quá tự cao tự đại để rồi thất bại thê thảm. Những lúc lái xe đi trong mưa bão và cô đơn như

thế khiến tôi phải làm ra bài thơ dù môn thơ văn tôi rất dốt khi học ở trung học;

  • -  Tôi ra đi trong mưa gió bão bùng.

  • -  Lòng lạnh lùng trong cô đơn lạnh lẽo.

  • -  Ai là người am hiểu được lòng tôi.

  • -  Xin cho tôi một vài lời ấm áp.

  • -  Tôi bước lê trong đêm tối hãi hùng.

  • -  Lòng bồn chồn bước chân không định hướng.

  • -  Ai là người am hiểu được lòng tôi.

  • -  Xin cho tôi một vài lời khuyên nhủ.

  • -  Tôi cố lên trong cơn đau bệnh tật

  • -  Lòng ngậm ngùi nghĩ đến phận đìu hiu.

  • -  Ai là người am hiểu được lòng tôi.

  • -  Xin cho tôi một vài lời an ủi.

    Cuối cùng tôi nghe lời bạn bè khuyên nhủ: Bỏ shop Dubbo và chỉ tập trung làm ở shop Bathurst. Mỗi tháng tôi phải trả cho chủ shop Dubbo hai ngàn đồng cho đến một năm sau. Tôi phải ra luật sư làm như thế. Thật là thê thảm!

    Nhiều lần lái xe mệt quá, tôi ngủ trong tiềm thức, mơ mơ màng màng tưởng như mình đang đi ở Canada, Mỹ .....Có lần, vừa lái xe qua khỏi đường lên Lithgow, một người cảnh sát đi sau xe tôi chớp đèn pha bắt tôi dừng xe vô lề. Tôi tắp xe vô lề và viên cảnh sát sau khi xem bằng lái của tôi đã nói:

- You have to rest for a while because it is very dangerous. (anh phải nghỉ một lát nếu không lái xe rất nguy hiểm)

Tôi phải tắp vào lề ngủ một lát rồi mới lái xe tiếp.

Trong thời gian tôi làm việc vất vả xa xôi như thế, Chúa đã cứu tôi bao nhiêu lần! Chưa kể lần vượt biên kinh hoàng của tôi vì không có hải đồ hay la bàn gì cả. Ghe chúng tôi đến được bến bờ tự do nhờ tình thương bao la vô bờ bến của Chúa.

Cách đây hai năm, tôi đang lái xe trên đường Canley Vale vào lúc 11 giờ đêm, bất ngờ một chiếc xe chạy vuông góc với tôi thật lẹ. Bỗng nhiên, xe thắng gấp

có lẽ tài xế say rượu không thấy đó là cùng đường. Tôi chỉ cần chạy lẹ vài giây sẽ không tránh khỏi tai nạn. Thật là rùng rợn!

Bốn tháng trước đây, tôi đánh tennis ở sân Auburn. Đánh xong anh em vào Club uống bia. Hôm đó, vui và hứng chí quá mỗi người mua một tua bia, tôi uống 9 lia bia lái xe về rất nguy hiểm, suýt đụng xe, thật là cẩu thả. Về nhà tôi đậu rất sát xe của em tôi mà nếu tôi tỉnh không thể nào đậu như thế được.

Tạ ơn Chúa đã che chở cho con.

Gần đây nhất, mới tháng trước, tôi nhậu chung với Tuấn làm về kiếng bên Úc tại Việt Nam. Trong buổi nhậu có tôi, Tuấn, Bảy (Minh), cha Hỷ, cha Thời (hai cha ở Úc nhưng làm việc tại Việt Nam), vợ chồng người bạn ở Melbourne và một người bạn ở Việt Nam. Chỉ có bấy nhiêu người nhưng chúng tôi uống 3 chai rượu mạnh và 6 chai rượu đỏ. Tôi lái xe thật lạng quạng! Cha Thời bảo tôi:

- Anh Thắng không lái xe về được đâu, nguy hiểm lắm.

Tôi bướng bỉnh cứ lái xe về. Thật là ngu dại! Cũng may tôi về được đến nhà nhưng nghĩ lại thật là nguy hiểm. Lúc đó, tôi có thể kêu bạn bè trong ca đoàn đến chở tôi về cho an toàn nhưng tôi lại không làm. Thật là khờ dại!

Lạy Chúa! Chúa đã cứu con biết bao nhiêu lần như thế nhưng con lại quá keo kiệt tính toán với Chúa. Mỗi lần con đi lễ, con tưởng con bỏ vào nhà thờ năm hay mười đồng là con làm tròn nghĩa vụ rồi. Mỗi lần con ủng hộ các cha xây nhà thờ hay làm việc xã hội, con bỏ ra năm chục hay một trăm đô, con tưởng là to lắm rồi. Trong khi con bỏ ra vài chục hoặc vài trăm đô để ăn nhậu hay thua casino vài ngàn, vài chục ngàn đô chẳng nhằm nhò gì. Có phải con quá bủn xỉn và tính toán với Chúa không? Con lại không biết tạ ơn Chúa mỗi ngày bằng những kinh nguyện Chúa đã dậy con. Thời giờ con dùng vào việc chơi hay thư giãn quá nhiều. Thế nhưng Chúa đã không chấp tội con và đã cứu con nhiều lần như thế! Xin Chúa tha thứ cho những lỗi lầm và tính toán nhỏ nhen của con. Xin soi sáng và giúp con biết mở rộng lòng con với Chúa trong suốt cuộc đời còn lại của con.

Chúa đã cứu tôi biết bao nhiêu lần như thế mà tôi còn có thể nhớ được. Còn nhiều lần tôi không thể nhớ được? Còn bạn thì sao? Tạ ơn Chúa đã thương con vô vàn và cứu con nhiều lần như thế!

Đặng Thắng (tháng 7 năm 2010)

Previous
Previous

BÀ ĐỒNG

Next
Next

CHUYẾN ÂU DU CỦA TÔI (PHẦN 1-3)