HÃY CẢM TẠ CHÚA TRONG MỌI LÚC
Kinh nghiệm trong cuộc sống, nhiều khi tôi oán trách Chúa rằng: Chúa ơi! Con có làm gì nên tội đâu mà sao đời con khổ thế? Thế nhưng sau này tôi mới cảm nghiệm được đó là hồng ân Chúa ban cho, để cuộc đời tôi tiến triển tốt đẹp hơn.
Năm 1969 trong khi đang học thi tú tài 1 rất quan trọng, tôi lại bị vu khống bắt vào bót vì tội giật giây chuyền do một người Việt lấy Mỹ (me Mỹ). Lúc đó, tôi và Khải (bây giờ đang ở bên Đức) đang đi trên chiếc xe Briggestone để ăn tiệc chia tay với anh Huy, anh cột chèo với Khải đi du học ở Đức. Tình cờ, thấy một người chở một cô gái đằng sau. Tôi và Khải nghĩ rằng người Việt Nam còn anh Huy lại bảo người Mỹ. Chỉ tò mò thế thôi! Cả hai chúng tôi phóng xe lên coi người Việt Nam hay Mỹ. Khi xe Khải vừa phóng qua tôi có nói: Mỹ Việt Nam. Có lẽ cô gái đó giận dữ câu nói của tôi, nên đã bảo người Mỹ đó đụng xe vào xe của Khải vào ngay ngã tư Hai Bà Trưng và Hồng Thập Tự. Người Mỹ định xuống đánh chúng tôi nhưng bất ngờ có vài thanh niên đi ngang đó ngăn cản. Một vài phút sau đó, cảnh sát đến và cô gái đó khai rằng:
- Chúng tôi giật giây chuyền của cô ta.
Cảnh sát bắt chúng tôi về thẩm vấn. Viên cảnh sát hỏi cung chúng tôi nói
móc:
- Sáng đến giờ tụi bay làm được mấy vố rồi?
Tôi và Khải mếu máo trả lời:
- Tụi cháu đâu có đâu. Chúng cháu là học sinh mà.
Viên cảnh sát hỏi tiếp:
- Tụi bay học trường nào?
Tôi trả lời:
- Chúng cháu học trường Nguyễn Bá Tòng.
Viên cảnh sát thông cảm nói tiếp:
- Chuyện này nguy hiểm à nghe! Tụi bay phải kêu người ta bãi nại làm sao chớ không phiền phức lắm.
Kế đó, viên cảnh sát hỏi người phụ nữ:
- Vậy trong hai đứa này, đứa nào giựt bóp của cô?
Cô ta trả lời:
- Hai đứa này nè! Hai đứa này nè!
Viên cảnh sát bực mình hỏi tiếp:
- Nhưng mà trong hai đứa này, đứa nào giựt bóp của cô?
Cô ta chế ra:
- Lúc đó, có đứa bắn điếu thuốc vào mắt tôi làm tôi không thấy được ai hết.
Viên cảnh sát lục soát túi tôi và Khải không có điếu thuốc nào và hộp quẹt gì hết vì chúng tôi không có hút thuốc. Chúng tôi không ngờ cô ta nhanh trí và chế ra câu chuyện như vậy.
Chúng tôi bị giam trong nhà tù quận nhì vài ngày để chờ ra thẩm vấn. Trong thời gian này có ba anh Hồng anh họ tôi là thượng sĩ già trong quận. Khi về nhà ông lại không báo cho gia đình tôi biết. Ông chỉ nói trống không:
- Hình như hôm nay có em thằng Hồng bị bắt ở trong quận.
Giả như ông ta biết và đến nói chuyện hay hù dọa cô gái kia chắc cô ấy cũng
sợ và bãi nại.
Gia đình nhà Khải khá giả và quen biết nhiều hơn gia đình tôi nên đã nhờ anh Chấn làm trong ngân hàng quen với Biện Lý. Khi xe chở chúng tôi ra tòa không gặp được xe của gia đình Khải. Xe của gia đình Khải đến trễ và ông Phó Biện Lý ký chữ: Tống Giam. Anh Chấn chạy vào văn phòng Phó Biện Lý nói gì đó. Ông Phó Biện Lý bỏ chữ “Tống Giam” và sửa thành chữ: “Thẩm Vấn”. Khi vào Dự Thẩm, ông Dự Thẩm hỏi chúng tôi:
- Các cháu học ở đâu?
Tôi và Khải đều nói:
- Các cháu học ở Trường Nguyễn Bá Tòng.
Ông Dự Thẩm hỏi tiếp:
- Cháu học có được không?
Khải trả lời:
- Dạ cũng được.
Ông Dự Thẩm hỏi thêm: - Đứng hạng mấy?
Khải ấp úng trả lời: - Hạng nhất.
Ông Dự Thẩm chất vấn lại: - Vậy mà học được hở.
Quay qua tôi ông hỏi:
- Còn cháu đứng hạng mấy?
Tôi dè dặt trả lời:
- Dạ cháu đứng hạng 11.
Cũng may tôi và Hải đứng hạng cao trong tháng đó. Thẩm vấn xong, ông Dự Thẩm biết rằng chúng tôi cũng học khá trong một trường đạo nổi tiếng thời đó nên ông cho chúng tôi tại ngoại điều tra.
Thật sự, lúc bị bắt ở quận nhì tôi oán trách Chúa: Sao Chúa để tôi khổ như vậy. Tôi có làm gì đâu! Tôi vẫn đi lễ ngày Chúa Nhật bình thường và không làm gì trái luật.
Qua sự kiện trên, tôi không dám đi chơi nữa. Suốt ngày chăm chỉ học hành để rồi may mắn đậu kỳ thi tú tài phần nhất. Chúng tôi thoát cảnh:
- Rớt tú tài anh đi trung sĩ.
- Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con.
- Khi nào yên việc nước non.
- Anh về anh ẵm Mỹ con anh cười.
Cũng may tôi không phải đi trung sĩ vì đã đậu tú tài 1
Một chi tiết làm tôi kinh hoàng mỗi khi nghĩ lại: Môn thi cuối cùng là công dân sử địa. Môn này ít ai học, chỉ coi qua loa sơ sơ thôi. Đến lúc thi trắc nghiệm, nhiều thí sinh còn bắt con kiến cho bò đến ô nào thì đánh ô đó. Tôi đang đi bộ đến trường thi vào lúc 2 giờ 20 vì tôi nghĩ 3 giờ mới thi. Trời nóng quá, tôi định vào uống ly sinh tố nhưng linh tính ơn Chúa bảo tôi đi thi rồi tính sau. Vừa vào đến cổng trường, viên cảnh sát bảo tôi chuông reo rồi chạy vô mau lên. Tôi giật bắn người chạy nhanh vào phòng thi. Bà cô vừa phát bài thi cho các thí sinh thấy tôi vào bà nói:
- Em mà vào trễ một phút nữa tôi không dám phát đề thi cho em.
Tôi hoảng sợ, mồ hôi toát ra như tắm. Chỉ cần trễ một phút thôi, đời tôi chắc
phải rẽ qua hướng khác nếu tôi rớt tú tài phần một. Thật kinh hoàng!
Lần thứ hai tôi còn nhớ được cần phải tạ ơn Chúa trong chuyến vượt biên của chúng tôi. Chúng tôi đi vượt biên bằng hai chiếc ghe. Một chiếc ghe gồm đa số thanh niên độc thân coi như có đầy đủ la bàn và bản đồ để dẫn đường và một chiếc ghe chở những gia đình và em nhỏ đi theo. Mới đi song song được hơn một ngày, vào một đêm không trăng sao hai ghe không liên lạc được do máy liên lạc bị vô nước. Thế là chúng tôi lạc mất nhau! Mỗi ghe đi mỗi hướng. Chúng tôi tưởng biển cả nhỏ lắm dễ dàng liên lạc với nhau nhưng khi ra tới biển mới biết biển cả mênh mông biết dường nào. Lúc đó, ghe chúng tôi không có la bàn, không có hải đồ nên không biết đi đâu và hướng nào. Trên ghe có 5 tài công nhưng lái sông chớ chưa lái biển, thật nguy hiểm. Ghe chúng tôi đã gặp 27 chiếc tàu ngoại quốc nhưng không chiếc nào vớt. Trước khi đi, chúng tôi cứ tưởng rằng chỉ cần ra đến hải phận quốc tế, các tàu ngoại quốc sẽ đón mình như những anh hùng đi tìm tự do. Thực tế, không phải vậy! Nếu ghe chúng tôi không bị chìm vì nguy hiểm thì họ cũng không muốn vớt chúng ta bởi lẽ rất là phiền phức từ vấn đề đưa đồng bào tỵ nạn đi ở đâu và định cư
ở nước nào? Cuối cùng chúng tôi đuổi kịp một chiếc tàu Liên Sô từ 2 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Anh Kiệt mừng quá la lên:
- Tàu ngoại quốc đang chờ mình kìa anh Thắng ơi!
Tôi đứng nhỏm dậy bị phỏng cái lưng. Nhìn ra rất vui mừng vì thấy tàu lớn
quá. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng người Việt la to lên:
- Alô alô! Ra bắt mấy thằng vượt biên đi anh em ơi.
Chúng tôi hụt hẫng như từ trời rơi xuống. Công lao chúng tôi đuổi theo tàu này cả 4 tiếng đồng hồ lại hóa ra tàu Liên Sô. Công cốc! Chúng tôi còn thấy người Liên Sô cầm sợi dây và dùng con dao cắt đứt sợi dây ám chỉ: Họ và chúng tôi không còn gì liên hệ với nhau. Lúc đó, biển lại sóng gió to lắm. Kiệt lo lắng ra mặt hỏi tôi:
- Họ không vớt mình bây giờ tính sao anh Thắng? Tôi buồn bã trả lời:
- Đành chịu thôi! Coi như mình chưa gặp tàu này.
Cũng may họ không vớt chúng tôi. Nếu không giờ này chúng tôi cũng không
biết cuộc đời mình sẽ như thế nào?
Điểm may thứ hai của chúng tôi trong chuyến vượt biên. Đi đến ngày thứ sáu trong vô định, ghe chúng tôi lạc vào quần đảo Trường Sa gồm những đảo nhỏ của các nước Á Châu như Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc....
Trước khi gặp đảo, em Hiếu trên ghe cầu Trời khấn Phật rằng:
- Lạy Trời Phật cho con đến được hòn đảo nào con chết cũng được, chớ chết trên biển lạnh lắm Trời Phật ơi!
Em Hiếu thì cầu Trời khấn Phật còn tôi và gia đình bác Đạo theo đạo Công Giáo nên chúng tôi lần hạt suốt ngày. Đến tối ngày thứ sáu, ghe chúng tôi đến được đảo Nansa thuộc Đài Loan. Tôi dùng đèn pin đánh tín hiệu S.O.S vào đảo cầu cứu. Tín hiệu này tôi học được khi còn sinh hoạt trong Hướng Đạo.
Tôi đánh rất lâu nhưng không thấy trả lời. Chúng tôi quyết định neo ở đó một đêm đến hôm sau hãy tính. Sáng hôm sau, có một chiếc ghe trên đảo đi ra chỗ
ghe chúng tôi xem sao? Khi họ biết chúng tôi là người vượt biên, họ tiếp tế chúng tôi lương thực nước uống. Nhưng mỗi lần như thế, ghe của họ lại đụng phải ghe chúng tôi làm bể một mảng rất nguy hiểm. Bỗng dưng, sóng gió nổi lên dữ dội trông rất ghê sợ, anh Lộ, anh họ của tôi nhảy xuống bơi vào bờ. Bơi được nửa chừng, anh mệt quá phải ôm cục đá, em Công tài công trẻ nhảy xuống dìu anh Lộ vào bờ. May mắn cho ghe chúng tôi, anh Lộ ngày xưa là đại úy Công Binh có nhiều người lính Hoa nằm dưới quyền nên anh biết nói xi xa xi xô vài câu tiếng Quảng cho người lính Đài Loan hiểu. Người lính Đài Loan vội vàng kêu một vị trung úy bác sĩ ra nói tiếng Anh với anh Lộ. Đúng lúc đó, sóng gió nổi lên dữ dội như cơn giận của biển cả. Thấy chúng tôi nguy hiểm quá, vị Trung Tá chỉ huy đảo ra lệnh cho kéo ghe chúng tôi vào bờ. Các thanh niên nhảy xuống kéo ghe vào bờ. Nhìn đoàn người chúng tôi đói khổ, ốm o, gầy mòn đi vào bờ trông rất thê thảm giống như những thây ma biết đi: mỏi mệt, rách rưới, hôi hám, tả tơi...vì cả tuần lễ không ăn uống được và bị say sóng, ói mửa liên hồi.
Những binh sĩ Đài Loan cấp tốc nấu cho chúng tôi ăn và cung cấp chỗ ngủ tạm thời cho chúng tôi thật chu đáo. Họ nấu phở với thịt bò hộp cho chúng tôi ăn thật ngon lành. Riêng tôi với sức cầu thủ ăn 10 chén. Tối hôm đó, chúng tôi ngủ một giấc thật ngon lành vì không ngủ bập bềnh như trên ghe. Đang đêm, tôi giật mình thức giấc thấy người lính Đài Loan đang canh gác cho chúng tôi ngủ, thấy một tấm chăn đắp cho một người tỵ nạn bị đẩy ra ngoài, người lính đó đi tới đắp lại tấm chăn ngay ngắn cho người tỵ nạn. Hình ảnh cảm động đó đập vào mắt tôi làm tôi không bao giờ quên được trong cuộc đời.
Sáng hôm sau, vừa ngủ dậy ai cũng đi đứng siêu vẹo vì say đất liền sau một thời gian dài trên ghe. Cháu Tuấn con tôi té mấy chục lần một ngày. Hôm nay, tất cả thanh niên mới thấy bàn chân chúng tôi có rất nhiều gai nhọn đâm vào rất đau. Không biết do binh lính Đài Loan cố tình hay các hòn đá tự nhiên chung quanh đảo có gai nhọn như thế. Chúng tôi phải khều ra cả ngày trời.
Vị Trung Tá Chỉ Huy đảo nói với anh Lộ:
- Đảo chúng tôi rất nhỏ nên không thể chứa chấp quí vị được, nhưng chúng tôi sẽ sửa ghe cho quí vị và hướng dẫn quí vị đi đến một nơi khác.
Anh Lộ trả lời với vị Trung Tá:
- Tôi là một sĩ quan Quân Lực VNCH. Tôi hứa với ông khi nào các ông sửa ghe cho chúng tôi, chúng tôi sẽ rời đảo ngay lập tức.
Những binh sĩ Đài Loan rất tốt, họ đem đến cho chúng tôi rất nhiều thức ăn, đồ hộp chất đầy bàn bi da. Nếu chúng tôi chất đầy lên ghe chắc ghe chìm mất. Chúng tôi để lại rất nhiều và chỉ mang một số cần thiết thôi. Hầu hết đồ hộp viết bằng chữ Tàu nên chúng tôi lấy đại hên xui, chẳng biết chứa gì bên trong. Thành ra khi lên đảo chúng tôi ăn cá hộp cả tháng trời không hết.
Sau khi sửa máy và đóng mui ghe cho chúng tôi, binh lính Đài Loan thật chu đáo: Cho bác sĩ khám bệnh và cho thuốc chúng tôi, tiếp tế thức ăn thật đầy đủ: Vị Trung Tá còn dặn dò chúng tôi thật kỹ lưỡng:
- Chúng tôi khuyên quí vị hãy đi đến Indonesia, đừng đi Palwan vì nơi đó không có người. Khi đi, lúc đầu quí vị phải đi hướng 220 độ để tránh một hòn đảo nguy hiểm. Sau hơn nửa ngày, quí vị đi hướng 90 độ để đến nơi khác.
Đoàn người chúng tôi lại khăn gói quả mướp lên đường đi tiếp. Lúc đó, tâm trạng chúng tôi như đi du lịch vì không sợ bắt bớ và sóng biển cũng khá êm. Ghe chúng tôi đi dọc theo dãy núi Palawan của Phi thật đẹp và hùng vĩ vài ngày. Thỉnh thoảng thấy đàn cá nhảy lên vui đùa đẹp không thể tả. Tâm trạng thoải mái như đi du lịch, chúng tôi ăn uống quá sức thành ra chừng hơn hai ngày đã thấy nước uống bắt đầu cạn nên nghĩ cách ghé đảo lấy nước uống. Nhìn từ xa, tôi tưởng thấy nước chảy như thế chỉ cần tới gần dùng sô hấng nước đổ lên ghe là được. Không ngờ khi đến gần, mới thấy khe nước chảy cuồn cuộn như dòng thác thật đẹp. Trước khi đến nơi, chúng tôi còn bàn bạc nào phải lấy máu thử nước coi có độc không? Nhưng khi vừa đến nơi, các em bé nhảy xuống bơi và uống nước nói: Nước mát và ngon quá trời. Thế là chúng tôi thay toàn bộ nước ngọt trên đảo bằng những giọt nước suối mát ở Palawan.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi theo dãy Palawan một ngày nữa. Tối hôm đó, thấy một khu sáng trưng với ánh đèn. Anh Ba Giàu nói với tôi:
- Chỗ sáng kia chắc chắn có người. Mình cứ đâm ghe vào nơi đó, chắc họ sẽ cứu mình.
Nhưng tôi do dự nói với anh Ba Giàu:
- Anh Giàu à! Mình neo lại đây một đêm để sáng xem sao?
Anh Ba Giàu nghe lời tôi nên neo ghe lại một đêm. Quả thật, sáng hôm sau chúng tôi không thấy ai cả. Nếu chúng tôi đâm ghe vào tối hôm qua thì thật nguy hiểm.
Đi thêm được hai ngày nữa, chúng tôi gặp một tàu ngoại quốc rất to tên Panama của Hòa Lan, có lẽ họ đang tìm dầu. Họ tiếp tế chúng tôi thêm lương thực, bia, rượu, thuốc lá....rồi chỉ chúng tôi đi về hướng đảo Liminangcong thuộc dãy Palawan thuộc Philippines. Được tiếp tế thêm thức ăn, ghe chúng tôi nấu một nồi gà tây và khui bia rượu ăn mừng đến đảo tự do an toàn. Chưa bao giờ chúng tôi ăn uống nhậu nhẹt ngon lành đến thế. Gà tây chấm muối hay nước mắm cùng bia rượu được khui ra trong tâm trạng vui mừng khiến chúng tôi ăn uống hả hê không thể tả được.
Chúng tôi vừa ăn uống vừa đi theo hướng của vị chỉ huy tàu Panama, chúng tôi gặp được một ghe đánh cá Phi. Người này bảo chúng tôi cho họ ít vàng, họ sẽ hướng dẫn chúng tôi tới đảo. Chúng tôi gom góp vàng trao cho họ và họ dẫn chúng tôi tới đảo Liminangcong cũng thuộc dãy Palawan của Philippines.
Không biết vì chuyện gì, lính Phi không cho chúng tôi lên đảo. Họ bắt chúng tôi phải ở trên ghe có thể họ sợ những bệnh truyền nhiễm hay họ sợ chúng tôi có thể gây nguy hiểm cho họ. Sáng hôm sau, trong lúc đang ngồi trên ghe nấu cơm, cháu Tuấn con trai tôi bị té xuống biển, may quá nhờ một em trên ghe nhảy xuống cứu cháu Tuấn lên. Chúng tôi đứng trên ghe cũng hết hồn!
Trên đảo này, tôi nghe được một chuyện như sau:
- Có bà tỵ nạn Việt Nam chắc đi ghe nhiều ngày và quá đói khát nên khi lên được đảo này, bà bán vàng mua một thùng bánh bích qui. Ăn xong bà bị chết vì bội thực. Thật không ngờ!
Ở đảo Liminangcong được hơn một tháng, chúng tôi được tàu Hải Quân Phi đưa đến đảo Palawan thuộc Philippines. Tại đây, chúng tôi được nhập vào trại với gần 1000 người tỵ nạn.
Tôi tưởng cuộc hành trình vượt biên của chúng tôi quá gian khổ, tôi định sẽ viết về cuộc đi gian nan này khi có dịp. Tuy nhiên, khi đến nơi thấy nhiều cuộc vượt biên nguy hiểm và kham khổ gấp trăm lần mình tôi đành bỏ ý định này.
Có vợ chồng anh chị Út ở gần nhà tôi, một hôm tôi thấy hai vợ chồng cạo trọc đầu. Tôi ngạc nhiên hỏi những người lân cận, được họ kể rằng:
- Hai vợ chồng này đi vượt biên và ghe bị lạc tại quần đảo Trường Sa. Nơi đây theo thủy triều có 2 tuần nước lên và 2 tuần nước xuống. Ghe bị mắc cạn hai ngày, nên anh chị này sợ quá mới lấy gỗ trên ghe đóng thành bè hy vọng mình ở trên bè trôi đi ra biển sẽ được tàu nào thấy và cứu vớt. Đi bè được một ngày không có ai vớt cả và không ngờ chiếc bè lại trôi lại ngay về ghe. Anh chị Út sợ quá trèo lên ghe và may mắn thay, hai tiếng đồng hồ sau nước lớn lên và ghe đi được đến Phi. Hai vợ chồng này vái nên khi đến đảo đã cạo trọc đầu theo lời hứa của anh chị Út.
Em Sơn, cầu thủ đá banh ngày xưa cũng kể rằng:
- Chiếc ghe của em bị nạn và trên ghe 96 người chết hết chỉ còn 8 người còn sống sót khi bơi qua đảo Phi cách đó 8 cây số.
Phái đoàn 8 người vừa tới Phi được phái đoàn Úc nhận liền.
Ở trên đảo Palawan được mấy tháng, chúng tôi được tin có một chiếc ghe có 36 người đi trên biển 36 ngày mới được tàu Phi vớt. Chỉ còn 8 người sống sót: 7 người đàn ông và 1 phụ nữ. 8 người sống sót nhờ người phụ nữ tát nước trên ghe còn 7 người đàn ông nằm chờ chết. Tôi nhìn cánh tay người phụ nữ to gấp 3 lần cánh tay bình thường vì tát nước. Sau khi ở bệnh viện cả tuần, 7 người đàn ông được đưa về trại tỵ nạn, chúng tôi nhìn thật thê thảm: Họ như những con khỉ biết đi, không có thịt chỉ có da và xương. Thật kinh hoàng!
Hầu hết các ghe đến Palawan đều xuất phát từ Nha Trang hay Khánh Hòa hoặc đảo Phú Quí. Họa huẩn lắm mới có ghe từ miền Nam đi lạc như ghe chúng tôi.
Tạ ơn Chúa đã cho ghe chúng tôi đến bến bờ tự do an toàn.
Vấn đề định cư của tôi cũng phức tạp. Phái đoàn Úc đến trại tỵ nạn Palawan trước khi tôi đến khoảng một tuần nên chúng tôi mất cơ hội đi Úc năm đó.
Trong thời gian ở trại tỵ nạn chúng tôi được tin đồng bào tỵ nạn ở đảo Tara bị lính Phi hành hạ đủ điều: Họ bắt đồng bào giăng nắng cả mấy tiếng đồng hồ rồi đánh đập các thanh niên nghi ngờ đánh chết hội đồng một người lính Phi làm chúng tôi rất lo lắng cho các anh em bạn bè tôi ở bên đó. Cũng vì thế, tôi định xin đi bất cứ nước nào để có điều kiện giúp đỡ các em tôi cho bớt khổ.
Ban đầu tôi nghe có phái đoàn Argentina nhận người định cư. Tôi vội vàng lên đăng ký vì hy vọng với khả năng đá banh của mình cũng có thể kiếm được việc làm dễ dàng giống như tôi đã từng làm ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau này phái đoàn này không có nhận người tỵ nạn. Kế đó, tôi được phái đoàn Canada chấp thuận cho định cư tại Canada.
Gia đình tôi lên trại chuyển tiếp Jose Fabella Centre với tâm trạng vui mừng đi định cư ở Canada. Sau khi khám sức khỏe, tôi yên trí chờ đợi ngày đi Canada. Tuy nhiên, chờ đợi cả mấy tháng chẳng thấy tin tức gì cả. Trong lúc đó, tôi đang làm việc trên đài phát thanh Radio Veritas (Chân Lý Á Châu), cha Tài đang coi đài này. Tôi nói với cha Tài:
- Cha cố gắng gặp Phái Đoàn Canada nói giúp con một câu để con đi Canada sớm nghe cha.
Cha Tài trả lời:
- Để cha gặp Phái Đoàn Canada sẽ nói giúp con
Tôi yên trí chờ tin vui từ cha Tài. Ngày hôm sau, cha Tài gặp tôi nói:
- Phái đoàn Canada nói anh bị bệnh phổi nên chưa đi Canada được.
Tôi rất ngạc nhiên khi nghe tin này, tôi vẫn đá banh chạy khỏe như thường lệ sao lại bị phổi. Tôi gặp bác sĩ Thành trong trại xin đi chụp hình phổi. Chụp hình xong, vị bác sĩ người Phi đưa cho tôi một bọc thuốc màu trắng và nói:
- You take this medicines and one year come back here (anh về uống thuốc này và một năm sau trở lại đây)
Tai tôi nghe bùng bùng như không tin vào sự thật. Tôi chới với nói với vị bác sĩ Phi:
- I am Vietnamese refugee. Please give me more medicine or injection for treatment. (Tôi là người tỵ nạn Việt Nam. Làm ơn cho tôi thuốc chích hay thuốc uống thêm để tôi mau khỏi bệnh)
Nghe thế, vị bác sĩ Phi cho toa tôi mua thêm một loại thuốc chích streptomicine và thuốc uống để mau khỏi bệnh.
Mỗi ngày, tôi phải lên văn phòng trại để bác sĩ Các lúc đó làm trưởng trại chích vào mông. Hai mông đều đau hết nên tôi không biết hôm nay bác sĩ sẽ chích vào mông nào. Một hôm đang ngồi đợi chích bỗng bác sĩ Các bảo tôi:
- Anh vào đây chút rồi tôi chích cho anh.
Tôi đang mặc quần đùi để bác sĩ chích cho dễ và lớ ngớ đi theo bác sĩ vào
phòng họp các ban ngành. Bất ngờ bác sĩ Các nói:
- Tất cả quí vị trong đây có đồng ý bầu anh Thắng làm trưởng ban trật tự không?
Tất cả đồng bào trong buổi họp đều vỗ tay đồng ý bầu tôi làm trưởng ban trật tự làm tôi thật khó xử và chới với trước sự bắt cóc bỏ dĩa của bác sĩ Các. Tôi không thể từ chối được dẫu biết rằng nhiệm vụ này không đơn giản và dễ đụng chạm với các băng đảng trong trại.
Trước đó, tôi đã biết chuyện em Đính chém Châu Danny gần rụng cánh tay trái nếu không có đồng hồ đeo tay chắc cánh tay đã lìa xa làm tôi lo lắng rất nhiều. Tôi thật sự băn khoăn vì không biết mình có làm được không? Nhiệm vụ này thường được giao cho các sĩ quan ngày xưa chớ không phải tôi. Nhưng nếu tôi không làm trại càng mất an ninh trật tự hơn. Cuối cùng tôi phải nhận lời làm trưởng ban trật tự trong trại một thời gian.
Khi bác sĩ Các trại trưởng được đi định cư, đồng bào lại chọn tôi lên làm trưởng trại Jose Fabella Centre. Tôi do dự rất nhiều và cha Phát cũng nói với tôi:
- Đồng bào có bầu cậu làm trưởng trại, cậu đừng làm nhé vì cậu làm không nổi đâu.
Tôi định không làm nhưng khi tôi thấy người cảnh sát Phi dùng roi quất trẻ em đang chơi trong nhà bát giác mà lòng đau quặn lại. Tôi phải làm nếu không đồng bào tôi sẽ khổ nhiều vì những người lính Phi này. Khi tôi làm trưởng trại thì người lính Phi này không được đụng đến đồng bào tôi. Mọi chuyện an ninh trong trại do chúng tôi tự giải quyết. Trường hợp bất đắc dĩ tôi mới nhờ bộ Xã Hội Phi can thiệp. Lúc đó, mới cần đên sự can thiệp của cảnh sát Phi.
Sống trong trại tỵ nạn ai cũng quan niệm định cư ở Mỹ là số một, kế đến là Canada rồi mới đến các nước khác. Chú Đĩnh vai chú tuy bằng tuổi tôi đã viết thơ nhắc nhở chúng tôi như sau:
- Bằng mọi cách cháu phải đi Mỹ vì đời sống công nhân ở Mỹ là ước mơ của giới trung lưu bên Âu Châu.
Không biết chú thu nhập tin tức từ đâu mà nói như vậy. Không ai biết đời sống Úc như thế nào. Chỉ biết mang máng ít dân số lắm. Tha hồ làm về Nông Nghiệp. Chúng tôi chỉ nhận được những lá thơ than phiền ở Mỹ như bị sponsor lủng hay ở Canada lạnh quá. Chúng tôi chưa nhận được lá thơ nào than phiền từ Úc nên không biết đời sống Úc như thế nào?
Trong thời gian chích thuốc trị bệnh phổi như thế, tôi được tin hai người em tôi tên Lợi và Mỹ ở đảo Tara đã quyết định đi Mỹ nên sẽ phải di chuyển đến trại tỵ nạn Bataan học tiếng Anh trước khi định cư Mỹ. Trước tình thế đó, tôi phải làm đơn xin Phái Đoàn Canada từ chối tôi để tôi có thể định cư ở Mỹ cùng với các em ruột tôi. Tuy nhiên, phái đoàn Mỹ từ chối trường hợp của tôi với ý rằng: Tôi đã được Canada nhận rồi. Thật ra, ông Joe Langlois nghe nói là trung tá CIA ngày xưa có vợ người Việt Nam chịu trách nhiệm nhận người tỵ nạn lúc đó ăn hối lộ mà tôi không biết. Bà vợ ông ta hay gặp tôi mớm rằng:
- Trường hợp định cư của anh, anh tính sao? Tôi ngây ngô trả lời:
- Tôi cũng đâu biết đâu.
Ý bà ta là nếu tôi có mấy ngàn đô chắc sẽ được đi Mỹ nhưng tôi không hiểu. Nếu tôi có hiểu cũng lấy tiền đâu mấy ngàn đô lúc bấy giờ. Thành ra phái
đoàn Mỹ từ chối trường hợp của tôi. Sau này, tôi có gặp Phạm Cao Tùng làm phó trại Palawan khi tôi đi định cư ở bên Úc có kể trường hợp ăn tiền của bà vợ Joe Langlois như sau:
- Có một gia đình có 4 người con phải đi định cư tại Nhật nhưng bà vợ Joe Langlois nói rằng nếu đưa cho bà ta 20,000 (hai mươi ngàn) đô sẽ được đi Mỹ. Trong khi bàn luận, vợ chồng kia đã thâu băng cassette (tape recorder) cuộc nói chuyện. Sau đó, sao làm nhiều bản và gửi đến các nơi và cả Tòa Đại Sứ Mỹ tại Phi. Thế là Joe Langlois bay chức dù chưa có người thay thế.
Nghe Phạm Cao Tùng nói xong tôi mới vỡ lẽ ra hèn chi bà vợ Joe Langlois thường kêu tôi ra hỏi nhỏ về trường hợp của tôi.
Bị đá qua đá lại như trái banh, bà Cao Ủy Tỵ Nạn thương cho hoàn cảnh của tôi nên bà hỏi:
- Anh có muốn đi Úc không? Tôi trả lời:
- Tôi có đầu và hai tay để làm việc. Nước nào tự do tôi cũng đi được.
Nhờ sự can thiệp của bà Cao Ủy, vài tuần sau tôi được ông Keith Owen phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn, bác sĩ Hiền làm thông dịch viên cho tôi. Ông Keith Owen hỏi vài câu thông thường. Tôi trả lời và mang cả bằng Kỹ Sư Nông Lâm Súc tôi tốt nghiệp năm1974 ra cho ông Keith Owen. Sau khi coi bằng cấp của tôi ông Keith Owen ngạc nhiên hỏi tôi:
- Nghe nói back round (quá khứ) của anh xấu lắm.
Tôi thật sự bất ngờ trước câu hỏi này của ông. Người Việt mình có tật hay nói xấu người khác để lấy điểm cho mình. Tôi cũng bị nhiều người Việt khác nói xấu về quá khứ của tôi dù họ chẳng biết gì về tôi.
Vài tuần sau, tôi được đi định cư tại Úc.
Năm 1986, tôi có dịp qua Mỹ thăm chú Đĩnh người đã khuyên tôi nên đi Mỹ đã hỏi tôi:
- Thế cháu đi vacation được mấy tuần? Tôi trả lời tỉnh bơ:
- Cháu đi được có 5 tuần à chú. Chú Đĩnh ngạc nhiên trả lời:
- Năm tuần! Chú làm ở Mỹ hơn 10 năm mà mỗi năm chỉ được có 2 tuần à.
Tôi hơi ngạc nhiên và nói tiếp:
- Nếu năm tới cháu đi sẽ được 10 tuần.
Tôi nói như thế vì lúc đó tôi đang làm bưu điện nên mỗi năm tôi được 5 tuần holiday. Nếu làm 10 năm chúng tôi được Long Service 3 tháng holiday.
Trong chuyện định cư ở nước thứ ba tôi cảm nghiệm: Lúc đầu không được định cư ở Canada tôi rất oán trách Chúa sao để đời tôi khổ quá. Nhưng tôi đâu có biết Chúa đã thương và sắp xếp cho tôi được định cư ở Úc, sướng hơn nhiều. Xin lỗi Chúa tha thứ cho con vì con đã nghĩ sai lầm về Chúa.
Chuyện tình cảm của tôi cũng có bàn tay kỳ diệu của Chúa nhúng vào.
Năm 1991 khi tôi chia tay cùng người vợ trước, đời sống tôi lúc đó giống như xuống đáy vực thẳm vì tôi ngu si không chia nợ nần sòng phẳng với người vợ cũ. Đến lúc chia tay xong, bao nhiêu nợ nần chồng chất lên đầu tôi nhất là tiền bột từ hãng Manildra và tiền hụi hè của bạn bè. Tôi cố gắng cắm cúi làm bánh mì để trang trải những món nợ đó. Mẹ tôi buồn lắm khóc lóc và đọc kinh suốt ngày cho trường hợp của tôi. Các em cũng thương cho hoàn cảnh của tôi nên đã giới thiệu em Hoa là bạn của em Dung và em Vân, em ruột tôi ở Việt Nam. Các em đều nói rằng em Hoa con nhà nghèo lại ở trong một ca đoàn trong Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Dòng Chúa Cứu Thế) nên tôi rất mừng. Tôi về Việt Nam làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh em Hoa sang Úc.
Sau 3 năm tốn khá nhiều tiền bạc và công sức bảo lãnh em Hoa sang Úc, tôi tưởng cuộc đời tôi sẽ được an phận kể từ đây. Không ngờ vừa đặt chân đến Úc, em Hoa bảo rằng chuyện vợ chồng từ từ tính vì mình chưa tìm hiểu kỹ. Tôi tá hỏa tam tinh như bị té từ từng thứ mười xuống đất. Hóa ra sau 3 năm
giúp đỡ tiền bạc, tốn biết bao công sức để được em Hoa trả lời như thế. Có lẽ em Hoa tưởng rằng đất Úc này phụ nữ rất hiếm nên em có thể lấy bác sĩ, kỹ sư dễ dàng. Người già và có lò bánh mì như tôi không xứng đáng với em Hoa. Cha Thịnh gặp tôi chọc quê:
- Chú mày chỉ có làm ơn, làm phước cho người ta thôi.
Lúc đó, tôi thật sự oán trách Chúa sao để con khổ như vậy. Con đâu có làm gì nên tội đâu. Tôi đâu hiểu rằng Chúa đã thương tôi nên đã cản không cho tôi lấy em Hoa. Giả sử như tôi lấy em Hoa chắc cuộc đời tôi sẽ khổ hơn nhiều vì tính lươn lẹo của em Hoa.
Vài năm sau tôi có quen em Lê Minh Phương trên mạng tại Huế. Em này trẻ đẹp và cũng nhiều tính toán. Tôi cũng về Việt Nam làm giấy tờ bảo lãnh em Minh Phương qua Úc với diện hôn thê. Giấy tờ tôi làm tương đối đầy đủ để nộp cho Bộ Di Trú Úc tại Việt Nam. Trước mặt tôi là hai người muốn nộp hồ sơ cho tôi. Sử cũng làm về di trú tại Úc, bạn thân của tôi và Phương Trâm có người quen làm trong Sở Di Trú Úc tại Việt Nam. Tôi băn khoăn không biết giao cho ai. Cuối cùng tôi đưa cho Phương Trâm vì nghĩ rằng có người quen trong Di Trú sẽ làm giấy tờ nhanh hơn. Nộp xong, tôi bay về Úc chờ 6 tháng chẳng thấy động đậy gì cả. Tôi bay về Việt Nam tìm hiểu xem sao. Sự thật cho tôi biết rằng bạn của Phương Trâm lấy tiền và không nộp hồ sơ cho tôi. Tôi vô cùng giận dữ bay về Úc làm lại giấy tờ bảo lãnh và chính tôi mang nộp cho Bộ Di Trú ở Việt Nam. Tôi an tâm chờ Bộ Di Trú kêu em Minh Phương lên phỏng vấn. Không ngờ Minh Phương phỏng vấn rớt vì người của Bộ Di Trú cũng lem nhem ăn hối lộ ở Việt Nam lúc đó. Sau này Sử cho chúng tôi biết Bộ Di Trú tại Úc đã thanh tra và sa thải hầu như toàn bộ nhân viên Di Trú tại Việt Nam do ăn hối lộ. Có dịp tôi ra Huế một cách âm thầm để dò la về trường hợp của em Minh Phương. Tôi có gặp người bạn tên Xương chủ nhà hàng Ngọc Anh là bạn đánh tennis với tôi. Xương nói thật cho tôi biết, em Minh Phương và một cô gái nữa gây lộn tại nhà hàng của Xương vì một thanh niên. Tôi rất buồn và thất vọng về Minh Phương và nghĩ rằng em chỉ coi tôi như chiếc cầu qua bên Úc thôi, sau đó cũng bỏ tôi như em Hoa. Nghĩ như thế nên tôi về Úc rút đơn khiếu nại lên MRT về trường hợp em Minh Phương bị từ chối. Cũng vì rút đơn khiếu nại này mà sau này tôi mới có thể bảo lãnh Đan Phương qua Úc.
Tôi quen Đan Phương cũng tình cờ do một người anh lớn tuổi tên Minh là bạn của cậu tôi đánh tennis ở Hà Nội. Anh Minh qua Úc du lịch thăm con gái tên Hương du học ở Úc. Anh Minh không quen ai nên ở nhà gần 2 tháng. Cuối cùng anh liên lạc được với tôi. Tôi đến chở anh đi đánh tennis ở Marconi Club và Smithfield nhiều lần. Sau khi chở anh vài lần, anh Minh hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của tôi. Anh có ý muốn giới thiệu Bác Sĩ Đan Phương Đông Y Sĩ cho tôi. Tôi ỡm ờ cho qua chuyện vì nghĩ bác sĩ Đông Y sao lại lấy mình. Anh Minh có đưa điện thoại cho tôi nói chuyện với Đan Phương một lần. Tưởng rằng chuyện như thế chấm dứt. Không ngờ sau này tôi ra Bắc tham dự ngày bốc mộ của Bác Đức anh ruột của mẹ tôi. Anh Minh muốn dẫn tôi đi giới thiệu với Đan Phương. Anh hỏi Đan Phương:
- Anh có người em trai muốn giới thiệu cho em, không biết mấy giờ em mới làm xong?
Đan Phương trả lời:
- Chừng 7 giờ tối em mới làm xong. Bây giờ còn 2 người nữa.
Đến gần 7 giờ tối anh Minh điện thoại lại, Đan Phương cũng nói còn hai người nữa. Nghĩa là cứ hai người này về thì hai người khác tới. Cuối cùng, anh Minh chở tôi đến gặp Đan Phương khoảng 8 giờ tối. Anh Minh chở tôi và Đan Phương vào quán ăn nhưng anh Minh và tôi không ăn chỉ uống sinh tố thôi, còn Đan Phương gọi món ăn mì Ý. Ăn xong Đan Phương không chịu cho tôi trả tiền. Tôi cũng ngượng ngùng không biết làm sao cả. Ăn uống vui vẻ xong, Đan Phương hẹn tôi chiều mai đến phòng mạch để Đan Phương khám bệnh cho. Tôi cũng ầm ừ cho qua chuyện.
Chiều mai tôi đến phòng mạch Đan Phương, tôi thật sự ngạc nhiên khi mới bước vào phòng thấy khách ngồi đông quá. Đan Phương vừa gặp tôi đã cười vui vẻ và nói với khách:
- Xin lỗi các bác nghe. Anh ngồi đây để em khám bệnh cho anh. Đan Phương sau khi đo huyết áp và bắt mạch cho tôi đã nói:
- Anh bị 9 thứ bệnh, cao huyết áp, mỡ trong máu, chớm tiểu đường, gút, viêm đại tràng, loét hoành tá tràng...
Tôi tá hỏa tam tinh như từ trên trời rơi xuống, sao tôi lại bị nhiều bệnh thế! Trước đây, tôi đâu có tin vào sự bắt mạch của Đông Y vì nghĩ rằng nắm tay như thế sao biết được gì?
Chiều hôm đó, Đan Phương bảo cháu Ngân: - Ngân ơi! Tìm cho cô cái áo thật đẹp.
Ngân trả lời:
- Áo đẹp là áo nào vậy cô?
Đan Phương nói:
- Cái nào đẹp thì lấy. Dắt xe ra cho cô.
Bé Ngân nói:
- Choáng quá cô ơi!
Đan Phương nói tiếp:
- Lau cái xe cho cô.
Tối hôm đó, Đan Phương chở tôi đi ăn uống ở Hồ Tây thật vui vẻ. Chúng tôi có một buổi tối thật tình tứ và lãng mạn.
Hôm sau, Đan Phương dẫn tôi đi thử máu. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy mỡ trong máu 8,5 và lượng acid trong máu cao như Đan Phương chẩn đoán. Lúc đó, tôi mới cảm nhận được sự kỳ diệu của chẩn mạch của Đông Y. Đan Phương bắt tôi ăn kiêng và uống thuốc bắc trong 10 ngày rồi đi thử máu lại. Kết quả thử máu cho thấy mỡ trong máu chỉ còn 5,6. Tôi thật sự ngạc nhiên thầm nghĩ, nếu tôi uống thuốc tây chắc phải mất lâu lắm mỡ trong máu mới hạ xuống như vậy.
Sau đó, Đan Phương có dịp vào Sài Gòn tham dự hội nghị về Đông Y và chúng tôi có dịp đi lên Đà Lạt chơi vài ngày thật vui vẻ. Thật nực cười, ai cũng tưởng Đan Phương là Việt Kiều chớ không phải tôi, có lẽ tướng tôi cù lần quá.
Qua chuyện tình cảm tan vỡ tôi cảm nghiệm được bàn tay của Chúa sắp xếp cho tôi thật kỳ diệu. Nếu tôi còn sống với người vợ cũ chắc chắn tôi không thể
mang sáu người em và một người cháu qua bên Úc được. Giả như em Hoa và em Minh Phương chịu lấy tôi, chắc đời tôi sẽ phải khốn đốn vì tính tình không thành thật và những toan tính của những em đó. Chỉ cần nếu hôm đó tôi để cho Sử nộp hồ sơ, cuộc đời tôi thay đổi.
Chỉ cần một chút đổi thay, cuộc đời sẽ thay đổi. Những việc Chúa làm trí óc non nớt của tôi không thể nào suy đoán nổi. Xin lỗi Chúa vì những nghi ngờ tình thương bao la của Chúa đối với con. Tôi cảm nhận được rằng Chúa như người mẹ hiền, dọn sẵn và dẫn tôi đến một bữa tiệc linh đình nhưng tôi như trẻ nhỏ cứ muốn ăn cái bánh hay cái kẹo trước đó và Chúa đã không cho tôi ăn. Tôi như em bé trách hờn Chúa.
Cuộc đời có những đau khổ đến với mình, lúc đầu mình oán trách Chúa nhưng sau này nghĩ lại phải cám ơn Chúa vì đó là những kinh nghiệm mình phải học để cuộc đời tiến triển hơn.
Con xin cảm tạ Chúa trong mọi lúc vì bàn tay Chúa sắp xếp thật kỳ diệu trong cuộc đời con mà trí khôn non nớt của con không thể hiểu và suy đoán được. Cảm tạ Chúa!
Đặng Thắng