TÔI BỊ ĐỘT QUỴ

Đã lâu lắm rồi, có lẽ hơn 10 năm tôi không xuống Melbourne. Trước đây tôi thường hay xuống Melbourne, chừng vài tuần tôi lại xuống Melbourne chơi tennis hay bóng bàn. Đánh tennis xong thường ngồi nhậu có khi đến 2 giờ đêm mới xong. Có lần còn thách thức nhau đánh độ vào lúc đêm khuya trên sân Yarraville, nghĩ lại thật vui vẻ và tôi cũng không ngờ hồi đó tôi siêng như thế. Hôm nay vì đám cưới cháu cô Soạn nên tôi phải đi xuống Melbourne tham dự đám cưới. Vào tháng 10 năm nay khi Hanh tham dự buổi họp Kinh Thương Minh Đức hàng năm tổ chức tại Sydney tôi có nói với Hanh là tôi sắp đi Mel. Hanh có nói khi nào đi thì anh hú cho em. Trong các buổi nhậu mà không có Hanh nói đùa là mất đi một niềm vui lớn lao. Thêm vào đó, tôi thấy trên face book em Đạo vừa đoạt được cúp bóng bàn trong hãng xường nên tôi càng cố đi Mel để đánh bóng bàn với các em.

Em Đạo, con rể cô Soạn đón tôi ở phi trường về nhà em ở Springvale.
Chiều hôm thứ sáu như đã hẹn trước, Hanh đến đón tôi ở nhà em Đạo sau khi tôi thi đấu bóng bàn với các em họ ở Mel. Kinh Thương Minh Đức ở Mel có mặt vợ chồng Hanh Thông, vợ chồng Quyển Hòa, anh Minh, Hiệp, Hòa, tôi, vợ chồng Hòa Nga ( anh Hòa học CNMĐ mới biết sau này). Vợ chồng Hanh tiếp đón chúng tôi thật chu đáo. Chúng tôi ăn uống nói chuyện thật vui vẻ. Hòa (cầu thủ đá banh ngày xưa) hỏi tôi:

- Cũng hơn 10 năm rồi mới gặp lại ông. Tôi cười cười trả lời:

- Đúng rồi, cũng hơn 10 năm rồi tôi chưa xuống Mel.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi có dịp gặp vợ chồng Hòa Nga, Hòa học ở CNMĐ cùng trường Đại Học CNMĐ với tôi. Khi nói chuyện tôi mới biết Hòa hiền quá, không uống bia, uống rượu, không cà phê thuốc lá, còn gương mẫu hơn là thầy tu nữa. Chúng tôi nói chuyện, đùa giỡn vui vẻ đến hơn nửa đêm. Cuối cùng tôi phải ngủ lại ở

nhà Hanh rồi hôm sau mới về đi đám cưới của cháu cô Soạn.
Đám cưới em Hiệp cháu của cô Soạn cũng rất vui vẻ và chu đáo. Con cô Soạn, hai em ở bên Mỹ tên Ánh và Tuấn cũng qua Úc tham dự và vợ chồng em Phượng từ VN cũng qua nên cả nhà xum họp rất đầy đủ và vui vẻ. Hồi tôi qua bên Mỹ chơi cũng ở nhà em Ánh và được em Tuấn dẫn đi chơi nên chúng tôi rất thân nhau. Đám cưới thành công mỹ mãn và vui vẻ vì rất đông họ hàng bạn bè tham dự. Tôi cũng rất vui vì gặp khá đông họ hàng lâu rồi không gặp. Hầu hết con rể của cô Soạn đều say trong ngày đám cưới.

Sang ngày chủ nhật, tôi định lại nhà Hòa (CNMĐ) chơi nhưng không được vì anh em KTMĐ lại hẹn gặp nhau ở nhà Quyển. Thế là chúng tôi lại kéo nhau đến nhà Quyển Hòa ăn những món ăn đặc sản do chị Hòa (vợ của Quyển) nấu ăn thật ngon. Một lần nữa, chúng tôi lại ăn uống no say, nói chuyện đùa giỡn thật vui vẻ.

Chiều chủ nhật tôi về nhà bạn Hà (bạn Hướng Đạo) ăn uống nói chuyện huyên

thuyên. Tôi và Hà bạn Hướng Đạo từ VN nên rất thân nhau. Về Hướng Đạo Hà hơn tôi một cấp và qua bên Úc còn sinh hoạt Hướng Đạo.

Tối thứ hai tôi phải về Sydney nên không thể ở nhà Hòa Nga (CNMĐ) như đã hứa hẹn được thôi đành để dịp khác.
Sáng thứ ba tôi cảm thấy tê tay trái và chân trái. Chiều thứ ba tôi lái xe đi đón Ben và Angela con của Hồng Long, tôi lái xe thấy lạng quạng và rất khó kiểm soát. Sáng thứ tư tôi vội vã điện thoại và hẹn gặp BS Minh ở Chester Hill. Sau khi đi BS Minh có cho toa thuốc loãng máu và cho tôi đi chụp CT cái đầu. Buổi chiều tôi cảm thấy lái xe không an toàn nên nhờ con rể tên Quang lái xe chở tôi đi uống thuốc ở bệnh viện Liverpool. Sau khi uống thuốc mấy người con bắt tôi phải đi vào nhà thương cấp cứu để họ khám coi tôi bị làm sao. Tôi rất ghét vào nhà thương cấp cứu vì phải chờ đợi 5 hay 6 tiếng hay hơn nữa. Nhưng các con tôi bắt phải đi vì sợ nguy hiểm. Tôi đành phải đi nhà thương cấp cứu với Quang con rể. Ở nhà thương họ không

cho về, giữ tôi lại để kiểm tra. Đến ngày thứ sáu họ chụp MRI và cho biết tôi bị strokes hai chỗ: sau gáy bên phải và trước trán một chỗ nhỏ. Tôi cũng không ngờ ngày xưa mình đá banh chạy như thế mà bây giờ lại bị tai biến, Cũng may hồi nằm ở nhà thương có mấy người con và em thay nhau liên tục thăm tôi nên tôi cũng bớt buồn.

Tôi có hỏi BS người Ấn Độ chữa trị cho tôi trường hợp tôi sẽ giúp tôi như thế nào? Họ trả lời:

- Tôi phải tập thể dục thật nhiều và uống thuốc loãng máu chớ họ không giúp gì được.

Sau đó nhà thương cho tôi về và cấm tôi lái xe trong vòng một tháng.
Tôi thật sự buồn rầu về nhà vì nhà thương cần chỗ cho nhiều bệnh nhân khác.

Đúng lúc đang chán nản thì đọc trên face book thấy ông già Kentucky 65 tuổi đang lúc tuyệt vọng đã chế ra công thức chiên gà Kentucky làm tôi cũng vui vui. Mình còn may mắn hơn ông già Kentucky nhiều.

Nghĩ lại trong cuộc đời từ nhỏ đến lớn Chúa đã giúp tôi nhiều quá.
Năm 12 tuổi tôi nghịch ngợm ngã gãy tay mặt tưởng không học hành gì được không ngờ tôi vẫn còn học hành được.

Năm 18 tuổi tôi may mắn đậu tú tài một dù sống trong một xóm với nhiều thành tích bất hảo. Đó là điều tôi rất may mắn và tự hào. Ba má tôi cũng rất vui mừng.

Năm 1974 tôi ra trường Kỹ Sư Nông Lâm Súc của trương Đại Học Canh Nông Minh Đức. Sau đó tôi tiếp tục họ Cao Học Quản Trị tại Đại Học Kinh Thương Minh Đức để khỏi đi lính.

Điều buồn cười là cái nghề đá banh cho vui thời sinh viên lại chính là nghề nuôi sống tôi sau này. Đáng lẽ ra tôi có thể làm trong một trại chăn nuôi hay cơ quan nhà nước với bằng cấp Kỹ Sư nhưng thằng Thu bạn tôi Phó Giám Đốc trại Chăn Nuôi làm việc vất vả cả tháng được có 36 đồng, còn tôi một tuần đá banh hai trận đã có 40 đồng, chưa kể phải đưa đón tôi và cho tôi ăn uống nhậu nhẹt đầy đủ. Đá banh ngày xưa còn được đi về miền Tây mua vài kg

gạo, thịt, mỡ ...v.v tăng thêm thu nhập. Với khả năng đá banh lúc đó của tôi, tôi có thể xin vào nhiều cơ quan đang cần cầu thủ dễ dàng nhưng tôi không muốn như thế vì chỉ sau vài năm đá banh tôi sẽ trở thành những người đi đấm bóp hay xách nước cho cầu thủ. Cũng vì thế đa số các cầu thủ khó học qua Đại Học hay đi sĩ quan. Tôi có người bạn tên Ngô Hồng Khải học khóa 3 CNMĐ nói chuyện với tôi:

- Em có người em tên Ngô Hồng Chúc chẳng chịu học hành gì cả chỉ lo đá banh thôi.

Tôi ngạc nhiên hỏi Khải:
- Có phải Ngô Hồng Chúc có quán

Thiên Ân ở Mel không?
Ngô Hồng Khải giật mình hỏi tôi:

- Sao anh biết thằng Chúc? Tôi trả lời:

- Tôi biết Chúc từ khi đá banh còn nhỏ ở quận 10.

Hóa ra Khải là anh của Chúc ngày xưa ở xóm Chùa Từ Nghiêm gần nhà tôi.

Cũng vì không coi nghề đá banh là nghề chính nên tôi đã về đá banh cho đội bóng Tin Sáng ngày xưa.
Năm 1979 gia đình chúng tôi vượt biên. Chuyến đi thật kinh hoàng, ghe chúng tôi bị thất lạc chiếc ghe dẫn đường qua một đêm trời tối không trăng sao. Lúc đó chúng tôi không có la bàn hay bản đồ gì hết. Cứ nhìn trăng sao đi đại mà thôi. Thành ra ghe chúng tôi lạc vô quần đảo Trường Sa, cũng may chúng tôi đi lac vào đảo Nan Sa của Đài Loan. Chúng tôi được họ giúp đỡ tận tình, sửa ghe cho chúng tôi và chỉ hướng chúng tôi đi tới đảo khác. Chúa thương chúng tôi nên ghe đi tới đảo Palawan thuộc Phillippines.

Nhớ lại, khi ở trại tị nạn Palawan, tôi rất buồn rầu và oán trách Chúa. Gia đình tôi đi đâu cũng không được. Tôi xin đi Canada, phái đoàn Canada nhận gia đình tôi nhưng cuối cùng tôi không đi được vì tôi bị bệnh phổi. Tôi cũng không ngờ mình chơi thể thao đá banh, đánh bóng chuyền nhiều như thế sao lại bị bệnh phổi. Thế là tôi phải ở trại uống thuốc một thời gian

khá lâu. Sau đó tôi xin đi Mỹ vì các em tôi ở đảo Tara đã chuyển qua Bataan để đi Mỹ rồi. Nhưng phái đoàn Mỹ lại không chịu mượn cớ là tôi đã được phái đoàn Canada nhận rồi. Tôi thật sự buồn rầu vì không biết tương lai gia đình mình sẽ ra sao? Tôi buộc lòng phải viết thơ xin phái đoàn Canada từ chối trường hợp gia đình tôi. Lúc đó tôi thật hoang mang không biết tương lai mình sẽ ra sao? Canada từ chối, Mỹ không nhận rồi mình sẽ đi đâu. Cũng may lúc đó bà Cao Ủy hỏi tôi:

- Ông có muốn đi Úc không? Tôi mừng rỡ trả lời:

- Muốn chớ. Nước nào có tự do tôi sẽ đi, dùng đầu óc và tay chân của mình làm việc.

Thế là bà giới thiệu tôi qua phái đoàn Úc. Tuần lễ sau tôi được ông Keith Owen phỏng vấn. Lúc đó Bác Sĩ Tô Đình Hiền làm thông dịch viên cho tôi. May mắn khi tôi đi vượt biên còn mang theo bằng Kỹ Sư Nông Lâm Súc tốt nghiệp năm 1974 nên phái đoàn Úc nhận tôi dễ dàng. Thế là tôi được định cư tại Úc.

Ngẫm nghĩ lại Chúa đã thương gia đình tôi một cách đặc biệt. Tôi không được đi Canada, Mỹ nhưng tôi được đi Úc thoải mái hơn nhiều. Năm 1984 tôi có dịp đi Mỹ và có ghé Phillippines. Tôi có ghé Manila gặp bà Scruz đại diện cho bộ Xã Hội Phi. Tôi có hỏi Bà Scruz về ông Joe Langlois đại diện phái đoàn Mỹ còn làm việc không? Bà Scruz trả lời:

- Ông Joe Langlois hết làm việc rồi.
Tôi cũng ngạc nhiên sao ông ấy lại hết làm việc. Bà Scruz ngạc nhiên hỏi tôi.

- Ông muốn gặp ông Joe Langlois để làm gì?

Tôi trả lơi:
- Tôi muốn gặp ông ấy để cám ơn ông

ấy đã từ chối tôi đi Mỹ để tôi đi Úc

sướng hơn nhiều.
Bà Scruz ngạc nhiên hỏi tôi:

- Vậy hở. Tôi trả lời:

- Đúng như thế.
Sau này, tôi có dịp gặp Phạm Cao Tùng ở Brisbane mới biết được trường hợp ông Joe Langlois bị nghỉ việc như thế nào.

Phạm Cao Tùng là Phó Chủ Tịch cộng đồng người việt ở Palawan kể rằng:

  • -  Có một gia đình người việt được tàu Nhật vớt, theo đúng họ phải đi Nhật nhưng bà vợ ông Joe Langlois là người Viêt Nam có gặp gia đình đó và nói có muốn đi Mỹ không? Nếu chịu chi cho bà ấy 20,000 ( hai chục ngàn) đô sẽ cho đi Mỹ. Gia đình đó nhận lời và đề nghị bà vợ Joe Langlois đến nhà để bàn luận. Gia đình này dùng tape ở dưới bàn thu lại cuốn băng đàm luận giữa hai gia đình. Sau đó, sang cuốn băng thành nhiều bản và gửi cho tòa Đại Sứ Mỹ và nhiều nơi khác. Thế là ông Joe Langlois bị ngưng chức ngay lập tức. Chuyện này làm tôi nhớ lại lúc ở trại tị nạn bà vợ ông Joe Langlois cứ gặp riêng tôi và hỏi:

  • -  Trường hợp định cư của ông làm sao?

  • -  Tôi thực sự ngây ngô không hiểu ý của bà ta. Ý nói là tôi có tiền đưa cho bà ấy

    không bà ấy sẽ cho tôi đi Mỹ nhưng tôi lại không hiểu. Thật sự nếu có hiểu tôi

cũng không thể đưa cho bà ấy vì khả năng của mình không có.

Năm 1986 tôi có dịp đi Mỹ lần thứ hai vì em ruột tôi lập gia đình và tôi có gặp chú Đặng Đĩnh, ông chú họ của tôi đã tới Mỹ từ lâu. Khi tôi còn ở đảo Pallawan, chú Đĩnh có gửi cho tôi 20 đô và gửi cho tôi lá thơ có đoạn như sau:

  • -  Bằng mọi cách cháu phải đi Mỹ vì đời sống công nhân ở Mỹ là ước mơ của giới trung lưu Âu Châu.
    Khi tôi tới Mỹ năm 1986, chú Đĩnh hỏi tôi:

  • -  Thế cháu đi vacation (nghỉ hè) được bao lâu?
    Tôi trả lời:

  • -  Cháu đi được có 5 tuần à chú.

  • -  Chú Đĩnh ngạc nhiên hỏi tôi:

  • -  5 tuần? Chú làm ở đây mười mấy năm

    rồi, mỗi năm chỉ được nghỉ có 2 tuần à.

    Tôi cũng ngạc nhiên trả lời:

  • -  Cháu đang làm bưu điện nên được

    nghỉ 5 tuần một năm, nếu năm tới cháu nghỉ sẽ đi được 10 tuần. Còn nếu cháu làm 10 năm sẽ có long Service được nghỉ 3 tháng ăn lương.

    Chú Đĩnh vô cùng ngạc nhiên khi thấy đời sống ở Úc tốt đẹp như thế. Cũng nhờ tôi đi Úc nên sau này tôi mới mang được 6 đứa em và 1 đứa cháu qua Úc, nếu tôi đi Mỹ chắc là chưa được như thế. Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi mới thấy Chúa thương mình một cách đặc biệt mà sao lúc đó mình lại hiểu lầm oán trách Chúa. Thành ra tôi có làm một bản nhạc “Trách Lầm Thiên Chúa”. Những lời trong bản nhạc đó như sau:

  • -  Có những lúc con trách lầm Thiên Chúa, sao để đời con khổ mãi ê chề.

-

Có những khi con mất đi niềm tin, sao Chúa để đời con hạnh phúc bay đi, con có làm nên tội tình gì đâu, mà sao đời con lại mãi long đong, gian nan vất vả giữa nơi trần thế, xin Chúa thương tình cứu giúp đời con.

Hoàn cảnh giống như trường hợp của tôi: Khi chưa được Canada hay Mỹ nhận, tôi rất buồn rầu và lo lắng không biết tương lai mình sẽ ra sao và thầm oán trách Thiên Chúa. Tôi đâu biết rằng Chúa đã thương tôi cho gia đình tôi đi Úc sướng hơn nhiều. Đúng là “Trách Lầm Thiên Chúa”. Cũng như một người mẹ dắt đứa con đi ăn tiệc ngon lành nhưng trên đường đi đứa con đòi ăn cái kẹo, cái bánh người mẹ không cho, đứa con sẽ oán trách người mẹ này nọ nhưng đứa con đâu biết rằng người mẹ đang dẫn đứa con đi ăn tiệc ngon hơn nhiều. Năm 1987, tôi mở thêm lò bánh mì ở Bathurst và Dubbo. Lúc đó, tôi đã có 3 lò bánh mì ở Sydney, một lò ở St Mary, một lò ở Penrith và một lò ở South Penrith. Tôi mở lò tương đối thành công.

Bà Cư, chị họ của tôi từ bên Hawaii qua chơi thấy tôi làm ăn thành công ngỏ ý muốn hùn với tôi mở thêm một lò trên vùng Bathurst vì khi bà đi chơi thấy trên này có địa điểm mở lò bánh mì rất tốt. Lúc đó, tôi làm ăn tương đối thành công nên vấn đề mượn tiền để mua máy móc khá dễ dàng. Hoàn cảnh lúc đó trên Bathurst chỉ có một lò bánh mì Bernard của Úc bán rất đắt. Lò bánh mì của tôi mở ra khá thành công, bán mỗi tuần hơn 10.000 đồng. Tôi say mê trên chiến thắng cứ tưởng mình quá giỏi. Đúng lúc đó, shopping của Úc rất hay tìm ra được số phone của tôi và thấy tôi thành công tại Bathurst nên đề nghị tôi mở thêm shop ở Dubbo với đề nghị thật hấp dẫn. Shopping sẽ cho tôi 20.000 đô để sửa Shop và cho tôi 3 tháng tiền nhà free. Tôi hấp tấp nhận lời vì thấy điều kiện khá hấp dẫn. Tôi dàn xếp hùn với thằng Dennis là thợ chính của tôi ở St Mary xuống làm thợ chính ở Dubbo với 2 người thợ VN. Tôi nghĩ rằng mình dàn xếp như thế cứ vài tuần mình đi xuống

Bathurst và Dubbo coi như đi du lịch và kiểm soát giấy tờ tiền bạc của hai shop. Trên lý thuyết thật tuyệt vời vì hai bên đều có lợi. Bà Cư và ông Tường được trả lương đầy đủ, số tiền dư mỗi tháng sẽ chia đôi thật hợp lý. Nhưng thực tế không như mình nghĩ. Shop bán rất được nên bà Cư và ông Tường sinh ra tật kéo máy. Theo như các em làm thợ cho ông Tường kể cho tôi sau này: Buổi trưa sau khi làm xong và ăn cơm, ông bà dắt tất cả thợ vào RSL club ở Dubbo kéo máy cho đến chiều. Nếu thua quá, buổi chiều về lấy tiền trong shop đi vào chơi tiếp. Tôi thật sự ngây ngô vì mình chưa vào club chơi bao giờ. Lúc đó tôi lại bận rộn xây dựng shop ở Dubbo nên không có giờ kiểm soát shop ở Bahurst. Một năm sau, tôi quay lại thì thấy shop ở Bathurst nợ nần nhiều quá. Nợ tiền bột hơn 10,000 đô, tiền phẩm hơn 10,000 đô, tiền máy móc hơn 10,000 đô, tiền thịt hơn 2,000 đô, tiền sữa hơn 1000 đô. Tôi thật sự choáng váng không ngờ shop lại thiếu

tiền nhiều như thế. Bà Cư còn nói càn thêm:
- Tao coi shop một năm rồi bây giờ giao

lại cho mày coi.
Trước khi rời khỏi shop bà ấy còn lấy tên shop ra ngoài Dealer mua một cái xe mới rồi bắt tôi lấy cái xe van và trả tiền cho chiếc xe mới của bà ấy và ông Tường. Tôi thật sự đau buồn và thầm trách mình quá tin người nên mới để sự việc xảy ra như thế. Tôi phải làm việc rất vất vả ở shop Bathurst để trả giá cho sự ngu đần của tôi vì quá tin người. Tôi phải ra luật sư để làm giấy tờ sẽ trả nợ thêm để họ để yên cho tôi làm việc. Tôi phải làm việc trong thời gian dài để trả các món nợ nần đó. Cũng vì tôi phải làm việc cực khổ nên tôi rành tất cả công việc trong lò bánh mì như làm bánh mì, pies, sausage roll, các loại bánh ngọt trong shop. Khi tôi bị quá cực khổ, tôi cũng oán trách Chúa sao để tôi khổ như thế. Một ngày làm việc 18 đến 20 tiếng, còn hơn đi học tập cải tạo nữa. Tôi phải ngủ ở nhà bà mẹ Anthia (người Greece làm việc bán hàng cho tôi) sau khi làm

việc xong khoảng 7 giờ 30 tối. Bà ấy chiên cho tôi miếng thịt để tôi ăn với bánh mì rồi nằm ở nhà đó ngủ đến 12 giờ 30 sáng bà ấy gọi tôi dậy đi làm:

- Dany! Wake up go to work. (Dany dậy đi làm).

Tôi làm cho đến 3 giờ chiều, trở về caravel ngủ được một tiếng rồi ra làm tiếp. Tôi làm việc cực khổ như cái máy và thân thể tôi chỉ còn 50 kg. Lúc đó tôi làm bài thơ về thân phận của tôi như sau:

  • -  Tôi ra đi, trong mưa gió bão bùng.

  • -  Lòng lạnh lùng, trong cô đơn lạnh lẽo.

  • -  Ai là người, am hiểu được lòng tôi.

  • -  Xin cho tôi một vài lời ấm áp.

  • -  Tôi bước lê, trong đêm tối hãi hùng.

  • -  Lòng bồn chồn, bước chân không định

    hướng.

  • -  Ai là người, am hiểu được lòng tôi.

  • -  Xin cho tôi một vài lời khuyên nhủ.

  • -  Tôi cố lên, trong cơn đau bệnh tật

  • -  Lòng ngậm ngùi, nghĩ đến phận đìu

    hiu.

  • -  Ai là người, am hiểu được lòng tôi.

  • -  Xin cho tôi một vài lời an ủi.

Có một lần tôi suýt chết vì tai nạn đụng xe. Một mình tôi coi hai shop không được nên tôi nhờ em Thành (thợ chính ở Bathurst) coi shop Bathurst và mỗi tuần đưa cho tôi 1000 đô. Em Thành chỉ lo làm bánh mà không chịu dọn dẹp shop sạch sẽ nên Council check shop và đưa shop Bathurst ra tòa. Tôi là chủ shop nên phải ra tòa. Thế là tôi từ Dubbo phải lái xe về Bathurst hầu tòa. Tôi làm việc quá mệt và phải lái xe đường xa về nên tôi kiệt sức, suýt đụng xe mấy chục lần luôn. Thật là kinh hoàng! Cũng may Chúa thương tôi nên tai nạn không xảy đến.

Lúc đó, tôi cũng thầm oán trách Thiên Chúa sao để tôi cực khổ như thế. Thế rồi, tôi phải cám ơn Thiên Chúa vì như thế tôi biết làm tất cả mọi thứ trong lò bánh mì mà trước đây tôi không rành. Sau này, tôi có dịp đi học bánh mì 3 ngày do những người Úc dậy: Baker for non bake.
Họ nói với tôi vì tôi là member nên chỉ đóng 1500 đô còn nếu tôi không là member phải đóng 2000 đô. Một mình tôi là Á Châu học với 11 người Úc, đa số là

manager Tip Top hay Butter Cup Mebourne hoặc Brisbane. Học xong 3 ngày tôi hiểu rất rành về bánh mì nên trở về shop làm bánh mì ngon hơn. Sau này tôi đi thi nhiều lần do hội bánh mì tổ chức thi và tôi đoạt khá nhiều cup về bánh mì và bánh ngọt. Có một lần tôi đi thi bánh mì ở Orange. Tôi làm ở lò bánh mì Bathurst nhưng mỗi lò chỉ cần vài ổ để đi thi. Tôi chia vài ổ bánh mì xấu hơn là của Claremont Meadows, còn mấy ổ bánh mì tốt hơn là của Bathurst. Kết quả các ổ bánh mì ở Claremont Meadows được hạng nhất còn các ổ bánh mì ở Bathurst được hạng nhì làm tôi cũng nực cười vì cái nhìn của mình không đúng theo chuyên môn. Chuyện tiếp theo mà lúc đầu tôi oán trách Chúa là gia đình tôi tan vỡ.
Năm 1991 khi tôi về thăm gia đình lần đầu tiên thì vợ tôi đưa cho tôi tờ giấy ly dị. Tôi thật sự buồn rầu sao hoàn cảnh lại ra như thế. Mẹ tôi cũng rất lo lắng nhìn tôi và nói:

- Tôi nghe nói chuyện tan vỡ của gia đình anh chị nhưng tôi chẳng biết làm

sao, chỉ biết cầu nguyện cho anh chị

thôi.
Tôi cũng chẳng biết làm sao khi mẹ tôi nới như thế. Em Dung người em thứ năm của tôi xin tôi 100 đô để trang trại nợ nần tôi cũng không có để cho em ấy. Em Hoàng người em thứ chín ngỏ ý xin tôi 100 đô làm chỗ bán thuốc lá lẻ đầu đường để sinh nhai tôi cũng không hoàn thành được ước nguyện của em. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình hai dòng nước mắt tôi tuôn rơi, sao có thể như thế được. Tôi đã từng có vài ba lò bánh mì bên Úc sao lại để gia đình như thế. Thế rồi tôi về Úc với tâm trạng buồn bã thê thảm. Bằng mọi cách tôi phải giúp đỡ gia đình tôi và tìm cách đưa các em tôi qua Úc. Vì chia tay với bà xã nên tôi toàn quyền dùng số tiền mình làm được xoay sở tìm cách mang các em tôi qua Úc.
Chúa rất thương tôi nên lần lượt các em tôi qua Úc. Mẹ tôi thương cho hoàn cảnh tan vỡ của tôi nhưng tôi nói với mẹ tôi. May mắn là gia đình con tan vỡ nên mới mang được nhiều đứa em qua Úc. Còn nếu gia đình con không tan vỡ lại là vấn đề khác.

Lúc đầu tôi cũng oán trách Chúa sao để gia đình tôi tan vỡ nhưng thật sự nếu gia đình tôi không tan vỡ tôi không tài nào mang được các em tôi qua Úc như thế.

Bây giờ hoàn cảnh của tôi lại tan vỡ một lần nữa với nhiều khó khăn, bệnh tật nhưng tôi tin đó là những thử thách Chúa gửi đến cho tôi cũng như trước kia thôi. Từ từ sẽ vượt qua và sống an bình.

Đặng Thắng

Previous
Previous

TÌNH BẠN BẮC TRUNG NAM

Next
Next

TÔI CÙNG VỚI KINH THƯƠNG MINH ĐỨC