TÔI CÙNG VỚI KINH THƯƠNG MINH ĐỨC

Dù chỉ học một năm về Cao Học Quản Trị Kinh Thương nhưng tôi có rất nhiều gắn bó với Kinh Thương. Có thể do trước kia tôi là Thủ Quân đội Túc Cầu Viện Đại Học Minh Đức nên biết khá nhiều cầu thủ túc cầu Kinh Thương. Hơn nữa, tôi cũng có dịp coi ban Văn Nghệ Kinh Thương một thời gian nên cũng biết khá nhiều anh chị em trong ban Văn Nghệ Kinh Thương. Đời tôi lại có dịp đi nhiều nơi trên thế giới nên càng có dịp tiếp xúc nhiều với các anh chị em Kinh Thương Minh Đức.

TÔI GẶP TRƯƠNG THÀNH QUYỂN:

Tôi đến Úc năm 1981, sau đó có dịp lên Melbourne thăm bạn bè. Tình cờ hôm đó tôi đi lễ nhà thờ Việt Nam ở Melbourne. Ngẫu nhiên, nhìn lên phía trên tôi thấy ai đó giống như Quyển quá. Đúng lúc đó, thần giao cách cảm hay sao dó, Quyển quay xuống nhìn tôi, bốn mắt nhìn nhau ai cũng bàng hoàng, hoang mang. Tôi giật mình vội nghĩ: Sao thằng này giống thằng Quyển quá,

chắc Quyển cũng ngạc nhiên sao thằng này giống thằng Thắng quá. Khi đi lễ, tôi tội lỗi quá nên đứng cuối nhà thờ còn Quyển đứng trước tôi chắc ít tội hơn tôi. Hai đứa đều đăm chiêu suy nghĩ! Đến lúc cha cho rước lễ, tôi đi lên đứng gần Quyển, tôi thấy Quyển quay mặt xuống, vẻ hốt hoảng hiện rõ trên khuôn mặt khi Quyển không còn thấy tôi ở chỗ cũ nữa. Tôi quay qua nói:

- Quyển hở?
Quyển ôm tôi mừng rỡ:

- Thắng hở!

Chúng tôi bắt tay nhau mừng rỡ khôn tả! Không ngờ lại gặp được bạn thân nơi đất khách quê người. Gặp Quyển gợi lại cho tôi khá nhiều kỷ niệm của tôi với Quyển.

Nhớ lại Đại Hội Thể Thao sinh viên toàn quốc năm 1973, tôi là thủ quân đội Túc Cầu Viện Đại Học Minh Đức. Lúc đó, anh em thường gọi tôi là trâu bò vì tôi rất có sức. Chiều thứ năm đội Túc Cầu Minh Đức chúng tôi đá thắng đội Túc Cầu

trong sân Phú Thọ của Liêm Đầu Bò với tỷ số 6/1. Sáng thứ sáu, tôi đại diện Viện Đại Học Minh Đức chạy đua 5000 mét. Nhà tôi nghèo không có giầy ba ta để chạy nên tôi phải mượn giầy ba ta của em Việt nhà kế bên. Khổ nỗi đôi giầy to quá nên tôi phải mang 2 đôi vớ nhà binh cho bớt rộng. Nhớ lại, lúc chạy đua, sinh viên đại diện Đại Học Huế khá to con, quấn khăn trên đầu chạy trước vài vòng đầu . Sinh viên Lý Đại Diện Viện Đại Học Sài Gòn chạy thứ nhì, còn tôi cố gắng chạy sau hạng 3. Mỗi lần, sinh viên đại diện Viện Đại Học Huế chạy qua khán đài chính đều giơ tay vẫy chào khán giả, ai cũng tưởng sinh viên này sẽ về nhất, không ngờ chỉ còn vài vòng chót, sinh viên Lý Đại Diện Viện Đại Học Sài Gòn vượt lên bỏ xa chúng tôi cả vòng sân Thống Nhất để về nhất dễ dàng. Sau này, bạn tôi Phạm Duy Phớn ở khoa Nhân Văn cho biết sinh viên Lý từng ở trong đội lực sĩ Quốc Gia nên Lý về nhất là đương nhiên rồi. Sinh viên Đại Học Huế về nhì. Còn tôi và ba sinh viên Đại Học Cần Thơ tranh nhau chiếc huy chương Đồng hạng 3. Trước đích

khoảng 50 mét, tôi dùng hết sức để vượt lên 3 sinh viên Đại Học Cần Thơ giữa tiếng reo hò, vỗ tay hoan hô của các anh chị em sinh viên Minh Đức và bạn bè trong xóm đi ủng hộ tôi. Tôi về hạng 3 với huy chương Đồng. Vui mừng khôn tả! Trương Thành Quyển và Châu Ngọc Anh dìu tôi hai bên khi tôi vừa đến đích. Cảm tưởng tôi lúc đó như mình không có đôi chân, không có cảm giác gì về đôi chân hết. Tôi rất mừng vì mình về được hạng 3 đoạt huy chương Đồng bộ môn chạy 5000 mét. Sau này Phớn bảo tôi:

- Nếu anh Thắng có giầy chạy chuyên nghiệp (rất nhẹ) và có đinh chút xíu, anh Thắng chạy nhanh hơn nhiều. Nếu không anh Thắng chạy chân đất cũng tốt hơn.

Lúc đó tôi mới hiểu thêm về chạy đua.

Một kỷ niệm nữa giữa tôi và Quyển khi Quyển dẫn đội Túc Cầu Kinh Thương Minh Đức đi đá banh giao hữu trên Đà Lạt. Thật sự, chúng tôi cũng tăng cường thêm vài người bạn đá hay ở các Viện Đại Học khác có thân hình dong dỏng và tóc

dài như Diệp Quốc Hùng, Điệp....Vì thế, trong lúc chúng tôi khởi động làm nóng trước giờ thi đấu, có vị khán giả nói to lên:

- Hôm nay mình đá với đội sì ke.

Không ngờ khi thi đấu, chúng tôi đều có kỹ thuật cao, phối hợp thật ăn khớp, tấn công đội Túc Cầu Cảnh Sát Quốc Gia tơi bời. Trời mưa lất phất ở Đà Lạt rất lạnh nhưng chúng tôi cố gắng hết sức vì danh dự Đại Học Kinh Thương Minh Đức. Sau một pha dàn xếp thật đẹp, Diệp Quốc Hùng (Hùng một que) đá tung lưới thủ môn CSQG giúp đội Túc Cầu Kinh Thương Minh Đức dẫn trước 1/0. Cả cầu trường nhốn nháo cả lên vì không ngờ kết quả lại như thế! Tôi còn nhớ ông bầu đội Túc Cầu CSQG chạy lên chạy xuống, la hét om xòm để cổ vũ đội nhà dù trời mưa gió lạnh buốt. Cuối cùng, đội Túc Cầu CSQG cũng gỡ huề được 1/1. Cả hai đội đều vui vẻ.

Xong trận đấu, ông bầu đội CSQG có gặp tôi nói xin lỗi vì hồi chiều la hét om xòm trên sân vì cần ủng hộ đội nhà nên mới la to như vậy. Máu nóng

lên tới óc rồi. Chúng tôi cũng thông cảm cho ông bầu CSQG.

Trận thứ hai chúng tôi cũng đá với Liên Quân Võ Bị và CSQG. Chúng tôi đá thật hay và cũng huề với tỷ số 2/2. Chúng tôi đá hay đến nỗi bác tài lái xe cho chúng tôi còn nhận định:

- Nói thật với mấy chú chớ. Cho trường Đại Học mấy chú mấy trăm ngàn cũng không mấy trận đá banh mấy chú vừa mới đá.

Tôi vô cùng hãnh diện vì câu nói đó. Sau này, Quyển cho chúng tôi biết: Đá banh xong Quyển không có tiền thanh toán tiền xăng dầu cho bác tài. Thật tội nghiệp cho đời sinh viên phải không các bạn!

Quyển mời tôi về flat và hai đứa tôi hàn huyên tâm sự suốt đêm.

TÔI GẶP TRẦN THIỆN LUÂN:

Qua Úc được vài năm, cha Phát ở bên Philippines được định cư bên Úc có ghé rủ tôi đi Canbera cử hành thánh lễ cho Cộng Đồng Công Giáo. Vừa

mở cửa văn phòng Cộng Đồng Việt Nam tại Canbera tôi đã thấy Luân ngồi ở đó. Luân cũng ngỡ ngàng khi thấy tôi. Luân nói:

- Anh Thắng đi xuống Canbera đá banh hở?

Trong đầu Luân luôn luôn nghĩ rằng tôi chỉ là cầu thủ đá banh chớ Luân đâu có biết ngoài cầu thủ đá banh tôi còn là con chiên ngoan đạo, đi lễ hằng tuần. Tôi cười cười trả lời:

- Không! Anh đi theo Cha Phát xuống đây tham dự thánh lễ.

Trong dịp này, tôi có cơ hội gặp được Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

Luân có mời tôi về nhà Luân & Hoa ăn uống một buổi chiều. Tôi còn nhớ trong ngày ăn thôi nôi con trai đầu lòng tôi ở VN có sự hiện diện của Luân & Hoa.

TÔI GẶP ĐỖ QUỐC THÀNH:

Năm 1984 tôi qua Mỹ lần đầu tiên và gặp Đỗ Quốc Thành. Tôi và Thành biết nhau từ thời thơ

ấu. Gia đình Thành ở xứ An Lạc, tên cúng cơm của Thành là Tâm Từ (Tâm con ông Từ trong xứ đạo An Lạc) còn tôi ở xứ Bắc Hà. Chúng tôi cùng đá banh trong sân Điện Phú Thọ từ nhỏ. Sau này, hai đội banh chúng tôi họp lại thành Đội Túc Cầu Bắc An. Tôi và Thành cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ:

- Nhớ lại vào năm 1972 thì phải, đội Túc Cầu Công Đoàn Dệt Bảy Hiền mời đội Túc Cầu Bắc An chúng tôi đá Tứ Hùng. Họ mời đội banh chúng tôi như đội banh lót đường và chẳng bốc thăm gì cả. Họ nghĩ rằng chắc chắn sẽ thắng chúng tôi và vào chung kết. Chúng tôi còn bé chẳng biết gì, thấy được đá banh trong sân lớn là mừng rồi. Thật xui, hôm đó chúng tôi không có đủ cầu thủ: Thằng Chương Còm thủ môn chính không có, thằng Sơn thủ môn phụ xứ An Lạc cũng không đến. Tôi kêu thằng Thanh chụp banh nhựa ở xóm trên đi theo để học hỏi không ngờ phải kêu nó chụp chính vì không có người thủ môn. Toàn đội cả ông bầu Sáu

Chanh vô nữa mới đủ 9 người đá cho hợp lệ. Chúng tôi tiến thoái lưỡng nan không biết làm sao! Cuối cùng, chúng tôi quyết định đá vì đã đến sân rồi. Tôi họp mặt các anh em cầu thủ và nói:

- Chúng ta đọc kinh ăn năn tội đi vì có lẽ mình sẽ thua đậm.

Chúng tôi chẳng có đội hình gì cả. Tôi bảo 5 người đá thủ ở dưới, tôi đá trung phong giữa, Thành đá góc trái còn Trường đá góc mặt. Đội Túc Cầu Công Đoàn Dệt Bảy Hiền muốn cho chắc ăn nên đã tăng cường Uyên nhảy dù, Trí Hải Xưởng.v.v...

Vào giữa hiệp 1, bất ngờ Thành chuyền banh cho tôi trong vòng cấm địa, tôi gặt qua trung vệ sút tung lưới thủ môn Công Đoàn Dệt mở đầu tỷ số 1/0. Cả cầu trường nhốn nháo cả lên, chúng tôi ôm nhau vui mừng vì mình đã có một trái banh danh dự rồi.

Chừng 15 phút sau đó, tôi thẩy lỗ một đường chuyền cho Thành. Thành tuôn xuống thật

nhanh, sút thật mạnh vào khung thành nâng tỷ số lên 2/0. Chúng tôi ôm nhau mừng rỡ không thể nào ngờ được. Chúng tôi vui mừng và an tâm vì nếu vào hiệp 2 có thua 5 trái cũng không sao vì chúng tôi đã có 2 trái banh danh dự rồi.

Vào hiệp hai, Đội Túc Cầu Công Đoàn Dệt Bảy Hiền cố gắng phản công hy vọng sẽ thắng chúng tôi. Biết thủ môn chúng tôi nhỏ con nên thường bấm banh từ xa vào khung thành. Tuy nhiên, banh lại không chính xác thường đi ra ngoài. Đến phút 65 của hiệp hai, nhận được banh từ trung vệ Lưu, tôi chuyền cho Trường góc mặt, Trường chạy xuống rồi trả ngược về cho tôi, tôi thẩy lỗ xuống cho Trường. Trường dẫn banh xuống vùng cấm địa, bất ngờ sút banh xà qua góc phải thủ môn nâng tỷ số lên 3/0. Cả cầu trường sửng sốt! Sao lại có kết quả như vậy!

Chưa hết, vào phút thứ 75, tôi và Thành giao banh một hai, Thành gặt qua trung vệ sút thật mạnh tun lưới thủ môn Công Đoàn Dệt lần nữa

nâng tỷ số 4/0. Cả cầu trường như muốn vỡ tung ra. Sao lại thế!

Tưởng như thế đã đủ, không ngờ vào phút 88, nhận được banh từ góc trái Thành, tôi lừa qua 2 trung vệ và lừa qua thủ môn đưa banh vào khung thành trống rỗng nâng tỷ số 5/0 cho đội Túc Cầu Bắc An trước sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên của toàn thể khán giả trên sân. Trọng tài không biết thích tôi hay sao đã bế tôi lên khi tôi đá lọt trái thứ 5. Kết quả, đội Túc Cầu Bắc An thắng đội Túc Cầu Công Đoàn Dệt Bảy Hiền với tỷ số 5/0. Ban tổ chức xấu hổ quá hủy bỏ giải luôn. Chúng tôi ra ngoài uống sinh tố ăn mừng.

Sau trận đấu đó, rất nhiều đội Túc Cầu muốn mời chúng tôi đá giao hữu.

Sau này, tôi dẫn Thành vào đá banh cho đội Túc Cầu Tổng Hành Dinh Tây Sơn. Đến năm 1977, tôi và Thành cùng đá banh cho đội Túc Cầu Quận Phú Nhuận. Bởi vậy, tôi và Thành thân thích với nhau như hai anh em ruột. Mỗi lần qua Los Angeles tôi hay ở nhà Thành.

TÔI GẶP PHẠM VĂN VINH:

Có dịp, đội Túc Cầu Sydney lên Melbourne thi đấu, tình cờ tôi gặp Vinh trong ban Lãnh Đạo đội Túc Cầu ở Melbourne. Tôi biết Vinh vì Vinh ở trong ban Văn Nghệ Kinh Thương Minh Đức trước kia cùng với Cường, Nam, Lài, Bạch, Vũ, Minh, Hưng.v.v...

TÔI GẶP BÙI THANH LUNG:

Hồi còn sinh viên tôi thường hay đánh bóng bàn với Lung và Vĩnh Long. Qua Úc tôi và Lung cùng làm chung bưu điện nhưng ở hai cơ quan lựa thơ khác nhau. Sau này, tôi và Lung cũng thường chơi tennis với nhau ở Sydney. Lung đánh tennis hay hơn tôi nhiều. Có thể nói Lung đánh tennis hạng A còn tôi chỉ vào hạng B thôi.

TÔI GẶP LÂM QUANG THANH NGÂN:

Năm 1998, tôi có dịp qua Montréal gặp được Ngân. Tôi biết được địa chỉ của Ngân nhờ em ruột của Ngân là Lâm Quang Ngà học sau tôi vài

lớp bên Khoa Canh Nông Minh Đức. Tôi và Ngân có vài kỷ niệm như sau:
Trong đại hội thể thao do Đại Học Kinh Thương Minh Đức tổ chức, tôi cũng được vài huy chương trong năm đó:

- Huy chương bạc chạy 100 mét.
- Huy chương vàng chạy 200 mét.
- Huy chương bạc môn nhảy xa.
- Huy chương vàng môn chạy 1500 mét

Tuy được nhiều huy chương như thế, nhưng lúc lãnh giải tôi lại không có mặt được vì lúc đó đội banh trường Đại Học Canh Nông Minh Đức đá giao hữu với trường Đại Học Bách Khoa Phú Thọ, rất cần sự hiện diện của tôi. Ngân thay mặt tôi lúc đó, lãnh huy chương dùm tôi.

Vừa gặp mặt Ngân, tôi giật mình vì Ngân mập quá. Ngày xưa Ngân ốm tong teo và cao lều nghều. Ngân mập và to con quá, có lẽ được vợ là Tú Anh chăm sóc chu đáo.

Nhớ lại, sau lần thi đua thể thao đó, tôi lên phòng sinh viên vụ để lấy thẻ sinh viên. Phụ khảo Tạ Thanh Duy Hiếu hỏi tôi:

- Anh tên gì? Tôi trả lời:

- Đặng Thắng.
Hiếu nhìn tôi vô cùng ngạc nhiên và nói:

- Nhìn tướng anh nhỏ con mà anh cũng chơi thể thao dữ quá chớ.

Tôi mỉm cười khoái chí hãnh diện gật đầu.

Ngân rủ tôi về nhà chơi và chúng tôi đi ăn buffel một buổi tối thật vui vẻ.

TÔI GẶP LÊ QUANG TÍN:

Tôi nghe cha Phát nói Tín ở Adelaide nhưng tôi chưa có dịp ghé thăm. Tình cờ tôi mua khuôn làm bánh mì sandwhich của một công ty ở Adelaide nhưng họ giao khuôn không đúng tiêu chuẩn nên tôi phải lái xe van chở khuôn xuống Adelaide để đổi cho đúng khuôn sandwhich tôi

cần. Nghe tin Tín là ca trưởng ca đoàn công giáo ở Adelaide nên khi đi lễ tôi cứ tìm ca trưởng. Thật sự, lúc đó Tín đã nghỉ làm ca trưởng rồi, chỉ còn giữ chức Tổng Thư Ký Cộng Đồng Công Giáo ở Adelaide mà thôi. Tôi liếc xuống chỗ giáo dân thấy một chàng trai trắng trẻo đeo mắt kiếng hay hát theo ca đoàn, tôi đoán ngay là Tín rồi. Đợi cuối lễ, tôi đi đến cuối nhà thờ chờ Tín. Vừa gặp tôi, Tín bàng hoàng la lớn:

- Anh Thắng! Trời đất ơi! Anh em mình hai mươi mấy năm mới gặp lại nhau.

Tôi gật đầu cười cười bắt tay Tín nói:

- Đúng rồi Tín ạ! Thật không ngờ anh em mình lại có dịp gặp nhau ở đây.

Tôi và Tín cũng có nhiều kỷ niệm thời sinh viên. Tín hay cùng tôi đi kiếm các cầu thủ cho đội Túc Cầu Viện Đại Học Minh Đức. Có một lần, hai đứa tôi té xe thật đau, bị trầy hết tay chân. Cũng nhờ Tín kiếm được 3 thầy trong dòng Don Bosco như thầy Kích, thầy Vinh và thầy Khang học Khoa Nhân Văn Nghệ Thuật đá banh rất hay.

Nhờ đó, đội Túc Cầu Minh Đức đoạt được hạng 3 huy chương Đồng.

Trận đấu diển ra khá sôi nổi giữa đội Túc Cầu Viện Đại Học Minh Đức và đội Túc Cầu Trường Đại Học Bách Khoa Phú Thọ. Tôi nhớ mang máng thành phần đội Túc Cầu Minh Đức gồm có tôi, Thành trắng, Kim Hùng (còn có biệt hiệu là Hai Nhăn), Long Ngựa, Quốc Tuấn, Chính, Phạm Duy Phớn, Ngà, thầy Khang (nghe nói thầy đã lập gia đình và qua đời trong một tai nạn), thầy Kích (bây giờ đang làm linh mục), thầy Vinh (có một thời gian làm việc trong ủy ban trọng tài Việt Nam), Thu.v.v.. Đội Túc Cầu Bách Khoa Phú Thọ có Trần Vũ (có thời gian làm huấn luyện viên cho đội Túc Cầu Đà Nẵng), Đức, Thanh, Diệp Quốc Hùng (còn gọi Hùng một que vì chỉ sử dụng chân trái rất hay). Trận đấu thật sôi nổi hấp dẫn và ngang ngửa. Đội Bách Khoa dẫn trước 1/0. Sau đó, chúng tôi gỡ huề 1/1. Bất ngờ trung phong của đội Bách Khoa va chạm với thủ môn Minh Đức chúng tôi. Người thủ môn mải la người trung phong Bách Khoa không ngờ bị

Trần Vũ câu trái banh vòng cầu qua đầu thủ môn lọt lưới nâng tỷ số 2/1 cho đội Bách Khoa. Nhìn lên đồng hồ sân Vận Động Cộng Hòa, chỉ còn vài phút nữa hết giờ. Tôi hầu như tuyệt vọng hoàn toàn và nghĩ rằng số phận Đại Học Minh Đức đến đây là hết. Tôi buồn bã mang banh lên pass sê cho Kim Hùng. Kim Hùng mở sâu xuống bên cánh trái, thầy Khang bất ngờ từ băng xuống thật nhanh đá tung lưới thủ môn Bách Khoa trước sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên của tất cả khán giả trên sân. Sinh viên Minh Đức đứng lên reo hò, vỗ tay hoan hô, cả cầu trường cổ vũ cho chúng tôi. Chúng tôi ôm thầy Khang vui mừng coi thầy như vị cứu tinh của Đội banh Minh Đức. Kết quả 2/2 nên chúng tôi phải đá phạt đền luân lưu để tranh hạng 3. Sau khi đá phạt đền luân lưu chúng tôi và đoạt hạng 3 huy chương Đồng. Trong khi chúng tôi ôm nhau mừng rỡ thì nhiều cầu thủ Bách Khoa khóc trên sân nhất là Thanh. Tuy nhiên, đội Túc Cầu Bách Khoa cũng nhận được giải khuyến khích. Buổi tối hôm trao giải, Trần Vũ của đội Bách Khoa có gặp tôi và nói:

- Hồi chiều tưởng thắng mấy ông rồi chớ, không ngờ bị thua lại.

Tôi cũng cười cười bắt tay và nói:

- Tụi tôi chỉ may mắn thôi Vũ ạ. Tưởng thua mấy ông rồi chớ.

Năm 2003 tôi có dịp gặp Trần Vũ ở Đà Nẵng, hai anh em rất vui vẻ gặp lại nhau.

TÔI GẶP MAI ANH TRUNG:

Tôi và Trung nhậu với nhau rất nhiều lần trong nhà Lộc, em rể của Trung. Lan Hương là em của Trung lấy Lộc. Lộc lại ở trong ca đoàn Plumpton do tôi phụ trách nên chúng tôi thường ăn nhậu với nhau.

Bữa đó, đang ngồi nhậu bỗng nhiên một người bạn cũ quăng cuốn video và nói:

- Băng Đại Học Minh Đức của ông nè.
Tôi cầm cuốn băng video và Trung ngạc nhiên

hỏi tôi:
- Anh học ở Minh Đức hở?

Tôi nhìn Trung ngỡ ngàng trả lời:

- Tôi học Canh Nông Minh Đức, sau đó qua học thêm một năm về Cao Học Quản Trị bên Kinh Thương Minh Đức.

Tôi nhắc đến Quyển, Bảo, Quang Hải, Ngọc Lan, Kim Ánh, Trung đều biết hết, thế mà tôi và Trung không hề biết nhau! Sau này, tôi và Trung cũng thường đánh tennis ở Sydney.

TÔI GẶP KIM HÙNG, BĂNG TÂM VÀ BẠCH LAN:

Tôi và Kim Hùng biết nhau khi đá banh từ thời sinh viên. Sau này, tôi và Kim Hùng cùng đá banh trong đội Túc Cầu Quận Phú Nhuận nên tôi và Kim Hùng rất thân với nhau. Kim Hùng có nói với tôi về hoàn cảnh khó khăn của gia đình Kim Hùng về tài chánh. Tôi có giúp đỡ Kim Hùng một chút và tôi email cho Đỗ Quốc Thành. Thành cùng với Vĩnh Long và bạn bè có gửi về giúp đỡ Kim Hùng thoát cảnh khó khăn. Kim Hùng nhờ tôi chuyển lời cám ơn đến các bạn bè đã giúp đỡ gia đình Kim Hùng. Qua Kim Hùng,

tôi biết được Băng Tâm và Bạch Lan cùng với một người bạn nữa tên Hùng trong Kinh Thương. Chúng tôi có đi ăn uống và hát Karaokê với nhau. Tôi không ngờ Băng Tâm hát hay quá! Hát rất có hồn giống như Lê Quang Tín. Sở dĩ Băng Tâm hát hay vì Băng Tâm đang hát sô lô cho một ca đoàn trong nhà thờ Công Giáo trong nhiều năm qua. Băng Tâm nhảy đầm cũng dịu dàng thướt tha lắm. Qua Kim Hùng, Băng Tâm, Bạch Lan tôi biết thêm vợ chồng anh Thái và chị Phi. Sau này, tôi về Việt Nam cũng hay tham gia đá banh trong đội Túc Cầu Karokê do Kim Hùng huấn luyện.

Năm 2002, tôi có tham dự chuyến hành hương do cha Văn Chi tổ chức ở Sydney. Chuyến hành hương bắt đầu 10 tháng 7 nhưng cha Chi bảo tôi có thể đi sớm hơn nếu tôi muốn. Thế là tôi quyết định đi ngày 1 tháng 7 cho kịp Đại Họi Kinh Thương Minh Đức ở Los. Tôi vội vàng liên lạc với Đỗ Quốc Thành nhờ Thành chở đến tham dự Đại Hội Kinh Thương Minh Đức. Tôi cũng dấu không báo cho Kim Ánh và Ngọc Lan biết tôi

tham dự Đại Hội Kinh Thương nên cả hai rất ngạc nhiên khi thấy sự hiện diện của tôi. Tôi rất mừng gặp lại được bạn bè cũ nhất là Vĩnh Long và Hương. Tôi cũng biết Hương vợ Vĩnh Long là con của Bố Đinh Xuân Phức, đạo trưởng Đạo Trùng Dương trong Hướng Đạo ngày xưa. Tôi hay đánh bóng bàn với Vĩnh Long thời sinh viên. Điều làm cho tôi ngạc nhiên trong bữa tiệc là tôi gặp Phạm Văn Vịnh. Đang ngồi ăn bỗng tôi quay lại nhìn thấy một khuôn mặt thật quen thuộc nhưng đầu tóc bạc phơ. Tôi giật mình cố nhớ trong đầu xem ai vậy? Đúng lúc đó, Thành vội vàng nhắc nhở tôi:

- Anh Thắng ơi thằng Vịnh đó.
Tôi chạy nhanh lại bắt tay Vịnh và nói:

- Chào Vịnh! Không ngờ anh em mình lại gặp nhau ở đây.

Vịnh cũng bắt tay tôi mà nói:

- Đúng thế anh Thắng! Gần 30 năm anh em mình mới có dịp gặp lại nhau. Tôi đã linh

tính rằng anh sẽ tham dự Đại Hội Kinh Thương nên bằng mọi cách đến tham dự.

Sau đó, tôi cùng Vịnh về nhà Thành hàn huyên tâm sự suốt đêm đó.

Trong bữa tiệc Đại Hội Kinh Thương hôm đó, phái đoàn Úc Châu bị mời lên trình diễn văn nghệ. Ngọc Lan, Kim Ánh và tôi phải lên sân khấu. Bí quá, tôi phải hò mấy câu hò lục bát thời sinh hoạt Hướng Đạo như: Đèo nào cao cho bằng đèo Châu Đốc, gió nào độc cho bằng gió Gò Công. Vợ chồng son đã đẹp lòng ước mong. Thuận vợ chồng ta cùng tát bể đông. Hò lơ hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ hò lơ hó lơ.

  • -  Làm trai rửa bát quét nhà.

  • -  Vợ gọi thì dạ bẩm bà con đây.

  • -  Thân em như tấm lụa đào.

  • -  Anh mua vài mét đem về lau xe.

  • -  Thương anh em biết để đâu.

  • -  Để trong lỗ rún lâu lâu sức dầu.

  • -  Thương em anh biết để đâu.

  • -  Để trong nòng súng, lâu lâu bóp cò.

  • -  Ba đồng một đống đàn ông.

  • -  Mua về bỏ lồng cho kiến nó tha.

  • -  Ba xu một tá đàn bà.

  • -  Mua về xé nhỏ cho gà nó ăn.

  • -  Cô kia để tóc đuôi gà.

  • -  Nắm đuôi cô lại chí bò ngổn ngang.

  • -  Mắt em rực sáng như đèn.

  • -  Long lanh chớp chớp cục ghèn lòi ra.

    Tôi hò ba đồng một đống đàn ông, thấy các chị em phụ nữ cười khoái chí, nắc nẻ. Đến khi tôi hò ba xu một tá đàn bà, các ông cười phản pháo to hơn vì nếu so sánh ba đồng vẫn lớn hơn ba xu nhiều. Không ngờ mấy câu hò cho vui này lại mang họa cho tôi sau này.

    Buổi tối dạ vũ hôm đó tôi may mắn ngồi kế bên vợ chồng Phó Đức Trường người tạo ra trang Web cho Kinh Thương Minh Đức. Chúng tôi ngồi uống cà phê nghe chương trình văn nghệ do các ca sĩ và thầy Phó Khoa Trưởng hát. Tôi chỉ buồn cười vì câu nói bất hủ của thầy:

- Tôi đi đám cưới chẳng thiết tha gì ăn uống hết. Chỉ chờ người ta mời lên sân khấu hát thôi.

Tôi cười nói đùa với Phó Đức Trường:

- Vô phúc đám cưới nào mời thầy đi mà không mời thầy hát chắc chết với thầy.

Vợ chồng Trường mỉm cười phụ họa với tôi.

Trong dạ vũ hôm đó, tội nghiệp cho hai hoa khôi Úc Châu của chúng tôi bị quay như dế trên sàn nhảy. Hết anh này đến anh kia mời nhảy. Tôi đứng dậy định mời Kim Ánh nhảy một bài cha cha cha nhưng không tài nào mời được. Vừa đứng dậy định mời thì có người khác nhanh chân hơn tôi rồi. Tôi cứ đứng lên thấp thỏm như thế làm cho vợ chồng Phó Đức Trường cũng phì cười cho sự nhấp nhỏm của tôi.

Tiếp đó, phái đoàn hành hương của chúng tôi đi đến Montreal và Toronto tham dự Đại Hội Công Giáo Giới Trẻ toàn thế giới do Đức Thánh Cha John Paul đệ nhị chủ trì. Đến Montreal không tài

nào liên lạc được với Ngân. Tôi điện thoại về nhà Ngà em của Ngân cũng không được tin tức của Ngân. Chính vì thế mới xảy ra chuyện cười ra nước mắt như sau:

Trong phái đoàn hành hương chúng tôi cũng có một người quen một cặp vợ chồng ở Montreal. Người bạn này liên lạc được và vợ chồng này tiếp đãi chúng tôi rất nhiệt tình. Tôi mừng quá vì mình không gặp được Ngân nay được dân thổ địa dẫn đi chơi thì còn gì bằng. Chúng tôi chỉ có một buổi tối ở Montreal nên thời gian rất là quí báu. Tôi đề nghị và nói:

- Chị coi có shopping nào lớn dẫn chúng tôi thăm quan cho biết.

Chị không để ý gì cả và nói với tôi: - Cứ đi theo tôi.

Phái đoàn hành hương kể cả cha Chi 17 người lật đật theo chị. Chân tôi đau nên đi theo cũng vất vả. Chị dẫn chúng tôi xuống xe lửa mua 19 vé cho đủ hai vợ chồng chị. Chị dẫn chúng tôi đi hết ga này đến ga khác, hết trạm này đến trạm khác cả

hơn 2 tiếng đồng hồ. Tôi vừa tức vừa mệt vừa bị đau chân nên hỏi chị:

- Chị ơi shopping sao xa quá vậy chị?
Chị hơi ngạc nhiên một chút nhưng bình thản trả

lời:

- Em đâu có dẫn anh chị đi shopping đâu! Em dẫn các anh chị đi xem xe lửa vì em tưởng ở bên Úc không có xe lửa.

Trời đất! Câu nói của chị như gáo nước lạnh tạt vào mặt. Phái đoàn chúng tôi tá hỏa tam tinh như từ trời rơi xuống. Hóa ra hơn 2 tiếng đồng hồ quí giá ở Montreal và đi rất mệt mỏi chỉ để coi xe lửa như thế thôi sao! Xe lửa bên Úc chúng tôi thiếu gì, còn nhiều hơn ở Canada nữa. Chị còn giáng thêm một câu nói nữa:

- Em nghe nói ở bên Úc khổ lắm, giống như ở Việt Nam vậy đó. Em có bà dì ở bên Úc bảo cho em như vậy.

Đi ngang qua tiệm quần áo, chị còn bồi thêm câu nữa:

- Các anh chị muốn mua quần áo gì thì mua ở đây đi, vì quần áo bên Úc xấu và dở lắm.

Cả phái đoàn hành hương Úc Châu chúng tôi ngỡ ngàng ngạc nhiên nhìn nhau thắc mắc không biết chị nghe tin tức như thế nào mà đánh giá nước Úc chúng tôi thấp thế.

Trong lúc nói chuyện với chị, tôi hỏi: - Chị qua Canada lâu chưa?

Chị trả lời:

- Em qua lâu rồi gần 9 năm rồi, còn ông xã em qua 11 năm rồi.

Chúng tôi lại ngơ ngác ngó nhau vì chị đâu có biết phái đoàn hành hương Úc Châu chúng tôi ai cũng hơn hai mươi mấy năm ở nước ngoài rồi. Chúng tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt không dám cải chính sợ chị phật lòng.

TÔI GẶP BẠCH LAN KHÓA 1 KINH THƯƠNG MINH ĐỨC: 

Phái đoàn hành hương Việt Nam chúng tôi đến Toronto tham dự Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Thế Giới. Trong thời gian rảnh rỗi tôi có email cho Quang Hải hỏi mình có bao nhiêu bạn bè Kinh Thương ở Toronto. Hải email cho tôi 7 anh chị em Kinh Thương ở Toronto. Tôi mừng quá liên lạc được với Bạch Lan khóa 1. Thật sự, tôi và Bạch Lan trước kia không biết nhau nhưng nghe nói cùng học trong Kinh Thương nên Bạch Lan đã thân tình cho tôi tá túc vài ngày và dẫn tôi đi bác sĩ khám bệnh khi tôi bị đau ở Toronto. Cám ơn Bạch Lan rất nhiều!

ÔI GẶP CHÂU VĂN HIỀN: 

Nghe nói phái đoàn hành hương chúng tôi đi hành hương thế giới nên được vé free về Việt Nam nếu chúng tôi muốn. Tuy nhiên, chúng tôi không biết trước nên không xin visa về Việt Nam. Tôi vội vàng trình bày vấn đề này với Bạch Lan, Bạch Lan dẫn tôi đi gặp Châu Văn Hiền vì Hiền làm về Travel Agency. Vừa vào văn phòng vợ

Châu Văn Hiền tiếp tôi và Bạch Lan. Tôi trình bày cho bà xã Hiền, chị nhìn tôi ngờ ngợ một lát rồi nói:

- Ah! Tôi nhớ ra rồi! Phải hôm trước trong Đại Hội Kinh Thương Minh Đức anh là người lên sân khấu hò nhiều câu hạ giá phụ nữ chúng tôi lắm phải không?

Tôi nửa khóc nửa cười chống chế trả lời:

- Oh! Thì hò vài câu cho vui đó mà. Tôi cũng rất công bằng hò bên nam một câu, bên nữ một câu mà.

Tôi trình bày với Hiền, tôi cần visa về Việt Nam. Hiền suy nghĩ một chút rồi nói:

- Giá anh đến gặp tôi hôm qua thì hay quá! Bây giờ sợ visa về không kịp vì vài bữa nữa ông đi qua Âu Châu rồi. Thôi được! Để tôi làm visa rời rồi gửi bằng International Express Transport tới khách sạn ở Rome cho ông.

Tôi mừng quá ghi địa chỉ khách sạn ở Rome cho Hiền. Tôi nói với phái đoàn hành hương Úc Châu tôi có thể có visa về Việt Nam được. Cả phái đoàn ngạc nhiên sao tôi có thể về được. Nhất là cha Chi luôn luôn cảnh cáo tôi đừng về Việt Nam vì không co visa. Đúng tuần lễ sau, tôi nhận được visa do Hiền gửi đến. Tôi đưa visa cho phái đoàn hành hương xem, ai cũng ngạc nhiên tỏ vẻ thán phục tôi sao tài thế. Tôi được dịp hỉnh hỉnh mũi lên tự đắc với bạn bè. Cám ơn Châu Văn Hiền đã cho tôi nở mày nở mặt với bạn bè.

TÔI GẶP QUANG HẢI VÀ NGỌC LAN Ở SYDNEY: 

Trước kia, tôi có làm bưu điện một thời gian nên sau này cũng thường chơi tennis do anh em bưu điện tổ chức. Không ngờ trong đám anh em chơi tennis có người lập gia đình, anh em bưu điện nhờ tôi làm MC giúp vui trong chương trình văn nghệ giúp vui. Anh em nhờ tôi làm MC chẳng phải tôi giỏi giang gì! Chẳng qua nếu kiếm người khác anh em phải trả tiền còn tôi làm free. Nói

đùa thế thôi chớ tôi làm MC cũng không đến nỗi tệ lắm.

Phần giới thiệu chương trình nghiêm túc do người bạn phụ trách. Bất ngờ tôi thấy giới thiệu Quang Hải đại diện thân tộc cô dâu lên có đôi lời cùng quí vị quan khách. Quang Hải nhìn xuống thấy tôi cũng mừng quá vì gặp lại bạn cũ trong đại học. Sau này, Hải cho biết vai Hải rất lớn là bác của cô dâu nên đại diện nhà gái đọc diễn văn. Chúng tôi có một buổi tối văn nghệ quậy tới bến luôn.

TÔI GẶP NGUYỄN BÁ LÃNG KHÓA 1: 

Tôi có lò bánh mì nho nhỏ ở Sydney nên cũng theo học khóa Quản Trị Thương Nghiệp do anh Bùi Thanh Lân (anh của Bùi Thanh Lung) người việt hướng dẫn cho những thương gia nhỏ hiểu biết về cách quản trị, thuế má v.v...Ngồi học với anh Lãng cả tuần lễ nhưng tôi không biết anh Lãng cùng học Kinh Thương cho đến một hôm đang ngồi uống cà phê. Thấy anh Lãng cùng tuổi nên tôi hỏi:

- Trước kia ở Việt Nam anh Lãng làm về gì? Anh Lãng trả lời:

- Tôi cũng đi lính một thời gian nhưng trước đó tôi học Đại Học Kinh Thương Minh Đức.

Tôi hơi ngờ ngợ vì mỗi lần lên Melbourne chơi tôi thường nghe Quang Hải và Quyển nhắc tới chủ tiệm hoa Yến Florist nên tôi hỏi anh:

- Tôi nghe Hải và Lan nhắc có người nào học Kinh Thương Minh Đức làm chủ tiệm hoa Yến Florist hay sao đó?

Anh Lãng ngạc nhiên ngó tôi trả lời: - Tôi đây chớ ai.

Tôi giật mình không ngờ người thường được Hải, Lan, Quyển nhắc tới mỗi khi tôi lên Melbourne lại ngồi trước mặt tôi đây. Sau này, tôi mới biết anh Lãng rất nổi tiếng ở Sydney và giữ nhiều chức vụ trong các hội đoàn.

Ngày đám cưới con trai đầu lòng của tôi, các anh chị em Kinh Thương Minh Đức từ nhiều nơi về

có ghé nhà anh Lãng ăn nhậu và hát karaoke thật vui vẻ.

TÔI GẶP TRẦN MINH BẠCH: 

Năm 2004 tôi tham dự Đại Hội Kinh Thương Minh Đức tại Houston. Vừa bước vào phòng dạ vũ đã gặp Huân khóa 1 bắt tay chào mừng nói:

- Tôi biết thế nào cũng có mặt anh Thắng. Rất vui gặp lại anh.

Tôi cũng bắt tay Huân và nói:

- Rất mừng gặp lại anh Huân! Anh chị em Houston tổ chức chu đáo quá.

Tôi biết anh Huân từ Đại Hội Kinh Thương lần trước. Có đánh tennis với anh Huân và Đỗ Quốc Thành. Anh Huân dẫn tôi vào gặp Kim Ánh và Ngọc Lan. Kim Ánh dẫn tôi tới gặp Trần Minh Bạch và nói:

- Đây là Cha Bạch

Tôi tưởng Kim Ánh nói giỡn vì thấy cha ngồi chung quanh toàn là phụ nữ không à. Trong đầu

tôi Kim Ánh nói đùa cho vui thôi! Vì vừa nhìn cha Bạch tôi nhớ liền khuôn mặt cha ngày xưa trong ban văn nghệ Kinh Thương gồm có Lê Hải Vũ, Phạm Thị Nam, O Lài, Vinh Mập, Cường, Hưng....Bạch đùa giỡn rất vui vẻ và kể nhiều chuyện tiếu lâm. Tôi còn nhớ bài “Thương Quá Việt Nam” được Bạch đổi thành lời thay vì:

  • -  Em nghe gì không hỡi em. Con chim nó hót vang đầu hè.

  • -  Em nghe gì không hỡi em . Con chim nó hót trên cành tre.

    Bạch đổi thành lời:

  • -  Cô tên gì cô tên chi. Xin cho biết quí danh là gì.

  • -  Cô tên gì cô tên chi. Xin cho biết quí danh là chi.

  • -  Nói đi cô, nói đi cô, nói đi rồi tụi mình đi chơi.

  • -  Nói đi cô, nói đi cô, nói đi rồi tụi mình đi ci

    nê.
    Sau khi anh bạn hát bài ca đó, người đẹp trả lời:

  • -  Tôi tên gì kệ cha tôi sao anh hỏi quí danh mà làm gì

  • -  Tôi tên gì kệ cha tôi sao anh hỏi quí danh mà làm chi.

  • -  Tổ cha mi tổ cha mi, thấy cái mặt là bà không ưa.

  • -  Tổ cha mi tổ cha mi, thấy cái mặt là bà đi thưa.

    Chính bài hát và tinh thần hài hước đó mà tôi không thể nào tin được Bạch lại là Linh Mục. Đến khi nhìn thấy trên cổ cha có huy hiệu thánh giá và nghe cha trình bày về trách nhiệm đối với gia đình. Cha kể rằng:

- Năm 1986 sau khi lo hết cho gia đình qua Canada, cha nghĩ nếu cuộc sống chỉ lo nghĩ đến vật chất cũng tầm thường nên cha quyết định đi tu để giúp đời nhiều hơn. Khi được thụ phong linh mục, cha lại chọn làm việc ở nơi xa xôi hẻo lánh, giúp đỡ dân tộc thiểu số trong môi trường vất vả khó khăn.

Tôi rất khâm phục tinh thần hy sinh phuc vụ của cha. Nhìn cha nhảy đầm với Kim Ánh qua các điệu Cha Cha Cha, Bibop, Tango, Paso Dop.v.v.. trong tối hôm đó, tôi có thể hiểu rằng trước kia cha cũng đã một thời vàng son oanh liệt trong đám sinh viên. Tôi nghe Kim Ánh kể rằng:

Vừa bước xuống phi trường tới nhà Đức. Cha Bạch tâm sự với Chúa.

- Xin Chúa cho con nghỉ tu vài ngày để con sống trọn vẹn thời sinh viên xa xưa vô tư ấy.

Chính vì thế, cha Bạch sống thật thoải mái, đùa giỡn vui vẻ, ăn nói vô tư, sống giống thời sinh viên hồn nhiên xa xưa. Tôi quay băng video cha Bạch và Kim Ánh nhảy đầm rất nhiều và nói đùa:

- Cuốn băng này mà đưa cho bề trên cha coi. Chắc bề trên phải bắt cha đi cấm phòng vài năm.

Quả thật như thế! Sau kỳ Đại Hội Kinh Thương Minh Đức cha đi tu nghiệp đâu vài năm không ai

có thể liên lạc được với cha. Trong dịp tiếp xúc với cha, tôi được biết cha đang công tác ở nơi dân chúng thật khó khăn, thiếu thốn vật chất. Tôi có nói đùa:

- Thôi để bữa nào con qua bên đó mở lò bánh mì cho cha.

Cha rất vui mừng trả lời:

- Bữa nào anh qua giúp em đi. Dân chúng ở đó nghèo khổ và rất cần bánh mì.

Tôi mơ ước trong tương lai có thể giúp được cho cha một chút gì đó.

TÔI GẶP VỢ CHỒNG MAI VĂN SANG: 

Sau Đại Hội Kinh Thương Minh Đức, tôi có ghé Los gặp Đỗ Quốc Thành. Thành chở tôi tới lò bánh mì Paris Bagguete ở Long Beach của vợ chồng Sang Hoa. Vợ chồng Sang Hoa trước kia ở Pháp, học bánh mì từ Pháp nên vợ chồng Sang Hoa rất thành công ở Mỹ. Đa số khách của Sang thuộc cộng đồng Campuchia. Tôi ăn bánh mì của vợ chồng Sang làm rất ngon, có thể ngon hơn

bánh mì của Lee Sandwich tôi mua ở nhiều chỗ. Tôi và Thành có về ăn cơm tối với vợ chồng Sang & Hoa.

Vào tháng 3 năm 2005, đám cưới con trai đầu lòng của tôi. Đáp lời mời của tôi, anh chị em Kinh Thương Melbourne về khá đông đủ trên chiếc xe van thật vui vẻ. Gia đình Lê Quang Tín từ Adelaide cũng về nên có dịp anh chị em Kinh Thương hơn 30 năm mới gặp lại nhau. Anh chị em tay bắt mặt mừng khôn tả. Thời gian sao trôi nhanh quá! Cứ tưởng mới ngồi ghế nhà trường hôm nào bên nhau, giờ đã 30 năm rồi. Chúng ta xa cách nhau 30 năm với biết bao thay đổi trong môi trường khác nhau của cuộc đời, nhưng tình bằng hữu sinh viên luôn luôn gắn bó với những kỷ niệm nên thơ phải không các bạn? Ước mong tình bằng hữu này sẽ bền chặt và phát triển khắp nơi để chúng ta có nhiều người bạn thân thương trên toàn thế giới.

Đặng Thắng (hè 2006)

Previous
Previous

TÔI BỊ ĐỘT QUỴ

Next
Next

TÔI ĐẬU TÚ TÀI PHẦN NHẤT