TÔI ĐẬU TÚ TÀI PHẦN NHẤT

Gia đình tôi di cư vào Nam năm 1954 và sống ở hẻm 399 đường Lý Thái Tổ thuộc xứ Bắc Hà. Từ khi tôi lớn lên, hẻm này được mang tiếng với những thành tích như đánh lộn, chém nhau, giật đồ nhất là giây chuyền, cờ bạc, chơi bời đĩ điếm.....

Hẻm chúng tôi có mối thù truyền kiếp với xóm chuồng bò ở Ngã Bảy. Tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến các đàn anh trong xóm rượt nhau, chém lộn với xóm chuồng bò vì tranh giành địa bàn hoạt động. Chẳng hạn như các thanh niên du đãng ở chuồng bò không dám giật giây chuyền ở xóm mình nên xuống khu Bắc Hà giật, giật xong chạy vào xóm tôi bị du đãng xóm tôi chặn lại lấy sợi giây vừa mới giật. Tức quá, du đãng đó chạy về chuồng bò kêu đàn anh đến đòi lại. Thế là hai bên thanh toán lẫn nhau. Có lần, anh Thượng chạy vào xe phở ông Kính đầu ngõ chụp con dao thái thịt thật sắc đuổi chém du đãng chuồng bò khiến cả xóm một phen kinh hoàng.

Cũng có lần chúng tôi đi xem ci nê ở rạp Long Vân về, khi đi ngang qua xóm chuồng bò bị mấy thanh niên du đãng trong xóm chuồng bò chặn lại. Thằng này đang gánh nước có đòn gánh rất dài liền hếch hàm hỏi chúng tôi:

- Tụi bay ở xứ Bắc Hà phải không? Thằng Thơm trong xóm chúng tôi trả lời:

- Tụi bay muốn đánh lộn hở? Chờ một chút. Để tao bỏ dép đã.
Thằng du đãng ở chuồng bò cũng ngạc nhiên khi thấy thằng Thơm dám cả

gan định đánh lại tụi nó.

Cả ba chúng tôi cũng đang lo sợ sao thằng Thơm lại to gan đến thế! Bất ngờ thằng Thơm xỏ tay vào dép rồi chạy thật lẹ, hai thằng tôi vội vàng chạy theo. Trước đòn tẩu mã rất bất ngờ của thằng Thơm khiến tụi chuồng bò không kịp rượt theo. Chúng tôi thoát nạn một cách tài tình.

Ngoài vấn đề trên, xóm chúng tôi còn nổi tiếng về đánh bài: Lúc nào cũng có nhiều sòng bài ăn tiền và chơi đủ loại bài như: bài cào, cắt tê, bủ, ngầu, xì

dách, xập xám....Tôi còn nhớ ông Tám Già một tay xếp bài hay kinh khủng. Tết năm đó, có ông trong xóm ra ngoài chơi bài cào. Ông Tám cầm bài xào qua xào lại rồi có người kinh. Chơi bài cào mà ông trong xóm làm cái hai lần bị bù, móc hết tiền trong cặp táp ra chung cho mọi người rồi về nhà buồn hiu không đi chúc tết nữa vì hết tiền. Ngoài tài xếp bài, ông Tám Già còn rút đít bài hay không thể chê được. Đánh bài bủ với tôi lúc nào ông cũng có bủ ách vì tài rút đít. Sau này, có dịp ông nói cho tôi biết ông học lúc đó mất hai chục ngàn đồng tiền thời bấy giờ khoảng năm 1963.

Sống trong một xóm với nhiều tệ nạn như thế, tôi học hành chẳng ra gì cũng đúng thôi. Đến năm đệ thất tôi học ở trường Minh Hưng trên đường Phan Thanh Giản. Ông thầy dậy toán tên Mai dữ quá hay đánh tôi thật đau làm tôi sợ nên cúp cua giờ toán đi xem xi nê ở rạp Long Vân hay Đại Đồng.

Tới năm đệ ngũ, ba tôi nhờ người quen xin cho tôi vào học trường Nguyễn Bá Tòng. Tôi còn nhớ một buổi chiều, tôi đang ngồi trong nhà vệ sinh, mẹ tôi không biết vì chuyện gì đó khóc lóc la tôi:

- Con nhà người ta học hành giỏi giang còn con nhà mình chả học hành gì cả.

Tôi thật sự xúc động vì câu nói của mẹ tôi. Hối hận những việc làm đã qua và tôi bắt đầu cố gắng học hành. Lên năm đệ tứ, tôi học đệ tứ 1 xếp hạng cũng trung bình thôi vì toàn những học sinh giỏi. Trong năm này, trường Nguyễn Bá Tòng sắp xếp những học sinh đệ tứ kém ở các lớp vào một lớp cùng một trình độ để dạy cho thích hợp. Thằng Thu bạn tôi con ông Trinh trong xóm phải học lớp này. Đến cuối năm thằng Thu được phần thưởng vì học trong đám học sinh kém. Ông Trinh đi khoe khắp xóm con ông thằng Thu được phần thưởng học giỏi, làm mẹ tôi so sánh chửi tôi một trận nên thân. Tôi buồn lắm nhưng không sao cắt nghĩa được.

Tôi học khá được nhờ năm đệ tam. Gia đình Khải khá giả cho Khải học thêm toán với chú Triển ở cư xá sĩ quan Bắc Hải. Khải học thêm một mình cũng buồn nên rủ tôi học cho vui. Nhờ học thêm đó, tôi mới hiểu thêm về toán với các đường trung tuyến, đường cao, đường trung trực v.v...

Gia đình và họ hàng tôi chẳng có ai làm chức vụ gì lớn lao hết, chỉ có chú Trợ với cấp bậc Thượng Sĩ là to lắm rồi. Trong khi chơi với thằng Khải ở ngã bảy tôi nghe nó nói: Cậu Kha nó là bác sĩ, cậu Sa nó là trung tá, anh rể nó là thiếu tá....Thật sự, tôi cũng mang mặc cảm vì gia đình và họ hàng của mình ít người làm chức vụ to lớn.

Vào năm đệ nhị tôi cũng gặp một vài rắc rối như sau:

1/ Mẹ tôi bán trái cây ở đầu hẻm nên thường phải dậy sớm đi mua trái cây ở chợ An Đông. Chừng 4 giờ sáng tôi phải lấy xe mobilette chở mẹ tôi đến chợ An Đông. Trên đường về, bỗng cảnh sát thổi còi hoét hoét chặn xe tôi. Tôi mơ ngủ nên không nghe, cho đến tiếng còi thứ ba mới dừng xe lại. Viên cảnh sát đi lại hằn học hỏi tôi:

- Sao tôi thổi còi mà anh không ngừng xe lại? Tôi ấp úng trả lời:

- Dạ! Có lẽ em buồn ngủ quá nên không nghe? Viên cảnh sát hỏi tiếp:

- Cho coi giấy tờ coi?
Tôi vội vàng móc giấy tờ tùy thân hoãn dịch vì lý do học vấn cho cảnh sát coi.

Có lẽ thông cảm với hoàn cảnh của tôi, anh ta bớt gắt gỏng và nói: - Sao đi trong giờ giới nghiêm?

Tôi trả lời:
- Dạ em phải chở mẹ em đi chợ sớm để mua trái cây về bán.

Viên cảnh sát nói tiếp:

- Hồi nãy chút xíu tôi bắn anh rồi anh biết không? Tôi đã quì xuống lên cò rồi đó. Cũng may anh ngừng xe lại.

Mồ hôi tôi toát ra như tắm. Tôi hú hồn hú vía về kể cho mẹ tôi. Mẹ tôi cũng sợ quá không bắt tôi đi sớm như xưa nữa.

2/ Chuyện thứ hai rắc rối như sau: Hôm đó, anh Huy em ruột của anh Khôi là chồng chị Vàng chị ruột của Khải được đi du học ở Đức. Anh Huy muốn khao tôi và Khải một chầu trước khi đi Đức. Anh Huy đi một mình còn Khải chở tôi trên chiếc xe Brigestone của Khải. Khi đi đến đường Hồng Thập Tự chúng tôi gặp một người Mỹ chở một cô gái tóc vàng ngồi đằng sau. Tôi và Khải cho là người Việt Nam nhuộm tóc còn anh Huy lại cho rằng cô ta là người Mỹ. Chỉ tò mò thế thôi! Chúng tôi phóng xe lên coi xem người con gái Việt Nam hay người Mỹ. Không ngờ chỉ một chút tò mò đã gây nên hậu quả thật nghiêm trọng. Khi Khải lái xe vượt qua tôi có nói:

- Mỹ Việt Nam (ý nói người Việt Nam nhuộm tóc giống Mỹ)

Có lẽ cô gái đó tự ái khi nghe tôi nói câu nói đó nên đã xúi người Mỹ lái xe rượt theo xe chúng tôi. Khi tới đèn đỏ chỗ ngã tư Hai Bà Trưng và Hồng Thập Tự, Khải ngừng xe lại đã bị người Mỹ chở cô gái tóc vàng đụng xe chúng tôi. Người Mỹ nhảy xuống định đánh chúng tôi. Cũng may lúc đó có vài thanh niên đi ngang thấy chuyện bất bình nên can thiệp và người Mỹ đã không dám đánh chúng tôi. Lúc đó, có xe cảnh sát đi ngang qua thế là cô gái kia vu oan giá họa cho chúng tôi giựt bóp cô ta. Cả ba chúng tôi: Anh Huy, Khải và Tôi bị bắt về quận nhì để thẩm vấn.

Vừa vào bót cảnh sát, viên cảnh sát hỏi móc chúng tôi: - Từ chiều đến giờ mày làm được mấy vụ rồi?

Tôi tức quá khóc và kể lể mọi sự cho viên cảnh sát. Nghe xong viên cảnh sát tỏ vẻ thông cảm và nói:

- Phải kiếm cách cho cô kia bãi nại, nếu không phức tạp lắm.
Tôi thật sự lo lắng và không biết mình phải làm gì. Tôi còn nhớ viên cảnh sát

hỏi cô gái đó:

- Cô nói rằng hai thằng này giựt bóp của cô nhưng thằng nào giựt bóp của cô?

Cô gái đó không thể trả lời được ai giựt bóp và cứ nói: - Hai thằng này nè! Hai thằng này nè!

Viên cảnh sát tức quá gắt lên:

- Nhưng trong hai thằng này phải có thằng giựt bóp của cô chớ? Cô gái đó nhanh trí phịa ra:

- Tại vì nó búng tàn thuốc vào mắt tôi nên tôi không thấy đứa nào hết.

Tôi và Khải cũng bực mình trước sự xảo trá của cô ta. Cũng may tôi và Khải không ai hút thuốc nên trong bóp không có bao thuốc hay hộp quẹt. Cô gái tóc vàng đó còn gian manh xé rách cái bóp cho giống như bị giựt.

Chúng tôi thật sự buồn rầu lo lắng vô cùng, đặc biệt anh Huy sắp đi du học lại bị như vậy. Tôi nghe nói có ba của anh Hồng anh họ của tôi làm thượng sĩ già trong quận nhì. Ông nhìn thấy tôi và về nhà có nói với nhà hình như tao trông thấy em vợ Hồng ở trong bót. Giá lúc đó ông vào gặp chúng tôi và nói chuyện với cô gái đó, có lẽ chúng tôi không gặp rắc rối như sau này.

Bị giam 3 ngày trong bót cảnh sát và chúng tôi bị đưa ra tòa. Gia đình Khải sau khi biết được bị giam đã nhờ nhiều người quen biết lo cho chúng tôi. Đặc biệt có anh Chấn làm ở ngân hàng có quen với Biện Lý ở tòa. Chờ chúng tôi ở tòa lâu quá, xe chở anh Chấn đi tới quận nhì đúng lúc xe cảnh sát chở chúng tôi từ quận nhì lên tòa nên hai xe không gặp nhau. Đến khi chúng tôi vào tòa, ông biện lý vắng mặt và ông phó biện lý đã ký chữ tống giam rồi. Đúng lúc đó, anh Chấn chạy vào nói với ông phó biện lý về trường hợp của chúng tôi. Ông phó biện lý xóa chữ tống giam và đề nghị mang qua thẩm vấn. May quá, chúng tôi được mang qua thẩm vấn. Ông dự thẩm hỏi cung Khải. Sau khi hỏi những câu thông thường ông ta hỏi:

- Cậu học trường nào? Khải trả lời:

- Dạ cháu học trường Nguyễn Bá Tòng. Ông Dự Thẩm hỏi tiếp:

- Cậu học có được không? Khải ấp úng trả lời:

- Dạ cháu học cũng được. Ông hỏi tiếp:

- Cậu đứng hạng mấy trong lớp? Khải trả lời:

- Dạ cháu đứng hạng nhất. Ông Dự Thẩm ngạc nhiên hỏi:

- Hạng nhất mà học cũng được hở? Ông nói câu đó xong quay qua hỏi tôi:

- Còn cậu đứng hạng mấy? Tôi sợ sệt trả lời:

- Dạ cháu đứng hạng 11.
Có lẽ hiểu hoàn cảnh của chúng tôi nên ông cho tại ngoại điểu tra.

Chúng tôi mừng quá! Không biết nếu bị giam, sự học hành của chúng tôi sẽ khó khăn như thế nào. Tạ ơn Chúa! Chúng tôi hú hồn hú vía. Cũng có thể bị như thế nên tôi và Khải chỉ lo học hành không dám đi chơi nữa.

Cũng có những lúc tôi học mệt quá nên thỉnh thoảng tôi vào xóm chơi bắn bi hay bật tường ăn tiền cho đỡ bị căng thẳng. Chuyện đi đá banh tôi cũng giới hạn tối đa vì nếu thi rớt nguy hiểm vô cùng. Tôi đã từng nghe bài thơ:

  • -  Rớt tú tài anh đi trung sĩ.

  • -  Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con.

  • -  Khi nào yên việc nước non.

  • -  Anh về anh ẵm Mỹ con anh cười.

    Tôi học khuya quá khiến bà dì của tôi cũng bực mình có lẽ bà không ngủ được vì đèn sáng quá. Thỉnh thoảng bà lại nói móc tôi:

- Học đỗ Trạng đó.

Tôi cũng chẳng biết làm sao vì mình đâu có làm gì nên tội. Mẹ tôi thương tôi, thường mua cho tôi ly cà phê đá để tôi có thể tỉnh thức học bài.

Năm 1968 vì ảnh hưởng tết mậu thân nên đề thi tú tài năm đó khá dễ. Nhưng năm 1969 có lẽ cần thêm lính hay sao mà đề thi toán khác hẳn thông lệ. Đề thi cho bài toán đại số, hai câu hỏi giáo khoa Lượng Giác và hai câu Hình Học.

Ngày đầu tiên thi Việt Văn, trong lúc chờ đợi ở phòng thi tôi ngồi mở sách coi lại Tiểu Sử Phạm Quỳnh. Thằng Bùi Ngọc Tường bạn tôi thấy thế chửi tôi:

- Sao mày ngu quá vậy. Nếu hỏi về Phạm Quỳnh người ta phải hỏi về văn của Phạm Quỳnh chớ ai hỏi về Tiểu Sử Phạm Quỳnh.

Tôi chống chế trả lời:
- Kệ tao. Trong lúc ngồi rảnh rỗi tao ôn lại thôi.

Thật không ngờ trong đề thi có câu: Tiểu Sử Phạm Quỳnh?

Tôi mừng không thể tưởng tượng được. Coi như trúng tủ câu hỏi này. Tôi viết hết trong tập rồi viết thêm những đoạn trong sách nữa. Tôi làm thật hoàn hảo. Sau khi thi, tôi có hỏi móc lại Tường:

- Sao em! Có làm được hết câu tiểu sử Phạm Quỳnh không? Hay chỉ có tên, húy rồi năm sinh và năm chết.

Tường cũng quê quê nhìn tôi.

Đến hôm thi lý hóa, tôi còn nhớ có câu lăng kính khó và dài quá tôi định bỏ không học vì nghĩ chắc gì ra câu này. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng tôi vẫn học và không ngờ có câu hỏi giáo khoa lăng kính. Nếu tôi không học chắc tôi sẽ hối hận lắm. Tôi làm bài xong trước thời gian hạn định và còn xin cô tờ giấy khác chép nắn nót lại cho đẹp. Cô giáo coi thi còn hỏi tôi:

- Em học trường nào vậy? Tôi tự hào trả lời:

- Dạ em học trường Nguyễn Bá Tòng. Cô nói tiếp:

- Em làm bài khá lắm.
Tôi rất vui mừng khi nghe cô giáo nói như vậy.

Tuy nhiên khi tôi và Tường đến nhà Giáo Sư Đinh Công Hoạt dậy về Điện. Khi giáo sư giải bài toán thì tôi làm sai ba câu cuối của bài toán vật lý.

Đến ngày thi toán quan trọng nhất của ban B. Tôi nghe lời của Thầy Hoàng Định dậy Anh Văn bảo rằng:

- Mỗi lần tôi đi thi. Vừa nhận đề xong, tôi gục xuống lần hạt 50 kinh. Sau đó, tôi ngẩng lên các câu trả lời hiện ra trong óc tôi.

Tôi cũng là người công giáo nên bắt chước thầy Hoàng Định như thế. Các thí sinh ngồi quanh tôi tưởng tôi không biết làm vì bài toán đại số khá bất ngờ. Cũng may là tôi học đều các môn nên có thể làm được bài. Tuy nhiên, câu hỏi cuối cùng tìm quỹ tích điểm M thì tôi lúng túng thật. Tôi còn nhiều giờ nên cũng cầu nguyện cho đến gần phút cuối, tôi đặt hai phương trình bằng nhau và viết suy ra quỹ tích điểm M là phương trình trên. Lúc về, tôi giật mình khi thấy bài toán giải trên báo y hệt như câu tôi viết trong bài. Tạ ơn Chúa đã giúp con.

Đến ngày thi cuối cùng, môn thi sử địa. Tôi mệt quá nên ngủ thiếp đi đến 2giờ20 mới dậy. Trên đường đi tôi định vào uống ly rau má để đi thi cho thoải mái vì tôi tưởng 3 giờ mới thi. Tự nhiên, ơn trên soi sáng bảo tôi đi thi rồi về uống. Vừa đến cổng trường, ông cảnh sát la tôi chuông reo vào thi rồi kìa. Tôi hoảng quá chạy thật nhanh vào lớp. Bà cô coi thi nói:

- Em mà vào trễ một phút nữa tôi không dám phát đề thi cho em. Tôi sợ toát mồ hôi. Nếu tôi uống ly rau má là tiêu đời tôi rồi.
Tạ ơn Chúa đã soi sáng cho con.

Khi thi xong, tôi có nhờ anh Đại làm Giám Thị ở trường Văn Học có quen khá nhiều giáo sư. Tôi có đưa phiếu báo danh để nhờ anh Đại nhờ giáo sư coi trước tôi đậu hay rớt. Anh Đại nhờ người coi xong nhưng anh không nói cho tôi biết nhưng anh nói với thằng Lợi em tôi:

- Thằng Thắng nó rớt rồi. Tao nhờ người coi nó có chín mươi mấy điểm à. Mày đừng nói cho nó biết sợ nó buồn.

Thằng Lợi em tôi cũng buồn và chẳng nói cho tôi biết nữa. Trong khi đó tôi nằm mơ thấy mình đậu hai lần. Tôi nói với thằng Lợi em ruột tôi:

- Không thể nào được. Nếu nói tao một trăm hai mươi mấy điểm rớt tao còn tin còn nếu nói tao chín mươi mấy điểm tao không tin.

Sau khi thi được mấy tuần, bất ngờ hôm đó thằng Tường chở tôi đi chơi. Tiện thể, chúng tôi ghé vào chỗ coi điểm thi. Bất ngờ thằng Tường la lớn lên:

- Tao đậu rồi nè.
Tôi lật đật dò theo cũng thấy tên mình và đúng phiếu báo danh trên bảng nên

cũng nói theo:
- Tao cũng có tên nè.

Thằng Tường chở tôi về gặp ba tôi. Tôi mừng quá nói:
- Ba ơi! Con thấy có tên trên bảng nhưng không biết có đậu không?

Ba tôi nở nụ cười rạng rỡ vô cùng. Có lẽ chưa bao giờ tôi thấy ba tôi cười tươi vui như vậy. Cả xóm tôi gần 10 người thi nhưng chỉ có mình tôi đậu. Mẹ tôi mừng lắm không uổng công tần tảo nuôi tôi.

Anh Oánh lớn hơn tôi một tuổi ở kế bên nhà tôi nói:

- Chúc mừng Thắng là người đầu tiên trong xứ Bắc Hà tớ nghe đậu năm nay.

Thật ra cũng có vài người đậu tú tài phần nhất trong xứ Bắc Hà năm đó, nhưng theo tỷ lệ đậu chỉ có hơn 10%. Khi biết tin tôi đậu tú tài, bà tôi cũng mừng và không la tôi nữa. Bà đã mua cho tôi chiếc xe Suzuki của anh Đại bán lại rẻ cho tôi. Đó là món quà quí giá suốt cuộc đời sinh viên của tôi.

Đặng Thắng (nhớ lại thời thơ ấu)

Previous
Previous

TÔI CÙNG VỚI KINH THƯƠNG MINH ĐỨC

Next
Next

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 1)