VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 1)

Tôi đến trại tị nạn Palawan khoảng tháng 8 năm 1979. Trại tị nạn Palawan được thành lập do một chiếc tàu Trường Xuân đi vượt biên bán chính thức có hơn 600 người tị nạn được chính quyền Philippines cho tạm trú tại Palawan để chờ định cư ở nước thứ ba. Trên ghe chúng tôi có 42 người nên được gọi là nhóm 42 để đi lãnh lương thực, nước nôi hay làm giấy tờ mỗi khi trại cần đến. Chúng tôi bắt đầu cuộc sống giống như những người đi kinh tế mới với các nhà làm bằng cây và tre tự túc. Tuy nhiên, chúng tôi sướng hơn nhiều vì được Cao Ủy cung cấp lương thực gồm có thịt heo, cá, rau và gạo. Đời sống tương đối đủ ăn trong cuộc sống ở trại tị nạn.

Đến trại tị nạn được vài bữa, tôi mang xô ra giếng xách nước để về nhà nấu cơm. Trong lúc đứng đợi ở giếng, tôi thấy hai cô gái nói chuyện với nhau mà tôi không hiểu gì hết. Tôi tưởng mình đang sống chung với người Phi vì tai tôi nghe nhưng chẳng hiểu gì. Sau này, tôi mới biết họ là người Việt Nam nhưng sống ở đảo Phú Quí. Tiếng của họ nói nhanh như chim nên tôi chưa nghe quen tiếng của họ. Đôi lúc, có chuyện cãi nhau. Chúng tôi điếc như vịt nghe sấm. Ai cũng ngơ ngác chẳng hiểu họ nói gì?

Dân ở đảo Phú Quí rất hiền lành và chất phát. Họ bắt cá rất tài tình. Ba gia đình họ hùn nhau mua một cái lưới. Mỗi ngày họ bắt được cá chia đều cho 3 gia đình. Mỗi gia đình đều cho gia đình tôi một chút thành ra tôi cũng trở thành có một phần cá giống như họ. Đặc biệt, hôm nào trại phát thịt bò, họ cho chúng tôi thịt bò vì nói rằng ăn thịt bò phong lắm. Thành ra gia đình tôi sống rất thoải mái.

Điều xui xẻo của ghe chúng tôi là trước khi ghe chúng tôi tới đảo Palawan, phái đoàn Úc đã đến đây phỏng vấn và cho khá đông những người tị nạn có vợ chồng có một, hai đứa con được đi định cư tại Úc. Chúng tôi mất cơ hội này và cả năm sau phái đoàn Úc mới trở lại lần nữa.

Vừa tới trại, chúng tôi bán 1 chỉ vàng được 90 pêsô, tôi cũng bỏ ra 25 pêsô để mua đôi giầy ba ta đá banh. Đây là niềm vui duy nhất của tôi. Thích và có khiếu đá banh từ bé.

Nhớ lại sau này Dũng ở khu 1 trước khi đi định cư đã kể với tôi rằng:

  • -  Nói thật với anh nghe. Hồi anh mới lên trại, em nghe thằng bạn nói: Có thằng cha mới lên đảo đá banh hay lắm. Em đâu có tin! Em nói với nó:

  • -  Thằng nào mà tao đá trung vệ sao lừa qua nổi tao. Đến lúc em vào đá trung vệ. Anh lừa qua em hai lần. Em vội vàng bảo thằng bạn vào đá trung vệ thay thế chỗ của em để em ra ngoài quan sát xem anh đá làm sao?

    Tôi cười cười hỏi Dũng:
    - ThếởViệtNamemđáchođộinào?

    Dũng trả lời:

- Em chỉ đá cho đội phường thôi anh ơi.

Tôi ngẫm nghĩ nếu chỉ đá cho phường thì đẳng cấp Dũng cũng chưa cao lắm.

Đến trại tị nạn Palawan được một tuần, tôi gặp một thanh niên đẹp trai, to con hỏi tôi:

- Phải anh là cầu thủ đá banh không?
Tôi giật mình, sao em này lại biết tôi đá banh! Tôi ú ớ trả lời:

- Đúng rồi! Mà sao bồ biết tôi đá banh? Thanh niên Sơn hỏi lại tôi:

- Ngày xưa anh có đá banh cho đội Túc Cầu Xe Khách Thành không?

Tôi ngạc nhiên gật đầu và thắc mắc sao em Sơn lại biết tôi đá chầu cho đội Túc Cầu Xe Khách Thành. Thành phần đội này tôi biết gần hết như anh Đằng chụp gôn, có Đức Quắn, Hùng tay cong, Sơn v.v.. mà sao tôi không biết em Sơn này. Hóa ra em Sơn nhỏ này bảo rằng:

- Em đá trung phong cho Xe Khách Thành nhưng khi đội Xe Khách Thành nhờ anh đá chầu thế chỗ của em. Do đó, em biết anh chớ anh không biết em.

Tôi còn nhớ có lần đội Xe Khách Thành đá banh tranh giải với đội Xa Càng Miền Tây. Lúc đó, Sơn lớn của Xe Khách Thành tuôn banh xuống góc mặt và đá đờ tre trái banh thật mạnh vào. Tôi đá trung phong chạy

nhanh xuống, không ngờ trái banh Sơn đá vào lẹ quá, tôi né không kịp. Trái banh trúng đầu tôi bay qua đầu thủ môn Hà rất cao tung lưới đội Xa Cảng Miền Tây. Tôi bị trúng trái banh đau quá, suýt ngã nhưng ngạc nhiên vô cùng khi thấy trái banh trong lưới đội Xa Cảng Miền Tây. Khán giả vỗ tay quá chừng tưởng tôi đội đầu trái banh hay quá. Đâu có biết thật tình tôi né trái banh không kịp. Cuối trận đấu, Kim Hùng bạn đá banh của tôi nói:

- Coach Nguyên mà thấy anh đội đầu trái banh này, chắc hết dám dậy anh đội đầu luôn.

Tôi cười cười trả lời:

- Nói thật với Kim Hùng nghe, trái banh Sơn đá vào lẹ quá né không kịp thôi chớ không phải cố tình đội đầu đâu.

Sau vài tuần đá banh, tôi được bầu làm Trưởng Ban Thể Thao của Trại. Trong trại có 4 môn thể thao chính thức: Bóng tròn, bóng bàn, bóng chuyền và bóng rổ.

Về bóng tròn chúng tôi thường chơi trong trại vì lúc đó chỉ có chừng 1000 người. Thỉnh thoảng khi nước rút, chúng tôi đi ra ngoài cồn cát đá banh thật hứng thú vui vẻ. Đây là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của tôi.

Về bóng bàn tôi đánh cũng được. Trong trại có một bàn bóng bàn ở khu 1 nên tôi thỉnh thoảng có lại đó đánh với anh em chơi bóng bàn. Tôi còn nhớ lúc đó, có anh Trần Ngọc Lượng đánh cho quân cụ ngày xưa nên tôi đã nhờ anh coi giúp bộ môn bóng bàn. Anh Lượng có lối đánh thủ nhiều hơn công. Tôi cũng đánh thủ nhiều nhưng tôi có cú rờ ve bất ngờ nên cũng hạ nhiều đấu thủ trong trại.

Về bóng chuyền tôi còn nhớ có anh Giấy ngày xưa đánh cho đội Tuyển Bónh Chuyền Nha Trang gì đó. Anh có cú sẹc xoáy banh, búng trái banh rất chính xác và như ý. Bóng chuyền luôn luôn tạo cho trại hào hứng với những màn đánh độ thật hấp dẫn. Tôi còn nhớ có lần anh Giấy chấp tôi 12 điểm, đánh 15 điểm nhưng tôi không tài nào thắng được vì anh Giấy có cú giao banh xoáy vào hai góc tôi không thể đỡ được. Anh ấy lại bỏ banh thật chính xác nên tôi không tài nào chạy được dù tôi là cầu thủ đá banh. Ngày nào tôi cũng mua thuốc lá, cà phê hay nước ngọt cho anh Giấy. Có lần anh chấp tôi và chú Trà Thanh Hoa. Mỗi lần anh búng trái banh lên cao sát

lưới, tôi và chú Hoa cùng chạy tới tưởng anh bỏ nhỏ. Anh búng lên trái thứ hai, tôi và chú Hoa tưởng anh bỏ sau lưng nên chạy về. Đến trái thứ ba, anh ấy bỏ chính giữa tôi và chú Hoa, chúng tôi không đỡ được đành nhìn nhau lắc đầu. Ngoài anh Giấy đánh bóng chuyền hay còn có Đỗ Còn Em, Hùng tóc dài....làm cho trại luôn luôn sôi nổi, hào hứng, hấp dẫn với những độ bóng chuyền.

Nhớ lại, có lần tôi và em Nam đánh độ 4 chai bia với 2 người việt gốc Campuchia chờ đi định cư. Một trong hai người là đánh trong đội tuyển Campuchia hơn 10 năm.

Trận đấu thật sôi nổi, đánh rất ngang ngửa. Cuối cùng, tôi bảo em Nam nếu họ sẹc vào anh, anh chuyền cho em rồi em ki lên cho anh bỏ họ. Còn nếu họ sẹc ngay em, em ki một bát lên cho anh bỏ luôn. Nhờ thế, chúng tôi thắng 4 chai bia. Ông người Campuchia tức lắm nói với chúng tôi:

- Tôi rất tức vì tôi đánh trong đội tuyển Campuchia hơn 10 năm mà thua mấy anh.

Về bóng rổ, trại cũng có một đội banh bóng rổ đa số là người Trung Hoa. Anh em kể truyện rằng:

- Trong trại có Lộc Lé thấy bóng rổ hay lắm khi chơi với người Phi. Người Phi không biết Lộc Lé thảy banh hướng nào vì anh ta bị lé. Nhìn bên này thảy bên kia nên người Phi không đoán được anh thảy đi đâu. Chúng tôi thật cười cho câu truyện thú vị trên.

Lên trại được vài tuần, tôi và anh Lộ cùng mang rựa đi chặt tre về làm nhà hay làm củi nấu cơm. Chúng tôi tưởng dễ ăn lắm vì thấy người ta đi một lúc mang về bó củi thật dễ dàng, nhẹ nhàng. Hai anh em đi mất cả ngày, chặt được hai bó củi nhỏ xíu, nhưng mình mẩy bị trầy sướt hết cả, hai chân bị muỗi đốt đỏ hết, hai người vác hai bó củi rất cực nhọc. Tôi không quen vác nên thấy đau vai quá. Anh Lộ cũng thế nên anh nói với tôi:

- Thắng ạ! Có lẽ hai anh em mình bớt ăn nhậu một chút, dùng tiền mua củi tốt hơn vì hai anh em mình đi chặt củi chẳng được bao nhiêu và cực quá.

Tôi cũng đồng ý với anh Lộ vì không phải chuyên môn của mình. Tôi có thể chạy đá banh cả giờ hay chạy bộ 5 cây số nhưng chặt củi tôi không làm được.

Ban đại diện trại thấy anh Lộ là một cựu sĩ quan và có trình độ, tính tình khẳng khái nên đã bầu anh làm Trưởng Ban Lương Thực của trại lúc đó.

Trước đây, ban lương thực thường được nhiều quyền ưu đãi nhưng từ khi anh Lộ lên làm trưởng ban, mỗi nhân viên lương thực chỉ được thêm một cục thịt heo sau khi phụ giúp phát lương thực cho đồng bào. Anh Lộ rất liêm khiết và tổ chức ban lương thực một cách hiệu quả và khoa học khiến nhiều ngưởi trong trại tôn trọng và kính nể. Ngoài ra, mỗi lần trong trại có trình diễn văn nghệ, anh Lộ luôn luôn được đồng bào hoan nghênh nhiệt liệt với những bài hát xưa được nhiều người hâm mộ nhất là bài “Đường Xưa Lối Cũ” ai nghe cũng nhớ về Việt Nam.

Còn phần tôi sau khi được bầu làm Trưởng Ban Thể Thao và Thủ Quân đội Túc Cầu, anh Ngô Minh Hùng trưởng khu 4 chúng tôi có tên đi định cư tại Úc nên khu 4 sẽ bầu lại trưởng khu. Lúc đó, tôi và Trần Mai được bà con trong khu đề cử. Sau cuộc bỏ phiếu, tôi được bà con ủng hộ làm trưởng khu 4. Tôi vội vàng áp dụng phương pháp hàng đội của Hướng Đạo. Tôi kiếm 3 phó khu: Một phó khu đặc trách về giấy phép, chuyên môn cấp giấy phép cho bà con trong khu đi chợ hay mua vật dụng cần thiết. Một phó khu đặc trách vấn đề giáo dục, chuyên nhắc nhở bà con đi học anh văn. Một phó khu đặc trách vấn đề công tác, chuyên phân chia công tác cho bà con trong khu cho hợp lý. Còn tôi trưởng khu 4 đi bắt ốc.

Trưởng khu 3 thấy tôi đi bắt ốc tức quá nói: - Coi kìa! Trưởng khu 4 đi bắt ốc.

Tôi mỉm cười khoái chí vì tôi đã phân chia công việc cho 3 phó khu rồi.

Ngoài trưởng khu 4 và trưởng ban thể thao, tôi còn phụ thầy Tiến tập hát trong ca đoàn và làm Tổng Thư Ký hội Hướng Đạo Việt Nam tại trại.

Nhớ lại, lúc đó có anh Lộc luôn dẫn các em sói mặc y phục Hướng Đạo đi sinh hoạt vòng vòng trong trại. Tôi gọi Lộc lại và nói:

- Lộc dẫn các em đi sinh hoạt Hướng Đạo nhưng Lộc có thuộc 10 điều luật và 3 lời hứa của Hướng Đạo không?

Lộc nhìn tôi ngạc nhiên lắc đầu.
Tôi vội vàng chép 10 điều luật, và 3 lời hứa Hướng Đạo đưa cho Lộc.

Tôi cũng nhào vô sinh hoạt Hướng Đạo một thời gian vì trước kia tôi cũng là Huynh Trưởng Hướng Đạo của Thiếu Đoàn Bạch Đằng thuộc đạo Trùng Dương.

Trong trại xảy ra nhiều chuyện buồn cười do một số người khai không đúng sự thật. Có người khai ngày xưa làm Trung Tá Y Sĩ nhưng thật ra chỉ là Trung Sĩ Y Tá. Nạn khai bớt tuổi để thanh thiếu niên hy vọng nước Mỹ thương tình bốc đi sớm khiến nhiều người khai rút tuổi một cách thiếu ý thức. Có người khai rút tới 5, 7 hay cả 10 tuổi.

Tôi nhớ có lần ông Cao Ủy người Hòa Lan lên phỏng vấn các em. Sau khi hỏi các em tuổi tác ông ta hỏi tiếp:

- Thế cháu tuổi con gì?

Thế là cháu ngập ngừng không trả lời được. Bởi lẽ đang tuổi thật con gì? Rồi rút 5, 7 tuổi trở thành con gì? Làm sao các em tính ra được. Vì không ngờ ông ta hỏi câu đó nên đa số các em không trả lời được. Tôi cũng thầm phục ai đã bày cho ông ta cách hỏi câu này. Thế là biết bao nhiêu em rớt phỏng vấn vì câu hỏi này. Người em ruột tôi khai rút 5 tuổi, bây giờ qua bên Mỹ thay vì đến tuổi nghỉ hưu phải làm thêm 5 năm nữa mới được nghỉ. Đúng là khôn quá hóa dại.

Đời sống trại tị nạn lúc đó chúng tôi được phát mỗi người một cục thịt, một con cá, rau và gạo. Đôi khi có thêm trứng! Chúng tôi cứ tưởng là mình khổ lắm rồi nhưng sau khi biết được đời sống tỵ nạn bên Mã Lai, Thái Lan. Chúng tôi mới biết mình đang sống đầy đủ tiện nghi hơn nhiều. Thực phẩm chúng tôi tương đối đầy đủ, chỉ thiếu tiền mua bia Sammigel của Phi để uống thôi. Thành ra nhóm chúng tôi gồm có: Tôi, anh Lộ, anh Hội, Tám Dũng (Lê Văn Sáu) thường tổ chức nhậu mỗi khi chúng tôi nhận được cheque từ thân nhân. Trong hội có Tám Dũng làm đồ nhậu thật tuyệt vời với món canh chua cá của người nam. Chúng tôi thường pha hai chai bia trộn lẫn một chai rượu thuốc màu vàng của Phi với nước đá uống thật đúng đô tuyệt cú mèo. Mồi nhậu không bao giờ thiếu vì chúng tôi ở sát biển. Chúng tôi bắt các loại ốc xoắn, ốc nhảy v.v...Đôi khi, chúng tôi làm chĩa đinh 3 để đâm cá trình làm đồ nhậu thật ngon. Đời sống thật thú vị nếu lúc đó chúng tôi không lo lắng cho vấn đề định cư. Buổi sáng, chúng tôi thức dậy, tập thể dục rồi uống cà phê hay olvatine. Sau đó, ai đi học anh văn thì đi hay làm những chuyện lặt vặt trong gia đình. Kế đó, đợi tổ

trưởng đi nhận lương thực về phát cho đồng bào trong tổ. Buổi chiều, anh em ra sân đánh bóng chuyền hay đá banh.

Đầu tiên, trại còn ít người nên có thể đá banh trong trại được nhưng sau đó số người tị nạn tăng lên đông quá nên chúng tôi phải ra sân phi đạo đá banh. Lúc đó, tôi còn làm Thủ Quân đội Túc Cầu và trưởng khu 4 trong trại. Sân phi đạo lại gần khu 4 của tôi.

Buổi chiều anh em đang đá banh trên sân phi đạo, anh Long phó ban trật tự định ra lệnh cấm anh em đá banh. Tôi vội vàng chỉ Thiếu Úy Pagadoan phụ trách trại và nói:

- Anh Long thấy kìa! Thằng Pagadoan còn coi anh em đá banh say đắm thì anh cấm anh em làm chi.

Anh Long thấy tôi nói có lý nên để anh em chơi thoải mái hơn. Khi nào nước xuống, chúng tôi kéo nhau ra cồn đá banh thật lý thú.

Vài tuần sau, tôi nghe ban đại diện lúc đầu là anh Huy, sau này là anh Lê Liên báo tin đội banh của trại tị nạn sẽ thi đấu với đội banh Trường Trung Học Phi ở thành phố Puerto Princesa City thuộc Palawan. Chúng tôi thành lập đội tuyển của trại để thi đấu ngoài phố.

Previous
Previous

TÔI ĐẬU TÚ TÀI PHẦN NHẤT

Next
Next

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 2)