VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 4)

Đi được hơn 2 ngày ghe chúng tôi thiếu nước vì ăn uống nhiều quá. Nhìn xa, thấy khe nước ở giữa hai hốc đá, tôi tưởng rằng khi tới gần chỉ cẩn lấy sô ra hứng nước đổ lên ghe là được. Khi tới gần, tôi thấy ngọn nước thật cao như những thác nước đổ xuống thật đẹp. Ban đầu, chúng tôi bàn luận phải lấy nước rồi dùng máu thử xem có độc không? Nhưng khi mấy em nhỏ bơi vào thấy nước mát và ngon quá nên đã uống mất tiêu rồi, khỏi cần thử. Nước thật ngọt và mát như nước suối nên chúng tôi quyết định thay thế toàn bộ nước ngọt trên ghe.

Chúng tôi tiếp tục đi dọc theo dãy núi Palawan, phong cảnh thật đẹp và biển êm lạ lùng. Nhìn những đàn cá phóng lên đùa giỡn chúng tôi thấy phong cảnh quá nên thơ, giống như chúng tôi đang thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ diệu của biển cả. Đến ngày thứ 9 chúng tôi thấy một đốm sáng thật lớn trên dãy Palawan. Anh Hai Giàu nói rằng:

- Nơi đó sáng như thế, chắc chắn có người. Mình cứ đâm ghe vào thế nào họ cũng cứu chúng ta.

Tôi lo lắng phân bua:

- Có lẽ mình nên neo ở đây một đêm để sáng hôm sau trời sáng coi xem sao anh Giàu ạ!

Anh Hai Giàu nghe lời tôi neo lại một đêm. Quả thật, sáng hôm sau chúng tôi giật mình khi chẳng thấy dân chúng gì cả. Thật hú hồn hú vía, nếu chúng tôi đâm ghe vào chắc chúng tôi hối hận lắm.

Tối hôm đó, chúng tôi suýt bị mắc đá ngầm vì tài công Công muốn đi mau cho đến nước thứ ba. Cũng may, Công giận dữ chuyện gì đó không chịu lái ghe để cho anh Hai Giàu lái. Anh Hai Giàu lái chậm hơn và thấy nước trắng xóa nên anh đi vòng quanh vùng nước cạn này khá lâu để tránh rặng đá ngầm. Nếu để Công lái vội vã chắc chúng tôi sẽ đụng phải đá ngầm và ghe vỡ tan tành.

Đi thêm một ngày nữa, ghe chúng tôi gặp được chiếc tàu Hòa Lan Panama. Có lẽ họ đang tìm dầu thì phải. Họ đối xử rất tốt, cho chúng tôi thức ăn, bia rượu, thuốc lá đầy đủ. Đồng thời, chỉ hướng chúng tôi vào cái đảo nhỏ của Philippines ở gần đó. Chúng tôi lái ghe đi theo hướng chỉ dẫn của người Hòa Lan, ghe chúng tôi đi qua một vịnh nước trong veo thật đẹp có rất nhiều cá nhám, cá mập bơi dưới nước. Chúng bơi dọc theo ghe chúng tôi nhìn thật đẹp và đáng sợ. Giả sử, chúng tôi bị rớt xuống nước chắc chỉ vài phút thân thể chúng tôi sẽ bị xé tan tành.

Ghe chạy thêm vài tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi gặp được một ghe nhỏ của người Phi. Trên ghe này, một người Phi đòi hỏi chúng tôi phải cho họ ít vàng, họ sẽ dẫn chúng tôi vào đảo có dân chúng Phi ở đó. Anh Lộ, bàn với mọi người chúng tôi cùng nhau biết họ ít vàng để họ dẫn vào hòn đảo dân chúng đang cư ngụ.

Chúng tôi thật sự vô cùng may mắn đến được đảo Liminangcong của Philippines. Đây là một đảo nhỏ cũng thuộc đảo Palawan với khoảng 2000 đồng bào Phi. Chúng tôi đi không có bản đồ, la bàn, chỉ nhìn theo hướng mặt trời hay hướng sao và đi trong vô định thế mà cả ghe đến được một đảo nhỏ của Philippines. Đây là một may mắn đặc biệt ơn trên đã ban cho tất cả mọi người trên ghe chúng tôi.

Thật sự, trên đường vượt biên chúng tôi không gặp hải tặc, có lẽ hướng chúng tôi đi nguy hiểm quá, có nhiều đá ngầm nên hải tặc cũng không dám đi theo đường chúng tôi đi.

Cảnh sát Phi không biết sợ điều gì mà không cho chúng tôi lên bờ. Họ bắt chúng tôi tiếp tục ở trên ghe và cung cấp gạo và thức ăn cho chúng tôi. Không biết họ để gạo như thế nào mà có mùi dầu hôi nặng quá. Tôi và

nhiều người ăn không được. Tuy nhiên, anh Lộ không biết mũi bị sao đó anh không ngửi được nên ăn ngon lành. Tôi cười nói:

- Chắc mũi anh bị điếc rồi nên không ngửi thấy mùi gì cả. Trông anh ăn thật ngon lành.

Chúng tôi cặp ghe sát vào bờ thấy nước thật trong veo và cá nhiều vô cùng. Người Phi câu cá cũng đặc biệt, chỉ cần thả một ít cơm cho cá ăn rồi thả một cần câu có nhiều móc xuống nước rồi giật lên. Đôi lúc giật một cái câu được 4, 5 con cá. Chúng tôi theo dõi thấy rất hay và ngạc nhiên vô cùng. Đang theo dõi câu cá, bỗng nhiên thằng Tuấn con tôi khoảng 5 tuổi rất nhỏ con bị rơi xuống biển, may quá một em trai trên ghe nhảy xuống bơi và cứu con tôi lên ghe liền.

Có người kể rằng, trước đây cũng có nhiều ghe đi vào đảo này, có một bà đói qua nên đã bán vàng và mua một thùng bánh bích qui ăn cho thỏa thích. Khi ăn xong bị chết vì no. Thật tai hại! Sau này, chúng tôi mới hiểu họ bắt chúng tôi ở trên ghe để chuyển chúng tôi tới đảo khác to hơn như đảo Tara, Palawan. Cuối cùng, chúng tôi được chuyển đến đảo Palawan để sống cuộc đời tỵ nạn chờ định cư ở nước thứ ba.

Cuộc hành trình vượt biên đầy nguy hiểm và gian lao của chúng tôi. Tôi định khi lên đảo sẽ viết về cuộc hảnh trình cam go này nhưng khi lên đảo tôi thấy cuộc hành trình vượt biên của tôi chẳng thấm gì so với những cuộc hành trình vượt biên khác. Có vợ chồng anh Út khi lên đảo hai vợ chồng đều cạo trọc đầu hết. Tôi thấy thế hơi lạ nên hỏi em Hòa.

- Sao hai vợ chồng anh Út lại cạo trọc đầu vậy? Em Hòa trả lời:

- Vì hai vợ chồng đã vái khi bị nguy hiểm trên đường vượt biên.

Em Hòa kể tiếp: Khi ghe của anh chị bị mắc cạn trên đảo Trường Sa, anh chị chờ đợi hơn một ngày và thấy nguy hiểm quá nên hai người kiếm gỗ trên ghe đóng thành cái bè để leo lên bè thả trôi hy vọng gặp được tàu nào thấy mà vớt. Không ngờ hai vợ chồng đi nguyên ngày không gặp chiếc tàu nào hết và may mắn thay chiếc bè lại trôi về đúng chiếc ghe của anh chị. Anh chị sợ quá leo lên ghe và vài tiếng sau nước lên nên ghe đi tiếp được. Vợ chồng anh chị Út được sống sót một cách tài tình. Có chiếc ghe đi có 96 người nhưng chỉ còn 8 người sống sót nhờ bơi qua đảo Philippines gần đó.

Kinh hoàng nhất là chiếc ghe có 36 người và 36 ngày lênh đênh trên biển cả. 7 người đàn ông đã nằm bất tỉnh. Chỉ có một phụ nữ còn tỉnh táo và tát nước đang chảy vào ghe. Cánh tay người phụ nữ sung lên gấp ba lần binh thường vì phải tát nước nhiều quá. 7 người đàn ông phải nằm trong bệnh viện Phillippines cả tuần lễ. Khi về đến trại, hai người khỏe mạnh phải dìu một người chỉ còn da bọc xương, trông thật thê thảm.

Tuy tới trại tỵ nạn an toàn nhưng chúng tôi cũng buồn vì không biết các em tôi và bạn bè trên ghe kia như thế nào? Tôi lo lắng viết tờ nhắn tin cho các trại tỵ nạn các nơi rồi nhờ Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế gửi đi để tìm tin tức các em và bạn tôi.

Sau đó, các em liên lạc được với chúng tôi qua thư từ nên kể chuyện đang xảy ra ở đảo Tara. Có vài người lính Phi hà hiếp đồng bào nhiều quá nên bất ngờ có một số anh em đã đánh hội đồng một người lính Phi chết. Do đó, những người lính Phi còn lại đang hành hạ đồng bào Việt Nam để trả thù cho người lính Phi bị chết. Họ bắt đồng bào Việt Nam đứng hàng giờ ngoài nắng để điều tra. Đồng thời, đánh đập tàn nhẫn các thanh niên họ nghi ngờ có liên quan đến vụ án mạng. Rất may cho đồng bào tị nạn Việt Nam có Sister Pascal Lê Thị Tríu người Việt Nam đã ở Phi lâu năm và làm việc cho văn phòng CADP can thiệp. Khi nghe tin như vậy, sister Pascal đã từ Manila bay xuống đảo Tara. Một mặt, Sister la mắng người tị nạn Việt Nam đã có hành động như thế đối với người lính Phi, ân nhân của chúng ta. Mặt khác, sister cũng răn đe vị tướng trông coi khu vực người tị nạn Việt Nam. Nếu vị tướng này để lính của ông đàn áp đồng bào Việt Nam. Sister có thể dùng uy tín của mình ảnh hưởng đến vị trí của vị tướng đó. Sister còn kể cho tôi rằng:

  • -  Có một đứa cháu gái của vị Đại Tá coi trại tị nạn Bataan. Người cháu này thích một thanh niên tị nạn và muốn thanh niên này ghép hộ để đi định cư tại Mỹ. Thanh niên này không chịu, người cháu gái ra lệnh cho lính Phi bắt nhốt thanh niên VN trong chuồng khỉ vì đã không làm theo ý cô ta. Được đồng bào cho biết tình hình như thế. Sister đã xuống trại tị nạn Bataan điều tra. Sau đó, sister đã nói với vị đại tá:

  • -  Cháu ông đã làm sai rồi. Ông có thể trị nó không? Nếu ông không trị nó tôi sẽ trị nó. Và ông biết là tôi đi tắt được.

Vị đại tá hốt hoảng ra lệnh thả người thanh niên Việt Nam đó ngay lập tức. Sau này khi tiếp xúc với Sister. Sister có kể cho tôi nghe:

- Sister chơi thân với một sister là chị của bà Tổng Thống Marcos thời bấy giờ. Thành ra tiếng nói của Sister các vị tướng đều nể nang.

Sister Pascal đã giúp đỡ rất nhiều đồng bào tị nạn tại Philippines.

Chúng tôi vui mừng khi biết tin các em và bạn bè chúng tôi còn sống, nhưng tôi lại lo sợ vì các em đang bị lính Phi hành hạ.

Đặc biệt, có bác Đạo đi chung ghe với tôi có người con trai tên Tuấn đi theo ghe bên kia. Tôi thấy bác lần hạt đọc kinh suốt ngày. Bác thường than thở với tôi:

- Thắng ơi! Gia đình bác bây giờ 4 người 4 nơi cháu ạ. Bác ở đây, bác trai ở Việt Nam, em Minh ở bên Mỹ còn cháu Tuấn không biết bây giờ ra sao?

Thế mà chỉ một năm sau, gia đình bác 4 người đoàn tụ ở bên Mỹ. Đúng là ân phúc Chúa đã ban cho gia đình bác.

Bác kể cho chúng tôi nghe chuyện hết hồn khi hai đứa bé đang ngồi trên ghe nhỏ đi ra cá lớn. Thằng Tuấn con tôi 5 tuổi được gia đình cho biết về quê ngoại Long An. Còn thằng Nhân con anh Lộ lại biết vượt biên đi Mỹ. Bởi lẽ gia đình bác Hải tôi chỉ có anh Lộ là con trai duy nhất, nên để cháu Nhân đi vượt biên không ai dám quyết định hết. Anh Lộ hỏi ý kiến bác Hải. Bác Hải không dám quyết định. Anh Lộ cũng không dám tự quyết định. Chị Lộ cũng không dám. Cuối cùng anh Lộ phải kêu cháu Nhân quỳ cầu nguyện xin Chúa soi sáng. Anh Lộ phân tích:

- Con quỳ đây và cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho con. Một là con đi Mỹ với bố, hai là con ở lại với mẹ. Đi Mỹ với bố con có thể sung sướng nhưng cũng có thể nguy hiểm và chết trên biển cả.

Sau khi cháu cầu nguyện và quyết định: - Con sẽ đi Mỹ với bố.

Có lẽ hai đứa ngồi kế nhau buồn buồn nên thằng Nhân hỏi: - Tuấn mày có biết mình đang đi đâu không?

Thằng Tuấn con tôi tỉnh bơ trả lời:
- Đi về quê ngoại ở Long An chớ đâu!

Thằng Nhân trả lời:
- Không đâu! Đi Mỹ đó mày.

Bác Đạo sợ hết hồn bịt miệng thằng Nhân lại và nói: - Giêsu lạy Chúa tôi! Ai nói cho nó biết vậy.

Nghe tin đồng bào tị nạn ở đảo Tara sống bị lính Phi hành hạ dữ lắm. Họ bắt đồng bào giăng nắng cả ngày trời và đánh đập các thanh niên họ nghi ngờ.

Cũng vì thế, có lần tôi định đi Argentina vì nghĩ rằng với khả năng đá banh của tôi qua đó chắc cũng kiếm được việc làm như ở Việt Nam. Khi đi định cư, chắc tôi có khả năng giúp đỡ các em ở trại tị nạn. Cũng may, phái đoàn Argentina chưa có nhận người tị nạn.

Sau này, khi phái đoàn Canada đến trại phỏng vấn. Tôi được phái đoàn Canada nhận cho đi định cư. Gia đình tôi mừng quá được đi lên Manila chờ đi Canada. (còn tiếp)

Previous
Previous

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 3)

Next
Next

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 5)