VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 3)
Đội túc cầu trung học Phi mang banh lên pass sê. Đúng lúc đó, tiếng còi trọng tài ré lên kết thúc trận đấu. Kết quả đội túc cầu tỵ nạn Việt Nam thắng đội tuyển trung học Philippines Puertor Princesa City thuộc Palawan với tỷ số 5/0 đoạt chiếc cúp cho đội tỵ nạn Việt Nam. Tiếng vỗ tay vang rền khi ông Hiệu Trưởng trường trung học Philippines ở Puerto Princesa City trao chiếc cup cho Thủ Quân Thắng của đội túc cầu tỵ nạn Việt Nam. Có thể nói từ khi thành lập trại tị nạn Palawan đến bây giờ, đây là lần đầu tiên tất cả đồng bào tị nạn và các anh em cầu thủ vui mừng sung sướng không tả được. Chưa bao giờ đồng bào tị nạn Việt nam được tươi cười hả hê đến thế. Vừa phát chiếc cup xong, trời đổ mưa tầm tã. Tuy nhiên, các anh em cầu thủ không ngại trời mưa, vừa ôm cup vừa chạy bộ từ sân vận động về trại tị nạn. Trời mưa lạnh lẽo nhưng không làm nản lòng các anh em cầu thủ đang dâng lên niềm sung sướng vô biên vì đã hoàn thành sứ mạng cao cả của tất cả đồng bào tị nạn mang vinh dự về cho đồng bào tị nạn Việt Nam tại Palawan.
Đặng Thắng viết lại bài này để cám ơn các anh em cầu thủ trong năm 1979- 1980 đã mang vinh dự về cho người tị nạn Việt Nam tại Palawan.
Một tháng sau, trường trung học Phi mời trại tị nạn chúng tôi thi đấu 4 bộ môn: Bóng tròn, bóng chuyền, bóng bàn và bóng rổ. Trại tị nạn thắng hai bộ môn bóng tròn và bóng bàn nhưng lại thua hai bộ môn bóng chuyền và bóng rổ. Những kỷ niệm về thể thao trong trại tị nạn Palawan luôn luôn nằm trong ký ức của tôi.
Trong trại chia làm nhiều khu: Khu 4 chúng tôi gồm nhiều cầu thủ giỏi nên vô địch trại về môn Túc Cầu. Bất ngờ, một hôm trưởng khu 3 rủ khu 4 chúng tôi đá độ 3 cây thuốc lá Hope. Tôi thật sự lo lắng vì 3 cây thuốc ở trại tị nạn cũng đáng giá lắm chớ. Tôi hỏi anh Lộ (anh họ của tôi):
- Tụi khu 3 rủ đá 3 cây thuốc. Anh tính sao? Anh Lộ trả lời:
- Cứ đá đi, có gì tao chịu cho.
Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đá độ với khu 3 và thắng 3/0 và ăn độ 3 cây thuốc. Tôi có gặp trưởng khu 3 và nói:
- Sao ông gan quá vậy! Dám rủ chúng tôi đá 3 cây thuốc? Trưởng khu 3 mếu máo trả lời:
- Tại có 2 thanh niên mới lên đảo nói là đá cho đội Tuyển Hóa Chất nên tôi nghĩ sẽ đá thắng mấy ông.
Tôi có gặp hai thanh niên đó và hỏi:
- Các bồ đá cho đội Tuyển Hóa Chất hở?
Thanh niên đó trả lời:
- Dạ em đá rờ dẹc cho đội Tuyển Trẻ Hóa Chất.
Tôi nói tiếp:
- Nếu bồ đá cho đội Tuyển Hóa Chất thì bồ biết tôi và tôi biết bồ.
Sở dĩ tôi nói câu đó vì thứ sáu tuần nào đội Túc Cầu Tin Sáng chúng tôi cũng tập dượt với đội Tuyển Hóa Chất tại sân Hoa Lư nên tôi đâu có lạ gì thành phần đội Tuyển Hóa Chất như Tư Béo, Thành Gù, Lý Chí Quảng....
Nhớ lại ngày xưa khi tôi bắt đầu vào làm và đá banh cho đội Túc Cầu báo Tin Sáng. Anh Cường thủ quân đội Túc Cầu Tin Sáng hay sắp tôi đá góc mặt thế chỗ Hồ Nguyễn mười phút chót nên tôi đá không hiệu quả.
Hai tháng sau đội Túc Cầu Tin Sáng thi đấu giao hữu với đội Túc Cầu Huyện Đức Hòa. Anh Sáu Lu đá trung phong vì bận việc không đi được, anh Tiết trưởng phái đoàn lo lắng ra mặt: Anh Sáu Lu không đi rồi ai đá trung phong. Cuối cùng bất đắc dĩ phải xếp tôi đá trung phong. Hôm đó tôi đá trung phong hay quá thắng đội Đức Hòa 3/1. Tôi đá lọt 2 trái. Từ trận đó tôi trở thành trung phong nồng cốt của đội Túc Cầu Tin Sáng.
Trong tòa báo Tin Sáng có bàn bóng bàn. Tôi cũng mê đánh bóng bàn dù tôi đánh không hay. Tình cờ tôi cầm vợt bình thường nhưng đánh thắng Đinh Văn cũng là người có hạng trong hạng B của báo Tin Sáng. Đình Văn thua tôi ngạc nhiên lắm. Đình Văn cứ tưởng tôi chỉ biết đá banh thôi chớ học hành không ra gì! Không ngờ khi Đình Văn hỏi Quang Thắng phóng viên báo Tin Sáng mới biết tôi ngày xưa học chung và ra trường với Quang
Thắng trong Khoa Chăn Nuôi Thú Y thuộc Viện Đại Học Minh Đức. Một hôm Đình Văn kêu tôi lên để tập hát cho tôi. Ngày xưa anh Cao Thanh Tùng coi ban Văn Nghệ báo Tin Sáng. Đình Văn tập hát cho tôi chừng 15 phút là tôi hát được. Đình Văn ngạc nhiên lắm nói với tôi:
- Anh Thắng ơi! Sao lạ vậy em tập cho thằng Tuấn bảo vệ cả tiếng mà nó không hát được mà sao em tập cho anh có 15 phút là anh hát được.
Đình Văn đâu biết rằng tôi đã từng tập hát cho nhiều ca đoàn trong nhà thờ và tôi cũng đã từng coi ban Văn Nghê trong trường Đại Học Kinh Thương Minh Đức nên tôi cũng rành về nhạc lý.
Một buổi chiều chủ nhật đội Túc Cầu Tin Sáng đá giao hữu ở sân Vận Động Hoa Lư và Đình Văn có đi coi trận đấu đó.
Sáng thứ hai vừa gặp mặt tôi Đình Văn mời tôi một ly cà phê đen và nói rằng:
- Anh Thắng! Em mời anh ly cà phê này và từ hồi gặp anh, em bỏ hẳn quan niệm nhìn ai qua bề ngoài.
Ý Đình Văn nói nhìn tướng tôi cù lần không ngờ tôi cũng có nhiều khả năng đặc biệt mà Đình Văn không ngờ tới.
Tôi ở trại tị nạn được gần 3 tháng thì nhận được tin của mấy người em và bạn của tôi ở đảo Tara cũng thuộc Philippines. Nghe Thư em vợ của tôi kể là:
- Lá thơ nhắn tin của tôi gửi đi các trại tị nạn để tìm thân nhân nằm trong Ban Đại Diện trại tị nạn Tara cũng lâu lắm rồi nhưng không ai để ý. Đến lúc em Thư lên văn phòng Ban Đại Diện thấy lá thơ nhắn tin của tôi liền mang về cho anh Thoại, Chương Còm, Lợi, Mỹ....Cả nhóm mừng quá khi biết chúng tôi còn sống và đang ở trại tị nạn Palawan. Anh em trong nhóm nấu một nồi chè ăn mừng.
Tôi cũng rất vui khi biết được các em và bạn bè mình còn sống trong cuộc vượt biên đầy nguy hiểm.
Chúng tôi vượt biên bằng hai chiếc ghe đi cùng với nhau. Chiếc ghe của tôi gồm nhiều gia đình và trẻ em, còn chiếc ghe kia toàn những thanh niên độc thân có la bàn và bản đồ đầy đủ. Ghe chúng tôi chỉ có nhiệm vụ đi theo ghe
kia mà thôi. Đi được hai ngày, một đêm không trăng sao, hai ghe chúng tôi không liên lạc được nên mỗi ghe đi mỗi ngả. Thế là chúng tôi mạnh ai nấy đi. Ghe chúng tôi có 5 tài công nhưng chỉ lái sông chưa có lái biển. Không có la bàn, không có hải bàn, chúng tôi chỉ biết nhìn trời, nhìn trăng, nhìn sao và đi theo cảm giác thôi.
Trước khi vượt biên, chúng tôi cứ tưởng rằng chỉ cần ra đến hải phận quốc tế, các tàu của các nước khác sẽ hân hoan cứu vớt chúng tôi như những vị anh hùng. Tuy nhiên, chúng tôi gặp tới 27 chiếc tàu ngoại quốc nhưng không có chiếc nào cứu vớt chúng tôi. Đến ngày thứ tư vào lúc 2 giờ đêm, tôi nghe tiếng anh Kiệt reo lên:
- Mình gặp tàu ngoại quốc rồi anh Thắng ơi!
Tôi mừng rỡ nhỏm dậy, không ngờ cái lưng đụng vào cái bô của máy ghe làm tôi bị phỏng lưng. Càng đi, chúng tôi càng thấy gần, tất cả trên ghe chúng tôi mừng quá vì nghĩ rằng chắc tàu ngoại quốc đang chờ đợi để rước mình. Đến 6 giờ sáng chúng tôi tới thật gần thì hỡi ơi đó là tàu Liên Xô. Tàu này đang đi ra nước khác nên không tiện vớt chúng tôi. Chúng tôi còn nghe trên ghe có tiếng người Việt nói rằng:
- Anh em ơi ra bắt mấy thằng vượt biên đi.
Chúng tôi thất vọng và buồn rầu vô hạn nhưng sóng gió lớn quá. Chúng tôi định xin họ vớt. Tuy nhiên, những người lính Liên Xô có lẽ sợ vớt chúng tôi thêm phiền phức nên họ đã bỏ mặc chúng tôi. Tôi còn nhớ có người lính Liên Xô cứ cầm sợi dây rồi lấy con dao cắt đứt sợi dây đó, giống như tín hiệu ngầm báo cho chúng tôi biết họ và tôi không còn liên lạc với nhau nữa. Kiệt đang lái ghe hỏi tôi:
- Như vậy mình tính sao anh Thắng? Tôi buồn bã trả lời:
- Họ không cứu mình thì thôi chớ biết sao bây giờ! Coi như mình chưa gặp chiếc ghe này.
Trên ghe bắt đầu thiếu nước uống thành ra chúng tôi phải đi vào cơn mưa để hứng nước mưa uống. Tôi còn nhớ, tôi dùng nắp can nước hứng nước mưa đưa cho cháu Nhân con của anh Lộ, rồi tới cháu Tuấn con của tôi, tiếp
đến cho vợ tôi rồi anh Lộ. Chúng tôi uống được nước mưa sung sướng vô cùng. Cháu Nhân con của anh Lộ thường mê sảng nói:
- Bố ơi bố mai mốt tới Mỹ, bố mua cô ca rồi bố bỏ đá nhỏ vào cho con uống nghe bố.
Đi vô định như thế được hơn hai ngày nữa, chúng tôi thấy được hòn đảo nhỏ nhỏ. Chúng tôi mừng quá vì đã mấy ngày chưa thấy được đất liền. Khi gần đến đảo, tôi dùng đèn pin để đánh tín hiệu S.O.S bằng đèn chớp để cầu cứu. Tín hiệu này tôi may mắn học được từ Hướng Đạo. Đêm hôm đó, chúng tôi neo ghe lại gần đảo để sáng hôm sau coi tình huống như thế nào? Quả nhiên, sáng hôm sau có ghe từ đảo đi ra quan sát ghe chúng tôi. Hóa ra họ là người Hoa thuộc đảo Nan Sa của Đài Loan. Ban đầu họ định cho chúng tôi chút thức ăn và lương thực rồi chỉ cho chúng tôi đi tới đảo khác chớ họ không muốn tiếp đón chúng tôi tại đảo Nan Sa này. Tuy nhiên, mỗi lần ghe họ lại gần đụng bể ghe chúng tôi rất nguy hiểm. Tiếp đó, bão táp lại nổi lên. Anh Lộ, anh họ của tôi nhảy xuống bơi vào trong bờ. Bơi được nửa chừng anh mệt quá ôm cục đá và cầu cứu. Từ trên ghe, tài công Công rất trẻ và khỏe nhảy xuống bơi vào cứu anh Lộ đưa vào bờ. Cũng may, ngày xưa anh Lộ là Đại Úy Công Binh có nhiều người lính người Hoa nên anh có thể xi xa xi xô vài câu tiếng Hoa để người lính tàu có thể hiểu và gọi một trung úy bác sĩ có thể nói được tiếng Anh. Sau khi anh Lộ trình bày tiếng Anh với vị Bác Sĩ người Đài Loan, cùng lúc đó sóng gió nổi lên dữ dội nên vị trung tá chỉ huy lúc đó cho phép ghe chúng tôi vào bờ. Tất cả thanh niên chúng tôi nhảy xuống kéo ghe vào bờ. Đoàn người kiệt sức chúng tôi thất thểu bước lên bờ. Cảnh tượng thật thê thảm không sao diễn tả nổi. Chúng tôi như những thây ma bước xuống đảo hoang. Tôi còn nhớ, khi ấy người lính Đài Loan nấu cho chúng tôi một nồi phở với thịt hộp. Chúng tôi đói quá nên ăn rất ngon lành. Riêng tôi ăn 10 bát phở vì cả tuần đi trên ghe không ăn được gì. Chúng tôi như vừa chết đi sống lại.
Qua ngày hôm sau, thằng Tuấn con trai tôi 5 tuổi bị té lên té xuống liên tục giống như bị say đất liền. Vì ghe đi bập bềnh lâu quá nên khi lên đất liền cháu bị té liên tục, một ngày té cả mấy chục lần. Cháu Thao con tôi mới được 6 tháng nên cháu mọc răng đi tiêu chảy mấy chục lần một ngày. Tôi ôm cháu trong lòng thật xót xa. Ngày hôm sau, tôi phải khều cả trăm gai nhỏ ở bàn chân, có thể gai do chúng tôi dẫm phải trên đá khi chúng tôi kéo ghe lên bờ. Người Đài Loan thật chu đáo: Có bác sĩ tới khám bệnh cho chúng tôi. Chăm sóc chúng tôi ăn uống đầy đủ. Tôi còn nhớ, lúc đoàn người
chúng tôi đang ngủ say, có người lính gác thấy chăn chúng tôi đắp lệch ra. Họ vội vàng chạy tới sửa tấm chăn lên người chúng tôi. Hình ảnh đó đập vào mắt tôi làm tôi thật cảm động!
Ngày hôm sau, vị Trung Tá chỉ huy kêu chúng tôi coi xem chiếc ghe cần sửa gì? Họ sẽ sửa ghe cho chúng tôi thật an toàn. Đóng thêm mui ghe nữa nên sau này chúng tôi vượt biên như đi du lịch. Những người lính Đài Loan rất tốt. Mỗi người đều mang thực phẩm đến cho chúng tôi với đầy tình người. Thực phẩm chất đầy bàn bi da. Thức ăn nhiều quá chúng tôi không dám mang đi hết vì sợ ham ăn lại bị chìm ghe. Vị Trung Tá Đài Loan nói với anh Lộ rằng:
- Đảo chúng tôi rất nhỏ, chúng tôi không thể chứa chấp quí vị được nhưng chúng tôi sẽ sửa chữa ghe và cung cấp lương thực đầy đủ cho quí vị đến một nơi khác.
Anh Lộ cũng trả lời họ bằng tiếng Anh:
- Chúng tôi hiểu hoàn cảnh của quí vị, tôi là sĩ quan trong quân đội hứa với quí vị rằng: Bất kỳ khi nào quí vị sửa xong ghe, chúng tôi sẽ đi đến nơi khác.
Từ đó, vị Trung Tá kêu rất nhiều binh lính kéo chiếc ghe lên bờ để dễ dàng sửa chữa. Tuy đảo thật nhỏ nhưng bất kỳ điều gì chúng tôi cần về máy móc cho ghe đều được đáp ứng một cách chu đáo. Sau khi sửa chữa máy móc cho ghe thật an toàn, họ còn đóng mui ghe cho chúng tôi lái ghe khỏi nắng mưa như đi du lịch. Vị Trung Tá Chỉ Huy Trưởng còn dặn chúng tôi khi lái ghe đầu tiên phải đi hướng 220 độ, chừng hơn nửa ngày mới đi hướng 90 độ để tránh hòn đảo nguy hiểm gần đó.
Ngày chia tay, các binh sĩ ở đảo Nan Sa ai cũng bùi ngùi, cảm động, rơm rớm nước mắt thương cho số phận lênh đênh của chúng tôi. Còn chúng tôi cũng cám ơn và mang ơn họ đã cứu vớt chúng tôi trong thời gian nguy hiểm vừa qua. Tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng cảm xúc đã nói lên tình cảm biết ơn sâu xa của chúng tôi đối với những ân nhân Đài Loan ở đảo Nan Sa. Khi chia tay ai cũng ngậm ngùi, xúc động, bịn rịn, nuối tiếc và chắc chắn không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau nữa.
Tiếp đó, ghe chúng tôi tiếp tục lên đường. Chúng tôi đi cặp theo dãy núi Palawan của Philippines thật đẹp. Tâm trạng chúng tôi giống như đi du lịch nhưng cũng hoang mang chưa biết đi về đâu! Chúng tôi nghe vị chỉ
huy Đài Loan khuyên nên đi Nam Dương thay vì Palawan vì ở Palawan không có người. Tuy ghe được sửa chữa an toàn nhưng chúng tôi sợ đi biển quá nên quyết định đi Palawan cho gần.