BÀI VIẾT

Thao Dang Thao Dang

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 4)

Đi được hơn 2 ngày ghe chúng tôi thiếu nước vì ăn uống nhiều quá. Nhìn xa, thấy khe nước ở giữa hai hốc đá, tôi tưởng rằng khi tới gần chỉ cẩn lấy sô ra hứng nước đổ lên ghe là được. Khi tới gần, tôi thấy ngọn nước thật cao như những thác nước đổ xuống thật đẹp. Ban đầu, chúng tôi bàn luận phải lấy nước rồi dùng máu thử xem có độc không? Nhưng khi mấy em nhỏ bơi vào thấy nước mát và ngon quá nên đã uống mất tiêu rồi, khỏi cần thử. Nước thật ngọt và mát như nước suối nên chúng tôi quyết định thay thế toàn bộ nước ngọt trên ghe.

Chúng tôi tiếp tục đi dọc theo dãy núi Palawan, phong cảnh thật đẹp và biển êm lạ lùng. Nhìn những đàn cá phóng lên đùa giỡn chúng tôi thấy phong cảnh quá nên thơ, giống như chúng tôi đang thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ diệu của biển cả. Đến ngày thứ 9 chúng tôi thấy một đốm sáng thật lớn trên dãy Palawan. Anh Hai Giàu nói rằng:

- Nơi đó sáng như thế, chắc chắn có người. Mình cứ đâm ghe vào thế nào họ cũng cứu chúng ta.

Tôi lo lắng phân bua:

- Có lẽ mình nên neo ở đây một đêm để sáng hôm sau trời sáng coi xem sao anh Giàu ạ!

Anh Hai Giàu nghe lời tôi neo lại một đêm. Quả thật, sáng hôm sau chúng tôi giật mình khi chẳng thấy dân chúng gì cả. Thật hú hồn hú vía, nếu chúng tôi đâm ghe vào chắc chúng tôi hối hận lắm.

Tối hôm đó, chúng tôi suýt bị mắc đá ngầm vì tài công Công muốn đi mau cho đến nước thứ ba. Cũng may, Công giận dữ chuyện gì đó không chịu lái ghe để cho anh Hai Giàu lái. Anh Hai Giàu lái chậm hơn và thấy nước trắng xóa nên anh đi vòng quanh vùng nước cạn này khá lâu để tránh rặng đá ngầm. Nếu để Công lái vội vã chắc chúng tôi sẽ đụng phải đá ngầm và ghe vỡ tan tành.

Đi thêm một ngày nữa, ghe chúng tôi gặp được chiếc tàu Hòa Lan Panama. Có lẽ họ đang tìm dầu thì phải. Họ đối xử rất tốt, cho chúng tôi thức ăn, bia rượu, thuốc lá đầy đủ. Đồng thời, chỉ hướng chúng tôi vào cái đảo nhỏ của Philippines ở gần đó. Chúng tôi lái ghe đi theo hướng chỉ dẫn của người Hòa Lan, ghe chúng tôi đi qua một vịnh nước trong veo thật đẹp có rất nhiều cá nhám, cá mập bơi dưới nước. Chúng bơi dọc theo ghe chúng tôi nhìn thật đẹp và đáng sợ. Giả sử, chúng tôi bị rớt xuống nước chắc chỉ vài phút thân thể chúng tôi sẽ bị xé tan tành.

Ghe chạy thêm vài tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi gặp được một ghe nhỏ của người Phi. Trên ghe này, một người Phi đòi hỏi chúng tôi phải cho họ ít vàng, họ sẽ dẫn chúng tôi vào đảo có dân chúng Phi ở đó. Anh Lộ, bàn với mọi người chúng tôi cùng nhau biết họ ít vàng để họ dẫn vào hòn đảo dân chúng đang cư ngụ.

Chúng tôi thật sự vô cùng may mắn đến được đảo Liminangcong của Philippines. Đây là một đảo nhỏ cũng thuộc đảo Palawan với khoảng 2000 đồng bào Phi. Chúng tôi đi không có bản đồ, la bàn, chỉ nhìn theo hướng mặt trời hay hướng sao và đi trong vô định thế mà cả ghe đến được một đảo nhỏ của Philippines. Đây là một may mắn đặc biệt ơn trên đã ban cho tất cả mọi người trên ghe chúng tôi.

Thật sự, trên đường vượt biên chúng tôi không gặp hải tặc, có lẽ hướng chúng tôi đi nguy hiểm quá, có nhiều đá ngầm nên hải tặc cũng không dám đi theo đường chúng tôi đi.

Cảnh sát Phi không biết sợ điều gì mà không cho chúng tôi lên bờ. Họ bắt chúng tôi tiếp tục ở trên ghe và cung cấp gạo và thức ăn cho chúng tôi. Không biết họ để gạo như thế nào mà có mùi dầu hôi nặng quá. Tôi và

nhiều người ăn không được. Tuy nhiên, anh Lộ không biết mũi bị sao đó anh không ngửi được nên ăn ngon lành. Tôi cười nói:

- Chắc mũi anh bị điếc rồi nên không ngửi thấy mùi gì cả. Trông anh ăn thật ngon lành.

Chúng tôi cặp ghe sát vào bờ thấy nước thật trong veo và cá nhiều vô cùng. Người Phi câu cá cũng đặc biệt, chỉ cần thả một ít cơm cho cá ăn rồi thả một cần câu có nhiều móc xuống nước rồi giật lên. Đôi lúc giật một cái câu được 4, 5 con cá. Chúng tôi theo dõi thấy rất hay và ngạc nhiên vô cùng. Đang theo dõi câu cá, bỗng nhiên thằng Tuấn con tôi khoảng 5 tuổi rất nhỏ con bị rơi xuống biển, may quá một em trai trên ghe nhảy xuống bơi và cứu con tôi lên ghe liền.

Có người kể rằng, trước đây cũng có nhiều ghe đi vào đảo này, có một bà đói qua nên đã bán vàng và mua một thùng bánh bích qui ăn cho thỏa thích. Khi ăn xong bị chết vì no. Thật tai hại! Sau này, chúng tôi mới hiểu họ bắt chúng tôi ở trên ghe để chuyển chúng tôi tới đảo khác to hơn như đảo Tara, Palawan. Cuối cùng, chúng tôi được chuyển đến đảo Palawan để sống cuộc đời tỵ nạn chờ định cư ở nước thứ ba.

Cuộc hành trình vượt biên đầy nguy hiểm và gian lao của chúng tôi. Tôi định khi lên đảo sẽ viết về cuộc hảnh trình cam go này nhưng khi lên đảo tôi thấy cuộc hành trình vượt biên của tôi chẳng thấm gì so với những cuộc hành trình vượt biên khác. Có vợ chồng anh Út khi lên đảo hai vợ chồng đều cạo trọc đầu hết. Tôi thấy thế hơi lạ nên hỏi em Hòa.

- Sao hai vợ chồng anh Út lại cạo trọc đầu vậy? Em Hòa trả lời:

- Vì hai vợ chồng đã vái khi bị nguy hiểm trên đường vượt biên.

Em Hòa kể tiếp: Khi ghe của anh chị bị mắc cạn trên đảo Trường Sa, anh chị chờ đợi hơn một ngày và thấy nguy hiểm quá nên hai người kiếm gỗ trên ghe đóng thành cái bè để leo lên bè thả trôi hy vọng gặp được tàu nào thấy mà vớt. Không ngờ hai vợ chồng đi nguyên ngày không gặp chiếc tàu nào hết và may mắn thay chiếc bè lại trôi về đúng chiếc ghe của anh chị. Anh chị sợ quá leo lên ghe và vài tiếng sau nước lên nên ghe đi tiếp được. Vợ chồng anh chị Út được sống sót một cách tài tình. Có chiếc ghe đi có 96 người nhưng chỉ còn 8 người sống sót nhờ bơi qua đảo Philippines gần đó.

Kinh hoàng nhất là chiếc ghe có 36 người và 36 ngày lênh đênh trên biển cả. 7 người đàn ông đã nằm bất tỉnh. Chỉ có một phụ nữ còn tỉnh táo và tát nước đang chảy vào ghe. Cánh tay người phụ nữ sung lên gấp ba lần binh thường vì phải tát nước nhiều quá. 7 người đàn ông phải nằm trong bệnh viện Phillippines cả tuần lễ. Khi về đến trại, hai người khỏe mạnh phải dìu một người chỉ còn da bọc xương, trông thật thê thảm.

Tuy tới trại tỵ nạn an toàn nhưng chúng tôi cũng buồn vì không biết các em tôi và bạn bè trên ghe kia như thế nào? Tôi lo lắng viết tờ nhắn tin cho các trại tỵ nạn các nơi rồi nhờ Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế gửi đi để tìm tin tức các em và bạn tôi.

Sau đó, các em liên lạc được với chúng tôi qua thư từ nên kể chuyện đang xảy ra ở đảo Tara. Có vài người lính Phi hà hiếp đồng bào nhiều quá nên bất ngờ có một số anh em đã đánh hội đồng một người lính Phi chết. Do đó, những người lính Phi còn lại đang hành hạ đồng bào Việt Nam để trả thù cho người lính Phi bị chết. Họ bắt đồng bào Việt Nam đứng hàng giờ ngoài nắng để điều tra. Đồng thời, đánh đập tàn nhẫn các thanh niên họ nghi ngờ có liên quan đến vụ án mạng. Rất may cho đồng bào tị nạn Việt Nam có Sister Pascal Lê Thị Tríu người Việt Nam đã ở Phi lâu năm và làm việc cho văn phòng CADP can thiệp. Khi nghe tin như vậy, sister Pascal đã từ Manila bay xuống đảo Tara. Một mặt, Sister la mắng người tị nạn Việt Nam đã có hành động như thế đối với người lính Phi, ân nhân của chúng ta. Mặt khác, sister cũng răn đe vị tướng trông coi khu vực người tị nạn Việt Nam. Nếu vị tướng này để lính của ông đàn áp đồng bào Việt Nam. Sister có thể dùng uy tín của mình ảnh hưởng đến vị trí của vị tướng đó. Sister còn kể cho tôi rằng:

  • -  Có một đứa cháu gái của vị Đại Tá coi trại tị nạn Bataan. Người cháu này thích một thanh niên tị nạn và muốn thanh niên này ghép hộ để đi định cư tại Mỹ. Thanh niên này không chịu, người cháu gái ra lệnh cho lính Phi bắt nhốt thanh niên VN trong chuồng khỉ vì đã không làm theo ý cô ta. Được đồng bào cho biết tình hình như thế. Sister đã xuống trại tị nạn Bataan điều tra. Sau đó, sister đã nói với vị đại tá:

  • -  Cháu ông đã làm sai rồi. Ông có thể trị nó không? Nếu ông không trị nó tôi sẽ trị nó. Và ông biết là tôi đi tắt được.

Vị đại tá hốt hoảng ra lệnh thả người thanh niên Việt Nam đó ngay lập tức. Sau này khi tiếp xúc với Sister. Sister có kể cho tôi nghe:

- Sister chơi thân với một sister là chị của bà Tổng Thống Marcos thời bấy giờ. Thành ra tiếng nói của Sister các vị tướng đều nể nang.

Sister Pascal đã giúp đỡ rất nhiều đồng bào tị nạn tại Philippines.

Chúng tôi vui mừng khi biết tin các em và bạn bè chúng tôi còn sống, nhưng tôi lại lo sợ vì các em đang bị lính Phi hành hạ.

Đặc biệt, có bác Đạo đi chung ghe với tôi có người con trai tên Tuấn đi theo ghe bên kia. Tôi thấy bác lần hạt đọc kinh suốt ngày. Bác thường than thở với tôi:

- Thắng ơi! Gia đình bác bây giờ 4 người 4 nơi cháu ạ. Bác ở đây, bác trai ở Việt Nam, em Minh ở bên Mỹ còn cháu Tuấn không biết bây giờ ra sao?

Thế mà chỉ một năm sau, gia đình bác 4 người đoàn tụ ở bên Mỹ. Đúng là ân phúc Chúa đã ban cho gia đình bác.

Bác kể cho chúng tôi nghe chuyện hết hồn khi hai đứa bé đang ngồi trên ghe nhỏ đi ra cá lớn. Thằng Tuấn con tôi 5 tuổi được gia đình cho biết về quê ngoại Long An. Còn thằng Nhân con anh Lộ lại biết vượt biên đi Mỹ. Bởi lẽ gia đình bác Hải tôi chỉ có anh Lộ là con trai duy nhất, nên để cháu Nhân đi vượt biên không ai dám quyết định hết. Anh Lộ hỏi ý kiến bác Hải. Bác Hải không dám quyết định. Anh Lộ cũng không dám tự quyết định. Chị Lộ cũng không dám. Cuối cùng anh Lộ phải kêu cháu Nhân quỳ cầu nguyện xin Chúa soi sáng. Anh Lộ phân tích:

- Con quỳ đây và cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho con. Một là con đi Mỹ với bố, hai là con ở lại với mẹ. Đi Mỹ với bố con có thể sung sướng nhưng cũng có thể nguy hiểm và chết trên biển cả.

Sau khi cháu cầu nguyện và quyết định: - Con sẽ đi Mỹ với bố.

Có lẽ hai đứa ngồi kế nhau buồn buồn nên thằng Nhân hỏi: - Tuấn mày có biết mình đang đi đâu không?

Thằng Tuấn con tôi tỉnh bơ trả lời:
- Đi về quê ngoại ở Long An chớ đâu!

Thằng Nhân trả lời:
- Không đâu! Đi Mỹ đó mày.

Bác Đạo sợ hết hồn bịt miệng thằng Nhân lại và nói: - Giêsu lạy Chúa tôi! Ai nói cho nó biết vậy.

Nghe tin đồng bào tị nạn ở đảo Tara sống bị lính Phi hành hạ dữ lắm. Họ bắt đồng bào giăng nắng cả ngày trời và đánh đập các thanh niên họ nghi ngờ.

Cũng vì thế, có lần tôi định đi Argentina vì nghĩ rằng với khả năng đá banh của tôi qua đó chắc cũng kiếm được việc làm như ở Việt Nam. Khi đi định cư, chắc tôi có khả năng giúp đỡ các em ở trại tị nạn. Cũng may, phái đoàn Argentina chưa có nhận người tị nạn.

Sau này, khi phái đoàn Canada đến trại phỏng vấn. Tôi được phái đoàn Canada nhận cho đi định cư. Gia đình tôi mừng quá được đi lên Manila chờ đi Canada. (còn tiếp)

Read More
Thao Dang Thao Dang

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 5)

Vừa đến trại tị nạn Jose Fabella Centre được chừng một tiếng. Bỗng tôi nghe trên loa kêu tôi lên văn phòng trại:

- Xin mời anh nào có tên là Đặng Thắng lên văn phòng trại có việc cần.

Tôi lo lắng hoang mang bởi vì trong trại tị nạn rất nhiều ân oán giang hồ xảy ra. Người bị ban trật tự nhốt ở trại vì vi phạm lỗi lầm sẽ đem lòng thù oán nên khi đến trại chuyển tiếp sẽ qui tụ anh em du đãng trả thù, thanh toán nhau. Có người bị đánh lầm đến nỗi bị liệt. Ở trại tị nạn Palawan cũng có anh Nguyễn Văn Thắng làm trưởng toán trật tự. Tôi cũng lo sợ không biết họ có trả thù hay đánh lầm mình chăng? Tôi lên văn phòng đại diện với tâm trạng hoang mang. Không ngờ, khi bước vào tôi gặp anh Trương Thế Cường (Mười Râu) người cùng chung tổ chức vượt biên của chúng tôi. Tôi mừng quá gặp lại bạn cũ. Nghe mấy người em của tôi nói:

- Anh Cường là người Hoa rất giỏi tiếng Anh. Anh dậy tiếng Anh cho các anh em và bạn bè cùng đồng bào trong trại. Anh nói tiếng Anh rất chuẩn đến nỗi Mục Sư Froud còn nói anh Cường nói tiếng Anh mà không thấy mặt anh không biết anh là người Việt Nam. Anh ấy nói tiếng Anh còn hay hơn tôi.

Tối hôm đó, chúng tôi ăn uống thật vui vẻ vì gặp lại bạn cũ.

Ở trại Jose Fabella Centre chúng tôi còn được ăn uống sang hơn ở Palawan nữa. Mỗi ngày mỗi người được một cục thịt heo, gà hay bò rồi rau, gạo đầy đủ. Chúng tôi được đi phố tự nhiên, không cần xin phép gì cả. Thỉnh thoảng, chúng tôi nhận được cheque hay money order, chúng tôi đi phố đổi lấy tiền rồi đi coi xi nê phim tàu tại Quiapo thật vui vẻ. Khi về ăn hột vịt lộn chiên của người Phi làm rất ngon. Đời sống thật thú vị nếu chúng tôi không lo lắng về vấn đề định cư.

Trại chuyển tiếp Jose Fabella Centre thật phức tạp. Tôi mới lên được mấy ngày đã thấy ban đêm mài dao như để thọc huyết heo. Băng đảng nhiều quá và phức tạp nên dễ dàng đâm chém nhau gây nên xáo trộn trong trại. Có băng Châu Danny, băng Điền Ốc Tiêu, băng 11 ông trời con....Tôi rất lo sợ vì dễ dàng bị đánh lầm này nọ. Cũng may cho tôi, em Mỹ là em ruột

tôi đá banh rất hay ở đảo Tara nên chơi thân với băng 11 ông trời con. Em Mỹ kể rằng:

  • -  Băng này cũng hiền lắm nhưng nếu đụng vào một trong nhóm, cả nhóm sẽ sống chết ăn thua. Em Mỹ giới thiệu:

  • -  Đây là Anh Hai, anh của Mỹ.
    Các anh em trong nhóm 11 ông trời con cũng nể Mỹ nên trọng tôi. Hơn

    nữa, tôi đá banh rất hay nên các em càng nể phục.

    Chương Còm, người em kết nghĩa Hướng Đạo của tôi bao nhiêu năm. Chúng tôi rất thương nhau như anh em ruột thịt. Lúc trước, chính tôi và Bác Đạo đã chạy cho Chương ra khỏi tù nên Chương rất quí mến gia đình tôi. Trước đây, Chương cũng là dân chơi nên quen biết Điền Ỗc Tiêu ở chuồng bò. Nghe Chương nói:

  • -  Điền Ốc Tiêu này cũng ghê lắm. Nó nhỏ xíu à nên nó lụi người ta rồi nó lủi đi đâu lẹ lắm không ai biết. Chương giới thiệu tôi với Điền:

  • -  Giới thiệu với Điền đây là anh Hai.

    Tôi cười cười bắt tay Điền. Chắc Điền tưởng tôi là dân chơi thứ thiệt nên Chương Còm mới giới thiệu trịnh trọng như thế. Thật ra, tôi có biết gì đâu! Chúng tôi ăn nhậu một buổi chiều vui vẻ.

    Sống ở Jose Fabella Centre được hơn một tháng, một buổi sáng tình cờ Cha Phát xuống trại tỵ nạn. Cha gặp tôi hỏi:

- Con đọc cho Cha đoạn sách thánh này.

Sách thánh tôi đã đọc biết bao nhiêu lần ở Việt Nam trong xứ đạo. Giọng tôi rất to nên nhiều khi không có micro vì cúp điện tôi đọc cả nhà thờ cũng nghe được. Tôi đọc được một đoạn Cha Phát nói:

- Ngày mai con lên đài làm với Cha.

Tôi chẳng biết đài gì và Cha cần tôi làm gì? Sau này tôi mới biết cha đang làm trên Đài Radio Veritas (Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu). Đài này do cha Tài quản lý, có Cha Phát, Cha Thục và các soer làm việc. Tôi phải học cách đi xe Jeepny của Phi 3 chặng mới tới nổi nơi làm việc. Nhiệm vụ Cha Tài giao cho tôi là: Sáng tôi nhận những bản tin từ Rome fax tới rồi thêm dấu vào cho hợp lý. Sau khi thêm dấu vào phải đưa cho Cha Tài sửa xem có gì sai không? Sau đó, đọc tin tức trong ngày. Có những bài của các Cha

khác viết nếu không có nhập đề hay kết luận tôi phải soạn cho đúng với chủ đề. Công việc cũng hợp với tôi trong trại tị nạn và kiếm thêm được ít tiền phụ giúp gia đình.

Cùng sống với tôi trong trại tị nạn Jose Babella Centre có em Dũng quê ở Kiên Giang. Một hôm tôi nhận được thơ từ gia đình nói rằng em Thuận (người em thứ sáu của tôi) đi vượt biên đang bị nhốt ở Rạch Giá. Tôi đang hoang mang chưa biết làm sao thì em Dũng nói:

- Để em viết thơ về cho má em ở Rạch Giá.
Không biết em Dũng viết thơ về kể sao mà em Thuận tôi sau này nói:

- Bà Năm Xà mẹ em Dũng rất tốt. Giúp cho em đủ thứ. Gửi tiền và đồ ăn cho chúng em. Hôm ra khỏi tù. Bà ta cho em và mấy đứa bạn tiền bạc đầy đủ. Chúng em đói quá mua đồ ăn nhiều quá nên ăn xong thở không nổi suýt chết.

Nghe nói em định cư tại Pháp vì có chị ruột ở Pháp.

Tôi làm việc trong đài Radio Veritas được vài tháng. Ở Việt Nam viết thơ qua nói: Mẹ đi nhà thờ gặp nhiều người nghe Đài Radio Veritas nói: Con bà nói trên đài Caritas v.v...Có lẽ họ nghe giọng nói của tôi quen thuộc ở nhà thờ nên họ nói như thế.

Một hôm, tôi xin Cha Tài gặp phái đoàn Canada nói cho tôi được đi định cư Canada vì tôi lên đây cũng lâu rồi. Cha Tài có gặp Đại Diện Phái Đoàn Canada hỏi về trường hợp của tôi:

- Phái đoàn Canada trả lời: Tôi bị bệnh phổi nên chưa thể đi được

Tôi như tá hỏa tam tinh vì không ngờ mình khỏe như thế sao lại bị bệnh phổi. Tôi vẫn đá banh đều đều và đánh bóng chuyền mỗi ngày sao bị TB được. Tôi nhờ bác sĩ Thành ở trại tị nạn viết cho tôi giấy phép đi chụp hình phổi. Chụp hình xong vị bác sĩ người Phi đưa cho tôi 4 viên thuốc màu trắng và nói:

- You take this one and one year come back here.

Một lần nữa tôi như bị đấm cú knock out của võ dĩ Mike Tyson! Ở trại tỵ nạn có mấy tháng đã xanh xao như thế này bây giờ chờ thêm một năm nữa chắc là qua đời quá. Tôi trình bày với vị bác sĩ người Phi:

- I am Vietnamese refugee. Would you give me some more medicine or injection for treatment. (Tôi là người tỵ nạn Việt Nam. Bác sĩ có thể cho tôi chích thêm thuốc hay uống thêm thuốc để chúng tôi có thể hết bệnh mau và đi định cư ở nước thứ ba).

Vị bác sĩ nhìn tôi ngạc nhiên thông cảm và ghi cho tôi một loại thuốc chích streptomicine và một loại thuốc uống nữa. Tôi buồn bã ra về với tâm trạng chán nản ê chề. Bệnh tật như thế này biết đến bao giờ tôi mới được đi định cư!

Sáng nào, tôi cũng mang thuốc lên nhờ phòng y tế chích dùm. Lúc đó, bác sĩ Các làm trưởng trại nên hằng ngày bác sĩ đều chích cho tôi.

Chuyện băng đảng thanh toán và chém nhau ở trại tỵ nạn cũng xảy ra bình thường. Tối hôm đó, hai băng đang nhậu nhẹt say sưa. Bỗng nhiên tôi nghe thấy chạy lục đục rồi nghe tiếng la hốt hoảng của Châu Danny ôm cánh tay đau đớn rên la thảm thiết. Hóa ra Châu Danny đã bị em Đính chém một mã tấu và Châu Danny giơ tay lên đỡ, nhát mã tấu quá nặng chém sâu xuống cánh tay, cũng may có đồng hồ đeo tay nếu không cánh tay đã lìa rồi. Đồng bào vội vàng kêu xe ta xi chở Châu Danny lên bệnh viện Lourdes Hospital. Cả trại xôn xao hoang mang! Cao Ủy Tỵ Nạn rất bực tức với thanh niên trong trại qua hành vi trên. Cả trại nhốn nháo với các tin tức bất lợi.

Như thường lệ, tôi mang thuốc lên nhờ bác sĩ Các chích. Tự nhiên bác sĩ bảo tôi:

- Anh vô đây chút rồi tôi chích cho anh.
Tôi ngơ ngác đi theo bác sĩ vì đang mặc quần đùi để bác sĩ chích cho dễ.

Dẫn tôi vào phòng đông đảo đại diện các ban ngành, bỗng bác sĩ nói:

- Bây giờ tất cả đồng bào ở đây có đồng ý bầu anh Thắng làm trưởng ban Trật Tự không?

Cả hội trường vỗ tay bốp bốp bốp. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự bắt cóc bỏ đĩa của bác sĩ Các. Tôi vội vàng từ chối:

- Bác sĩ! Em đâu có thể làm được chức vụ quan trọng đó.

Chức vụ này phải là người trong quân đội hay trùm băng đảng gì để nói người ta mới nghe, còn tôi nói sao họ nghe. Nhưng bác sĩ Các nói:

- Anh thấy chưa! Tất cả đồng bào đều tín nhiệm bầu anh làm Trưởng Ban Trật Tự mà. Anh cố gắng giúp đồng bào đi.

Tự nhiên tôi giữ chức vụ rất quan trọng và quá nguy hiểm trong trại tị nạn Jose Fabella Centre. Tôi giao cho Điền Ốc Tiêu là phó ban trật tự trong trại. Dù sao, Điền Ốc Tiêu cũng còn nhiều đàn em trong trại dễ dàng cho tôi khi đụng phải băng của Điền Ốc Tiêu.

Bác sĩ Các rất giỏi tiếng Pháp nhưng lại ít biết tiếng Anh. Tôi nhớ có lần người Phi hỏi bác sĩ:

- What is your name? Bác sĩ trả lời:

- Doctor Các.
Còn bác sĩ muốn hỏi người ta: What is your name? nhưng bác sĩ không nói

được và cứ chỉ:
- You! You! You!

Tôi nhớ có lần bà Smith là nhân viên Cao Ủy trở thành thông dịch viên vì bà Smith biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Bà Silva người Phi đại diện Cao Ủy về vấn đề an ninh của trại. Bà Silva nói tiếng Anh. Bà Smith dịch sang tiếng Pháp với Bác Sĩ Các. Bác Sĩ Các nói tiếng Pháp với bà Smith. Bà Smith lại dịch ra tiếng Anh cho bà Silva.

Read More
Thao Dang Thao Dang

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC? (PHẦN 6)

PHẦN 6

VÌ SAO TÔI ĐƯỢC ĐỊNH CƯ TẠI ÚC PHẦN 6 (tiếp theo và hết)

Một hôm cả trại xôn xao vì có tin sẽ có phái đoàn đóng phim của Mỹ đến trại đóng phim. Hôm đó, người đạo diễn tuyển lựa các tài tử đóng phim thật tài tình: Ông ta nhìn ai giao cho nhiệm vụ gì đúng y chang như đạp xích lô, người bán rau....Tôi thầm phục tài nghệ của ông đạo diễn. Hầu hết đồng bào trong trại đều nhận được lá thơ của nhóm đóng phim có đoạn như sau:

- Cái lũ chúng tôi gồm có người Mỹ, người Đại Hàn, người Phi.... Tôi có gặp ông Joe người Mỹ rất giỏi tiếng Việt soạn thảo bản văn đó và

nói rằng:

- Ông phải sửa chữ lũ thành chữ nhóm vì chữ lũ chúng tôi chỉ dùng dành cho những người làm việc không tốt như lũ ăn cắp, giựt đồ....

Hình như đó là phim Don’t Cry! It Is Only Thunderstom.

Hai hôm sau, có người mời tôi lên hội trường đóng phim. Tôi giật mình nghĩ rằng mình có tài gì đâu mà đóng phim. Thật ra lúc đó phim cần người đọc vài kinh kính mừng cầu nguyện cho đứa trẻ mới mất. Người đạo diễn hỏi tôi:

- Anh thử đọc Kinh Kính Mừng cho tôi nghe. Tôi đọc:

- Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng bà...

Vừa đọc xong, ông đạo diễn kêu tôi ngày mai ra đóng phim vì tôi đọc kinh này nhuần nhuyễn. Tôi đọc kinh Kính Mừng biết bao lần khi tôi đi rước Đức Mẹ hay đọc kinh đám ma. Do đó, ông đạo diễn nhận tôi đóng phim ngay lập tức.

Trong phim có đoạn cháu Liên bị chết. Ông Joe kêu mọi người: - Đừng có nhín vào cái hóm.

Tôi thắc mắc ngạc nhiên. Hóa ra ông ta muốn nói: - Đừng có nhìn vào cái hòm.

Nhưng ông dùng dấu sắc hỏi chưa chuẩn.

Gần trại có Linh Mục Elizade Thành, người Tây Ban Nha rất giỏi tiếng Việt nói dấu sắc, dấu hỏi rõ ràng. Cha Thành giảng bằng tiếng Việt rằng:

- Cha ở gần đây nhưng không có ai kêu cha về trại tị nạn cử hành thánh lễ còn những người Việt ở xa bên Nhật lại mời Cha về làm lễ. Như vậy là bụt nhà không thiêng rồi.

Tôi thầm phục cho sự ví von rất hay của Cha. Cha thường hay nói đùa:

- Tổ tiên của anh Thắng là con bò vì tôi thấy sân cỏ là tôi rất thích được đá banh.

Sau này tôi có dịp qua Mỹ gặp được Cha Thành giảng tĩnh tâm ở Houston.

Tôi làm Trưởng Ban Trật Tự được một thời gian, Bác Sĩ Các Trưởng Trại được đi định cư, cuối cùng đồng bào kêu tôi lên coi trại vì nếu không trại sẽ mất trật tự. Cha Phát thương tình nhắn nhủ tôi:

- Nếu họ kêu cậu làm Trưởng Trại, cậu đừng bao giờ làm nhé vì cậu không có khả năng đâu.

Tôi nghe lời Cha nhưng đồng bào mong mỏi tôi làm Trại Trưởng nếu không, cảnh sát Phi sẽ đàn áp, đánh đập dân mình. Có lần tôi thấy cảnh sát Phi đánh mấy đứa trẻ thật tàn nhẫn. Cuối cùng, tôi cũng làm Trại Trưởng trại tị nạn Jose Fabella Centre một thời gian. Tôi có làm được vài việc có lợi cho cộng đồng như sau:

Việc đầu tiên về vấn đề thư tín: Hôm đó, đồng bào nhận được thơ từ bưu điện Phi về. Có nhiều thơ có dấu bị xé ra rồi dán vào và đồng bào mất nhiều cheques, money order, tiền mặt....Tôi, chị Huê thông dịch viên và Sussan Đại Diện Cao Ủy cùng lên thẳng bưu điện Manila. Cũng may, hôm đó, chúng tôi gặp đúng nhân viên thanh tra (inspector) nên ông ta hỏi han rất kỹ lưỡng và ghi chép đầy đủ. Chừng vài bữa sau, tôi thấy ông thanh tra dẫn Trưởng Bưu Điện phụ trách khu vực chúng tôi đến trại tỵ nạn. Nhìn nét mặt ông Trưởng Bưu Điện tái xanh, sợ sệt, lo lắng tôi biết có chuyện quan trọng. Ông thanh tra nói rằng:

- Đúng là ông đưa thơ đã lấy cheque và money order của quí vị. Nhưng ông ta có 5 người con. Nếu quí vị tiếp tục thưa kiện thì chắc chắn ông ta sẽ ngồi tù, tội nghiệp gia đình ông ta. Quí vị nghĩ sao?

Tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nếu mình làm lớn chuyện quá cũng không ích lợi gì. Bỏ tù ông đưa thơ mình cũng chẳng sung sướng gì. Tôi nói:

- Vấn đề thưa kiện ông đưa thơ chúng tôi tạm hoãn lại. Khi nào cần thiết chúng tôi sẽ tiến hành. Vấn đề chính bây giờ mỗi lần giao thơ cho chúng tôi ông phải giao 2 bản danh sách thơ cho hẳn hoi. Thơ bảo đảm đồng bào chúng tôi sẽ ra bưu điện lãnh nhận. Đồng thời, những đồng bào nào đi định cư nhưng ủy quyền cho ai có dấu của Ban Đại Diện Trại, quí vị phải giao thơ cho người được ủy quyền.

Sau một tháng, tất cả những thư từ không người nhận, tôi họp toàn ban Đại Diện các ban ngành, bà Scruz Đại Diện bộ xã hội Phi và Cha Phát. Tôi xé tất cả thư đó ra. Nếu thư nào có cheque hay money order tôi gạch chéo và mua tem gửi về cho người gửi. Return to sender! Tôi làm rất minh bạch nên không ai oán trách tôi cả.

Vấn đề thứ hai trong trại là ông bác sĩ người Đức khám bệnh cho đồng bào đi Úc bị bệnh đồng tình luyến ái nhưng không ai dám thưa kiện vì sợ ông ta trù dập hồ sơ. Tôi cũng lo sợ nhưng cuối cùng chúng tôi phải gặp ông Keith Owen Đại Diện Tòa Đại Sứ Úc để trình bày sự việc. Thế là bao nhiêu người bị ông bác sĩ người Đức xâm phạm tình dục đều được kêu lên phỏng vấn. Trong đó có em Thái, đàn em đá banh của tôi và chú Đá. Chú Đá nói rằng:

- Tôi đã già 60 tuổi mà ông bác sĩ đâu có tha cho tôi đâu.

Coi như phái đoàn đi khám bệnh tổng quát đi Úc, đàn bà phụ nữ thật dễ dàng, chỉ cần coi sơ sơ là xong rồi. Còn con trai và đàn ông, bác sĩ này khám rất kỹ. Đến lúc này, ông Keith Owen khiển trách chúng tôi:

- Sao quí vị không báo cho chúng tôi biết sự kiện này và để cho đến bây giờ?

Tôi trả lời:

- Vì đồng bào chúng tôi rất sợ vị bác sĩ này trù dập hồ sơ nên không ai dám tố cáo. Mong ông thông cảm.

Ngày hôm sau, ông bác sĩ Đức bị sa thải ngay lập tức.

Trong trại cũng có nhiều người Phi hồi hương, tức những người đàn ông Phi có vợ Việt Nam. Trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, có chiếc tàu Phi sang chở những người vợ có chồng Phi và con cái trở về Phi. Những người này cũng ở chung trong trại tỵ nạn Jose Fabella Centre như người tỵ nạn. Tuy nhiên, họ chưa được ưu tiên như người tỵ nạn được đi định cư nước thứ ba dễ dàng. Trong số những người hồi hương đó, có Châu Danny, người bị em Đính chém gần rụng cánh tay, cầm đầu một băng du đãng trong trại. Tôi có nói với Châu Danny:

- Trường hợp của ông, ông cứ ngồi yên đó. Đừng phá phách gì cả! Tôi sẽ cố gắng giúp ông.

Châu Danny gật đầu nhưng cũng không có vẻ gì tin tưởng lắm.

Với tư cách Trại Trưởng tôi cũng dễ dàng gặp vị Đại Diện Cao Ủy, ông Paffgen người Đức. Một hôm tôi hỏi ông về trường hợp Châu Danny. Ông Paffgen bảo tôi:

- Ông về nói với Châu Danny làm một bảng tường trình đầy đủ trường hợp của Châu Danny.

Châu Danny viết bằng tiếng Việt, tôi nhờ anh Trí thông dịch viên dịch ra tiếng Anh và trình bày cho ông Paffgen. Sau khi xem xong lá thơ, tôi thấy ông Paffgen rút bút ra ghi chữ “Refugee” rồi gạch đít và ký tên. Lúc đó, tôi mới hiểu quyền hạn to lớn của vị Đại Diện Cao Ủy. Từ lúc đó, Châu Danny trở thành người tỵ nạn và có thể xin định cư ở nước thứ ba dễ dàng. Khi được định cư tại Úc, Châu Danny có nói với tôi:

- Tôi ở đây biết bao nhiêu đời trại trưởng rồi. Hầu hết họ lợi dụng tôi hăm dọa người này, đánh đập người khác để bảo vệ quyền lợi của họ chớ không giúp tôi gì hết. Chỉ có ông, chẳng nhờ tôi làm gì cả mà giúp tôi đi định cư được. Cám ơn ông rất nhiều.

Tôi trả lời:

- Nhiệm vụ của tôi là giúp ông đi định cư. Cầu mong mọi sự tốt đẹp đến với ông.

Trong trại, cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt và nguy hiểm như sau:

Có ông Cần rất siêng học Anh Văn nhưng ông học thuộc lòng một cách máy móc nên xảy ra chuyện nực cười khi phỏng vấn. Ông học thuộc lòng trong máy cassette hỏi ông là:

- What is your name? - My name is Cần.
- How are you?
- I am fine. Thank you.

Không ngờ khi vào người phỏng vấn hỏi ông: - How are you?

Ông vẫn trả lời thuộc lòng trong máy: - My name is Cần.

Làm mọi người trong lúc ông phỏng vấn đều phì cười cho sự hiếu học của ông. Tôi có người em họ tên Lành, mới nhận được thơ bảo đảm có cheque 50 đô Mỹ. Em mang cheque lên phố Quiapo đổi tiền. Khi đi xuống đường hầm, lúc trở lên bị lạc không biết đi về đâu. Gọi tắc xi đi về trại nhưng không biết trại ở đâu. Không biết nói tiếng Anh nên tắc xi chạy vòng vòng cho đến đêm về được trại thì mất tiêu 50 đô Mỹ. Cũng có người đi lạc mấy ngày không về được trại, may nhờ gặp cảnh sát biết là người Việt Nam nên chở về trại.

Một hôm, Hải trưởng toán 2 trật tự nhưng cũng là một tay anh chị trong trại có xích mích gì với toán 3 đang trực. Trật tự viên Sơn toán 3 đang trực đâm Hải một nhát. Bạn bè và đàn em Hải vội vàng đi kiếm Sơn để trả thù. Thật sự, hôm đó tôi lo lắng vô cùng vì trại có thể náo loạn do hai băng đảng thanh toán nhau. Tôi vội vàng điều hành toán 3 trật tự qua bên nhà Half Way Home có lính Phi canh gác cẩn thận. Mặt khác, tôi năn nỉ và trấn an bạn bè và đàn em của Hải để mọi chuyện được êm thắm. Đêm hôm đó, một mình tôi vác cây gậy tầm vông đi tuần quanh trại với tâm trạng thật buồn. Sao các thanh niên của mình lại hay đánh nhau, đâm chém nhau như thế nhỉ! Thanh niên trong trại tự ái cao không đúng chỗ. Hơi một chút có thể đánh hay chém nhau dễ dàng. Biết bao nhiêu việc phải làm để chuẩn bị cho tương lai trước khi định cư ở nước thứ ba.

Ngày hôm sau tôi phải gửi Sơn lên văn phòng Cha Phát vài bữa để dàn xếp công việc trong trại. Cũng nhờ Cha Phát giúp nên tôi cũng dàn xếp được chuyện đâm chém đó để trại được yên ổn trở lại.

Ở trong trại có chị Thanh người Việt có chồng Mỹ rất tốt với người tỵ nạn. Một hôm chị mời Ban Đại Diện Trại ra tham dự sinh nhật con chị Thanh. Chúng tôi đang ăn uống vui vẻ và bàn về vấn đề ăn thịt chó. Cũng gần cả năm rồi chúng tôi chưa được ăn thịt chó. Đang bàn luận như thế, bỗng một người Mỹ có vợ người Phi cầm ly bia đến và nói với chúng tôi:

- Tôi lại đây uống chút chút chơi nghe.
Chúng tôi thật ngạc nhiên khi nghe ông Mỹ nói như thế. Còn đang bàng

hoàng thì ông ta nói thêm:
- Ăn thịt cầy phải uống nước mắt quê hương.

Anh em chúng tôi há miệng sửng sốt vô cùng, ngay cả người Việt nếu không phải dân nhậu cũng đâu hiểu nước mắt quê hương là rượu đế đâu.

Sao ông này lại rành như thế! Ý ông ấy nói: Ăn thịt chó phải uống rượu đế. Tôi ngạc nhiên nhìn ông và nói:

- Ông Mỹ này chịu chơi quá ta. Ông Mỹ bồi thêm một câu:

- Tôi chịu chơi chớ không chơi chịu.

Anh em chúng tôi không ngờ ông ta lại hiểu cả tiếng lóng tiếng Việt đến như thế. Sau này, chúng tôi mới biết ông ta là Giám Đốc cơ quan nhận người tỵ nạn của Mỹ. Thành ra khi phỏng vấn đồng bào ông ta không nói ra nhưng ông ta hiểu hết người Việt muốn nói gì.

Ở trong trại được một thời gian, tôi nhận được thơ các em tôi ở đảo Tara quyết định đi Mỹ và đã có tên trong danh sách chuyển trại đi Bataan học Anh Văn chuẩn bị việc định cư tại Mỹ. Tôi viết thơ lên phái đoàn Canada xin họ tử chối trường hợp của tôi để tôi có thể xin định cư tại Mỹ cùng với những người em ruột của tôi. Lúc đó, có lẽ giữa các phái đoàn Mỹ và Cao Ủy Tỵ Nạn xung khắc nhau như có một số thanh niên phái đoàn Mỹ đã nhận nhưng thấy hạnh kiểm không tốt nên muốn trả lại Cao Ủy. Cao Ủy không đồng ý. Trường hợp của tôi, Cao Ủy muốn phái đoàn Mỹ nhận chúng tôi nhưng phái đoàn Mỹ không chịu và nói chúng tôi phải đi Canada.

Lúc đó, người có quyền cho người tị nạn Việt Nam được đi định cư tại Mỹ là trung tá Joe Langlois, nghe nói một cựu nhân viên tình báo CIA có vợ người Việt Nam. Không biết trường hợp tôi như thế nào? Bà vợ Joe Langlois thường kêu tôi gặp riêng và nói:

- Trường hợp của anh bây giờ anh tính làm sao?

Thật sư, lúc đó tôi chưa hiểu được hết ý của bà ta. Sau này, tôi mới hiểu bà ta muốn ăn hối lộ và cho tôi đi Mỹ nhưng tôi không hiểu. Giả như tôi có hiểu cũng đâu có tiền để đút lót cho bà ta. Mãi về sau, khi định cư tại Úc và có dịp gặp Phạm Cao Tùng làm Phó Trại Palawan khi tôi ra đi, đã kể cho tôi nghe: Vợ của Joe Langlois ăn hối lộ như thế nào? Một gia đình tị nạn Việt Nam có 4 người con theo dự kiến phải đi Nhật vì tàu Nhật vớt. Bà vợ Joe Langlois nói: Nếu chi cho bà 20,000 (hai chục ngàn) đô Mỹ sẽ cho gia đình định cư tại Mỹ. Gia đình này đồng ý nên mời vợ Joe Langlois đến nhà bàn công chuyện. Trong khi thảo luận, gia đình này đã thâu băng cassette,

sao làm nhiều bản gửi đi các nơi nhất là Tòa Đại Sứ Mỹ tại Phi. Vài bữa sau, trung tá Joe Langlois bị ngưng chức ngay lập tức dù chưa có người thay thế

Qua sự việc đó, tôi mới hiểu vào năm 1984, sau khi định cư tại Úc tôi đi Mỹ lần đầu tiên. Tôi ghé Manila và thăm trại tị nạn Jose Fabella Centre. Có dịp gặp bà Scruz Đại Diện Bộ Xã Hội Phi, tôi nói:

- Tôi muốn gặp ông Joe Langlois. Bà Scruz trả lời:

- Để làm gì? Tôi trả lời:

- Để cám ơn ông ấy đã từ chối tôi đi Mỹ để tôi đi Úc có cuộc sống thảnh thơi hơn nhiều.

Bà Scruz ngạc nhiên và nói với tôi:
- Ông Joe Langlois hết làm việc rồi.

Hoàn cảnh của tôi thật hoang mang! Tôi đã từ chối phái đoàn Canada để mong phái đoàn Mỹ nhận nhưng phái đoàn Mỹ không muốn nhận có thể vì tôi không có tiền để chi cho bà vợ ông Joe Langlois. Cuối cùng, vì thương hoàn cảnh của tôi nên bà Cao Ủy hỏi:

- Anh chịu đi Úc không? Tôi gật đầu nói:

- Bất cứ nước nào có tự do, tôi sẽ cố gắng dùng hết sức lực của mình để làm việc. Tôi có đầu óc và hai tay để làm việc.

Thật sự trong trại lúc đó đồng bào không hiểu hết về nước Úc như thế nào? Chỉ biết nước Úc mang máng đất rộng người thưa. Chắc cần nhiều người làm về Nông Nghiệp. Lúc đó, ít người muốn đi Úc. Hầu hết, đồng bào muốn đi Mỹ là ưu tiên một, sau đó đến Canada. Trong trại tôi lúc đó, bác sĩ Tô Đình Hiền được tàu Mỹ vớt nên chắc chắn đi Mỹ nhưng lại có chị ruột ở Úc làm giấy bảo lãnh cho bác sĩ Hiền đi Úc. Khi nhận được giấy bảo lãnh, bác sĩ Hiền đã thốt lên:

- Chị gì ngu như bò! Sao lại làm giấy bảo lãnh mình qua Úc. Để yên mình được đi Mỹ rồi.

Tôi có an ủi bác sĩ Hiền:
- Ông à! Nước nào cũng được thôi. Ông giỏi như thế mà.

Bây giờ bác sĩ Hiền đang làm việc ở Úc rất thoải mái.

Trong thời gian ở trại, chúng tôi có nhận được vài lá thơ than phiền từ Mỹ như spongsor lủng, ở Canada thì lạnh quá nhưng chúng tôi chưa nhận được lá thơ nào than phiền từ về cuộc sống Úc.

Chừng một tuần sau, tôi nhận được lá thơ mời đi phỏng vấn của phái đoàn Úc. Lúc đó, bác sĩ Hiền là thông dịch viên cho tôi. Sau khi hỏi những câu thông thường, ông Keith Owen hỏi tôi:

- Nghe nói quá khứ của anh xấu lắm. Tôi giật mình nói:

- Tôi tốt nghiệp kỹ sư Nông Lâm Súc của Đại Học Minh Đức năm 1974. Sau đó, học thêm một năm Cao Học Quản Trị Kinh Thương. Cuối cùng tôi trở thành cầu thủ đá banh.

Sau khi bác sĩ Hiền dịch cho tôi như thế. Ông Keith Owen cũng ngạc nhiên sao có người tố cáo quá khứ (back round) của tôi xấu lắm. Trong trại cũng có một số người thích tố cáo, nói xấu về người khác với các phái đoàn để lấy điểm cho mình. Đây cũng là tật xấu của người tị nạn Việt Nam. Sau khi phỏng vấn tôi, tuần sau ông Keith Owen bất ngờ đến trại tị nạn thăm quan trại và đưa cho tôi cái form và nói:

- For you!
Tôi cầm cái form rưng rưng nước mắt và nói:

- Thank you very much!

Đó là form tôi điền vào để định cư tại Úc.

Đúng lúc tôi có form định cư tại Úc, ông Joe Langlois phái đoàn Mỹ đến gặp tôi. Trước đây, ông này không bao giờ nói chuyện với tôi. Có lẽ nghĩ rằng mình có quyền sinh sát trong tay nên không thèm thân thiện với ai. Tôi không cần thiết đi Mỹ nên cũng chẳng quị lụy gì. Nhưng tôi hơi ngạc

nhiên sao ông ta lại tỏ vẻ dễ chịu như thế. Sau này, tôi mới hiểu ông ta chẳng tốt lành gì! Vì người em ruột tôi ở Hawaii làm việc cho một ông chủ. Ông này làm chức vụ lớn và quen biết nhiều. Khi nghe em tôi trình bày về hoàn cảnh của tôi, ông ta vội vàng viết một lá thơ thật hay đến Tòa Đại Sứ Mỹ tại Philippines và các tòa báo tại Mỹ. Trong thơ có đoạn như sau:

- Trong khi Ủy Hội Quốc Tế đang gom góp những người tị nạn cùng máu mủ lại với nhau thì hành động chia rẽ của ông thật tàn nhẫn vô nhân đạo.

Cuối lá thơ còn bồi thêm một câu:

- Bất cứ hành động nào của ông có ảnh hưởng đến đường lối và chính sách của Tổng Thống Reagen. Ông hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Chính vì lá thơ trên nên ông Joe Langlois mới lại thân thiện hỏi thăm về trường hợp của tôi. Ông Joe Langlois hỏi tôi:

- Trường hợp định cư của ông bây giờ sao rồi? Tôi trả lời:

- Cám ơn ông! Có lẽ tôi đi Úc vì phái đoàn Úc nhận gia đình tôi rồi. Chắc ông Joe Langlois cũng mừng vì trường hợp của tôi đã giải quyết

xong. Ông sẽ dễ dàng trả lời cấp trên về trường hợp của tôi.

Vài tuần sau, gia đình tôi được đi khám sức khỏe và chuẩn bị định cư tại Úc. Cha Phát có gặp tôi và nói:

- Tớ không ngờ cậu làm việc được. Cậu làm việc được hơn những người khác.

Tôi cười cười nói với Cha;

- Cám ơn Cha. Con chỉ cố gắng hết sức thôi. Con cũng nhờ Cha giúp trại chúng con nhiều nên mới được như thế.

Nghĩ lại trong lúc thời gian chờ đợi ở trại tị nạn ở Palawan tôi rất buồn và trách thẩm Thiên Chúa sao để đời tôi khổ sở và hoang mang như thế. Tôi có làm nên tội tình gì đâu sao để đời tôi lạc lõng bơ vơ. Không được đi Canada và bị Mỹ từ chối. Tôi đâu có biết Chúa đã dành cho tôi một chỗ định cư là nước Úc tốt hơn cả Mỹ và Canada nữa.

Tôi còn nhớ chú của tôi là Đặng Đĩnh ở Houston đã viết thơ cho tôi khi ở trại tị nạn là: Bằng mọi cách cháu phải đi Mỹ vì đời sống công nhân ở Mỹ là ước mơ của giới trung lưu Âu Châu. Năm 1986 tôi có dịp qua Mỹ thăm chú Đặng Đĩnh. Chú tôi hỏi: Thế cháu đi vacation được bao lâu”

Tôi trả lời;
- Dạ cháu đi được có 5 tuần thôi.

Chú Đĩnh há mồm nhìn tôi:

- 5 tuần. Chú làm ở đây hơn 10 năm mà mỗi chỉ được có 2 tuần vacation mà thôi.

Tôi nói nếu cháu để năm tới mới đi cháu được 10 tuần. Còn cháu lam 10 năm sẽ có long service được 3 tháng holiday.

Chú Đĩnh rất ngạc nhiên sao ở Úc lại có được điều kiện tốt như thế với công nhân. Cũng nhờ định cư tại Úc, tôi đã may mắn giúp được sáu đứa em và một đứa cháu qua Úc. Cám ơn Chúa đã thương giúp gia đình con.

Tạ ơn Chúa đã thương tình giúp cho con được định cư tại Úc.

Đặng Thắng.

Read More
Thao Dang Thao Dang

CHỒNG LÀ GÌ NHỈ?

Chồng là một đấng anh hào
Là duyên là nợ, Trời trao cho mình Chồng là trụ cột gia đình

“Ba đồng một mớ” ta rinh đem về. Chồng là Bố của con ta.
“To đầu mà dại” đến già chưa khôn. Chồng là loại sống bằng cơm

Lại ham món phở, bia ôm vỉa hè Chồng là một gã lái xe
Uống nhiều, hút lắm lè phè ngày đêm Chồng là anh của nhiều em

Ga lăng nên hễ có tiền là vung
Chồng là cái thế anh hùng
Mát xa phòng nhảy vẫy vùng khắp nơi Chồng là hào kiệt trên đời
Vợ mình thì sợ vợ người thì yêu Chồng là công tử hạng siêu
Cứ ai phái nữ là chiều là thương Chồng là một gã ương ương
Bỏ đi thì tội, phải vương cả đời.

Read More
Thao Dang Thao Dang

CHÚC THƯ CHO CHỒNG

Em cấm anh không được cho con mẹ Diễm đến nhà quàng. Em ghét cái mặt nó không chịu được. Nó mà dẫn xác đến, em sẽ trợn mắt lè lưỡi ra là nó đứng tim, nó chết ngay tại chỗ cho coi. Đám ma xong anh phải bán cái nhà đi khỏi cái xóm mình đang ở. Em không thích anh tiếp tục sống cạnh con nhà mẹ Bé. nữa. Em thấy nó gian lắm. Nó thấy em đi qua là nó nhổ nước miếng xuống đất rồi quay ngoắt vào nhà, mà nó thấy anh là nó cười ỏn ẻn nhe răng ngựa ra trong khi em có làm gì nó đâu. Sau ba năm anh muốn lấy ai thì lấy, em không cấm nhưng anh không được lấy con mẹ Nga, con mẹ Lê, con mẹ Cúc... Anh mà lấy một trong mấy con mẹ này thì em hiện hồn về bóp cổ anh ngay. Em xé xác mấy con voi dầy ngựa xéo này chớ đừng có mà trêu ngươi em. Quần áo của em, anh đem cho Salvationg Army, cấm không cho mấy con chằng ăn trăn quấn ấy đụng tới. Nữ trang thì đeo hết cho em rồi hãy chôn. Cái hộp bích qui em cất trong garage dưới mấy thùng bột giặt, bọc bằng bao plastic mang đốt đi cho em. Cấm anh không được mở ra coi....Anh mà không nghe lời em, đêm em hiện về em lấy giây điện xiết cổ anh. Trong ấy chỉ có đống hình và thư của mấy con hà bá bạn anh thôi. Không cần phải xem nữa. Ảnh chúng nó bị vẽ râu và chọc mắt rồi thì xem làm gì nữa. Luôn cả quyển sổ điện thoại mà anh tưởng mất, đi kiếm cả tháng không ra hồi đó nữa, chúng nó ở trong đó hết. Hơn nữa mấy con mụ ấy cũng đâu còn ở những số điện thoại cũ nữa mà kiếm. Bây giờ em đã ra đi, anh muốn làm gì với những đứa khác thì làm, em không biết thì không sao nhưng cấm anh không được lạng quạng với mấy con nhỏ kia. Em nghĩ tới chúng nó mà vẫn con lộn ruột. Có đứa còn gọi em là sư tử trong thư viết cho anh mà em bắt được. Chúng nó hỗn như thế sao em chịu được. Anh phải nghe lời em, chủ nhật ra thăm mộ em, đi một mình không được hẹn hò đứa nào trong ngày hôm ấy. Có đi chơi với con nào thì cấm không được đeo cà vạt em mua cho, mấy cái sơ mi, giầy, Jacket em chọn cho anh hồi em còn sống. Em thiêng lắm nói cho anh biết trước. Đừng có chọc em cho em điên tiết lên. Nghe chửa!

CHÚC THƯ CHO VỢ

Em yêu! Ai mà sống ở đời này được mãi. Ai chả có lúc phải nói lời vĩnh biệt. Khi anh ra đi thì đây là di chúc em nhớ làm những điều anh dặn sau đây:

1/ Mang cất ngay dàn karaoke vào trong garage. Giọng em tối nào cũng rống lên hãi hùng như thế, không có anh, con mẹ Ấn Độ sau nhà nó nhảy sang xé xác em ngay.

2/ Tính em vốn không thích làm việc nhà việc bếp, em nên tái giá ngay để có kẻ hầu người hạ thay thế chỗ anh. Trong số bạn anh, anh đề nghị em lấy thằng Long. Vì khi còn sống anh ghét thằng này nhất, lúc nào cũng vênh cái mặt lên cho rằng đời nó hơn anh mọi thứ. Lấy em xong là đời nó tàn thử coi nó huyênh hoang được nữa không?

3/ Nếu thằng Long không chịu lấy em thì em lấy thằng Hoàng. Thằng này mang nữ tính, bảo gì nghe nấy em đỡ phải quát tháo như em đã quát anh.

4/ Nhưng em nhớ chớ có lấy thằng Dư, nó có võ Bình Định. Hỗn như em nó quýnh chết, không chết cũng u đầu. Tội nghiệp mấy đứa con anh đã mất cha giờ trở thành không mẹ.

5/ Cũng đừng lấy thằng Phú mắc bệnh đau tim. Cứ mỗi tháng credit card em gửi bills về, nom thấy là nó đột quỵ ngay, em sẽ thành góa bụa lần nữa.

6/ Nếu cả 4 thằng Long, Hoàng, Dư và Phú đều không chịu lấy em thì em cũng đừng đi mỹ viện sửa sang hòng re marry, để dành tiền đó nuôi con vì anh biết chắc chúng chỉ còn da bọc xương trong vòng một tháng.

7/ Em cũng đừng theo tục lệ VN nấu cơm hay cúng giỗ cho anh. Cháo em nấu là khét mang xuống âm phủ chỉ làm Diêm Vương thêm nổi giận. Con cơm em nấu thì anh xin miễn bàn. Em muốn cả địa ngục đi tiêu chảy vì ăn phải gạo sống thì em cứ việc nấu

Read More
Thao Dang Thao Dang

CUỘC VƯỢT BIÊN ĐẦY CAM GO CỦA GIA ĐÌNH TÔI.

Hồi nhỏ, tôi gia nhập Hướng Đạo tại trường Nguyễn Bá Tòng. Lúc đó, đoàn Sông Hồng do anh Quân làm đoàn trưởng đông quá nên đoàn chia làm 2: Thiếu Đoàn Sông Hồng và Thiếu Đoàn Bạch Đằng. Tôi thuộc Thiếu Đoàn Bạch Đằng do anh Đoàn Hải Đằng làm đoàn trưởng và anh Đoàn Đông Đằng làm đoàn phó. Tôi được cử làm đội trưởng đội Ngưu trong đó có Khải làm đội phó, Chương, Đại v.v. Sống và sinh hoạt trong một đội như vậy nên tôi và Chương rất thân thiết có khi còn hơn anh em ruột. Đoàn Sông Hồng luôn luôn nổi bật về chuyên môn nhất là về morse. Tôi, Khải và Chương rất tức nên chúng tôi ở nhà luyện morse rất nhiều để thi đấu cùng thiếu đoàn Sông Hồng.

Tôi còn nhớ hôm đó là đám cưới của anh Lộ kế bên nhà tôi nhưng tôi phải đi thi morse rồi mới về ăn đám cưới được. Kết quả cuộc thi morse, em Chương chỉ mang bảng nhận của em lên và cùng sai 3 chữ

với đoàn Sông Hồng nhưng đoàn Sông Hồng mang lên trước nên được hạng nhất. Nếu em Chương mang bảng của tôi chỉ sai một chữ thì kết quả lại khác. Tuy chúng tôi không được nhất nhưng từ đó thiếu đoàn Sông Hồng cũng nể thiếu đoàn Bạch Đằng chúng tôi.

Thế rồi, tôi trở thành đoàn trưởng thiếu đoàn Bạch Đằng. Em Chương trở thành đoàn phó còn Khải đậu tú tài phần hai đã đi du học ở Tây Đức.

Hôm đó, sau khi các phụ tá thi tú tài phần 1 và tú tài phần 2 xong nên dẫn đoàn đi cắm trại ở đình An Phú gần Thủ Đức. Tôi vì bận thi thời sinh viên nên không tham dự được. Chiều hôm đó, tôi vừa đi thi về em Chương hốt hoảng gặp tôi nói:

- Anh Thắng ơi! Thằng Sinh và thằng Quang chết rồi.

Tôi đứng chết trân và thật sự kinh hoàng sao lại như thế được. Em Chương kể cho tôi nghe: Hai em đi qua một chiếc cầu nhỏ, nhường đường cho một người đi đối diện bất ngờ em Quang là đội viên to con rớt xuống và không biết bơi. Em Sinh là đội

trưởng biết bơi nhảy xuống cứu nhưng vì nhỏ con không cứu nổi em Quang nên cuối cùng cả hai em cùng chết đuối thật bi thảm. Tôi vội vàng cất xe chạy lên nhà Bác Đạo ở hẻm trên. Vào nhà chúng tôi thấy bác Đạo khóc bù lu bù loa;

- Hết rồi cháu ơi! Hết rồi cháu ơi!

Tôi và Chương rơm rớm nước mắt biết nói gì đây trước sự cố như thế. Quang và Sinh là hai người con được bố mẹ rất thương yêu vì rất ngoan và hiền.

Đám ma hai em làm rúng động cả một khu phố. Đoàn chúng tôi phải tạm sinh hoạt một thời gian và không dám mặc đồ Hướng Đạo lại nhà Bác Đạo nữa vì khi thấy ai mặc quần áo Hướng Đạo bác Đạo gái lại khóc và kêu lên:

- Con ơi con mới về à.

Thế là chúng tôi không ai dám mặc đồng phục Hướng Đạo lại nhà Bác Đạo một thời gian. Chính vì sự kiện này mà Bác Đạo lại thương Chương nhiều hơn và coi như con ruột. Bẵng đi một thời gian tôi bận rộn vì sinh nhai trong cuộc sống nên ít sinh hoạt Hướng Đạo. Tôi và Bác Đạo nghe tin

Chương bị bắt. Muốn chuộc Chương ra phải tốn 4 cây vàng lúc đó. Tôi và Bác Đạo rất thương Chương nên cuối cùng Bác Đạo bỏ ra 2 cây và vợ tôi bỏ ra 2 cây để chuộc Chương ra. Mục đích tôi chuộc Chương ra là muốn Chương trở về miền Tây chụp gôn cho một đội nào đó để có một cuộc sống bình thường vì Chương chụp gôn rất hay. Không ngờ khi ra khỏi trại giam Chương lại nghĩ đến đóng ghe tìm đường vượt biên. Vợ tôi cũng giúp Chương rất nhiều trong vấn đề này.

Trước khi đi vượt biên, anh Lộ có gặp tôi và nói:

- Thắng! Em đi với anh đến gặp người này xem sao?

Tôi cũng ngạc nhiên đi theo anh Lộ xem sao? Người em này giỏi về tướng số và là em của người bạn anh Lộ. Nể tình anh Lộ dẫn mình vô làm nên người anh giới thiệu anh Lộ lại người em của mình rất giỏi về tướng số. Tôi và anh Lộ gặp người em. Anh Lộ hỏi:

- Em coi xem vấn đề đi đứng của anh như thế nào?

Em này bấm độn một hồi rồi nói:

- Anh chưa đi được đâu. Nhưng anh đi

về đi, người ta đã hủy chuyến đi rồi. Tôi và anh Lộ ngạc nhiên vì em Chương mới nói tối nay ra ghe mà. Khi chúng tôi đi về thì quả thật em Chương hủy chuyến đi thật. Lần thứ hai tôi và anh Lộ đến. Anh Lộ cũng hỏi:

- Em coi lại coi vấn đề đi đứng ra làm sao?

Sau khi bấm độn một hồi em này trả lời: - Anh mới đi an toàn trên sông thôi chớ

không an toàn trên biển. Nhưng anh đi

về đi người ta lại hủy chuyến đi rồi. Tôi và anh Lộ cũng ngạc nhiên vì em Chương mới nói chiều nay đi mà. Nhưng khi tụi tôi đi về thì em Chương lại hủy chuyến đi thật. Đến lần thứ ba thì em này sau khi bấm độn và nói với anh Lộ:

- Anh đi được rồi đó. Anh đi nhớ viết thơ về. Khi cực khổ anh là người cực khổ nhất nhưng khi huy hoàng anh lại là người huy hoàng nhất.

Đúng ngày đi xuống ghe lại là ngày tôi phải đi đá banh cho đội bóng tròn Ký Giả.

Tháng trước đội Ký Giả đi xuống đá giao hữu với đội lão tướng Bến Tre không có tôi vì tôi bận đi đá cho báo Tin Sáng. Đội bóng Ký Giả thua 0/3 nên lần này đội bóng Ký Giả tin tưởng vào tôi để rửa hận cho trận thua tháng trước. Thật sự, trong đội bóng Ký Giả chỉ có tôi là đá trung phong tương đối. Đa số các anh em ký giả đều đá banh ít chuyên nghiệp như tôi. Dù phải đi xuống ghe vượt biên chiều hôm nay nhưng tôi phải đi xuống Bến Tre đá cho đội bóng Ký Giả nếu không sẽ lộ chuyện tôi đi vượt biên. Kết quả đội Ký Giả thắng đội lão tướng Bến Tre 3/0. Mình tôi đá lọt 3 trái phục thù cho đội Ký Giả. Các anh em ký giả hoan nghênh tôi nhiệt liệt nhưng tâm trạng tôi lo lắng vì nghĩ đến cuộc vượt biên tối nay.Thật sự từ Bến Tre về Sài Gòn cũng không xa nên tôi cũng an tâm. Khi xe đi qua phà, thấy sóng gió đánh dữ quá, anh Cường thủ quân có nói:

- Sóng gió như vầy mà em nào đi vượt biên là tới số.

Sau câu nói của anh Cường làm tôi lo lắng không yên vì tối nay tôi xuống ghe đi vượt

biên.Vừa về đến nhà, tôi vội vã đi xuống ghe theo dự định.

Theo kế hoạch, chúng tôi là những thanh niên xung phong được lệnh đi trồng đước ở Huyện Duyên Hải. Chúng tôi hát cười vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Thế là ghe chúng tôi di chuyển ra cửa biển. Theo dự kiến, chúng tôi vượt biên bằng hai ghe, ghe đầu tiên gồm toàn thanh niên có súng ống, la bàn đầy đủ. Ghe thứ hai gồm nhiều gia đình và trẻ nhỏ. Ghe đầu tiên sẽ dẫn đầu và bảo vệ chiếc ghe thứ hai. Ghe thứ hai sẽ đón nhận các bà mẹ và con trẻ từ những taxi đưa ra. Đang lúc ngồi để chờ taxi đưa ra ghe lớn, bỗng nhiên thằng Nhân con anh Lộ hỏi thằng Tuấn con tôi:

- Tuấn mày có biết đi đâu không? Thằng Tuấn con tôi tỉnh bơ trả lời:

- Đi về Long An chớ đi đâu.

Sở dĩ thằng Tuấn trả lời như thế vì vợ tôi đã bảo với thằng Tuấn đi về quê ngoại ở dưới Long An. Tuy nhiên, thằng Nhân trả lời:

- Không phải đâu đi Mỹ đó mày.

Bác Đạo gái giật mình bịt miệng thằng Nhân lại và nói:

- Giê Su Maria lạy Chúa tôi, ai nói cho nó biết vậy?

Chuyện em Nhân con anh Lộ không biết mang đi hay để lại. Anh Lộ liền hỏi bác Hải mang cháu đi hay để lại. Bác Hải khoái thác nói:

- Chuyện đưa thằng Nhân đi là chuyện của tụi bay sao lại hỏi tao.

Anh chị Lộ cũng chẳng biết làm sao nên cuối cùng kêu cháu Nhân ra và nói thật:

- Nhân, con quỳ xuống đây và cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho con. Một là con đi Mỹ với Bố hai là con ở nhà với mẹ. Đi Mỹ với bố có thể là con sẽ sống sung sướng hay con có thể chết trong biển cả. Nếu không đi, con ở nhà với mẹ sẽ an toàn hơn. Con cầu nguyện đi để xin Chúa soi sáng cho con. Sau khi cầu nguyện xong, thằng Nhân trả lời:

- Con đi Mỹ với Bố.

Vì thế nên mới có câu chuyện thằng Nhân biết rằng nó sẽ đi Mỹ.

Em Chương rất thương các anh em Hướng Đạo. Trước khi đi có đến hỏi Ty là phụ tá đoàn Bạch Đằng ngày xưa có muốn đi không? Em Chương có đến rủ anh Thoại, đàn anh Hướng Đạo chúng tôi hiện là trung úy hải quân có muốn đi không. Thế là anh Thoại xách cái túi nhỏ xíu đi vượt biên luôn. Cũng nhờ có anh Thoại nên ghe chúng tôi mới biết đường đi ra cửa biển. Sang ngày thứ hai chúng tôi vẫn song hành trên biển cả. Trước khi đi vượt biên, chúng tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần ra tới hải phận quốc tế, các tàu của các nước tự do sẽ đón chúng tôi như những anh hùng. Thực tế không phải như vậy, chúng tôi đã gặp 27 chiếc tàu nhưng không có chiếc nào vớt cả. Đến đêm thứ hai, bộ điện đàm của hai ghe mất liên lại. Sáng ngày thứ ba chúng tôi mất liên lạc. Tinh thần anh chị em trên ghe rất lo lắng và hoang mang. Biết làm sao bây giờ. Đi về thì không được. Buộc lòng chúng tôi phải đi theo hướng vô định vì la bàn và hải đồ không có. Ghe chúng tôi có 5 tài công nhưng chỉ lái sông chớ chưa đi biển làm tôi cũng lo sợ.

CUỘC VƯỢT BIÊN (tiếp theo)

Sóng gió bắt đầu nổi lên vì chúng tôi đi vào tháng bảy. Thế rồi em Sơn mang một cái thau thật to để ở giữa ghe để ai ói thi ói ra đó. Cái thau chứa đầy thức ăn cộng với giun sán trông thật ghê tởm. Nước uống bắt đầu cạn dần, mỗi khi thấy có đám mây là ghe chúng tôi đi vào để lấy nước uống. Tôi đứng trên ghe dùng cái nắp can hứng nước rồi đưa cho cháu Nhân uống trước rồi tới cháu Tuấn con tôi, rồi tới vợ tôi và anh Lộ. Cháu Nhân con anh Lộ, khát nước quá nên trong lúc mê sảng nói với anh Lộ:

- Bố ơi bố khi nào tới Mỹ bố nhớ mua cô ca rồi bố đập đá nhỏ cho vào ly để con uống nghe bố.

Nghe cháu Nhân nói chúng tôi thật đau lòng. Ghe chúng tôi tiếp tục đi vô định như thế cho đến ngày thứ ba. Đêm hôm đó em Công bực mình chuyện gì đó nên không thèm lái ghe, chuyền tay lái cho anh Ba Giàu. Anh ba Giàu lớn tuổi nên lái ghe

chẩm chậm và ghe chúng tôi gặp rặng đá ngầm. May mà anh ba Giàu lái ghe chậm chớ nếu để em Công lái nhanh là ghe đã mắc vào rặng đá ngầm rồi. Anh ba Giàu lái ghe một lúc thật lâu để tránh rặng đá ngầm. Chúng tôi thoát nạn một cách tài tình. Nếu để em Công lái ghe nhanh chắc sẽ mắc cạn trong rặng đá ngầm không biết bây giờ chúng tôi sẽ ra sao? Sóng gió tiếp tục nổi lên, tôi bế cháu Thao con tôi mới được hơn 6 tháng nên cháu đi tướt trên người tôi mỗi ngày mấy chục lần. Đến đêm thứ tư chúng tôi thấy một chiếc tàu lớn càng ngày càng to dần. Anh Kiệt mừng quá la lên:

- Anh Thắng ơi gặp tàu quốc tế rước mình rồi.

Tôi nghe như thế vội vàng đứng lên không ngờ bị phỏng ở lưng vì đụng phải cái bô của máy. Tôi ngó ra thấy chiếc tàu càng ngày càng to dần. Chúng tôi rượt theo chiếc tàu đó từ 2 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Khi đến gần chúng tôi vô cùng thất vọng vì đó là chiếc tàu của Liên Sô. Chúng tôi muốn kêu họ giúp nhưng họ từ chối. Hai

người Liên Sô cứ dùng con dao và sợi chỉ cắt đôi ra nhiều lần ngụ ý rằng: Họ không còn liên lạc với chúng tôi. Anh Kiệt thấy thế hỏi tôi:

- Họ không vớt mình tính sao anh Thắng?

Tôi buồn bã trả lời:

- Họ không vớt mình coi như mình chưa

gặp họ đi anh Kiệt.

Thế rồi ghe chúng tôi tiếp tục di chuyển trong cơn bão tố. Bác Đạo, cô Sâm và tôi tiếp tục lần hạt vì chúng tôi đạo Công Giáo. Còn em Hiếu theo đạo Phật thì than thở rằng:

- Lạy Trời lạy Phật cho con tới đảo nào con chết cũng được chớ con chết ở dưới biển lạnh lẽo lắm Trời Phật ơi.

Trước khi đi vượt biên tôi đi làm thủy lợi có nghe anh em nói;

- Anh em nào đi vượt biên tới đảo nào mà sáng ra nghe tiếng rao: Ai bánh mì nóng giòn đây hay ai bánh tiêu dầu cháo quẩy đây là tiêu đời liền.

Ý nói là đến đảo thuộc về Việt Nam. Vài đêm sau đó tôi có nằm mơ ghe chúng tôi

lạc vào đảo nhưng không phải đảo Việt Nam. Hóa ra chúng tôi lạc vào một hòn đảo nhỏ Nansa của Đài Loan thuộc về quần đảo Trường Sa. Đó là đêm ngày thứ bảy tức ngày thứ năm khi chúng tôi vượt biên. Chúng tôi neo ghe ở gần đảo, không dám tiến vào đảo vì sợ họ tưởng mình tấn công đảo. Tôi vội vàng dùng đèn pin đánh tín hiệu SOS cấp cứu vào đảo. Đây là tín hiệu tôi học được khi đi Hướng Đạo. Đến buổi sáng chúng tôi thấy họ đưa một chiếc ghe ra xem ghe chúng tôi làm sao. Sóng gió to quá nên chiếc ghe đó đến gần ghe chúng tôi lại đụng chiếc ghe của chúng tôi bể một miếng. Đúng lúc đó anh Lộ nhảy xuống bơi vào đảo. Bơi được nửa đường anh Lộ mệt quá cầu cứu trên ghe:

- Anh mệt quá, có ai xuống tiếp anh đi. Em Công còn trẻ và bơi giỏi nhảy xuống giúp anh Lộ bơi vào đảo. Khi vào tới đảo, cũng may ngày xưa anh Lộ là Đại Úy công binh nên có nhiều người lính Tàu trong đại đội nên anh biết nói vài câu tiếng Tàu để vị Trung Tá hiểu. Sau đó, vị trung tá kêu người lính gọi vị trung úy bác sĩ biết nói

tiếng Anh ra nói chuyện với anh Lộ. Anh Lô trình bày với vị trung úy bác sĩ người Đài Loan:

- Chúng tôi là những người tị nạn Việt Nam, xin các ông giúp đỡ chúng tôi.

Vị trung úy trả lời:

- Chúng tôi hiểu hoàn cảnh của các ông

nhưng đảo chúng tôi rất nhỏ không thể

chứa chấp các ông được.

Anh Lộ trả lời tiếp:

- Với tư cách là sĩ quan VNCH chúng

tôi hứa với quí vị khi nào quí vị sửa

xong ghe, chúng tôi sẽ đi.

Đúng lúc đó, sóng gió nổi lên to quá. Vị trung tá chỉ huy trưởng dùng tay vẫy cho chúng tôi mang chiếc ghe vô đảo. Thế là anh em thanh niên nhảy xuống kéo chiếc ghe vào đảo. Đoàn người trên ghe chúng tôi mừng quá, ít nhất mình cũng được cứu sống trong một thời gian. Chúng tôi bước xuống ghe trông thật thê thảm, ai cũng say sóng, ốm o gầy yếu không thể tưởng tượng được. Các binh sĩ Đài Loan vội vàng dựng lên một chiếc lều thật to để chúng tôi tạm che mưa che nắng. Sau đó, họ dùng nồi

nấu phở với thịt hộp cho chúng tôi ăn. Chúng tôi ăn thật ngon lành, riêng tôi ăn tới 10 chén. Ăn xong, họ cho chúng tôi vào chiếc lều họ mới dựng xong để ngủ. Họ thật chu đáo, phát mền cho chúng tôi. Đến đêm vô tình tôi mở mắt, tôi thấy binh sĩ Đài Loan nhìn thấy ai bị mền tung ra ngoài, vị binh sĩ chạy lại đắp lên mình chúng tôi. Nhìn cảnh tượng đó tôi thật cảm động và biết ơn họ đã chăm sóc chu đáo cho đoàn người chúng tôi.

Sáng hôm sau, vị bác sĩ đến khám bệnh và cho thuốc đối với đoàn người chúng tôi. Phải công nhận họ thật chu đáo. Sau khi khám bệnh, họ bắt đầu mang thức ăn hộp đến cho chúng tôi. Họ cho nhiều quá, chất đầy cả bàn bi da. Anh em thanh niên chúng tôi, ai cũng bị cả trăm cái gai nhỏ dưới bàn chân thật đau. Ai cũng ngồi khều gai ra. Thằng Tuấn con tôi bị say đất liền một ngày té cả trăm lần. Ai cũng buồn cười. Tuy một đảo nhỏ nhưng ghe chúng tôi cần những gì họ đều có đủ để cung cấp cho chúng tôi. Chúng tôi sửa lại chiếc ghe thật hoàn hảo. Đóng thêm mui để che nắng

mưa nữa. Sau khi sửa ghe cho chúng tôi vài ngày. Chúng tôi phải lên đường như lời hứa của anh Lộ. Ngày chia tay thật ngậm ngùi và buồn tẻ. Chúng tôi ghi ơn sự giúp đỡ tận tình của họ. Còn những binh sĩ Đài Loan cũng thương hại cho số phận ngậm ngùi của chúng tôi rồi không biết tương lai sẽ ra sao? Trước khi đi, vị trung tá dặn chúng tôi nhiều lần phải đi hướng 220 độ trong vòng nửa ngày để tránh đảo của VN gần đó, sau đó mới đi hướng 90 độ để đi tới Nam Dương hay Palawan tùy ý chúng tôi. Vị trung tá khuyên chúng tôi nên đi tới Nam Dương vì ở Palawan không có người. Thế rồi chúng tôi chia tay với các binh sĩ Đài Loan ở đảo Nan Sa. Chúng tôi buồn vô tả vì phải đi tiếp và không biết tương lai mình sẽ ra sao! Còn các binh sĩ Đài Loan cũng thế, họ rơm rớm nước mắt vì không biết ghe chúng tôi sẽ đi đâu rồi sẽ như thế nào? Cuối cùng chúng tôi phải rời đảo. Chúng tôi quyết định đi đến Palawan cho gần vì chúng tôi cũng sợ đi biển rồi. Bây giờ chúng tôi đi ghe rất vui vẻ vì không phải trốn chui trốn nhủi như trước. Chúng

tôi như đi du lịch vì sóng biển khá êm và thức ăn đầy đủ. Chúng tôi ngắm dẫy Palawan thật hùng vĩ nằm trên biển cả. Hàng đàn cá phóng lên trên biển thật đẹp. Chúng tôi ăn uống nói chuyện vui vẻ như đang du ngoạn trên biển cả êm đềm. Sau hai ngày chúng tôi ăn uống quá độ nên thiếu nước uống. Ghe chúng tôi thấy cần phải vào khe suối lấy thêm nước. Nhìn ở xa, chúng tôi nghĩ chỉ cần tới gần lấy sô ghé vào lấy nước là được, nhưng khi đến gần mới thấy dòng nước như cái thác thật lớn. Chúng tôi nghĩ sẽ phải cắt máu thử xem nước có độc không? Nhưng khi đến gần thác các em nhỏ đã bơi vào uống nước thật ngon và ngọt. Thế là chúng tôi thay toàn bộ nước trên ghe vì nước này không bằng nước trên thác rất trong và ngọt. Thay nước xong, ghe chúng tôi tiếp tục đi dọc theo dẫy Palawan thật đẹp. Có lẽ trong cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy được cảnh đẹp của biển cả như thế. Đi thêm một ngày nữa, đến đêm thấy một vùng sáng trên đảo anh Giàu đề nghị chúng tôi cứ đâm ghe

vào đảo chắc họ sẽ đến cứu chúng ta. Tôi vội ngăn anh Giàu lại và nói:

- Mình cứ neo ở đây chờ hết đêm xem sao anh Giàu. Mình đâu có gì gấp gáp đâu.

Thế là anh Giàu nghe lời tôi neo ghe lại một đêm. Quả thật sáng hôm sau chúng tôi không thấy ai cả. Thế rồi chúng tôi tiếp tục đi thêm hai ngày nữa. Đến đêm, chúng tôi gặp chiếc tàu Panama của Hòa Lan có lẽ họ đang tìm dầu ở đây. Một vị trên tàu Hòa Lan biết chúng tôi đi vượt biên nên đã cho chúng tôi thực phẩm như gà tây, bia, thuốc lá....Đồng thời, chỉ hướng chúng tôi đi vào đảo Liminangcong gần đó. Thế là chúng tôi luộc gà tây và khui bia ăn mừng vì sắp đến đảo của Philippines. Chưa bao giờ chúng tôi uống bia và ăn gà tây ngon đến như thế. Sau khi ăn xong, ghe chúng tôi đi tiếp theo hướng chỉ của vị trên tàu Hòa Lan. Ghe đi qua một cái vịnh nước thật trong và thật êm với rất nhiều cá mập. Có lẽ trong cuộc đời tôi không bao giờ được gặp một vịnh êm đềm nhiều cá mập và đẹp như thế. Đi qua vịnh này ghe chúng

tôi gặp một chiếc ghe của Philippines. Sau khi nói chuyện, anh Lộ bảo với chúng tôi:

- Mấy người lính Phi này họ muốn chúng ta cho họ ít vàng họ sẽ dẫn chúng ta vào cái đảo gần đây.

Thế là chúng tôi gom góp một số vàng cho họ để họ dẫn chúng tôi vào đảo Liminangcong. Chúng tôi đến đảo Liminangcong ngày 14 tháng 7 năm 1979. Cảm tạ hồng ân Chúa ban cho ghe chúng tôi đi vượt biên đến nơi an toàn, tôi đã sáng tác bản nhạc “Chúa Thật Kỳ Diệu” Cuộc đời con Chúa đã làm nên bao việc lạ lùng. Giữa lúc thuyền con trôi dạt biết đi về đâu. Trong giây phút bão bùng đêm tối âm u tối đen mịt mờ. Chúa đã dẫn đưa thuyền con qua khỏi cơn giông tố. Cuộc đời con Chúa đã làm nên bao việc diệu kỳ. Giữa lúc đời con phiêu dạt biết đi về đâu. Trong cơn lốc cuộc đời tương lai tối đen mịt mờ. Chúa nâng đỡ ủi an con thoát qua cơn hiểm nghèo. Chúa ơi! Tình Chúa thương con vô bờ vô bến. Biết bao khó khăn trong cuộc đời con. Chúa đã thương tình giúp con vượt qua. Chúa ơi! Tình

Chúa thương con con nào có biết. Biết bao khổ đau trong cuộc đời con. Chúa đã ủi an giúp con an bình.

Đặng Thắng

Read More